<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi -</title>
</head>
<body>
<p align="left"><b><font face="Arial" size="2">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi -
Phần tự luận:</font></b></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Học đạo đức
Cách mạng của Bác là phải học "nói" đi đôi với "làm"</b></font></p>
<div style="float: right; width: 115px; height: 21px">
<table border="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nhung%20mau%20chuyen%20ve%20Bac%20Ho%20voi%20phu%20nu.jpg" width="270" height="186"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Con người sinh ra và lớn lên ở
trên đời muốn sống và sống hạnh phúc cần phải ăn, mặc, ở, phải tạo ra cho mình
những của cải, vật chất ngày càng cao. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chưa đủ tư
cách làm người. Bởi vì, sự khác biệt giữa con người với loài vật chủ yếu là ở
chỗ con người biết sống có ý thức. Nghĩa là con người biết dung hòa các mối quan
hệ giữa con người với xã hội và giữa con người với nhau bằng hệ thống các quy
tắc, chuẩn mực mà chúng ta gọi là đạo đức.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đạo đức có vai trò to lớn trong
xã hội. Một xã hội trong đó các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng, luôn được củng
cố, phát triển thì xã hội đó có thể phát triển bền vững và ngược lại xã hội mà
các chuẩn mực đạo đức bị xem nhẹ thì dễ xảy ra mất ổn định thậm chí còn có thể
dẫn đến đổ vỡ nhiều mặt trong đời sống xã hội. Thế nhưng một thực tế đáng buồn
hiện nay là còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những người đang thực
thi nhiệm vụ xây dựng “xã hội văn minh, tiến bộ – xã hội chủ nghĩa” lại suy
thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống. Trước thực trạng đó buộc chúng ta phải đặt
ra câu hỏi “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn liệu
có thành công?”. Hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta mới thấm thía và cảm nhận
nguyên vẹn giá trị lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách
mạng đối với người cán bộ, đảng viên: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước,
không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người
cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh
đạo được nhân dân”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đứng trước xu thế hội nhập, mở ra
cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, dưới tác động
của kinh tế thị trường làm cho sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội diễn ra một
cách mạnh mẽ, khi kinh tế xã hội phát triển kéo theo nhiều tệ nạn xã hội phát
sinh, cạm bẫy luôn rình rập chúng ta từng ngày từng giờ, nhất là đối với người
cán bộ có chức có quyền thì ranh giới giữ cho mình phẩm chất người cộng sản và
người vi phạm đạo đức cách mạng trở nên rất mong manh. Vì vậy hơn ai hết người
cán bộ đảng viên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng – mà bài học sống động
nhất là tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đối với cán bộ, đảng viên, Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng điều chủ chốt nhất của đạo cách mạng là “Trung với
nước, hiếu với dân”. Tư tưởng “trung với nước” là trung thành với lý tưởng cách
mạng của Đảng, với sự nghiệp dựng nước và giữ nước nhưng nước ở đây là nước của
nhân dân, do nhân dân làm chủ. Vì vậy “trung với nước” luôn phải gắn với tư
tưởng “hiếu với dân”. Tuy nhiên “hiếu với dân” không còn dừng lại ở chỗ thương
dân mà còn phải hết lòng phục vụ nhân dân. Người luôn dạy chúng ta hai chữ “vì
dân”, Người nói chúng ta “đều là đầy tớ của dân, nghĩa là phải dùng tài năng,
trí tuệ để gánh việc chung cho dân”. Vì vậy chúng ta phải đi sát với nhân dân,
dựa vào nhân dân, gắn bó với dân như cá với nước, lắng nghe tâm tư nguyện vọng
của nhân dân để nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, không ngừng cải thiện dân
sinh, nâng cao dân trí, để làm cho “dân giàu” thì nước mới mạnh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Học đạo đức cách mạng của Bác
là chúng ta phải phấn đấu rèn luyện, xây dựng cho mình tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói tóm tắt “là phải đặt lợi ích của cả nước lên trên
lợi ích của bản thân. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng cá nhân chủ nghĩa
chống đối nhau”. Vì vậy mỗi người muốn hình thành tư tưởng xã hội chủ nghĩa đúng
đắn phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” quét sạch tư tưởng cái gì cũng chỉ biết
cho mình, gia đình mình, quét sạch tư tưởng chỉ muốn “mọi người vì mình”, phải
xây dựng tư tưởng “mình vì mọi người” thì mới có thể góp phần xứng đáng vào việc
xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu không xóa bỏ được tư tưởng chủ nghĩa cá nhân
chúng ta chỉ biết có bản thân mình là trên hết, việc hy sinh cho người khác, cho
tổ chức chúng ta sẽ xem đó là việc làm vô nghĩa thậm chí là ngu xuẩn thì dù tài
giỏi đến đâu chúng ta cũng chẳng giúp ích được gì cho xã hội, chúng ta sẽ bằng
mọi cách đạt được mục đích có lợi cho bản thân, dễ dàng xô ngã ta trước những vẻ
hào nhoáng của những cám dỗ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Học đạo đức cách mạng của Bác
chúng ta còn phải xây dựng tinh thần đoàn kết “đoàn kết nội bộ, đoàn kết toàn
dân”, nâng cao ý chí chiến đầu bền bỉ. Bác dạy “đoàn kết là sống, chia rẽ là
chết”, “đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi. Đoàn kết là điểm mẹ, điểm
này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”. Hơn nữa đoàn kết giúp ta vượt
qua mọi khó khăn thử thách, kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã chọn góp phần
đưa Việt Nam vươn ra biển lớn trên đường hội nhập.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Học đạo đức cách mạng của Bác
là chúng ta phải yêu lao động. Bởi vì “lao động là vẻ vang, là sức chính của sự
tiến bộ loài người, là sức mạnh giải phóng dân tộc”, “là nghĩa vụ thiêng liêng,
là nguồn sống nguồn hạnh phúc” của chúng ta, người lao động là người sáng tạo ra
lịch sử. Và hơn bao giờ hết là người đang nhận sứ mệnh cao cả là xây dựng đất
nước đàng hoàn hơn, to đẹp hơn. Bởi thế, người lao động phải biết yêu lao động
không chưa đủ, Bác còn dạy chúng ta lao động sản xuất phải đi đôi với “Cần, Kiệm,
Liêm, Chính”. Bác nói “Bất kỳ ở địa vị nào, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân.
Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt
của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm
như vậy phải “cần, kiệm, liêm, chính”. Bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính không chỉ
là bốn chữ vàng tạo nên giá trị con người như Bác đã khẳng định:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“ Trời có bốn phương: đông, tây,
nam, bắc<br>
Đất có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông<br>
Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính”</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thiếu một phương thì không thành
trời, thiếu một mùa thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người”.
Mà cần, kiệm, liêm, chính cũng là học cách xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa,
chống chủ nghĩa cá nhân – mẹ đẻ của các thói hư tật xấu, mất đoàn kết, kém tinh
thần trách nhiệm, tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa, tham danh trục lợi, tự cao tự
đại, độc đoán chuyên quyền, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Học đạo đức cách mạng của Bác,
người cán bộ đảng viên phải biết “nói đi đôi với làm”, phải biết “phê bình và tự
phê bình”. Có như thế làm cho nhân dân tin tưởng mà không bị lay chuyển trước
bất kỳ cám dỗ nào của các thế lực phản động nào, làm cho tổ chức Đảng luôn trong
sạch, vững mạnh đủ nội lực vượt qua thử thách đưa đất nước tiến xa hơn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thế nhưng chúng ta đau lòng biết
bao khi hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức
lối sống. Họ sống xa dân, lãnh đạm với nhân dân, mắt lấp tai ngơ với tiếng nói
của nhân dân; họ chạy theo lối sống cá nhân ích kỷ. Trong thực hiện tự phê bình
và phê bình, họ chỉ muốn phê bình người khác, họ dùng mọi thủ đoạn chỉ trích tấn
công khuyết điểm để hạ bệ người khác, họ tỏ ra tự cao tự đại phủ nhận lời phê
bình của người khác hoặc có tự phê bình thì cũng không trung thực”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ ngày Đảng ta ra đời đến nay
chúng ta có quyền tự hào rằng Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam. Nhưng trước tình hình đất nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó
khăn hiện nay, tuy gặp rất nhiều thách thức trên bước đường phát triển, nhưng vẻ
vang thay! sung sướng thay! khi chúng ta được học tập tấm gương đạo đức của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa của đạo lý làm người bốn nghìn năm lịch sử của dân
tộc kết hợp với tinh hoa của chủ nghĩa Mác – Lênin ngời sáng trên đất nước ta,
là niềm tự hào của dân tộc ta, của giai cấp vô sản và loài người tiến bộ. Thiết
nghĩ mỗi người cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác , xem
“đạo đức là cái gốc của người làm cách mạng” ví như nguồn của sông, như gốc của
cây. Phải luôn xem đó là trái tim, là khối óc của bản thân, phải chăm sóc và
nuôi dưỡng hằng ngày, hằng giờ như Bác từng dạy “Đạo đức cách mạng không phải
trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và
củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>NGUYỄN PHAN PHƯƠNG HIẾU - (Sinh
viên)</b></font></p>
</body>
</html>