<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Mậu Thân - Bối cảnh lịch sử và s</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" style="font-size: 10pt"><b>Mậu Thân - Bối cảnh lịch
sử và sự kiện</b></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" style="font-size: 10pt; font-weight:700">NGUYÊN VĂN NHÂN</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử lớn,
đối với cả nước cũng như đối với thành phố chúng ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21
năm, ở miền Nam có ba sự kiện lớn: Đồng Khởi năm 1960, Tổng công kích và nổi dậy
năm 1968 (Tết Mậu Thân) và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thẳng 30-4-1975. Đồng
Khởi và Mậu Thân 1968 thực sự đã tạo những tiền đề cho đại thắng mùa xuân 1975.
Và đó cũng thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh giải phóng dân tộc của Đảng
ta. Đương nhiên trong mỗi cao điểm của cuộc chiến tranh, sự hy sinh là tất yếu,
thậm chí hy sinh khá lớn, nhưng kết quả cuối cùng - thắng tên đế quốc sừng sỏ,
hung hãn nhất thế giới - là bằng chứng hùng hồn về tầm vóc của Mậu Thân. Lùi lại
những ngày đầu Cách mạng tháng 8-1945, từ khi nổ súng mở màn cho Nam Bộ kháng
chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945), chúng ta đã biết rằng phải có ngày trở
lại Sài Gòn, đó là điểm hẹn của cuộc chiến đấu dài 30 năm. Đánh vào Sài Gòn với
một quy mô nào đó sẽ tạo bước ngoặt quyết định: chiếm lại Sài Gòn là kết thúc
chiến tranh.<br>
<br>
Cho nên từ năm 1960 - 1963, khi mâu thuẫn địch bùng nổ gay gắt, ý định cướp thời
cơ để chuyển thế chiến lược là niềm thôi thúc quân dân cả nước. Năm 1965, trong
khi chúng ta đã đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt với đỉnh cao là trận
Bình Giã (Đông Bắc Sài Gòn) đã hình thành kế hoạch đánh một đòn có ý nghĩa quyết
định với sự phối hợp cả ba mũi: chính trị - quân sự binh vận trên toàn miền,
ở các thị xã, thị trấn, thành phố lớn mà Sài Gòn là trọng điểm số 1.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Tuy nhiên, vào năm 1965, về phía địch: tuy thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt nhưng Mỹ chưa sử dụng con chủ bài: quân lực Mỹ. Ý chí giành chiến thắng
bằng quân sự ở Việt Nam trong giới "diều hâu" Mỹ vẫn chiếm ưu thế, tiêu biểu là
Tổng thống Mỹ Johnson, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân G.Wheeler, tướng
Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã quyết định
chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ năm 1965. Kế hoạch của ta được hoãn
lại.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="mau%20than.jpg" width="400" height="269"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1
(Sài gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 - ảnh:
Dương Thanh Phong</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra từ 1965 - 1967. Nhưng đến đầu năm 1967, Mỹ
ở vào
tình thế khác hẳn năm 1965: trong hai năm Mỹ đã sử dụng gần như cao nhất lực
lượng quân sự có thể sử dụng được, chỉ trừ bom nguyên tử (quân Mỹ 480.000, quân
ngụy và chư hầu 700.000) kết hợp cả không quân chiến lược và hạm đội 7 bắn phá
miền Bắc. Kế hoạch ba giai đoạn của Westmoreland (1965: ngăn chặn Việt cộng,
1966: tiêu diệt lực lượng chủ lực Việt cộng, 1967: bình định và rút quân
Mỹ vào
đầu năm 1968) đã phá sản hoàn toàn sau thất bại của cuộc
tiến công của quân Mỹ
mùa khô năm 1965 - 1966, năm 1966 - 1967, nhất là sau thất bại nặng nề
ở cả hai
hướng chính: chiến dịch Junction City đầu năm 1967 đánh vào căn cứ Trung ương
Cục và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân bị quân
dân miền Bắc đánh trả quyết liệt. Trong khi đi "tìm diệt Việt cộng"
ở rừng núi,
đồng bằng, Mỹ đã thiệt hại hơn
69.000 quân, trong lúc đó thế và lực của quân và dân miền Nam về chính trị, quân
sự lại mạnh hơn năm 1965 nhiều lần, ngay
ở giữa lòng đô thị Sài Gòn. Đương nhiên
tương quan về quân sự giữa ta và địch vẫn
ở tỷ lệ 1/5 nếu chỉ tính riêng quân số)
và địch vẫn có ưu thế tuyệt đối về không quân, hải quân, hỏa lực và cơ động.
Cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra "không có ánh sáng
ở cuối con đường hầm" đối với
Mỹ khiến tình hình chính trị trong giới cầm quyền Mỹ phân hóa mạnh. Theo tài liệu
mật của lầu Năm Góc (bị báo chí Mỹ phát hiện và công bố) năm 1965, Đại sứ Mỹ
Cabot Lodge gửi về Washington một báo cáo bi quan gọi là báo cáo "7 không" (7
con số 0), giới lãnh đạo Washington lúc đó chia làm ba phe. Phe "bồ câu" (tạm
gọi theo báo chí tư sản) chủ trương giảm quy mô chiến cuộc và rút quân Mỹ về,
phe "diều hâu", đứng đầu là chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân G.Weeler và Tư
lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương Westmoreland, chủ trương tiếp tục tăng quân giành
chiến thắng quân sự, Tổng thống Mỹ Johnson bị sức ép của cả hai phe, còn do dự...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Trước cục diện đó, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã nhận định:
"Tình hình cho
phép ta có thể chuyển cuộc cách mạng của ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ thắng
lợi quyết định"...(NQ.14/BCH/TW).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Từ đầu năm 1967, kế hoạch tổng tấn công và nổi
dậy được phác thảo và tất cả các
chiến trường đều ráo riết chuẩn bị.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Riêng ở thành phố Sài Gòn, tuy có những khó khăn tổn thất lớn về lực lượng nội
thành (một số đồng chí lãnh đạo bị địch bắt, phong trào quần chúng bị đàn áp,
thiệt hại nặng nhất là công đoàn và phụ vận) nhưng đã khẩn trương tăng thế và
lực để thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng: "giáng một đòn quyết liệt vào ý
chí xâm lược của đế quốc Mỹ". Thành phố chúng ta đã làm tất cả, tạo mọi điều
kiện vật chất, tinh thần và lực lượng nhằm phối hợp cuộc nổi dậy bên trong với
mặt tấn công từ ngoài vào.
"Hàng trăm cán bộ được tăng cường vào nằm trong nội thành, hàng ngàn nhà của
quần chúng cơ sở đã trở thành những căn cứ, hầm chứa vũ khí, truyền đơn, khẩu
hiệu. Các đội vũ trang hình thành, từ quần chúng cách mạng được trang bị và huấn
luyện bằng nhiều cách. Thế và lực của chiến trường, cả ngoại thành vùng ven và
nội thành đã tạo điều kiện cho ta "ém" hàng trung đoàn quân tiếp cận thành phố,
đưa lực lượng biệt động chốt gần các trọng điểm. Bộ chỉ huy tiền phương gồm các
đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy đặt cơ quan giữa
thành phố..." <sup>(1)</sup></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Công việc chuẩn bị
với thời gian ngắn ngủi (3 tháng), trong tình hình thế địch còn rất mạnh đòi
hỏi lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, cân cù, tỉ mỉ và đức hy sinh phi thường của
tất cả cán bộ chiến sĩ, của người dân thành phố vốn gắn bó máu
xương với cách
mạng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Trung ương và Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo chung toàn chiến trường, riêng
khu Sài Gòn - Gia Định và phụ cận đã thành lập Đảng ủy khu trung tâm do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Võ Văn Kiệt và Trần Văn Trà làm Phó bí
thư. Khu trung tâm gồm 5 phân khu (Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Dĩ An, Lái Thiêu,
Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè bao gồm cả một phần tiếp cận Sài Gòn của các tỉnh Tây
Ninh, Bình Dương, Biên Hòa (nay là Đồng Nai, Long An)...Khu nội thành (thường
gọi là phân khu 6) do đồng chí Trần Bạch Đằng trực
tiếp chỉ đạo. Khi bước vào
chiến dịch, đa thành lập hai Bộ chỉ huy tiền phương: Bộ chỉ huy tiền phương Bắc
và Bộ chỉ huy tiền phương Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Chín mục tiêu trọng điểm được giao cho lực lượng biệt động chiếm lĩnh ngay trong
giờ đầu nổ súng là: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy (nay là Quân khu 7), Bộ Tư lệnh hải quân, Dinh Độc
Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), Đài Phát thanh (nay là trụ sở Hàng không
Việt Nam), Biệt khu thủ đô ngụy (nay là Bộ Tư lệnh thành), Tổng nha cảnh sát,
khám Chí Hòa, Sứ quán Mỹ. Lực Iượng chủ lực và lực lượng võ trang các phân khu
kết hợp đánh một số mục tiêu khác, phá một số cầu...để ngăn chặn địch cơ động.
Mũi nổi dậy bên trong đánh ngụy quyền ở cơ sở, diệt ác, vũ trang quần chúng...Lực Iượng chủ lực sẽ tiến vào chiếm lĩnh một số trọng điểm trong nội thành sau
khi lực Iượng biệt động đã đốt phá và chốt giữ...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Kế hoạch còn dự kiến có ba khả năng nhưng chung nhất là tạo bước ngoặt quyết
định buộc địch phải từ bỏ tham vọng giành chiến thắng bằng quân sự, chịu thương
lượng với ta đi đến kết thúc chiến tranh</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Cuộc tổng tấn công và nổi dậy chủ yếu diễn ra
ở đợt 1 và đợt 2 từ tháng 1/1968
đến tháng 5/1968.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Thần tốc, bí mật, bất ngờ...các mệnh lệnh đó được thực hiện triệt để, ngày giờ
hành động chỉ được phổ biến cho Tư lệnh chiến trường trước không hơn 3 ngày. Thế
nhưng đến ngày N, giờ G hầu như tất cả đều đã
ở vào vị trí mà địch không hề hay
biết. Có người nói đó là một sự thần kỳ tưởng như huyền thoại.
Thực ra đó là kết quả của lòng tin, ý chí quyết thắng tuyệt vời của quân và dân
ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Vào đợt 1: đúng 3 giờ đêm 30-1-1968 rạng ngày 31-1-1968 (đêm mùng một rạng mùng
hai Tết Mậu Thân, biệt động nổ súng vào các mục
tiêu đã được chỉ định. Ta
chiếm được 5 mục tiêu trong số 9 mục tiêu đã đề ra, chốt giữ và chống lại bọn
địch đang điên cuồng phản kích, đặc biệt ác
liệt là các trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ,
Đài Phát thanh, Dinh Độc Lập...(ba mục tiêu không tiến hành được là: Tổng nha
cảnh sát, Biệt khu thủ đô, khám Chí Hòa, riêng ở Bộ Tư lệnh hải quân thì chỉ
chiếm được vòng rào).<br>
<br>
Những tấm gương anh hùng, xả thân của các chiến sĩ biệt động trong các trận này
không bút nào tả xiết. Hầu hết anh em đã không trở về.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Các lực lượng chủ lực mũi nhọn của phân khu Gò Môn từ hướng Bắc và Tây Bắc đánh
vào Bộ Tổng tham mưu, Bộ chỉ huy thiết giáp (trại Phù Đổng), Bộ chỉ huy pháo
binh (trại Cổ Loa, Nỏ Thần) ở Gò Vấp và chiếm khu ngã năm Bình Hòa, Cây Thị (tiểu
đoàn 19 Quyết Thắng Gia Định). Hướng Tây và Tây Nam (sân bay Tân Sơn Nhất), lực lượng đặc công và cánh phân khu 2 chiếm được một phần sân bay, phát triển
được về hướng trường đua Phú Thọ, Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2), Bà Hạt,
Nguyễn Lâm, Nguyễn Kim, Nguyễn Tri phương, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương... nhưng không đến được Biệt khu thủ đô.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Hướng Nam, phân khu Bình Tân - Nhà Bè tiến vào theo ba cánh
ở các hướng quận 6,
quận 8, Nhà Bè. Đây là hướng vào sâu nhất, đặc biệt là cánh từ Phú Định, quận 6
(Bộ chỉ huy tiền phương Nam đóng ở đây), thọc vào đến Lò Gốm, hãng rượu Bình
Tây, đường Tháp Mười, Hậu Giang, Chợ Thiếc, Minh Mạng. Cánh quận 8, quận 4 đánh
nhau ác liệt với địch ở cầu Nhị Thiên Đường, Bến Đá, Hàng Thái...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Hướng Đông và Đông Bắc (phân khu Dĩ An - Thủ Đức) mũi nhọn xuống đến Hàng Xanh,
khu vực Cầu Sơn (nay thuộc Bình Thạnh)...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Lực lượng chính trị nội thành phát động được quần chúng nổi dậy Ở nhiều nơi như
quận 7, 8, ngã ba Hàng Xanh, ngã năm Bình Hòa, Gò Vấp, khu chợ Trần Quốc Toản,
trường đua Phú thọ, Cầu Tre, Phú Lâm...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Đợt 1 tiến hành từ
31-1 đến 25-2 thì cơ bản kết thúc, tuy một số nơi còn đánh
địch phân kích đến tháng 3-1968. Đợt 1 ta thắng lớn đánh trúng vào trung tâm
thần kinh của địch, ảnh hưởng lớn về chính trị, gây tổn thất nặng nề cho địch về
quân sự hơn
bất kỳ thời nào trước đây, tuy chưa diệt gọn được nhiều đơn vị địch, mũi quân sự
chưa đủ sức làm đòn xeo cho mũi nổi dậy...Đặc biệt nó đã tác động mạnh vào giới cầm quyền Mỹ và gây kinh ngạc lớn trong dư
luận thế giới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Đợt 2 mở đầu từ đêm 4 rạng 5 tháng 5-1968
<sup>(2)</sup>. Trong đợt 2 lực lượng chủ lực đã
phát triển sâu hơn đợt 1, pháo ta cũng bắn phối hợp vào nhiều mục
tiêu trong
thành phố, mặc dù địch có bố phòng nhưng vẫn bị bất ngờ về cách đánh của ta, về
cường độ của các cuộc tấn công, về chiều rộng và sâu của một số khu vực ta chiếm
lĩnh. Khu vực ta chiếm lĩnh ngày càng nhiều hơn, như Gò Vấp, Gia Định, Cây Thị,
Cây Quéo, cầu Băng Ky, Bình Lợi, cầu Sơn, Bình Hòa, lăng ông Bà Chiểu, ngã năm
Chuồng Chó. Ở phía nam các khu Khánh Hội, cầu Tân Thuận, quận 7, quận 8, cầu Chữ
Y, Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân. Phía Tây có các khu vực cầu Tre, Bình Thới, Phú
Thọ Hòa, Trường Đua, Bà Hạt, ngã tư Bảy Hiền, Vườn Lài. Mũi quận 6 vào đến Minh
Phụng, Hậu Giang, Trần Quốc Toản, Sư Vạn Hạnh, mũi Phú Lâm đến Nguyễn Trãi,
Phùng Hưng, Đồng Khánh, Khổng Tử, Tổng Đốc Phương, Nguyễn Văn Thoại, chợ An Đông,
Bình Tiên, Bình Tây...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Trong nội thành lực lượng thanh niên cánh Hoa vận nổi dậy chiếm tòa hành chánh
quận 5, lực lượng các cánh khác cũng làm chủ ở một số khu vực, nhất là quận
6, 7, 8...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Chuẩn bị chiến dịch, mở mũi tiến công, đánh trả địch phản kích...đã đòi hỏi
xiết bao dũng cảm, mưu trí. Nhưng khi phải rút ra khỏi vòng vây dày đặc của địch
trong một đô thị chằng chịt đường phố vốn chưa hề biết đến, cán bộ chiến sĩ ta
càng vô cùng gian khổ. Thế mà nhiều đơn vị ta đã đột nhiên "biến đi"
như chui được vào lòng đất, cũng bí mật, bất ngờ như lúc xuất hiện trên đường
phố...Nhân dân thành phố, từ em bé đến những cụ già, gái cũng như trai đã
giúp đỡ bộ đội ta Iàm được điều tưởng như kỳ lạ đó.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra gần cuối năm 68, nhưng chủ yếu trong năm
tháng đầu. Tổng thống Mỹ phải cách chức Westmorland. Tư lệnh quân đội Mỹ
ở Thái
Bình Dương, phải ra lệnh hạn chế, sau đó chấm dứt bắn phá miền Bắc, bản thân
Johnson phải quyết định không ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ. Tháng
3-1968, Mỹ ngó ý chấp thuận thương lượng với ta. Và ngày
10-12-1968 phái đoàn của
chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng với phái đoàn Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa chính thức đến dự Hội nghị Paris lịch sử.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Chúng ta hãy xem kẻ địch đã nói về Mậu Thân như thế nào? Tài liệu mật của Lầu
Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã đánh giá: "...Cuộc tiến công (Tết Mậu Thân) đã
Iàm cho Nhà Trắng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân bị bất ngờ về sức mạnh,
thời gian kéo dài và mức độ ác Liệt của cuộc tiến công đã kéo dài sự kinh ngạc
này...", "...Đối với Tổng thống, sự kinh ngạc và tâm trạng thất vọng đặc
biệt nghiêm trọng..". Gabriel Kolke, nhà sử học người Mỹ đã viết:
"Tấn công
Tết (Mậu Thân) là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của cuộc chiến tranh
Việt Nam".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Cho đến nay, dù nhiều năm đã qua, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân
1968 vẫn như mới xảy ra năm nào rất gần.
"Tết Mậu Thân" mãi mãi là trang sử oanh liệt của quân và dân cả nước. Sự kiện
Mậu Thân ở Sài Gòn càng chỉ rõ công lao và xương máu của cả nước hội tụ về đây.
Trong chiến dịch đó, hàng vạn người con ưu tú của thành phố, của cả nước đã hy
sinh. Những tấm gương dũng cảm kiên cường, anh hùng bất khuất thật vô bờ bến, từ
những cán bộ chiến sĩ giải phóng cho đến người dân bình thường của một thành
phố thật kỳ diệu.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">"Nếu toàn bộ cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 đã làm nhụt
hẳn ý chí chiến thắng của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển hướng chiến lược,
thì sự kiện ở Sài Gòn Ià sự kiện bất ngờ nhất đối với Nhà Trắng, làm nản những
cái đầu kiêu ngạo nhất ở Hoa Thịnh Đốn"
<sup>(3)</sup></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Mậu Thân 1968 Ià
tiền đề của Đại thắng mùa xuân 1975 như thế đó!</font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" style="font-size: 10pt"><i>Tháng 1 - 1988</i> </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" style="font-size: 10pt"><b>N.V.N</b> </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" style="font-size: 10pt; font-style:italic">(Trích Mậu Thân - NXB Trẻ, 1988)</font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p align="left" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><sup>(1)</sup> Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí
Minh 10 năm, NXB Sự thật Hà Nội - 1985, trang 50</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt"><sup>(2)</sup> Trong đợt 2, đông chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Đảng ủy khu trung tâm đã đặt
chỉ huy sở ở vùng Đức Huệ gần thành phố. Khu vực này bị B.52 dội bom, nhưng các
đồng chí lãnh đạo đã rời khỏi đây, thoát trong gang tấc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><sup>(3)</sup> Thành phố Hồ Chí
Minh 10 năm, NXB Sự thật Hà Nội - 1985, trang 50</font></p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo Sách </font></b>
<font face="Arial">
<span style="FONT-WEIGHT: 700; FONT-SIZE: 10pt" id="PageContent_News_NewsDetail">
Tuổi trẻ Sài Gòn - Mậu Thân 1968</span></font></i></p>
</body>
</html>