"Nhà sử học trẻ tuổi"
Là một trong 10 hoạt động tiêu biểu của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2007, cuộc thi Nhà sử học trẻ tuổi được đánh giá là một trong những phương thức hiệu quả trong công tác giáo dục lịch sử trong thanh thiếu nhi thành phố. Thành công của cuộc thi không dừng lại ở số lượng bài tham gia, phạm vi phổ biến rộng rãi mà trên hết là tinh thần của những người tham gia. Để phục vụ cuộc thi, Website Thành Đoàn đã thực hiện chuyên mục “Nhà sử học trẻ tuổi” có phần mềm riêng cho người dự thi trực tiếp tham gia trên website. Ngoài ra, một lượng bài lớn được Ban tổ chức tiếp nhận qua đường bưu điện, email và nhận trực tiếp. Cuộc thi được tổ chức thành 3 chặng với 3 chủ đề khác nhau, nội dung và hình thức phong phú. Ngoài phần thi trắc nghiệm kiến thức (20 câu), phần thi tự luận với những câu hỏi mở luôn gây sự bất ngờ cho Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi.
Trong Chặng 1, với chủ đề về Bác Hồ, phần lớn các bài dự thi không chỉ thể hiện kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp của Bác mà còn là sự nhận thức sâu sắc về tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh, trân trọng những giá trị tinh thần đúc kết từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta. Mỗi người tùy vào vị trí, tính chất công việc của mình đã học tập gương Bác để soi rọi bản thân, để tự đề ra cho mình một hướng phấn đấu… Bạn Nguyễn Thị Thu Lài (Trường ĐH Ngân Hàng) viết: “Đối với tuổi trẻ chúng ta hôm nay, đạo đức cách mạng nghĩa là sống đẹp, sống có ích cho gia đình và xã hội. Thái độ ích kỷ, vô cảm, bàng quang lúc này là có tội với quê hương, đất nước. Đạo đức cách mạng của tuổi trẻ còn là ý chí lập thân, lập nghiệp, là biết làm giàu cho chính mình, góp phần làm giàu cho đất nước bằng khối óc tinh anh, bằng lương tâm trong sáng…”
Bạn Võ Thành Lâm (Chuyên viên phòng Kinh tế Nhà Bè) đã cảm nhận “Sinh thời, Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức. Người từng nói: “Một tấm gương sống có sức cảm hóa hơn trăm bài diễn văn”. Vì thế, Người luôn căn dặn cán bộ đảng viên việc gì dù nhỏ cũng phải gương mẫu làm trước. Cán bộ càng giữ trọng trách cao càng phải gương mẫu. Phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của dân. Cần phải học tập nghiêm túc và vận dụng một cách linh hoạt phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức của Hồ Chí Minh làm cho cái tốt, cái thiện ngày càng có điều kiện phát triển. Đó là biện pháp tốt nhất để đẩy lùi cái xấu, cái ác, là con đường ngắn nhất đem bình an cho xã hội và hạnh phúc cho mỗi gia đình”.
Bạn Nguyễn Hồng Ngọc (Bình Chánh): “Cách nói thật giản dị và cụ thể của Bác giúp chúng ta càng dễ dàng nhận ra vai trò của “Đức” có tác dụng như thế nào trong hành động của con người. Bản thân tôi hứa sẽ cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh để trở thành một công dân có ích cho xã hội, đất nước”.
Anh Trần Anh Linh - Nguyên Phó Ban CNLĐ Thành Đoàn chia sẻ: “Là một người cán bộ Đoàn, công tác trong trường học xã hội chủ nghĩa, một môi trường rèn luyện lý tưởng về thực tiễn cách mạng trong thời kỳ mới với nhiều điều kiện thuận tiện, tôi luôn nghĩ rằng hơn ai hết bản thân mình phải không ngừng rèn luyện và trau dồi đạo đức cách mạng theo mong mỏi của Người để trở thành một trong những tấm gương sáng, một người anh, người đồng chí, người đồng đội sát cánh cùng đoàn viên, thanh niên và thiếu niên nhi đồng học tập và làm theo lời dạy của Người, để lời nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” của Người trở thành niềm tin vững chắc và mãi mãi trường tồn trong lòng của mỗi người dân Việt Nam”.
Trong chặng 2, với chủ đề “Lịch sử Việt Nam”, mỗi thí sinh thể hiện sự nghiêm túc, niềm trân trọng, mến phục với từng nhân vật lịch sử đề cập trong bài viết. Bạn Nguyễn Thị Chiến (chi đoàn 30 CKT2,Trường GTVT III) tự hào: “Tôi tự hào là người con xứ Nghệ. Nghệ Tĩnh - mảnh đất mà tôi sinh ra và lớn lên đầy truyền thống anh hùng, cái nôi sinh ra nhiều nhà cách mạng danh tiếng… Trên những nẻo đường quê hương ấy đã thắm đượm biết bao giọt máu anh hùng của tổ tiên. Tôi tự hào mỗi bước chân trên quê hương, tự hào và nhận thức được rằng cuộc sống ngày hôm nay được đổi bằng máu, xương của bao thế hệ anh hùng cách mạng”.
Bạn Cao Thị Hồng Hà - Chi đoàn Dự án - Di sản Sở VHTT TP.HCM tâm sự: “Nghĩ về những người anh hùng, tôi càng nghiệm ra những giá trị đích thực của cuộc sống: “Chính trong lửa đỏ mà sắt được tôi luyện thành thép. Chính trong tận cùng đau khổ con người sẽ tìm thấy sức mạnh”. Cảm nhận, cảm xúc về những con người “làm nên dáng hình Tổ quốc” với những rung động trong khoảnh khắc rất đời thường. Đó là một sáng sau giờ tập thể dục, thấy mọi vật xung quanh thật yên bình và thầm cảm ơn những người đã ngã xuống. Đó là một buổi chiều nghe radio nhà hàng xóm cất lên “Mùa hoa lê- i-ma nở…”. Đó là hàng ngày đi về trên con đường Nguyễn Văn Trỗi, nhìn lại cây cầu mang tên anh. Đó là một ngày đến thăm bảo tàng thấy lòng mình rung lên niềm cảm phục… Những tấm gương anh hùng lịch sử chính là điểm tựa, là động lực để mỗi người bằng khả năng, công việc, nhận thức định cho mình một hướng phấn đấu, rèn luyện cho “ngày hôm nay”: Đất nước đang rất cần những con người dám nghĩ, biết làm, có chí hướng, hoài bão, có tài năng và trí tuệ, thông thạo ngoại ngữ, hiểu biết rộng nhưng có tấm lòng nhân ái, sống đạo đức, tôn trọng pháp luật, dám bảo vệ công bằng và lẽ phải. (Từ Thanh Phong - Phòng Công tác Chính trị - Công an Thừa Thiên Huế)
Trong chặng 3, với chủ đề Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh - Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh, mỗi bài dự thi tự luận giới thiệu mỗi địa danh nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ là tên đất, tên đường mà còn là những cảm xúc của những người đã đến, chưa từng đến và mong muốn được đặt chân đến. Mỗi địa danh là một bài học về lịch sử hình thành và phát triển của thành phố.
Đặc biệt, trong những bài dự thi gửi về, Ban Tổ chức xúc động khi nhận được những lá thư tay: “Bài dự thi đính kèm là của cháu Trần Thanh Lộc, sinh năm 1991. Cháu bị di chứng của vàng da nhân nên nói năng, đi đứng và viết lách khó khăn nhưng cháu lại rất mê lịch sử Việt Nam. Cháu đọc nhiều, nhớ nhiều, khi thấy thông báo cuộc thi “Nhà sử học trẻ tuổi” chặng 2 cháu tham gia trả lời ngay…”. (Trích thư của phụ huynh Trần Thanh Xuân), “Bác đọc được thông tin về cuộc thi trên báo
và tham gia, chỉ với mong muốn động viên các cháu trẻ tuổi ham học lịch sử dân tộc. Bài làm của Bác chắc sẽ không được điểm cao nhất vì Bác chỉ lục lại những kiến thức mình nhớ trong đầu, hoàn toàn không tham khảo một tài liệu nào” (Bác Đặng Văn Quảng - Vĩnh Long - là thương binh bị cụt cả hai chân). Hay bài dự thi của bạn Đỗ Đức Phương (ĐH Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh), bài dự thi của Phương là một bản viết tay, 12 trang giấy A4, chữ viết mực màu đen, rất đều, rất đẹp. Quả thực, trong thời đại mà gửi thư điện tử còn thông dụng gấp nhiều lần gửi thư tay, thì việc thực hiện một bài thi như Phương là rất công phu, rất tỉ mỉ, rất tâm huyết...
Kết thúc ba chặng “Nhà sử học trẻ tuổi” năm 2007, Ban tổ chức đã nhận được gần 30.000 bài dự thi từ nhiều tỉnh thành trong cả nước: TP.HCM, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Ninh… Anh Tăng Hữu Phong - Nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên thành phố, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi cho biết: “Có thể nói chính sự trân trọng, nghiêm túc của người dự thi, những kiến thức sâu sắc thể hiện trong bài làm và những tình cảm thiêng liêng của các thế hệ người Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lịch sử thành phố và lịch sử dân tộc đã tạo nên thành công của cuộc thi. Ban Tổ chức không hề đặt nặng số lượng, cũng không hề “áp đặt lối chơi” nhưng số lượng bài và chất lượng bài thi thật sự là một thành công lớn”.
MINH NGUYỆT