<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">"Tiểu đội anh
hùng của tuổi xanh"</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lê Quang Vịnh và các anh<br>
Tiểu đội anh hùng của tuổi xanh<br>
Mười hai tên mạnh như tên lửa<br>
Chấp hết gươm treo, án tử hình…</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>(Tố Hữu)</b></font></p>
<div style="float: right; width: 127px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table2">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tieu%20doi%20anh%20hung.jpg" width="220" height="166"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Từ
trái qua phải: Trương Văn Khuê, Nguyễn Duy Thông, Lê Văn Nuôi,
Nguyễn Xuân Thượng và<br>
Lương Đình Mai là những SV đã cắt tay lấy máu viết khẩu hiệu "Tự do
hay là chết" trong phiên<br>
tòa ngày 18-3-1972 tại tòa án quân sự Bạch Đằng - Ảnh tư liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là khổ thơ mở đầu bài thơ "Tiểu
đội anh hùng" nhà thơ Tố Hữu viết về 12 thanh niên học sinh sinh viên yêu nước
Sài Gòn - Gia Định bị Tòa án quân sự đặc biệt của ngụy quyền Sài Gòn kết án ngày
24-5-1962.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Câu chuyện về các anh là câu
chuyện của tuổi trẻ Sài Gòn một thời hoa lửa. Thời của những con người "hóa thân
vào biển lớn nhân dân, đấu tranh hết đợt này, bày đợt khác, đợt sau cao hơn đợt
trước, không lúc nào vắng bóng ngọn cờ cách mạng giữa lòng Sài Gòn…" (theo đ/c
Phạm Chánh Trực - Sách Tuổi trẻ Sài Gòn - Mậu Thân 1968). </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Đội vũ trang quyết tử của Sài
Gòn</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đầu năm 1961, sau thất bại trước
phong trào Đồng Khởi, tổng thống Mỹ Kenedy đã âm mưu mở rộng sự can thiệp quân
sự, bắt đầu thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt" tại miền Nam Việt Nam.
Những cuộc bố ráp lùng bắt cán bộ, đảng viên cộng sản, tiêu diệt cơ sở cách mạng,
đánh phá "tận gốc" phong trào đấu tranh của quần chúng đã gây ra nhiều tổn thất
cho cách mạng miền Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đáp lại lời hiệu triệu của Mặt
trận dân tộc giải phóng miền Nam VN: "Hãy ngăn chặn bàn tay đẫm máu của đế quốc
Mỹ". Tháng 5-1961, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, chỉ một thời gian
ngắn đã có 20.000 thanh niên thành phố tham gia. Ban cán sự sinh viên, học sinh
Sài Gòn đã bí mật thành lập một tiểu đội vũ trang giữa lòng đô thị Sài Gòn đúng
vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3-1961: Đội vũ trang quyết tử. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ra quân trận đầu tiên, "quyết tử
quân" phục kích tiêu diệt đại tá William Thomas, cố vấn Mỹ đặc trách xây dựng
sân bay quân sự Mỹ trên đường Trương Minh Ký (nay là đường Nguyễn Thị Diệu,
Q.3). Tiếp đó là hàng loạt "phi vụ" táo bạo khác: tập kích trụ sở cơ quan USOM
của Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo, làm 7 tên chết và bị thương, ném lựu đạn MK2
vào xe tuần tiễu giết chết 8 tên lính dù Ngụy, đốt cháy kho xăng… Đặc biệt, cuộc
tập kích Đại sứ Mỹ Frederick Nothing bằng thủ pháo ngay trên đường Pasteur của
tiểu đội đã gây tiếng vang lớn ở Sài Gòn. Phong trào đấu tranh vũ trang táo bạo
này dần lôi cuốn cả những lính biệt động Sài Gòn cùng tham gia.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những vụ tấn công giữa lòng Sài
Gòn của đội quyết tử quân đã khiến quân đội an ninh cộng hòa điên đầu. Chúng mở
ráo riết truy lùng các chiến sĩ cách mạng lãnh đạo. Đồng chí Lê Hồng Tư, Lê
Quang Vịnh cùng một số đồng chí "quyết tử quân" bị bắt. Hai anh cùng 10 chiến sĩ
tiểu đội quyết tử lại tiếp tục cuộc chiến đấu của mình ngay tại phiên tòa. Trước
ngày xử án, các anh cùng bàn bạc cách thức ra tòa phải thể hiện thế nào để nêu
cao được khí tiết của người cách mạng. Các anh Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư biết
trước mình sẽ lãnh án tử hình nên đã quyết định tranh thủ phiên tòa để "nói được
thật nhiều".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Tấn công địch ngay trên vành
móng ngựa</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 24-5-1962, chính quyền Ngô
Đình Diệm đưa các anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh cùng 10 đồng chí của "đội quyết
tử" ra xử với tội danh "chống lại cuộc bầu cử và mưu sát đại sứ Mỹ Nolthing". 12
"bị cáo" là những giáo sư, học sinh sinh viên miền Nam yêu nước. Người lớn nhất
28 tuổi, nhỏ nhất mới 18 tuổi. Trong phòng xử án chật ních bạn bè, bà con, đồng
bào và cả giới báo chí, họ hiên ngang đối mặt với kẻ thù. </font></p>
<div style="float: left; width: 156px; height: 273px">
<table border="1" width="100%" id="table3">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tieu%20doi%20anh%20hung1.jpg" width="145" height="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Anh
Lê Quang Vịnh (phải) và nhà thơ Ngô Minh</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Lê Hồng Tư từ chối luật sư
bào chữa cho mình: "Cám ơn luật sư, tôi biết mình chắc chắn lãnh án tử hình, cãi
cho tôi, ông sẽ mất uy tín nghề nghiệp". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phiên toà biến thành một cuộc đấu
trí của những trẻ tuổi yêu nuớc với chính quyền Mỹ - Ngụy: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Xử án tử hình bị cáo có hối
tiếc gì không? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí Lê Hồng Tư dõng dạc:
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Chỉ tiếc là không đủ lựu đạn để
giết hết tụi Mỹ! </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí Lê Quang Vịnh là giáo sư
đang dạy ở trường Petrus Ký, có uy tín lớn trong giới trí thức bấy giờ. Đứng
trước tòa, anh hùng hồn tố cáo chế độ mất dân chủ, tay sai của ngoại bang... Anh
bị chính người thầy dạy mình trước đây thẩm vấn: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Cậu có biết là cậu sẽ lên máy
chém không? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Thưa thầy biết chớ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Cậu có biết rằng tôi có thể cứu
sống được cậu không? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Thưa thầy biết chớ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Bây giờ cậu có ân hận gì không?
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Ân hận lắm! Ân hận vì bị chết
quá sớm, chưa thực hiện được chí nguyện đuổi Mỹ, lật Diệm! </font></p>
<div style="float: right; width: 120px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table4">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tieu%20doi%20anh%20hung2.jpg" width="135" height="220"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Lê
Quang Vịnh và mẹ ở Côn Đảo năm 1971</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến phiên người nào bị thẩm vấn,
người đó đều đối đáp thông minh và khí phách làm cho kẻ xử án phải bối rối, run
rợ. Những người thanh niên Sài Gòn ấy đã biến vành móng ngựa tòa án binh địch
thành nơi luận tội bọn xâm lược và bọn tay sai bán nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phiên tòa kéo dài từ sáng sớm tới
tận khuya. Tòa án tuyên 4 án tử hình, 3 án chung thân và 5 án "tù ở" từ 5 năm
đến 15 năm. Bốn thanh niên bị án tử hình là anh Lê Hồng Tư, sinh viên, đảng viên,
Trưởng Ban cán sự quân sự Khu đoàn ủy Thanh niên Sài Gòn – Gia Định; Lê Quang
Vịnh - giáo sư, đảng viên, ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban cán sự sinh viên,
cùng học sinh Lê Văn Thành và anh Huỳnh Văn Chính - lính biệt động ngụy quân
giác ngộ cách mạng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bản án vừa tuyên xong, cả “tiểu
đội tù” đồng thanh hô to: “Đả đảo luật phát xít ngụy quyền Miền Nam!” Đêm đó,
pháp đình của địch đã vang lên tiếng hát hùng tráng của những người tù : “Vùng
lên nhân dân miền Nam anh hùng. Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy
nước nhà. Thề hy sinh đến cùng…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phiên tòa đã gây xôn xao dư luận
Sài Gòn, 15.000 học sinh, sinh viên có mặt tại địa điểm xử án đã hô to: “Đả đảo
đàn áp” và hát vang bài “Giải phóng miền Nam”. Phong trào chống vụ án 24-5 từ
Sài Gòn lan rộng trong thanh niên, sinh viên, học sinh khắp miền Nam, mở đầu
bằng cuộc biểu tình của 8.000 học sinh, sinh viên Tân An, Chợ Lớn ngày
08/6/1962.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Danh sách "tiểu đội quyết tử "
gồm: Lê Hồng Tư, 27 tuổi, sinh viên, Lê Quang Vịnh, 26 tuổi, giáo sư; Lê Văn
Thành, 20 tuổi, học sinh; Hạ Văn Hiền, 22 tuổi, học sinh; Đỗ Văn Sinh,20 tuổi,
học sinh; Hồ Văn Ngoan, 20 tuổi học sinh; Dương Văn Bình, 27 tuổi, thư ký hãng
nước ngọt; Huỳnh Văn Chính, 27 tuổi, lính biệt động quân ngụy Sài Gòn; Nguyễn
Văn Mẹo, 23 tuổi, lính biệt động quân ngụy Sài Gòn; Trần Bạch Vân, 28 tuổi,
nhiếp ảnh viên; Nguyễn Văn Cho, 30 tuổi, tài xế; Nguyễn Tấn Phát, 18 tuổi, học
sinh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những người trẻ tuổi ấy đã làm
chấn động thế giới vì đã chủ động tấn công kẻ địch ngay trước vành móng ngựa…
Mười hai con người hiên ngang trước kẻ thù, trước cái chết đó đã làm nên một
huyền thoại thật đẹp về khí tiết của tuổi trẻ Sài Gòn, huyền thoại về "tiểu đội
anh hùng của tuổi xanh". </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">VY DUNG </font></b></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">(CLB Phóng viên trẻ - Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM)</font></b></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#D5F1FF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm 29 tháng Chạp năm
Đinh Mùi, chuẩn bị đón giao thừa, bước sang năm mới Mậu Thân 1968, từ
Côn Đảo xa cách đất liền muôn trùng khơi, người tù bất khuất Lê Quang
Vịnh đã xúc cảm làm mấy vần thơ tâm huyết gửi người bạn gái ở nội đô Sài
Gòn để nói lên khát vọng tự do của người tù như anh. Toàn văn bài thơ đó
như sau:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Em vui hát bên tê trường
học,<br>
Đời xuôi như sông nước êm đềm<br>
Anh quằn quại bên ni nhà ngục,<br>
Hận trào sau cánh cửa xà lim.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nào ta có xa nhau bao đỗi<br>
Hai đời ngăn cách một tường cao<br>
Bên anh, tù lao tràn tăm tối<br>
Bên em, nắng thắm cánh hoa đào</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh cố vươn mình qua song
sắt<br>
Với bàn tay trẻ bắt bình minh<br>
Ai đem u ám và tang tóc<br>
Giam hãm đời anh giữa nhục hình</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Em nở nụ cười tươi bất
tuyệt<br>
Mắt sao ngời hứa hẹn ngày mai<br>
Cổ họng anh lẽ nào câm bặt<br>
Hát lên đi, cho tan kiếp tù đày.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">LÊ QUANG VỊNH</font></b></td>
</tr>
</table>
</body>
</html>