<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Nhạc sĩ
Phạm Đăng Khương:</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Cần tạo "đất sống" cho sử ca</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="can%20tao%20dat%20song.bmp" width="150" height="112"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nhạc sĩ
Phạm Đăng Khương </font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một chương trình sưu tầm, sáng
tác và giới thiệu sử ca VN đang được Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM phát động
rộng rãi từ 15-5 đến 30-6 với mục đích sẽ hệ thống lại các ca khúc viết về "lịch
sử Việt Nam từ trước 1930". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhạc sĩ Phạm Đăng
Khương - thường trực ban tổ chức chương trình này - cho biết: Đây là một nội
dung của chương trình "Thanh niên Việt học sử Việt" do NVH Thanh niên đang thực
hiện. Bên cạnh hai hình thức: treo những banner có nội dung lịch sử trên các
tuyến đường, tổ chức những chuyến "du lịch học sử" cho các bạn trẻ tham gia;
chương trình sưu tầm, sáng tác và giới thiệu sử ca là cuộc vận động nhằm tổ chức
lại mảnh đất sống của sử ca sau bao nhiêu năm bị thu hẹp bởi các nội dung ca
nhạc khác. Đây là phong trào vận động chứ không phải giải thưởng, chúng tôi đang
hi vọng từ đây sẽ làm dấy lên một phong trào trở lại với sử ca, bắt đầu từ những
bạn trẻ. </font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Được biết
cuộc vận động này sẽ có kết quả cụ thể là một tập nhạc sử ca kèm CD được phát
hành. Tại sao công chúng phải tham gia trong việc này mà không phải chỉ là những
nhà chuyên môn tự làm việc với nhau và đưa ra danh sách các bài sử ca cần phổ
biến?</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Sở dĩ chúng tôi
phải vận động sưu tầm sử ca trong công chúng, kể cả trong và ngoài nước, là vì
rất có thể những nhạc sĩ, những nhà chuyên môn và quan chức trong ngành âm nhạc
VN cũng không nắm hết được các tác phẩm sử ca hay, có giá trị, từng tồn tại và
nổi tiếng trong nhân dân nhưng lâu nay vắng bóng. Cụ thể, có những ca khúc lịch
sử rất hay, ra đời từ đầu thế kỷ 20 hoặc trước nữa, khi đó người dân VN hát sử
ca như thế nào, ít ai bây giờ còn biết được. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với cuộc vận động
này, người dân sẽ có cơ hội giới thiệu các bản nhạc lịch sử họ yêu thích, từng
gắn bó với những cá nhân, gia đình mà họ còn giữ được. Những điều này vượt ngoài
khả năng nắm bắt của các nhà chuyên môn. Hoặc các trường hợp có nhạc sĩ sáng tác
sử ca nhưng chưa phổ biến được do hoàn cảnh lịch sử hoặc lý do riêng nào đó, nay
cũng là dịp để họ hoàn chỉnh các sáng tác và đưa ra giới thiệu. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những nhạc sĩ có
cảm hứng với cuộc vận động này và công bố các tác phẩm sử ca mới cũng rất được
hoan nghênh, lực lượng này sẽ làm phong phú thêm cho kho tàng sử ca VN. Chúng
tôi dự kiến tuyển chọn 30 bài sử ca trong đợt vận động này làm thành hai đĩa CD
và phát hành cùng với một tập sách nhạc Sử ca Việt Nam giới thiệu nhiều hơn 30
bài.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="1" cellspacing="5" width="200" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Các bài tham gia cuộc vận
động gửi về địa chỉ: Nhà văn hóa Thanh niên - số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1,
TP.HCM. Điện thoại: 08.8294345. Ngoài bao thư ghi rõ: "Ca khúc sưu tầm
và tuyển chọn sử ca Việt Nam".</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>* Thưa ông, khái niệm "sử ca"
trong cuộc vận động này được hiểu như thế nào? Tiêu chí nào để ban tổ chức tuyển
chọn các bài sử ca được xem là xứng đáng giới thiệu với công chúng?</b> </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Sử ca ở đây được
hiểu là các ca khúc viết về lịch sử VN. Có thể đó là ca khúc viết về những sự
kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, và kể cả những truyền thuyết lịch sử… Chúng tôi
có thành lập hội đồng tuyển chọn gồm các nhạc sĩ có uy tín về sử ca, có nhà
nghiên cứu về lịch sử và dự kiến sẽ mời chuyên gia của Viện Sử học để cố vấn về
các kiến thức lịch sử trong các ca khúc. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiêu chí tuyển chọn
là những ca khúc hay, tức là những ca khúc viết có cảm hứng lịch sử, có nghiên
cứu để nội dung lịch sử chuyển tải vào các ca khúc là đúng đắn, với các thể loại:
ca khúc, trường ca, hợp xướng…bao gồm những bài số đông công chúng dễ hát và
những bài theo thủ pháp kinh điển đều được. Hội đồng tuyển chọn cũng thống nhất
ưu tiên cho những bài sáng tác mới có tính phát hiện. Thể lệ vận động của lần
này là chỉ tập trung vào các bài sử ca có nội dung lịch sử VN từ thời Hùng Vương
dựng nước đến 1930 – trước khi có Đảng Cộng Sản VN. Cuộc vận động sau chúng tôi
sẽ tập trung vào các đề tài lịch sử từ sau 1930 đến nay. </font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><font face="Arial" size="2">* Mục đích của
chương trình không chỉ là tìm ra sử ca, mà còn đưa sử ca vào đời sống giới trẻ
hiện nay. Nhưng thưa ông, nếu sau khi có CD sử ca rồi, phát hành tập nhạc sử ca
rồi mà công chúng vẫn không hát sử ca thì ông nghĩ sao?</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Lâu nay chúng ta
thiếu tổ chức "đất sống" cho sử ca chứ không phải người VN không yêu thích sử
ca. Trong vấn đề này có trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cả những cơ
quan truyền thông đại chúng. Chúng ta giới thiệu sử ca với tỉ lệ quá ít so với
những ca khúc mới. Thử hình dung khi giới thiệu một bài sử ca trên trên truyền
hình hoặc trên sóng phát thanh, nếu có người giới thiệu đôi nét về nội dung lịch
sử của ca khúc đó, bạn trẻ sẽ hiểu hơn và thích hơn. Và người ta cũng chỉ thích
những bài sử ca hay, do vậy vận động sáng tác là khơi niềm cảm hứng sâu rộng
trong nhiều tầng lớp nhân dân để có tác phẩm hay. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau cuộc vận động
sưu tầm và sáng tác sử ca, chúng tôi còn tổ chức giới thiệu sử ca bằng nhiều
hình thức: đưa lên mục nghe nhạc trực tuyến các trang báo điện tử, để khi công
chúng cầm trên tay tập sử ca, có thể vào các trang này nghe nhạc ngay. Chúng tôi
cũng sẽ tổ chức tập hát sử ca tại các trung tâm văn hóa, các trường phổ thông
mang tên những nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử; và dự kiến sẽ tổ chức
chương trình liên hoan hoạt cảnh sân khấu hóa Sử ca Việt Nam từ tháng 10-12 năm
nay. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với những mở đầu
như thế, hi vọng các ban ngành đoàn thể và những đơn vị kinh tế sẽ nhìn thấy ở
phong trào này những công việc có thể tham gia để sử ca VN được khởi sắc trở lại.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>