<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bưu thiếp</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Bưu thiếp "ước mơ” của chàng trai câm điếc</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="buu%20thiep%20uoc%20mo.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Nguyễn Mạnh Cường và bức họa
đồng quê được in trên thiệp phát hành ở Nhật Bản</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều du khách tham dự Hội hoa
xuân Mậu Tý 2008 đã dừng chân chiêm ngưỡng những bức tranh với đủ màu sắc sặc sỡ,
là các tác phẩm của các em học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở vị trí trang
trọng nhất của gian trưng bày, mọi người ngắm nghía và không ngớt khen ngợi một
bức họa đã được in thành thiệp và phát hành ở Nhật Bản...</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Bức họa đồng quê</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">"Bức tranh có màu
sắc tươi vui, ngộ nghĩnh. Ở đó, có hai đứa trẻ mục đồng ngồi tung tăng trên lưng
trâu. Phía trước, những ngọn cỏ tươi đang được một cậu học trò đưa vào miệng
trâu. Và cách đó không xa, hai đứa trẻ khác lại đang nô đùa với chiếc diều căng
gió. Xa xa là làng xóm, núi non trùng điệp…"- cô Trương Thị Ngọc Hà, chủ nhiệm
lớp Đ5, phải vất vả lắm mới "dịch" hết những ngôn ngữ "bằng tay" mà cậu học trò
khiếm thính Nguyễn Mạnh Cường giới thiệu về bức tranh của mình.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong cuộc thi vẽ
tranh dành cho thiếu nhi châu Á do Ngân hàng đầu tư Nhật Bản và Quĩ Tài chính
thống nhất Nhật Bản tổ chức, bức họa đồng quê mang tên Ước mơ của em của Nguyễn
Mạnh Cường đã được đánh giá cao và in ra thành bưu thiếp, không chỉ phát hành ở
Nhật Bản mà còn đưa ra 24 nước có các thành viên tham gia cuộc thi. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Để vẽ được bức họa
này, Cường phải rất khó khăn và vất vả mới diễn tả hết điều mình muốn thể hiện.
Và sau hai ngày vắt sức mà như Cường nói là em phải vừa vẽ, vừa nghĩ ngợi thêm,
bức họa đồng quê mới ra đời. "Em vẽ phong cảnh thì dễ hơn nhiều. Nhưng vẽ cảnh
người đang chơi rất khó vì mỗi người sẽ có một kiểu riêng. Vì vậy, em phải suy
nghĩ thật nhiều để vẽ người nhưng không ai giống ai" - Cường giải thích. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng tại sao lại
lựa chọn nội dung tranh là một bức họa đồng quê? Cường chia sẻ: "Bức tranh thể
hiện một phần rất dân dã của nông thôn Việt Nam. Qua đó, em và các bạn ở trường
chỉ mong muốn được vui chơi như các bạn khoẻ mạnh bình thường khác thôi. Được
chăn trâu hay thổi sáo, thả diều…". Nói rồi Cường chợt buồn: "Chỉ tiếc là em
không thể nghe được tiếng sáo". Sau bức tranh <em>Ước mơ</em> của em, Cường còn
tiếp tục vẽ thêm nhiều tranh nữa. Và bức tranh cát <em>Thiếu nữ bên sông Hàn</em>
đã được em thể hiện thành công và hiện đang triển lãm tại trường cho các bạn
cùng thưởng thức.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Và deafdanang.net.vn</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">"Những người cùng
cảnh ngộ với em đều không thể nghe và nói chuyện được. Trang web ra đời sẽ là
cầu nối giữa các bạn khiếm thính trong địa bàn Đà Nẵng cũng như các bạn ở địa
phương khác có thể trao đổi với nhau và dễ dàng hiểu nhau hơn". Từ lý do đó mà
Cường và bạn cùng lớp là Nguyễn Phú Lâm đã tự mày mò thành lập trang web dành
cho những người khiếm thính.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cường và Lâm đã
phải tự học từng tí một trên máy vi tính với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô
giáo. Ngoài thời gian trên lớp, hai bạn còn tranh thủ thêm thời gian ở nhà và ra
các quán net chat với các bạn cùng cảnh ngộ ở khắp cả nước để "xin ý kiến", học
hỏi thêm kinh nghiệm của các bạn…Và đến tháng 10-2006, trang web đã được "cộng
đồng" học sinh khiếm thính đón nhận nồng nhiệt. Còn hai nhân vật sáng tạo ra "đứa
con" này thì mệt bở hơi tai sau gần sáu tháng trời mới đưa hình và các thông tin
dạy nghề, tuyển sinh lên mạng, nhân đạo...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Deafdanang.net.vn
đang còn trong giai đoạn hoàn thiện với hơn 17.000 lượt người truy cập, nên mới
chỉ dừng lại ở những thông tin cơ bản. Vào địa chỉ web này các bạn có thể bắt
gặp một câu chuyện về một cậu học sinh bị câm điếc tên Thắng với nghị lực kiên
cường, hay các bạn sẽ được học luật lệ an toàn giao thông dành cho người khuyết
tật. Cường tâm sự: "Khi nào đủ tuổi em và các bạn có thể tự học Luật giao thông
ở đây và có thể đi thi lấy bằng lái xe. Bọn em sẽ tiếp tục hoàn thiện trang web
này ngày càng hữu dụng hơn". Ở đó, những người khuyết tật có thể bày tỏ tâm tư
của mình và được những người am hiểu tư vấn miễn phí, trực tuyến…</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở Trường chuyên
biệt Tương Lai Đà Nẵng, Nguyễn Mạnh Cường còn nổi tiếng là một cao thủ cờ vua
khi liên tục đoạt HCV, HCB tại các cuộc thi dành cho học sinh khuyết tật toàn
quốc. Cường nói nhỏ về mơ ước của mình sau này: "Em mong sẽ trở thành chú cảnh
vệ bên lăng Bác". Còn vẽ và vi tính thì sao? Cường nói: "Em sẽ lên lịch hẳn hoi
để không thể bỏ mất một trong hai thứ đó”. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>