<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đo</title>
</head>
<body>
<p align="left"><font face="Arial" size="2"><b>Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2008):</b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><font color="#0000FF"><b>Chung sức
trẻ tiếp bước truyền thống anh hùng</b></font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời
kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mang tên Sài Gòn - Gia Định. Chính từ đây Bác
Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Đây còn là thành phố của người công nhân Tôn Đức
Thắng, mảnh đất đã nuôi giấu cho những nhà lãnh đạo Đảng như Trần Phú, Lê Hồng
Phong, Nguyễn Thị Minh Khai..., là nơi ngày 26/3/1931, Trung ương Đảng mở hội
nghị bàn về công tác thanh niên của Đảng, sau này được Đại hội Đoàn toàn quốc
lần thứ III (họp từ ngày 22 đến 25/3/1961 tại Hà Nội) quyết định chọn là ngày
thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thành Đoàn Thanh niên Lao động
Việt Nam thành phố Sài Gòn - Gia Định, nay là Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh, được chính thức thành lập năm 1967, sau khi Khu đoàn Thanh niên tách
làm hai bộ phận: Thành Đoàn chuyên trách làm công tác vận động thanh niên ở nội
thành và vùng ngoại ô. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc ấy là Phó Bí thư Trung ương
Cục kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định là người trực tiếp chỉ đạo việc thành
lập Thành Đoàn, tiền thân là các cánh quân hoạt động thuộc Hội Liên hiệp Thanh
niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định.</font></p>
<div style="float: left; width: 138px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table2" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="ky%20niem%2077%20nam.jpg" width="221" height="136"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của
Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, các tổ chức bí mật, công khai, nửa công khai do Liên
chi ủy phụ trách học sinh - sinh viên, sau này là Ban cán sự sinh viên - học
sinh rồi Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định thành lập đã nhanh chóng tập hợp được đông
đảo thanh niên yêu nước, từng bước giác ngộ cách mạng cho thanh niên. Từ đây,
các phong trào thanh niên thành phố đã liên tục được tổ chức, liên tục tiến công
vào kẻ thù ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những cuộc
xuống đường rầm rộ biểu tình đòi dân sinh dân chủ, phản đối độc diễn bầu cử,
phản đối leo thang chiến tranh; phong trào đốt xe tăng Mỹ, phong trào “Hát cho
đồng bào tôi nghe”... Hàng vạn cuộc đấu tranh, biểu tình của thanh niên, sinh
viên, học sinh do Đoàn lãnh đạo đã đập tan hầu hết các âm mưu thủ đoạn mị dân,
chia để trị của kẻ thù. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh chính trị
của quần chúng nhân dân và thanh niên đã làm làm cho kẻ thù hoảng sợ, chúng tăng
cường khủng bố, đàn áp hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của nhân dân ta và phá vỡ
hệ thống tổ chức lãnh đạo của Đảng, của Đoàn. Nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại.
Một người ngã xuống đã có hàng vạn người đứng lên. Đám tang của Trần Văn Ơn, của
Quách Thị Trang, của Lê Văn Ngọc … đã trở thành những cuộc xuống đường biểu tình
của cả biển người, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Được sự chỉ đạo của Khu ủy, ngày
26/3/1961, Đội vũ trang quyết tử học sinh - sinh viên đầu tiên được thành lập.
Cùng với lực lượng biệt động khu, lực lượng vũ trang Thành Đoàn những năm tháng
ấy gắn liền với những tên tuổi Lê Hồng Tư, Nguyễn Sơn Hà, Võ Thị Bạch Tuyết...
đã khiến quân thù khiếp vía vì những trận tập kích bất ngờ, những trận đánh long
trời lở đất ngay giữa lòng thành phố mà địch cho là bất khả xâm phạm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân
dân và thanh niên thành phố trong giai đoạn chống Mỹ hết sức vĩ đại, phong phú
và đa dạng. Mỗi thời điểm đấu tranh, mỗi sự kiện phong trào đều là những nét
tiêu biểu của truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân và thanh niên thành
phố. Mỗi đoạn đường góc phố, mỗi địa phương, đơn vị đều có thể để lại cho chúng
ta những “địa chỉ đỏ”, những sự tích anh hùng. Hơn 200 anh chị cán bộ Thành Đoàn
đã anh dũng hy sinh, trong đó có 3 đồng chí Bí thư Thành Đoàn mà chúng ta thường
gọi với những cái tên thân thương, trìu mến: anh Tám Lượng (Trần Quang Cơ), anh
Hai Nghị (Hồ Hảo Hớn), anh Năm Tranh (Trang Văn Học); trong đó cũng còn một số
anh chị nằm lại trong lòng đất mẹ mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, chưa
được sum họp với đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ, nhưng nhân dân và thanh niên
thành phố luôn tưởng nhớ đến những hy sinh, những đóng góp máu xương của các anh
chị. Tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định bằng chính nghị lực, sự mưu lược và lòng dũng
cảm của mình trong đấu tranh chính trị và cả trong đấu tranh vũ trang đã viết
nên trang sử vẻ vang của chính mình trong lịch sử đấu tranh vĩ đại của Tổ quốc.
Thành Đoàn không còn là một cái tên riêng mà đã trở thành biểu tượng của khát
vọng tuổi trẻ, của niềm tin cách mạng và sức sống mãnh liệt của phong trào Thanh
niên Thành phố trong cuộc kháng chiến, đấu tranh chống Mỹ cứu nước. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đất nước đã hòa bình thống nhất,
trong hơn 30 năm qua, các thế hệ cán bộ Đoàn, đoàn viên, và thanh niên thành phố
lại tiếp tục kế tục sự nghiệp của Thành Đoàn một cách xứng đáng. Ngay từ những
ngày đầu mới giải phóng Thành phố, hàng chục vạn Thanh niên, dưới màu áo Thanh
niên xung phong, đã tình nguyện đi xây dựng các công nông trường lớn, các vùng
kinh tế xa xôi đầy gian khổ, thử thách. Lực lượng Thanh niên xung phong Thành
phố đã có mặt trên nhiều miền đất nước, đem sức trẻ đi xây dựng lại quê hương
sau chiến tranh. Khi biên giới Tây Nam bị xâm lấn, tuổi trẻ thành phố lại tiếp
tục hăng hái xung phong ra mặt trận. Trong lao động sản xuất, tuổi trẻ thành phố
xông xáo đi vào chiến dịch sản xuất, thi đua tăng năng suất, xây dựng cánh đồng
mẫu, đấu tranh bài trừ văn hóa phẩm độc hại, đi trồng cây gây rừng, tạo nên
những công trình mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ như thủy điện Trị An, hồ Dầu Tiếng,
công trường Trần Quang Cơ…. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong những ngày tháng ba lịch sử
này, chúng ta càng tự hào hơn về những vinh dự mà Thành Đoàn chúng ta đã được
đón nhận, đó là danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang - phần thưởng cao quý mà
Nhà nước trao tặng cho những cống hiến của tuổi trẻ thành phố trong sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương
Độc lập hạng nhì. Đặc biệt trong tháng 3/2008 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí
Minh vinh dự nhận được danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - phần thưởng
cao quý mà Chủ tịch nước trao tặng vì những thành tích xuất sắc của Đoàn Thanh
niên Cộng sản thành phố trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ
quốc của thời kỳ đổi mới. </font></p>
<div style="float: right; width: 221px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="ky%20niem%2077%20nam1.jpg" width="220" height="142"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong xu thế chủ động hội nhập kinh tế quốc
tế, tuổi trẻ thành phố tiếp tục đoàn kết một lòng, vun bồi lý tưởng cộng sản,
tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, xung kích tình nguyện, xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc và thành phố thân yêu. Đặc biệt, quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận
động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, tuổi trẻ thành phố phấn
đấu hết sức mình để trở thành những “Công dân trẻ” sống vì mọi người; những
“Sinh viên 3 tốt” miệt mài chinh phục tri thức, đồng thời không quên chia sẻ
trách nhiệm với cộng đồng; xung kích thực hành “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư”; thực hiện phong trào “3 trách nhiệm” (trách nhiệm với nhân dân, trách
nhiệm với công việc, trách nhiệm với bản thân); đoàn kết, cần kiệm, hỗ trợ nhau
vượt nghèo, làm giàu chính đáng, trang bị những kiến thức, kỹ năng để chủ động,
tự tin bước vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế; những “Cháu ngoan Bác Hồ":
học giỏi, chăm ngoan. Đó chính là cách thiết thực nhất của tuổi trẻ để tỏ lòng
biết ơn đối với Đảng, học và làm theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Và đó cũng
chính là những việc làm thiết thực nhất mà chúng ta thực hiện để chào mừng kỷ
niệm 77 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; góp phần vào
việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố, thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ thành phố lần VIII (2006 - 2010), Nghị quyết Đại hội Đoàn thành
phố lần thứ VIII (2007 - 2012), góp phần xứng đáng vào việc giữ gìn phát huy
danh hiệu cao quý mà thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu của chúng ta được vinh
dự đón nhận - “Thành phố Anh hùng”. </font></p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">(Trích Đề cương tuyên truyền
Tháng Thanh niên 2008) </font></b></i></p>
</body>
</html>