<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến cô</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><span id="PageContent_News_NewsDetail">
<font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân
Mậu Thân 1968:</font></span></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Xuân Mậu Thân
1968 - Bản hùng ca của tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mùa Xuân Mậu Thân 1968 là một sự
kiện lớn, đối với cả nước cũng như đối với thành phố Hồ Chí Minh</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong cuộc tổng tiến công và nổi
dậy Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi đáng tự hào: bức
rút, bức hàng trên 700 đồn bót, giải phóng thêm 1000 thôn ấp, bắn rơi và phá hủy
34% tổng số vật tư dự trữ của địch ở miền Nam… Thắng lợi to lớn và quan trọng
nhất là chúng ta đã làm thay đổi thế trận và so sánh lực lượng giữa ta và địch,
tạo ra cục diện mới, thế chiến lược mới và những khả năng mới cho cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="xuan%20mau%20than.jpg" width="400" height="194"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Vũ khúc “Người đợi người” trong
đại hội văn nghệ SVHS mừng tết Quang Trung 26/1/1968</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để giành được chiến thắng vĩ đại,
giành độc lập tự do cho đất nước, quân và dân ta đã xông trận với những quyết
tâm rất lớn, với tinh thần dũng mãnh và hy sinh tuyệt vời. Đặc biệt, tuổi trẻ
Sài Gòn - Gia Định, hòa nhịp với phong trào chung của nhân dân, đã thể hiện xuất
sắc vai trò vừa là ngòi pháo, vừa là lực lượng chủ công trong các phong trào đấu
tranh, nhất là đấu tranh đô thị. Trong cuốn sách “Tuổi trẻ Sài Gòn - Mậu Thân
1968”, đồng chí Phạm Chánh Trực - nguyên Bí thư Thành Đoàn viết: “...Tuổi trẻ
Sài Gòn, được truyền thụ sức sống mãnh liệt của nhân dân anh hùng, hấp thụ lý
tưởng của Bác tạo thành lẽ sống, đã lớn lên thành một sức mạnh cách mạng mà sắt
thép và máu lửa của kẻ thù không sao làm “chặt đứt”, không sao “đốt cháy” được.
Địch càng đè nén, tuổi trẻ càng dồn chứa và sẵn sàng bùng nổ. Địch càng phân ly
chia rẽ hay xua đuổi săn tìm, tuổi trẻ thành phố hoá thân vào cái biển lớn nhân
dân và trụ lại, đấu tranh hết đợt này bày đợt khác, đợt sau cao hơn đợt trước,
không lúc nào vắng bóng ngọn cờ cách mạng giữa lòng Sài Gòn…”. Đó là sự tái hiện
về mùa xuân Mậu Thân, hào hùng và oanh liệt mà chính những người từng chứng kiến,
trực tiếp sống và chiến đấu không thể nào quên… cách đây tròn 40 năm… </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để thực hiện quyết tâm của Trung
ương Đảng “giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”, tuổi trẻ
Sài Gòn đã tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần và lực lượng nhằm phối hợp cuộc
nổi dậy bên trong với mặt tấn công từ ngoài vào. Hàng trăm cán bộ được tăng
cường vào nằm trong nội thành, hàng ngàn nhà cửa của quần chúng cơ sở đã trở
thành những căn cứ, hầm chứa vũ khí, truyền đơn, khẩu hiệu. Các đội vũ trang
hình thành, từ quần chúng cách mạng được trang bị và huấn luyện bằng nhiều cách.
Lý tưởng, suy nghĩ và hành động của một lớp người trẻ trong thời điểm lịch sử
của dân tộc được minh chứng bằng những hành động thiết thực nhất. Đó là những
cuộc bãi khóa xuống đường trong phong trào sinh viên học sinh, là Đêm hội Quang
Trung tổ chức vào ngày 26-1-1968 đã thu hút hàng vạn người, là những trận chống
trả quyết liệt trước sự đàn áp dã man của kẻ thù. Và những tấm gương tuổi trẻ
dũng cảm đã không ngần ngại hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, đó là Hồ Hảo
Hớn - nguyên Bí thư Thành Đoàn, quyết không để lộ thông tin, là Lê Thị Thu Vân -
cô giao liên 17 tuổi, Bí thư Đoàn đầu tiên của trường Lê Văn Duyệt lấy thân mình
che đạn cho đồng đội, là đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi và rất nhiều những anh
hùng vô danh khác. Họ đã sống, chiến đấu và hi sinh anh dũng. Cô Trương Mỹ Lệ -
nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn, hiện là Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ
Truyền thống Thành Đoàn bồi hồi nhớ lại: “Hồi ấy, khi phong trào học sinh, sinh
viên Sài Gòn - Gia Định trở nên sôi nổi, cả thành phố đều sẵn sàng tinh thần đấu
tranh. Những người đồng đội, đồng chí mình khi ấy, trẻ tuổi mà dũng cảm, kiên
định và sẵn sàng hi sinh để cuộc chiến giành thắng lợi cuối cùng. Nhân dân thành
phố và nhân dân vùng căn cứ bảo bọc lực lượng của ta như con cháu trong gia đình.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm ấy đã tạo thành hào khí trên
từng con đường, ngõ hẻm của thành phố Sài Gòn”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau trận phản công chiến lược của
Mỹ, những trận càn lột vỏ Trái Đất, Thành Đoàn phải chuyển căn cứ về Phước Thạnh
- huyện Châu Thành - tỉnh Bến Tre và được nhân dân đùm bọc, nuôi dấu. Cũng từ đó,
Phước Thạnh trở thành vùng oanh kích tự do, hừng hực khí thế đấu tranh. Sự đùm
bọc của bà con nhân dân Phước Thạnh đã giúp các đồng chí cán bộ Thành Đoàn có
thêm sức mạnh, quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong câu
chuyện những người chiến sĩ Y4 hôm nay, tên gọi của lực lượng vũ trang Thành
Đoàn năm xưa, Bến Tre - Phước Thạnh thật gần gũi, họ nhớ từng ngôi nhà, từng gốc
cây, mái bếp, cây me nơi đồng đội mình đã hi sinh, nhớ từng bữa cơm Phước Thạnh
với lòng tri ân sâu sắc: “Cám ơn nhân dân Phước Thạnh, cám ơn sự đồng lòng, bảo
vệ của bà con trong những ngày ác liệt nhất”. 40 năm đã đi qua, những người mẹ
nuôi quân gặp lại đứa con mình từng nuôi giấu dưới hầm nhà năm xưa mà nước mắt
rưng rưng. Cô du kích gặp lại anh chiến sĩ chuyển thông tin Y4 không rõ mặt hồi
ấy, họ gọi nhau bằng những cái tên thân mật, cái bí danh theo họ suốt một thời
chiến đấu hào hùng: chị Tư Liêm, anh Năm Nghị, anh Sáu Quang, Sáu Triều, Bảy
Trung, Chín Lực, Ba Nghĩa, Ba Khắc… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">40 năm sau những ngày đấu tranh
ác liệt của Tết Mậu Thân năm 1968, câu chuyện về những người đồng đội, đồng chí,
về những đợt chống trả quyết liệt trước sự đàn áp của kẻ thù và tiếng trống hào
hùng trong đêm văn nghệ Tết Quang Trung lại trở nên sống động qua lời kể của các
đồng chí cựu cán bộ Thành Đoàn - những người đã từng tham gia đấu tranh trực
tiếp trong thời khắc lịch sử ấy, tất cả đã trở thành những bản hùng ca tuyệt đẹp,
tô đậm thêm truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, là một điểm son
trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Tuổi trẻ thành
phố hôm nay được hòa mình vào dòng cảm xúc thiêng liêng, hào hùng đó của các thế
hệ đi trước xen lẫn niềm cảm phục, tự hào là thế hệ tiếp nối - tự hào là tuổi
trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Thế hệ trẻ hôm nay đã và đang viết tiếp những trang
sử hào hùng của thế hệ cha anh, tiếp nối khí phách những chiến sĩ Mậu Thân năm
1968, với khát vọng lớn, vươn tới những tầm cao mới xứng đáng với tuổi trẻ của
Thành phố mang tên Bác, Thành phố Anh hùng… </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">THANH HƯƠNG - MINH NGUYỆT</font></b></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">(Ghi theo lời kể các cô chú CLB Truyền thống Thành
Đoàn)</font></b></p>
</body>
</html>