<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra đi</b></font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>* Tổ chức
quốc tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt</b></font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Đồng
chí Võ Văn Kiệt (bìa trái) ra quân cùng lực lượng TNXP năm 1976. </font>
</i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo thông cáo đặc biệt của Ban
chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN: "Sau một
thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ
tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng,
đồng chí Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7g40 ngày 11-6-2008, thọ 86 tuổi. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hoạt động cách mạng
liên tục trên 70 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp
cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta".</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tang lễ sẽ được tổ
chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày 14 và 15-6-2008. Ban lễ tang gồm 33
vị, do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm trưởng ban. </font></p>
<table border="1" width="100%" id="table13" bordercolorlight="#4792D9" cellspacing="5" cellpadding="5" bordercolordark="#456AE1" bordercolor="#CFE6F9">
<tr>
<td bgcolor="#CEEFFF">
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tổ
chức quốc tang</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tang lễ
đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt quàn tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lễ viếng
đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt
đầu từ 8 giờ ngày 14-6-2008 đến 8g30 ngày 15-6-2008.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lễ truy
điệu đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại hội trường Thống Nhất,
TP.HCM, bắt đầu từ 9 giờ ngày 15-6-2008.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lễ an táng
đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đài truyền
hình VN và Đài Tiếng nói VN sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ
an táng đồng chí Võ Văn Kiệt tại TP.HCM.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cùng thời
gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại TP.HCM sẽ
tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung tâm Hội
nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) và tại trụ sở Ủy ban
nhân dân tỉnh Vĩnh Long.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong hai
ngày quốc tang (14 và 15-6-2008), các công sở, các nơi công cộng treo cờ
rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.</font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>
........................</strong></font></p>
<p class="pTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Con người hào
kiệt</font></b></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Tiếng gọi thanh niên</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong1.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ngày tháng đầu tiên ngay
sau ngày Sài Gòn giải phóng 30-4-1975, những cán bộ Thành đoàn lứa tuổi 20 chúng
tôi đã có dịp tiếp cận với chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, khi ấy là bí thư Thành ủy
TP.HCM. Mỗi lần nghe chú Sáu Dân gọi cả Ban chấp hành Thành đoàn - gần 50 người
- đến làm việc là chúng tôi mừng rơn như trẻ nhỏ được cha mẹ dắt đi dạo phố mua
đồ chơi. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ vì nơi
hội nghị là một ngôi nhà tọa lạc ven sông Sài Gòn lộng gió, mà chính vì phong
cách làm việc với giới trẻ của chú rất thuyết phục chúng tôi. Chú nêu ra yêu
cầu, mục tiêu của phong trào vận động thanh niên rất cao, rất quyết liệt, nhưng
luôn đòi hỏi chúng tôi phải tranh luận, phản biện và đề xuất những giải pháp đột
phá, sáng tạo để thực hiện mục tiêu. Những cuộc làm việc này có khi kéo dài hai,
ba ngày, nhưng cứ đúng 11g30 trưa và 5g chiều thì chú ngừng ngay, ra sân đạp xe
đạp, chơi thể thao, còn chúng tôi thì tự do bơi lội, xem phim, ăn cơm.</font></p>
<p class="pBody" align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong8.bmp" width="400" height="305"></font></p>
<p class="pBody" align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng
các đồng chí lãnh đạo đến dự </font>
<span lang="EN-GB" style="font-size: 10pt; color: #808080; font-family: Arial" id="PageContent_News_NewsDetail">
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ VIII (2007 - 2012) - ảnh:
Q.C</span></i></p>
<p class="pBody" align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="left" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="200" id="table4">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của
mình trên vầng trán của các em</font></p>
<p class="pBody" align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><em><strong>(Đồng chí Võ Văn Kiệt phát biểu
với các cháu thiếu niên - nhi đồng TP.HCM)</strong></em></font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Một hình ảnh nữa khó quên đối với giới trẻ Sài Gòn
là những lần chú Sáu Dân xuất hiện, nói chuyện với thanh thiếu niên với số lượng
hàng chục ngàn người ở công viên Tao Đàn hoặc sân dinh Thống Nhất. Lớp lớp thanh
niên đi như trẩy hội, chịu ngồi trật tự hai, ba giờ trở lên để lắng nghe và hò
reo, vỗ tay hưởng ứng những ý tưởng gợi mở sáng tạo, những phát động ra quân
phong trào thanh niên lao động tình nguyện, phong trào thanh niên xung phong.</font></p>
<p class="pBody" align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
</p>
<p class="pBody" align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong10.bmp" width="400" height="300"></p>
<p class="pBody" align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đến
tham dự giải bóng đá học sinh sinh viên TP.HCM năm 2006 - ảnh: A.P</font></i></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Là một nhà lãnh đạo
Đảng nhưng chú Sáu Dân đã nói với thanh niên, đến với thanh niên với phong cách
một thủ lĩnh thanh niên giàu bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, đột phá,
không thúc thủ trước khó khăn.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Chiêu hiền đãi sĩ</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table5">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong2.bmp" width="150" height="200"></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi đã được dịp làm việc nhiều
ngày với chú Sáu Dân khi cùng là đại biểu Quốc hội khóa IV (1976-1981). Quốc hội
khóa này qui tụ nhiều nhân sĩ - trí thức miền Nam, những vị đã ít nhiều đóng góp
vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một hôm, trong kỳ
họp khai mạc Quốc hội thống nhất cả nước đầu tiên này, chú gọi tôi và anh Huỳnh
Tấn Mẫm lại dặn dò: "Các cậu hay gần gũi, giao tiếp với các anh, chị trí thức
Sài Gòn trong Quốc hội, xem thử với tiền công tác phí Quốc hội cấp cho đại biểu
có đủ xài hay không, báo lại cho chú biết". Sáng hôm sau, ở quán cà phê trong
sân hội trường Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi ngồi uống nước với một số vị như GS Lý
Chánh Trung, bà luật gia Ngô Bá Thành. Các vị cho biết tiền sinh hoạt phí Quốc
hội hằng tháng chỉ đủ uống cà phê, điểm tâm (khoảng vài chục đồng, tiền mới đổi
sau 1975). </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khi nghe chúng
tôi báo cáo lại, chú Sáu đưa chúng tôi vài phong thư - mỗi cái đựng khoảng 200
đồng - nhờ trao đến các vị đại biểu trí thức trên, với lời nhắn: "Chú Sáu Dân
gửi chút ít để các vị uống cà phê”.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table6">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong3.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một chuyện khác mà
tôi biết về sự quan tâm, trân trọng của chú Sáu Dân đối với trí thức - văn nghệ
sĩ là chuyện liên quan nhà văn Sơn Nam, xảy ra khoảng 1977-1979. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Do giao du thân mật
với nhà văn Sơn Nam, một hôm ông hỏi tôi một cách thân mật: "Nuôi, mày gần gũi
ông Sáu Dân, tao nhờ mày một chuyện. Thời kháng chiến 1945, tao có cùng tham gia
Ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Rạch Giá, do ông Sáu làm chủ tịch. Bây giờ
tao đang gặp khó khăn là cái nhà nhỏ tao ở đang nóc dột, cột xiêu, không có tiền
sửa. Mà tao đâu có gặp ổng xin được, vậy nhờ mày nói giùm!". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vài bữa sau, tôi
đến nhà chú Sáu thăm, kể chuyện nhà văn Sơn Nam, hỏi chú Sáu có nhớ ông Sơn Nam
cùng hoạt động kháng chiến với chú ở Rạch Giá không, chú Sáu nói: "Nhớ chứ!".
Nhưng khi tôi nói đến chuyện ông Sơn Nam nhờ giúp sửa nhà thì chú Sáu la tôi:
"Công việc thành phố bề bộn, chuyện gì ở cơ sở giải quyết được thì chủ động giải
quyết, chứ dồn hết lên chú thì sao chịu nổi!". Tôi gãi đầu, ấp úng: "Cháu cũng
biết vậy, nhưng chuyện giúp sửa nhà, cần tiền. Mà nghèo rớt mồng tơi như cháu
thì sao giúp được". "Thôi được rồi! Để chú bàn với Văn phòng Thành ủy tính. Ghi
cho chú địa chỉ nhà ông Sơn Nam đi".</font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table7">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong4.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi thở phào ra về, báo tin cho
ông Sơn Nam mừng. Một tháng sau, ông Sơn Nam gặp tôi khoe: "Ê Nuôi, ông Sáu ổng
cho quân xuống sửa nhà tao ngon lành rồi! Ngày hôm kia ổng còn cho xe hơi tới
đón tao cùng ổng ra nhà hát lớn coi cải lương. Rồi trên đường về nhà còn tặng
tao 500 đồng xài chơi. Ông Sáu đối xử với tao quá nghĩa tình. Mày thấy hôn!".
Nghe ông Sơn Nam kể mà tôi ngẩn người. Không ngờ chú Sáu tuy ban đầu la tôi,
nhưng lại tận tình với đồng đội cũ đến vậy. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chú Sáu Dân - con
người hào kiệt - là như thế.</font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><b><font face="Arial" size="2">LÊ VĂN NUÔI</font></b></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">"Ông sẽ được tất cả mọi người nhớ
đến!" </font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table8">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong5.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nguyên
thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự ra đi của nguyên thủ tướng Võ
Văn Kiệt đã được hầu hết các hãng thông tấn và tờ báo lớn trên thế giới đưa tin.
Báo chí thế giới đã gọi nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là "một nhà cải cách", là
"kiến trúc sư của công cuộc cải cách định hướng thị trường ở VN" vào cuối thập
niên 1980 và trong thập niên 1990. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">* Tổng thư ký Liên
Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi nghe tin về sự ra đi của
nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong điện chia buồn gửi đến gia đình ông Võ Văn
Kiệt, nhân dân và Chính phủ VN, ông Ban Ki Moon viết: "Là một lực lượng quan
trọng đằng sau sự cải cách kinh tế của VN từ cuối thập niên 1980, ông Võ Văn
Kiệt đã mở đường cho sự chuyển đổi đất nước từ nghèo đói sang một thập niên phát
triển kinh tế ấn tượng".</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="200" id="table9">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<table style="border-collapse: separate" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table10">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong6.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Được tin
anh Võ Văn Kiệt đột ngột từ trần, tôi vô cùng xúc động.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Võ Văn
Kiệt là một người cộng sản kiên cường, trung trực, một nhà lãnh đạo nhà
nước xuất sắc, sâu sát thực tiễn, năng động sáng tạo, có uy tín cao. Anh
đã có nhiều công lao trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong
công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>
<em>(Trích thư chia buồn của đại tướng Võ Nguyên Giáp)</em></strong></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">* AFP ghi nhận: "Nguyên thủ tướng
còn được nhớ đến vì những nỗ lực bình thường hóa quan hệ VN với thế giới. Ông
xây dựng quan hệ gần gũi với các nước châu Á. Trong thời gian ông làm thủ tướng,
Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận VN và hai nước cuối cùng đã bình thường hóa quan hệ năm
1995. Cũng trong năm này VN gia nhập Hiệp hội Các nước Đông Nam Á". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">* Thông cáo đăng
trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11-6 viết: "Sự lãnh đạo của ông Võ Văn
Kiệt đã cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người VN. Những nỗ lực của ông
đã giúp mở đường cho bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và VN".</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">* Trong điện chia
buồn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mô tả
nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người bạn lâu năm của Singapore, đã giúp đặt
nền tảng cho mối quan hệ khăng khít giữa hai nước. "Dưới sự lãnh đạo của ông, VN
đã mở cửa với thế giới, từng bước tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo ra những
tiến bộ vượt bậc". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong điện chia
buồn gửi bà quả phụ của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng cố vấn Lý Quang
Diệu nói ông Kiệt đã đem lại tầm nhìn và sự lãnh đạo trong giai đoạn chuyển đổi
quan trọng của VN vào thập niên 1990. "Tôi đã biết ông Kiệt từ năm 1991. Tôi vẫn
nhớ cuộc nói chuyện cuối cùng của chúng tôi ở TP.HCM khi tôi và vợ đến thăm VN
vào tháng 1-2007. Ông Kiệt sẽ được tất cả mọi người nhớ đến!". </font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo TTO</font></b></i></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="96%" id="table11">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Tóm tắt tiểu sử nguyên Thủ
tướng Võ Văn Kiệt</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table12">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20thu%20tuong7.bmp" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí Võ
Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ngày
23-11-1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1938,
đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng
11-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm bí thư
chi bộ, huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Vũng
Liêm, tỉnh Vĩnh Long. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ năm
1941-1945, đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia tỉnh ủy lâm
thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau tổng
khởi nghĩa tháng 8-1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, đồng chí
làm ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam bộ. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1950,
đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm phó bí thư rồi bí thư Tỉnh ủy
Bạc Liêu.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1955,
đồng chí được bầu làm ủy viên Xứ ủy Nam bộ, phó bí thư liên Tỉnh ủy Hậu
Giang.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1959,
đồng chí được điều về khu Sài Gòn - Gia Định làm bí thư Khu ủy T.4 (Sài
Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1970.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí được bầu
làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Là ủy viên Trung
ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn -
Gia Định), rồi bí thư Khu ủy khu 9 (khu Tây Nam bộ).</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1972,
đồng chí được bầu làm ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng
khóa III.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ năm
1973-1975 đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là ủy viên
thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng
Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm bí thư đảng ủy đặc
biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1976,
đồng chí làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM. Đồng
chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu lại
vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng
bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm bí thư
Thành ủy TP.HCM.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí tiếp tục
được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung
ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp
tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành
Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2-1987, đồng chí
được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ
chức chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, phó chủ tịch thường trực rồi
phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp
tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành
Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc
hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức phó chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng
8-1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp
tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành
Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm ủy viên
thường vụ Bộ Chính trị.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại kỳ họp
thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, phó chủ tịch Hội
đồng Quốc phòng và an ninh.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ tháng
12-1997 đến tháng 4-2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư Ban chấp
hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản VN.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí là
đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Do có công
lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã
được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân
chương, huy chương cao quí khác và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. </font>
</p>
<p class="pAuthor" align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo
TTXVN</font></b></i></td>
</tr>
</table>
</body>
</html>