<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nguyễn Văn Tạo - người chiến sĩ</title>
</head>
<body>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Nguyễn Văn Tạo - người chiến sĩ cộng sản tiên phong</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" width="170" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="nguyen%20van%20tao.bmp" width="200" height="146"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Ông
Nguyễn Văn Tạo (x) và các chiến sĩ cộng sản Pháp năm 1927 (Ảnh tư
liệu gia đình)</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuộc đời và sự nghiệp của nhà
cách mạng Nguyễn Văn Tạo đã thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh
công - nông - trí trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, về sự hòa hợp dân tộc trên
cơ sở yêu nước Việt Nam</font></p>
</span>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại tọa đàm khoa học kỷ niệm 100
năm ngày sinh nhà cách mạng Nguyễn Văn Tạo, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và
Viện Nghiên cứu Xã hội TP tổ chức sáng 27-5, ông Nguyễn Văn Thuyền, Chủ nhiệm
Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM, nhận xét: “Cuộc đời và sự nghiệp của
đồng chí Nguyễn Văn Tạo đã thể hiện rất sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về liên
minh công - nông - trí trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, về sự hòa hợp dân tộc
trên cơ sở yêu nước Việt Nam”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Hoạt động
ở Pháp </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần 20 tham luận và các ý kiến
tại tọa đàm đã khẳng định ông Nguyễn Văn Tạo là người chiến sĩ cộng sản tiên
phong. Sau khi bị chính quyền thực dân Pháp đuổi học vì tham gia bãi khóa đòi
thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, cuối năm 1926, ông Tạo đã tìm đường sang Pháp
và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Được sự giúp đỡ của Hội Ái hữu người Việt, ông
tiếp tục vào học Trường Lycée Mignet, rồi lên Paris vừa làm kiếm sống vừa ghi
danh theo học Đại học Văn khoa. Vừa học vừa đi làm, ông Tạo còn hăng hái tham
gia phong trào yêu nước của Việt kiều, phong trào thợ thuyền Pháp. Những hoạt
động của ông Tạo đã gây cảm tình lớn với Đảng Cộng sản Pháp và được Trung ương
Đảng Cộng sản Pháp giao nắm tình hình các nước thuộc địa, nhất là ở Đông Dương
để các nghị sĩ cộng sản Pháp có cơ sở đấu tranh, chất vấn tại quốc hội về chính
sách của Chính phủ Pháp với các nước thuộc địa. </font></p>
<div align="left">
<table style="border-collapse: collapse" width="179" align="left" bgcolor="#f5f5f5" border="0" bordercolor="#4169e1" cellpadding="0">
<tr>
<td bgcolor="#C6ECFF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Văn Tạo sinh
ngày 20-5-1908, tại làng Phước Lợi, tổng Long Hưng Hạ, tỉnh Chợ Lớn,
nay thuộc TPHCM. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ và
Quốc hội như: Bộ trưởng Bộ Lao động; Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính
Phủ Thủ tướng; Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Quốc hội. Ông qua đời
ngày 16-8-1970. Năm 2002, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí
Minh. </font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo TS Trần Thị Mai (Trường ĐH
Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI tại
Matxcơva (từ 17-7 đến 1-9-1928), với tư cách là đại biểu chính thức của Đảng
Cộng sản Pháp, ông Nguyễn Văn Tạo đã có bài tham luận lên án tội ác của thực dân
Pháp đồng thời khẳng định tại thời điểm đó, giai cấp công nhân Việt Nam đã hình
thành, tham gia đấu tranh và yêu cầu Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp giúp
những người cách mạng ở Đông Dương thành lập Đảng Cộng sản. Bài viết của ông đã
gây tiếng vang lớn. Sau khi trở về Pháp (1929), nhà cách mạng này đã được bầu bổ
sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp phụ trách vấn đề thuộc địa
và ông là người Việt Nam duy nhất là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Đấu tranh
ở nghị trường </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1930, ông Nguyễn Văn Tạo và
những người yêu nước Việt Nam ở Pháp vận động phong trào phản đối chính quyền
thực dân Pháp xử tử ông Nguyễn Thái Học và 12 người tham gia khởi nghĩa Yên Bái.
Sau sự kiện này, chính quyền Pháp đã trục xuất ông và 18 du học sinh khác về
nước. Về Sài Gòn, ông cùng các ông Nguyễn An Ninh, Trần Thiện Quý tham gia đấu
tranh trên mặt trận báo chí. Những bài báo của ông trên các tờ Trung Lập, La
Lutte (Tranh đấu), La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) với lập luận sắc sảo, đanh
thép đã vạch đường, chỉ lối cho những người bị áp bức vùng lên. Trên tờ La Lutte
lần đầu tiên đã nêu lên các yêu sách cho giới công nhân, lao động về các nhu cầu
cơm áo cho lao động mất việc, thành lập nhà giữ trẻ con công nhân, quyền đình
công, làm việc 8 giờ mỗi ngày... Tờ La Lutte đã trở thành công cụ đấu tranh công
khai với chính quyền thuộc địa, đồng thời khuấy động phong trào quần chúng nhân
dân, trang bị cho họ những phương thức hoạt động mới khá phong phú. Chưa hết,
ông Tạo còn trúng cử vào Hội đồng TP Sài Gòn. Kể từ đó, người dân lao động có
được đại diện chính thức của mình trên nghị trường. Năm 1939, ông bị thực dân
Pháp bắt và kết án 5 năm tù, một năm giam ở Khám lớn và sau đó bị đày ra Côn Đảo.
Năm 1943, Pháp đưa ông về giam ở Bà Rá (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Khi Nhật đảo
chính Pháp, ông về hoạt động tại Sài Gòn, tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám
tại Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ. Ông là Ủy trưởng Nội vụ của Ủy ban Hành chính
Lâm thời Nam Bộ sau Cách mạng Tháng Tám. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Giáo sư Trần Văn Giàu, tự nhận là
“thuộc lớp đàn em”, đã đánh giá về hoạt động của ông Nguyễn Văn Tạo trong thời
kỳ này: “Lý luận khá, viết báo giỏi, diễn thuyết cũng giỏi”. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLĐO</i></b></font></p>
</body>
</html>