<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>40 năm Tổng tiến công và nổi dậy</title>
</head>
<body>
<p class="subtitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">40 năm Tổng
tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân</font></b></p>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Thiên anh hùng ca bất diệt</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="170" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="center">
<img border="0" src="thien%20anh%20hung%20ca.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Các
nhân chứng lịch sử trò chuyện với công nhân, thanh niên TP</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hàng trăm gia đình cơ sở cách
mạng đã chấp nhận hy sinh, mất mát, đóng góp vai trò rất quan trọng cho những
trận đánh vang dội</font></p>
</span>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáng 22-1, tại TPHCM, Ban Tuyên
giáo Thành ủy, Cục Chính trị Quân khu 7 và Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM tổ chức
tọa đàm khoa học kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
1968. Tự hào với những kỳ tích của lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định – trọng
điểm lớn nhất của cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đầu não chỉ huy toàn bộ bộ máy
chiến tranh của địch, song các đại biểu đã thẳng thắn rút ra những bài học kinh
nghiệm xương máu trong chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng... khi triển khai
“quả bom tiến công đô thị”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Lực lượng
biệt động: Tượng đài bất tử </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mùng một Tết (đêm 30 rạng ngày
31-1-1968), cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ với đòn giáng phủ đầu của lực lượng
biệt động thành vào những mục tiêu hiểm yếu, đầu não của bộ máy chiến tranh như
Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh... gây cho
địch tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang, nguyên phó Ban Nghiên cứu
lịch sử Đảng Thành ủy TPHCM, do yêu cầu giữ bí mật nên việc phổ biến mệnh lệnh
quá gấp gáp, chỉ trong 48 giờ, thậm chí có nơi chỉ còn 24 giờ, nhiều đơn vị vừa
nhận lệnh vừa hành quân ngay trong ngày nên kế hoạch phối hợp hành động có nhiều
chuệch choạc, hợp đồng không ăn khớp. Hơn nữa, đòn tiến công quân sự tuy quyết
liệt nhưng chưa đủ sức để quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng tình với ý kiến trên, ông
Nguyễn Văn Thuyền, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM, cho rằng, vào
giờ G mở đầu đợt 1, các lực lượng như công vận, phụ vận, thành đoàn thanh niên,
trí vận... tuy đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng phần lớn không nhận được thông báo
giờ hành động hoặc người đi nhận lệnh không về kịp, khi tiếng súng nổ rộ khắp TP
và chờ mãi không thấy bộ đội vào nên tất cả nhanh chóng chuyển sang nhiệm vụ
khác. Hầu hết các tổ chức đoàn thể cách mạng và một bộ phận quần chúng đã làm
nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng bộ đội di chuyển đánh chiếm, chiến đấu với địch, tổ
chức che giấu các chiến sĩ cách mạng bị lạc rồi tìm cách đưa trở ra vùng giải
phóng; đồng thời diệt ác, trừ gian, treo cờ... làm chủ một thời gian nhiều khu
phố lao động. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không khí buổi tọa đàm chùng
xuống khi đại tá Trần Văn Hùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM, kể lại những
cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Năm đội biệt động với
tổng số 88 người đã chiến đấu độc lập trong sào huyệt của kẻ thù. Với lực lượng
ít, vũ khí bộ binh, lực lượng biệt động đã đánh trả xe tăng, thiết giáp và máy
bay địch cùng lực lượng bộ binh tinh nhuệ Mỹ. Đại tá Hùng nghẹn lời: “Với tinh
thần quả cảm cao độ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hầu hết cán bộ, chiến sĩ
biệt động đã anh dũng hy sinh hoặc rơi vào tay địch. Nhưng ý chí và xương máu
của lực lượng biệt động đã dựng lên những tượng đài bất tử của Xuân Mậu Thân
1968”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Đội quân
anh hùng thầm lặng </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong những ngày khói lửa ở Sài
Gòn, một chén cháo của người bán hàng rong, tấm lòng của người đạp xích lô ở Sài
Gòn khi đưa một giao liên về nơi an toàn... đã làm ấm lòng các chiến sĩ cách
mạng. Đặc biệt là hàng trăm gia đình cơ sở cách mạng đã chấp nhận hy sinh, mất
mát, đóng góp vai trò rất quan trọng cho những trận đánh vang dội tại Sài Gòn.
Nhiều cơ sở, cả gia đình sống trên “kho” vũ khí hàng năm trời, như gia đình ông
Ba Căn, Năm Mộc, Năm Lai, Bảy rau muống... Hoặc gần như cả gia đình ông Hai Phê
(địa điểm xuất phát tấn công Đại sứ quán Mỹ) sau Xuân Mậu Thân bị đày ra Côn
Đảo; vợ chồng ông nông dân Chín Khổ, ông Chín Ten... bất chấp nguy hiểm, nhiều
lần chuyển vũ khí đến cơ sở cất giấu sẵn sàng phục vụ cho lực lượng biệt động
chiến đấu trong nội đô Sài Gòn. “Đó là những công việc cần rất nhiều công sức,
tài trí và lòng dũng cảm để qua mắt địch. Dù mũi tổng khởi nghĩa không nổ ra,
nhưng vai trò và sự đóng góp của nhân dân Sài Gòn – Gia Định là yếu tố quan
trọng, không thể thiếu để làm nên sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt này”, tiến sĩ
Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM, đúc kết. </font></p>
<div align="center">
<table style="border-collapse: collapse" bgcolor="#E1F5FF" border="0" bordercolor="#4169e1" cellpadding="0" width="90%" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000">
<strong>“Tết Mậu Thân” bất diệt </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để giành được những
thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968,
quân dân cả nước đã phải chịu nhiều hy sinh tổn thất vô cùng to lớn.
Ông Trần Trọng Tân, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, ngậm ngùi:
Chúng ta sống hôm nay và các thế hệ mai sau mãi mãi biết ơn cán bộ,
chiến sĩ, đồng bào đã viết nên thiên anh hùng ca “Tết Mậu Thân” bất
diệt. Họ đã góp phần khắc họa vào “dáng đứng Việt Nam”. Đó là một
dáng đứng hiền hòa, nhưng có khí phách hiên ngang, chẳng những quyết
đánh, quyết thắng, mà còn biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù xâm lược.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLĐO</i></b></font></p>
</body>
</html>