<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hai đứa trẻ quét chợ trước ngưỡn</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hai đứa trẻ quét chợ trước ngưỡng cửa trường đại học</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự kiện hai đứa trẻ
hàng ngày quét chợ, thi đậu vào đại học chẳng mấy chốc làm “nóng” dư luận ở vùng
đất thuộc chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh năm xưa.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="2" cellspacing="2" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="2%20dua%20tre%20quet%20cho.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Hai anh
em Thương, Hiền đang thay cha quét chợ</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Lam lũ quét
chợ thay cha</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi vừa bước
vào chợ nhỏ khối phố 8, thị trấn Đăk Tô (Kon Tum), gặp bà Bạch Thị Cước (77 tuổi)
buôn bán hàng vặt trước cổng chợ, bà hết lời tấm tắc khen hai anh em Lê Văn
Thương và Lê Thị Hiền (cùng học lớp 12 E trường THPT Đăk Tô), học hành chăm chỉ,
công việc nhà giỏi giang siêng năng, cần cù ai có việc gì nhờ hay thuê mướn hai
anh em không nề hà giúp đỡ liền. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà bảo: “Thanh niên
mà ra thay cha quét chợ, không hề tự ti, mặc cảm, làm ai ai trong cái chợ này
cũng mủi lòng và quý mến, thương yêu”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Nguyễn Thị Điệp
buôn bán hàng tạp hóa ở chợ này khi nghe hỏi thăm về hai tân sinh viên, cho biết:
“Cứ độ 5 giờ chiều hàng ngày, lại thấy hai anh em ra quét dọn chợ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong ngoài chợ
sạch sẽ tinh tươm, làm mà không để có lấy một lời kêu ca, chê bai, phàn nàn...
Ai cũng khen về đức độ, ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người và nay cả hai thi đậu
đại học nữa”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Công việc quét chợ
hàng ngày là do người cha Lê Văn Ngọc của hai anh em đảm nhận, để sau mỗi ngày
mỗi người tham gia buôn bán nơi đây nộp cho cha con ông thù lao quá ít ỏi
500đồng/người. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với khoảng 50 người
tham gia buôn bán, số tiền thu được chẳng đáng là bao, ngoài ra hàng tháng cha
con ông còn phải đóng tiền khoán 450 ngàn đồng và 50 ngàn đồng cho tổ dân phố.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chợ rộng, sức yếu
nên ngoài việc học, thời gian còn lại hai anh em lại phụ giúp mẹ nấu rượu, nuôi
heo và cuối giờ chiều lại ra thay cha quét chợ.</font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyện học của
hai anh em quét chợ</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cả hai anh em trong
suốt 12 năm liền đều đạt học sinh giỏi, tiên tiến. Thành tích cao nhất của Lê
Văn Thương là đạt nhất, nhì và ba trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh vật,
giải khuyến khích môn Toán và vừa tham gia đoàn thí sinh tỉnh Kon Tum dự thi
Olympic 30/4 tại Đà Nẵng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Kết quả thi đại học
vừa qua, Thương đạt 19,5 điểm “dư” điểm chuẩn để vào trường ĐH Tây Nguyên.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lê Thị Hiền về
thành tích học tập có phần “trội” hơn người anh, Hiền từng là học sinh giỏi quốc
gia, vừa học vừa đi làm gia sư môn tiếng Anh cho trẻ nhỏ trong khu phố. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mẹ Hiền kể vui nhất
là hồi chuẩn bị thi tốt nghiệp nhà chật hẹp, nhưng có tới 6 bạn học có cả nam nữ
đến nhà ăn ngủ để cùng “dùi mài”, nhờ Hiền chỉ giúp mà tất cả đều thi đậu tốt
nghiệp... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiền cho tôi xem
giấy báo trúng tuyển trường ĐH Sư phạm Huế với 23 điểm.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Lê Văn Ngọc nói
mà như mếu: “Phải bán nhà thôi chú ơi! Ở nơi khá sâu, heo hút của thị trấn như
thế này, bán cũng chẳng ăn thua gì đâu (chừng 50-60 triệu đồng), nhưng để chúng
nó đi học, vợ chồng tôi không có con đường nào khác là bán căn nhà đang ở này”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Bán rồi ở đâu?”-
Tôi hỏi. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Ngọc rầu rầu:
“Dựng cái lều nho nhỏ trên đám đất của người chị họ đang bỏ không, rồi tá túc
tạm trước mắt”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Ngọc và bà Dung
rời quê Nghi Lộc (Nghệ An) từ năm 1995, vào Tây Nguyên làm đủ nghề sinh sống,
làm rẫy, làm thuê và mở lò nấu rượu, nuôi heo và nay phải chu cấp tháng mấy trăm
ngàn cùng lúc cho hai người con là chuyện nằm ngoài khả năng của cặp vợ chồng
già... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chia tay cha con
người quét chợ nơi phố huyện, nghe ông trò chuyện khiến khóe mắt tôi cay cay...</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TPO</i></b></font></p>
</body>
</html>