Chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 208
Tiếp sức đến trường năm 2007
Gặt thuê kiếm tiền xe nhập học
|
Minh lượm phế liệu phụ ba mưu sinh cho cả gia đình |
Không dám may một bộ quần áo mới, không dám mua một tập bút tặng bạn bè... suốt cả mùa hè, Võ Thị Minh (thôn Thuận An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) cặm cụi làm thuê dành dụm tiền với một ước muốn: không phải nghỉ học.
Đường vào nhà Minh gập ghềnh đá ở xóm núi Quế Sơn. Sắp tới ngày nhập trường, Minh vẫn cố ở lại nhà gặt lúa thuê cho hết mùa vụ. Không dám nghĩ đến tờ giấy báo nhập học của Đại học Y khoa Huế và Đại học Bách khoa Đà Nẵng khi nhớ đến lệ phí phải đóng. Con số quá lớn so với cả gia sản nhà em.
Vậy mà ngày nào ba mẹ Minh cũng lấy hai tờ giấy báo nhập học của con ra ngắm, vuốt thẳng rồi bảo đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo: "Biết đánh vần chưa đọc thử ba má nghe người ta viết cái chi cho chị con"...
Dự định cho những tháng ngày sắp tới ở Huế của Minh là tìm chỗ làm thuê, vừa làm vừa học, hành lý cho chuyến đi chẳng có gì ngoài mấy bộ đồ đã cũ sờn và số tiền vay mượn quanh xóm, mỗi nhà vài chục ngàn đồng. Ba mẹ đã thôi cái điệp khúc "nghỉ học" đau lòng trước sự kiên trì "bám chữ" của con gái. Hôm tôi đến, em đang đi gặt lúa thuê để kiếm tiền đi xe. Chẳng biết rồi chặng đường vừa mưu sinh vừa học của cô bác sĩ tương lai sẽ còn bao nhiêu gập ghềnh trong suốt sáu năm sắp tới?! |
Ông Võ Văn Sen người nhỏ thó suốt đời lam lũ với giỏ ve chai, cộng thêm thùng kem mùa nắng, bao kẹo kéo mùa mưa. Lăn lộn từ bãi vàng Khâm Đức và trở về với căn bệnh sốt rét, ông càng quắt queo và già nua hơn so với cái tuổi 45.
Hằng ngày ông Sen đi xa hàng trăm cây số bán buôn bữa được bữa mất với ước muốn con cái biết mặt chữ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng, đầu tắt mặt tối ở chợ suốt ngày với mấy chiếc xe rác và gánh hàng thuê. Bà bảo: "Cả ngày làm, tối ùm vô nồi nấu một bữa là hết sạch. Lấy đâu tiền cho con học! Học biết đọc, biết viết là đủ hơn đời ông bà cha mẹ rồi chứ đòi học bác sĩ thì tiền mô chịu thấu".
Nói thế thôi chứ bà biết tính kiên nhẫn của Minh, cô con gái đã kiên trì hẹn lần hẹn lữa "cho con học hết năm nay nữa thôi rồi con nghỉ đi làm với má” suốt từ cấp I đến bây giờ. Nhà không có lấy nửa mảnh ruộng trồng lúa, cái nghề làm phu chợ quê kiếm dăm ba đồng mỗi ngày dễ khiến người ta quên kiếm chữ cho con.
"Có năm tui cố tình không mua sách, viết, quần áo để nó phải tự thôi học. Rứa mà con bé cứ đi xin, đi mượn rồi chẳng bỏ học bữa mô”, bà Hồng kể với vẻ mặt vừa xấu hổ vừa tự hào. Rồi đến ngày con đậu đại học, hai vợ chồng ứa nước mắt mừng mà nghe như "sét đánh ngang tai" nhiều hơn. Bởi cả dòng họ ba đời mù chữ, lấy gì để nuôi con học đại học?
Minh chọn làm bác sĩ bắt đầu cho mơ ước đổi thay cuộc đời lam lũ của cha mẹ. Bé xíu trong những bộ đồ rộng thùng thình, rách bươm xin lại của hàng xóm, Minh giấu gia đình đi làm thuê kiếm tiền ra Đà Nẵng, Huế thi đại học. Thi xong, Minh ở lại Đà Nẵng phụ việc cho một gia đình bán cháo lòng chờ ngày nhập học. Tiền công làm thuê hơn một tháng được 600.000 đồng gửi về lo cho em út vào năm học mới. Nghĩ tới cảnh về nhà ba má lại bảo nghỉ học, chờ sang năm, chờ một khoản tiền nào đó... Minh ứa nước mắt.
"Biết đến bao giờ mới có được số tiền vượt sức gia đình... Nhưng em cũng nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn nếu được đi cùng ước mơ: học đại học", Minh tâm sự.
Theo TTO