<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 40 năm tổng tấn công tết</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Kỷ niệm 40 năm tổng tấn công
tết Mậu Thân 1968:</b></font></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Nguyễn Minh
Hoàng, người chiến sĩ an ninh quả cảm</b></font></p>
<div style="float: right; width: 117px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table3" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nguyen%20minh%20hoang.bmp" width="198" height="260"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Má Báu, mẹ của liệt sĩ Nguyễn
Minh Hoàng, dù đã 93 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, má khoe với chúng tôi mới được
thằng Sáu (anh Nguyễn Minh Phúc, người con thứ 6 của má) đưa lên Sài Gòn mổ mắt,
bây giờ có thể đọc báo mà không cần kính. Để minh chứng lời nói của mình, má với
tay lấy cuốn album gia đình lật những tấm hình đen trắng đã ố vàng, chỉ vào một
tấm rồi nói: “Đây là má nè, kế bên là chị Ba rồi tới thằng Sáu... Đứng ngoài
cùng này là anh Bảy mày đó”. Dòng chữ nhỏ xíu ghi bên dưới mà đến chúng tôi cũng
phải nheo mắt mới nhìn rõ, nhưng má đọc ngon lành: Kỷ niệm ngày các con tốt
nghiệp tú tài. Ngồi thu chân trên chiếc ghế võng trong khu vườn xưa ở ấp 5, xã
Tương Bình Hiệp, TX. Thủ Dầu Một, nơi các con má sinh ra và sống những ngày thơ
ấu, miệng bỏm bẻm nhai trầu, má kể cho chúng tôi nghe về anh Bảy Trí (tức Nguyễn
Minh Trí, tên ở nhà của liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng). “Hồi còn nhỏ nó rất mê đánh
trận giả với mấy đứa con nít, mỗi đứa cầm một cây tầm vông chia ra hai phe luồn
lách phục kích nhau quanh hàng rào, bờ dậu, chơi quên cả ăn, má la hoài cũng
không chịu về ăn cơm. Má nhớ nhất là hồi gia đình chuyển xuống ở chợ Nguyễn Tri
Phương dưới Sài Gòn, không có củi nấu bánh tét, vậy là mỗi lần tết đến anh Bảy
luôn dành phần cùng với mấy chị đi chợ chọn mua những đòn bánh đẹp nhất về chưng
bàn thờ. Hình ảnh nó quàng 2 đòn bánh tét qua vai, lung lẳng trước sau nhìn thật
buồn cười. Nó thích ăn bánh tét lắm, tết nào má cũng chưng nhiều bánh trên bàn
thờ cho nó ăn thoải mái...”, má kể rồi lặng đi một lúc, cặp mắt nhìn xa xăm.<br>
<br>
Ngay từ hồi còn đi học, anh Bảy Trí đã là một người tích cực đấu tranh trong các
phong trào yêu nước của HSSV. Trong đó có lần anh cùng các bạn đấu khẩu với
Nguyễn Cao Kỳ, khi đó mới là sĩ quan cấp tá về trường diễn thuyết, khiến ông này
nhiều phen tím mặt. Sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, anh Sáu thoát ly đi
kháng chiến và viết thư về gọi anh Bảy vào chiến khu. Đó là năm 1965, bước ngoặt
của chàng học sinh quyết gác bút nghiên lên đường đánh Mỹ giải phóng quê hương.
Khi lên chiến khu, anh Sáu sắp xếp cho em mình làm việc ở Ban tuyên huấn nhưng
anh Hoàng kiên quyết không chịu: Em lên chiến khu là để được ra trận đánh giặc
chứ ngồi ở nhà làm việc là không chịu đâu. Trước sự kiên quyết của Hoàng, anh
Sáu phải để cho em mình ra trận. Khi chúng ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Trung ương cục miền Nam thành lập Đảng ủy khu
trọng điểm gồm 2 bộ chỉ huy : Bộ chỉ huy tiền phương Bắc (Tiền phương 1) do các
đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh lãnh đạo, phụ trách mũi tiến công
phía Bắc; Bộ chỉ huy tiền phương Nam (Tiền phương 2) do đồng chí Võ Văn Kiệt,
Trần Bạch Đằng lãnh đạo, phụ trách các mũi phía Tây, Nam và các lực lượng nội
thành. Để bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo trong quá trình xâm nhập vào
nội thành, Phân đội An ninh võ trang gồm 12 chiến sĩ trong đó có anh Nguyễn Minh
Hoàng được phân công bảo vệ Bộ tư lệnh Tiền phương 2. Ngày 31-1-1968, đồng chí
Võ Văn Kiệt cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định bí mật
tiến sâu vào nội thành. Khi đến khu vực Phú Thọ, Chợ Thiếc (quận 11 ngày nay)
thì bị địch phát hiện và tập trung một lực lượng lớn để tiêu diệt ta. Trước tình
thế hiểm nghèo, để bảo vệ Bộ tư lệnh Tiền phương chuyển ra ngoài an toàn, 12
chiến sĩ An ninh T4 được lệnh chốt lại chiến đấu chặn đường. Suốt 7 ngày đêm đối
đầu với một lực lượng hùng hậu của địch gồm lính biệt động, cảnh sát dã chiến
được chi viện tối đa xe tăng, thiết giáp, trực thăng, được sự đùm bọc của nhân
dân, các chiến sĩ an ninh đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt trên 120 tên địch,
bắn cháy 17 xe trong đó có 5 xe tăng. Do địch điều thêm quân đông, lại bao vây
tứ phía nên 12 chiến sĩ lần lượt hi sinh hoặc bị giặc bắt sau đó thủ tiêu vì
không khai thác được gì. </font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="nguyen%20minh%20hoang1.bmp" width="425" height="274"></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" size="2" face="Arial"><em>Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt dìu
mẹ liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng đến dự lễ khánh thành bia tưởng niệm 12 chiến sĩ An
ninh T4</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Nguyễn Minh Hoàng là người hi
sinh trong những ngày đầu chiến đấu tại đây, trong một lần tình nguyện xung
phong lên tuyến đầu đánh địch, anh khựng lại sau một tràng tiểu liên AR15 của
địch. Bà con khu phố đã nhanh chóng kéo thi thể anh đến vùi tạm bợ ở một khoảnh
đất gần đó, sau ngày giải phóng được cải táng về nghĩa trang liệt sĩ TP. Anh Sáu
còn nhớ rõ nội dung bức thư cuối cùng anh Hoàng gửi cho anh được viết vội trong
một tờ giấy nửa: Em viết cho anh bức thư này cũng có thể là bức thư cuối cùng,
em đã vào nội thành, tối qua đi qua nhà mình, nhớ má lắm nhưng không dám vào vì
công việc. Ba năm nay em chưa một lần gặp má, em đau lòng lắm! <br>
<br>
Vị trí anh hi sinh nằm ở ngã 3 đường Lê Đại Hành – Tân Phước, thuộc P7Q11, chỉ
cách nhà in Nam Việt và Đông Á khoảng vài chục mét. Sau ngày đất nước giải
phóng, UBNDTP đã giao cho CATP tiếp nhận và sử dụng 2 nhà in trên để in ấn các
tài liệu riêng cho ngành công an và lấy tên là xưởng in Nguyễn Minh Hoàng, đến
năm 1998 thì đổi thành xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng trực thuộc Ban giám đốc
CATP. Hiện nay xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng không chỉ là đơn vị chuyên in ấn
các tài liệu chuyên ngành phục vụ cho Công an TP mà còn là một đơn vị ấn loát
lớn, có uy tín ở TPHCM, được nhiều khách hàng chọn làm đối tác. Với diện tích
mặt bằng khá rộng lại luôn được đầu tư, trang bị hệ thống máy móc thuộc loại
hiện đại, đội ngũ công nhân lành nghề, giá cả cạnh tranh nên các hợp đồng in ấn
với đối tác luôn dồi dào. Trước sự phát triển mạnh mẽ, năm 1999 xí nghiệp in
Nguyễn Minh Hoàng đã mở thêm chi nhánh thứ hai ở đường Lạc Long Quân, quận Tân
Bình để đáp ứng yêu cầu mới. Hiện nay có nhiều tờ báo đặt in tại đây như Báo CA
TPHCM, Báo Pháp luật TPHCM, Báo Thanh niên, Bình Dương, Làng cười... đủ thấy uy
tín cao của xí nghiệp. Trong năm 2007 xí nghiệp đã in ước tính gần 200 triệu
trang với tổng doanh thu trên 49,7 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra. </font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="nguyen%20minh%20hoang2.bmp" width="425" height="276"></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" size="2" face="Arial"><em>Cán bộ chiến sĩ CATP thăm má Báu
- mẹ liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để tưởng nhớ đến các chiến sĩ An
ninh T4 đã anh dũng hi sinh năm 1968, vừa qua xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng đã
tài trợ kinh phí xây dựng công trình bia tưởng niệm 12 đồng chí tại công viên
Lãnh Bình Thăng để các thế hệ mai sau mãi ghi nhớ chiến công các chiến sĩ an
ninh đã chiến đấu và hi sinh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà. Không chỉ
thế, ngay gần vị trí anh Hoàng hi sinh, một ngôi trường THCS đã mọc lên khang
trang để dạy dỗ, đào tạo thế hệ trẻ. UBND quận 11 và Phòng giáo dục đào tạo đã
nhất trí để ngôi trường mang tên người chiến sĩ An ninh T4 năm xưa: Nguyễn Minh
Hoàng. Thầy Lê Văn Hoàng, Hiệu trưởng trường cho biết: “Nhà trường đã làm một
bức tiểu sử và những chiến công của liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng để các em học sinh
biết rõ. Sắp tới, vào đầu năm 2008, kỷ niệm 40 năm ngày hi sinh của anh, trường
sẽ phát động toàn thể học sinh xây dựng một công trình măng non để tôn tạo tấm
bia tưởng niệm và bàn thờ anh ngay trong khuôn viên trường”. Cũng với ý nghĩa
tưởng nhớ đến sự anh dũng hi sinh của anh, một con đường ở quận Tân Bình cũng
được mang tên Nguyễn Minh Hoàng. Thượng tá Trần Văn Mới, Giám đốc xí nghiệp in
Nguyễn Minh Hoàng cho biết: “Toàn thể cán bộ công nhân xí nghiệp luôn sâu nặng
nghĩa tình. Vào các dịp lễ tết, CBCNV đều đến thăm hỏi tặng quà cho mẹ liệt sĩ
Nguyễn Minh Hoàng và nhận phụng dưỡng má đến hết đời với số tiền
600.000đ/tháng”.<br>
<br>
Cùng với các đồng đội, anh Nguyễn Minh Hoàng - một chiến sĩ An ninh T4 kiên
cường bất khuất, gan dạ, mưu trí đã chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng.
Ngay sau khi lui về tuyến sau an toàn, trong đợt tấn công thứ 2 tết Mậu Thân,
đồng chí Võ Văn Kiệt đã thay mặt Khu ủy và Bộ tư lệnh Tiền phương tuyên dương
công trạng và phát động toàn thể CBCS học tập tinh thần chiến đấu dũng cảm, anh
hùng của 12 chiến sĩ An ninh T4. Phân đội An ninh Vũ trang T4 đã được Nhà nước
phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Chiến công oanh liệt
của các anh trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù mãi mãi là một mốc son chói
đỏ cho lực lượng công an thành phố hôm nay học tập và noi theo.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Công An TP.HCM</i></b></font></p>
</body>
</html>