<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Sinh ra trong một gia đình có tr</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Người nữ Bí thư
Thành Đoàn năm xưa</font></b></p>
<div style="float: left; width: 94px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nguoi%20nu%20bi%20thu%20TD.bmp" width="177" height="220"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ra trong một gia đình có
truyền thống cách mạng, từ năm 12 tuổi cô Tư Liêm đã giúp mẹ làm giao liên cho
cách mạng. Một mình băng qua những con đường tối, nỗi sợ bóng đêm, quân địch
không lấn lướt được tinh thần của cô gái nhỏ. Suốt hai năm làm giao liên, không
một lần nào cô bị quân địch nghi ngờ, dò xét. Đầu năm 1961 cô tham gia Hội liên
hiệp thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định và được kết nạp Đoàn tháng
4/1961 tại Củ Chi. Ba tháng sau, nhờ tài trí, mưu lược cô đã cứu nguy cho cuộc
biểu dương lực lượng chợ Vườn Chuối và được kết nạp Đảng ngày 23/7/1961. Trong
suốt cuộc kháng chiến, hai lần cô bị địch bắt, bị chúng tra tấn, hành hạ và đánh
đập dã man nhưng cô quyết không khai báo bí mật của tổ chức. Lý tưởng cao đẹp
của Cách mạng đã soi sáng, dẫn đường và tiếp thêm sức mạnh để cô vượt qua đòn
roi của kẻ thù. Cô nói: “...Nếu mình khai báo, nhiều anh em mình sẽ bị bắt, tổ
chức sẽ gặp nguy hiểm, thà là mình hy sinh…”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Được tự do, cô Tư Liêm tiếp tục
tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, và đóng góp không nhỏ vào
thành công của những phong trào, chiến dịch lớn như phong trào học sinh sinh
viên năm 1967 - 1968, đêm văn nghệ mừng Tết Quang Trung do Tổng hội Sinh viên và
Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn phối hợp tổ chức vào ngày 26/01/1968 với sự
tham gia của 21 phân khoa đại học, 53 trường trung học tại sân trường Quốc gia
hành chánh Sài Gòn đã quy tụ trên 12.000 thanh niên, sinh viên, học sinh, và
chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trải qua tuổi thanh xuân trong
bom đạn chiến tranh, nhưng cô Tư Liêm vẫn có một tình yêu đẹp và bền vững với
người chỉ huy cấp trên của mình là chú Lê Minh Châu. Chiến tranh làm họ xa cách
nhau nhưng tình yêu thì mãi vẹn tròn. Đám cưới của cô chú được đồng đội tổ chức
trong rừng tại một khu căn cứ. Khi cô Tư Liêm bị địch bắt giam, chúng đã dùng
mọi thủ đoạn từ đánh đập tra tấn đến khuyên lơn, dụ dỗ để tìm kiếm thông tin về
người chồng của mình, cô đã gan lì và khéo léo tìm cách thoái thác. Trong tâm
trí cô, lý tưởng cách mạng vẫn là quan trọng và cao đẹp nhất, bảo vệ cho chồng
cũng là bảo vệ cho người cấp trên, cho tổ chức, có hy sinh cũng cam lòng. Lần bị
bắt giam đầu tiên cũng chính là lúc cô mang thai người con thứ hai được một
tháng rưỡi. Cuộc sống trong tù kham khổ cũng với những trận đòn roi đến tê lòng,
đứa bé sinh ra chỉ vỏn vẹn 2kg. Biết bao cuộc giằng co giữa cô và kẻ thù để bảo
vệ cho con, nhưng đã có lúc cô phải nghĩ đến việc hy sinh bản thân và đứa con bé
bỏng của mình dù với người mẹ nào, con cái là điều thiêng liêng, quý giá nhất.
Khi được hỏi liệu trong những phút giây giằng co giữa cái sống và cái chết, nhất
là lúc bảo vệ cho con mình, có khi nào cô cảm thấy chùng lòng, nản chí? Cô Tư
Liêm cho biết qua những khó khăn thử thách càng làm cho lòng mình dạn dĩ, gan
góc hơn, ý chí cách mạng càng mạnh mẽ hơn gấp bội. Tấm gương kiên trung của
người cựu cán bộ Thành Đoàn này mang đậm nét những vẻ đẹp cao quý của người phụ
nữ Việt Nam, nhỏ bé về dáng dấp, chịu thương chịu khó, dịu hiền, nhưng mạnh mẽ,
dũng cảm, quật cường trong đấu tranh chống kẻ thù. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ước mơ được đi học bị chiến tranh
làm gián đoạn nhưng cô không hề từ bỏ ước mơ đó. Hòa bình trở lại cô cố gắng
hoàn thành hết cấp ba, nhận được tấm bằng đại học và tốt nghiệp trường Đảng cao
cấp Nguyễn Ái Quốc. Hiện tại cô Tư Liêm đang giữ cương vị là Phó chủ nhiệm
thường trực của Câu lạc bộ Truyền Thống Thành Đoàn và là thành viên ban “ Vì sự
tiến bộ của phụ nữ” thành phố. Theo cảm nhận của cô, lớp thanh niên ngày nay có
rất nhiều người tài giỏi, làm được nhiều việc lớn, đạt nhiều thành quả trong học
tập và xã hội, nhưng, thanh niên cần phải được đào tạo, tôi luyện hơn nữa về lý
tưởng cách mạng, lý tưởng sống. Những người trẻ không được quên ơn những người
đã ngã xuống, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước yên bình hôm
nay. Và hơn thế nữa, đội ngũ thanh niên cần phải tăng cường về những vùng sâu,
vùng xa để cảm nhận nỗi khó khăn vất vảcủa người dân nơi đây và giúp đỡ họ,
xây dựng đất nước ta ngày càng bền vững theo khẩu hiệu: đi bất cứ nơi đâu, làm
bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, sẵn sàng. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">H.A</font></b></p>
</body>
</html>