<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hồ Chí Minh - biểu tượng toàn vẹ</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: left; margin-bottom: 0">
<span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="FONT-FAMILY: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:</span></b></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: left; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin-bottom: 0"><b>
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; color: blue">Hồ Chí Minh -
biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng</span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin-bottom: 0"> </p>
<div style="float: right; width: 108px; height: 21px">
<table border="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="doan%20phai%20tranh%20benh%20hinh%20thuc.bmp" width="203" height="139"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng -
một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Hồ Chí
Minh vừa là một nhà đạo đức học vừa là biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh là hình ảnh sống của một lãnh tụ nhân dân, được nhân dân tin yêu và
coi như ngọn cờ của toàn dân tộc, nhưng rất gần gũi với nhân dân, không tự cho
phép mình đứng trên nhân dân và đòi hỏi cho mình bất cứ một ngoại lệ nào có tính
đặc quyền, đặc lợi. Ở Người tỏa ra hào quang của một cuộc đời cao thượng, một
tâm hồn trong sáng xưa nay hiếm".</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh
tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức không chỉ
thể hiện trong các bài nói, viết của Người về đạo đức mà còn thể hiện trong hoạt
động thực tiễn. Phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp trí
thông minh, óc sáng suốt với lòng nhân đức, nghị lực kiên cường và đức tính
khiêm tốn hiếm có, là hiện thân của những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc.
Người căn dặn cán bộ, đảng viên: "Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không
có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách
mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo
được nhân dân”.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">"Tư cách người cách mạng" là
vấn đề được Hồ Chí Minh đề cập đầu tiên khi Người viết tác phẩm "Đường kách mệnh"
(1927) nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, giáo dục, đào tạo những
lớp cán bộ cách mạng đầu tiên của Đảng, của dân tộc. Trong tư tưởng của Người,
đạo đức cách mạng biểu hiện ở những giá trị cốt lõi: trung với nước, hiếu với
dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần
quốc tế trong sáng. Với Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là là phẩm chất quan
trọng nhất, là nền tảng của người chiến sĩ cách mạng; là linh hồn của một con
người, một xã hội, một chế độ; là giá trị tinh thần có ý nghĩa như một sức mạnh
vật chất to lớn giúp cho người cách mạng vượt qua mọi thử thách để thực hiện lý
tưởng, mục tiêu của mình. Bác chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời
đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên,
lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì
Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Mặt khác, đạo
đức cách mạng phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, đấu tranh phê bình và tự
phê bình, ăn ở với nhau có tình có nghĩa, phải tẩy trừ những thói xấu: tệ lãng
phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Vấn đề đạo đức cách mạng được
Hồ Chí Minh xem xét một cách toàn diện, cụ thể và sâu sắc với mọi đối tượng,
trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong các mối quan hệ của con người, từ đó, Người
khái quát thành những chuẩn mực giá trị chung nhất, cơ bản nhất mang tính phổ
quát của nền đạo đức cách mạng Việt Nam. Những vấn đề đạo đức cách mạng mà Người
đặt ra đối với cán bộ, đảng viên chính là nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của
Đảng, đồng thời để ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa, tiêu cực như
quan liêu, tham nhũng, cậy quyền, cậy thế, lợi dụng quyền lực, tham quyền cố vị...
Người nhấn mạnh: Đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có. Nó do rèn luyện,
giáo dục hằng ngày của mỗi người, từng tổ chức mà hình thành, phát triển. Cũng
như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Bởi vậy, để có đạo
đức cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi người, trên cương vị công
tác của mình phải thể hiện trong thực tiễn phong trào cách mạng bằng nhận thức
và những việc làm cụ thể. Xa rời thực tiễn, tách mình khỏi phong trào đấu tranh
cách mạng của đất nước, dân tộc thì không thể có đạo đức cách mạng.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về
đạo đức của người cách mạng, sự thống nhất giữa đức và tài là một vấn đề có
tính nguyên tắc. Người khẳng định đức là "gốc" không có nghĩa là tuyệt đối hoá
mặt đức, coi nhẹ mặt tài mà giữa chúng luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ,
thống nhất với nhau cả trong nhận thức và hành động thực tiễn. Đức phải gắn với
tài và tài phải có đức đảm bảo. </span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Bên cạnh đó, Người luôn quan
tâm đến việc "xây" phải đi đôi với "chống", nâng cao đạo đức cách mạng phải đi
đôi với quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ của
những tư tưởng không đúng, là kẻ thù nguy hiểm nhất của người cách mạng. Muốn
trở thành người cách mạng chân chính không thể không loại trừ chủ nghĩa cá nhân.
"Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan
tâm đến lợi ích của tập thể. Nó là mẹ đẻ ra tất ca mọi tính hư, nét xấu như lười
biếng, so bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô v.v… Nó là kẻ thù
hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Một xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh phải do những con người đạo đức xây dựng. Không tạo ra được một xã hội
lành mạnh về đạo đức, lối sống thì xã hội sẽ mất động lực phát triển. Không xây
dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức thực sự mẫu mực, thực
sự là tấm gương sáng dẫn dắt đạo đức xã hội, để cho tình trạng suy thoái về đạo
đức, lối sống, tâm lý sùng ngoại, chạy theo lợi ích cá nhân... diễn ra, thì
chúng ta không thể vững vàng hội nhập với thế giới, và đó là nguy cơ đe doạ đến
sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ
nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ,
công chức diễn ra nghiêm trọng...”. Đại hội đòi hỏi chúng ta: “Trong những năm
tới phải dành nhiều công sức, tạo được chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng”.
Chúng ta cần thấy rõ rằng, trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Chủ tịch
Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ
nguyên giá trị và tính thời sự.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Chủ tịch Hồ Chí Minh là người
Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức và khí phách của dân tộc ta,
Đảng ta. Người không chỉ để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một sự nghiệp vĩ đại mà
còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một di sản tinh thần vô giá, đó là
tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giáo dục đạo đức, xây dựng
lối sống tốt đẹp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu cấp bách hiện
nay, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Chính vì lẽ đó, cuộc vận động "Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có ý nghĩa to lớn đối với vận mệnh của
cách mạng nước ta. Việc học tập và làm theo đạo đức, tấm gương Hồ Chí Minh là
trách nhiệm và tình cảm của tất cả mọi người, của mọi cán bộ, đảng viên. Tuy
nhiên, giáo dục học tập về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải đi
đến thức tỉnh được lương tâm của mỗi con người, làm cho mỗi người tự mình hình
thành được trong mình một “tòa án lương tâm” đủ sức phán xét thật nghiêm khắc về
đạo đức làm người của chính mình; phải tu dưỡng suốt đời, phải nêu gương về đạo
đức, trở thành tấm gương sáng để quần chúng noi theo, để quần chúng tin yêu, mến
phục. Và thiết nghĩ, có làm được như vậy thì cuộc vận động “Học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mới có thể đạt được hiệu quả thiết thực.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial"><b>LÊ HOÀNG VIỆT LÂM - (Sinh
viên)</b></span></p>
</body>
</html>