<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi -</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left">
<span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="font-family: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:</span></b></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center">
<font size="2" color="#0000FF"><b><span style="font-family: Arial">Thanh niên ra
sức học tập và làm theo lời Bác</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center"> </p>
<div style="float: right; width: 100px; height: 21px">
<table border="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="tu%20soi%20minh%20vao%20nhung%20cau%20chuyen%20Bac%20Ho.bmp" width="200" height="150"></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Ủy viên
Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư T.Ư Đảng Trương Tấn Sang tiếp nhận
ngọn đuốc từ tuổi trẻ cả nước
trong </font></i>
<span style="font-family: Arial; font-style:italic">
<font size="2" color="#808080">cuộc vận động “Tuổi trẻ
Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”</font></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu
tượng kiệt xuất về quyết tâm cách mạng của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời
mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và
tiến bộ xã hội. Những tư tưởng của Người là hiện thân khát vọng của các dân tộc
bị áp bức, nô lệ trong việc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng con
người. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ ra rằng "Tư tưởng chủ tịch Hồ Chí
Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản
tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta". Và trong đó, tư tưởng của Bác về "Đạo
Đức cách mạng " là tiêu biểu nhất.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Ngay từ khi nước nhà thành lập
không bao lâu trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (1947), Bác đã căn dặn: "Cũng
như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc,
không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì
dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Đây là một vấn đề cốt lõi tạo
nên sự tin yêu đồng lòng và ủng hộ của nhân dân ta với Đảng. Biết được tầm quan
trọng của vấn đề này cho nên ngay cả trong di chúc Bác cũng dặn dò mọi người "Đảng
ta là một Đảng cầm quyền - Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo
đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng
thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung
thành của nhân dân".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Quả thật như Bác nói đạo đức là
một đức tính rất quan trọng cần phải có ở bất cứ một con người nào. Và đối với
người cán bộ cách mạng thì đức tính này lại càng không thể thiếu. Một người cán
bộ cách mạng dù là rất tài giỏi nhưng không có đạo đức cách mạng thì con người
đó cũng khó mà có thể lãnh đạo mọi người, làm cho mọi người tin yêu và cảm phục
mình được. Không chỉ vậy, một người tài giỏi nhưng lại không có đạo đức lãnh đạo
tập thể là một điều vô cùng nguy hiểm. Với quyền lực cộng với năng lực bản thân
người đó dễ dàng thực hiện những hành vi mờ ám thu lợi vun vén cho bản thân đồng
thời có những hành động phá hoại tập thể, phá hoại những thành quả cách mạng mà
nhân dân ta đã phải đổ bao nhiêu công sức mới có thể tạo dựng nên. Càng nguy
hiểm hơn khi trong tổ chức cách mạng lại có những con người vừa không có tài lại
không có đức lãnh đạo. Vì vậy vấn đề đạo đức là vấn đề rất quan trọng trong việc
trọng dụng, phát triển và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thay thế sau này.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Rõ ràng đạo đức cách mạng là một
đức tính mà con người chúng ta phải rèn luyện mới có được. Trong bài "Đạo đức
cách mạng" Bác viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do
đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc
càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Như vậy đạo đức cách mạng là
phẩm chất mà người cách mạng cần phải trau dồi và rèn luyện. Bác đã từng dạy "Trong
giáo dục, không phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng, có tài
phải có đức, có tài không có đức, tham ô, hủ hoá có hại cho nước". Ngày nay
trong thời đại kinh tế thị trường có nhiều luồng văn hoá độc hại du nhập vào
nước ta, nó làm tha hoá đạo đức lối sống của nhiều bộ phận nhân dân ta. Trong đó
thanh niên là lớp người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện nay có một bộ phận không
nhỏ thanh niên bị lối sống ngoại nhập tha hoá khiến cho họ thực hiện những hành
vi tội lỗi, lối sống băng hoại, mối quan hệ gia đình bạn bè bị đảo lộn. Vì vậy
trong cuộc sống hiện nay thanh niên chúng ta cần phải tỉnh táo nhận thức đúng
đắn đâu là cái tốt đâu là cái xấu để từ đó có phương hướng hành động cho mình.
Đồng thời việc rèn luyện, củng cố và phát triển đạo đức cách mạng phải là một
việc làm thường xuyên. Có như vậy thanh niên ta mới đủ bản lĩnh để vượt qua
những cạm bẫy của cuộc sống phấn đấu trở thành người công dân tốt .Và đối với
thanh niên, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải được thực hiện trong mọi hoạt
động thực tiễn của bản thân, trong việc riêng cũng như việc công, trong sinh
hoạt học tập, lao động cũng như trong chiến đấu, trong mọi mối quan hệ từ trong
gia đình đến nhà trường, xã hội; từ quan hệ đồng chí anh em; đối với Tổ quốc,
tập thể, với cấp trên, cấp dưới, với Đảng, đoàn thể, nhà nước, với nhân dân,
trong các quan hệ quốc tế…</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong xã hội phát triển ngày
nay, đối diện với nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống chúng ta càng thấm nhuần
lời dạy của Bác, phải trau đồi đạo đức của người cách mạng, Phải thật thà, ngay
thẳng, phải chí công vô tư và coi "tham ô, lãng phí" tài sản của Nhà nước, của
tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ
bỏ".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Khi nói về phẩm chất của người
cách mạng Bác đã tổng kết trong 5 điều: "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm". Và trong
5 điều trên thì rõ ràng "nhân" là phẩm chất cần có đầu tiên của tất cả mỗi chúng
ta. Nhân là: "Thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đống chí, đồng bào, vì thế
mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến dân, vì thế
mà chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, vì thế mà không
ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền. Những người đã không ham,
không e, không sợ thì việc gì là phải họ đều làm được...". Như vậy chữ Nhân mà
Bác dạy quả thật có nội dung rộng lớn có tính giai cấp, tính nhân dân sâu sắc mà
thanh niên chúng ta phải tích cực phấn đấu rèn luyện mới có thể xứng đáng được.
</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong cuộc sống hiện nay chúng
ta tham gia rất nhiều hoạt động vì vậy không thể tránh được sai lầm, khuyết điểm.
Song như Bác đã dạy: "Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ sai lầm mà không quyết
tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình
và thật thà tự phê bình". Bác phê phán những kẻ: "Tự cho mình cái gì cũng giỏi,
xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng".
Những kẻ đó đã "mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin,
không phục, càng không yêu họ. Chung qui là họ không làm nên trò trống gì cả”.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Vì vậy tất cả thanh niên chúng
ta dù ở bất cứ cương vị trọng trách nào cũng phải thấm nhuần lời dạy của Bác,
phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày
càng giàu đẹp.</font></span></p>
<p align="right"><span style="font-family: Arial"><font size="2"><b>PHAN VĂN
HỒNG THẮNG - (sinh viên)</b></font></span></p>
</body>
</html>