<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="text16b" id="lbHeadline">“Nhà sử học trẻ tuổi năm 2007”: Thầy nổi
tiếng, trò sẽ chịu học Sử</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 110px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="thay%20noi%20tieng.bmp" width="180" height="149"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-size: 9pt; font-style: italic; font-family: Arial">
“Nhà sử học trẻ” cùng học trò tìm hiểu lịch sử qua cuốn kỉ yếu</span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<span class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi người đều có con đường riêng
của mình. Đối với môn học khô và khó nhớ như Sử, thầy giáo Phạm Minh Tâm đã chọn
con đường trở thành người “nổi tiếng” để trò “chịu” học Sử...</font></p>
</span><span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gặp Tâm vào một chiều nắng oi bức
ở quận Đoàn 3, anh bảo: “Tiếp nhà báo, Tâm vui lắm, vì có thêm động lực nữa giúp
trò gần gũi hơn với môn Sử”. Anh vừa giành được giải thưởng “Nhà sử học trẻ tuổi
năm 2007” do Thành Đoàn tổ chức...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến với cuộc thi, không phải mọi
thứ đều dễ dàng để Tâm vượt qua “vũ môn” một cách “thuận buồm xuôi gió”. Thi là
để củng cố kiến thức, tìm cái mới và làm học trò phải “tâm phục khẩu phục”. “Ban
đầu mình nói học trò có vẻ không muốn tiếp thu, nhưng sau khi mình đạt giải nhất
trong hội thi <em>Đoàn ta tiếp bước dưới cờ Đảng</em> và vào vòng chung khảo
toàn quốc cuộc thi <em>Lịch sử 75 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh</em>, nói các em tin
và chịu học hơn”, anh cho biết. </font></p>
<table style="width: 284px; height: 46px" align="center" border="0">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/vanthong/SU-HOC-2.jpg" border="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><em><font color="#808080" face="Arial" size="2">Thầy
Tâm hướng dẫn học sinh thi tham gia tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt
Nam</font></em></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong dạy Sử, Tâm có phương pháp
riêng của mình, đó là dùng cách "đánh vào tâm lí thích làm theo người nổi tiếng
của giới trẻ". Nhiều dân 9x thích để tóc, mặc quần áo giống như diễn viên, ca sĩ
nổi tiếng... Vậy thì tại sao lại không thử với môn Sử? Tâm cho biết: “Ai đó sẽ
nói mình điên. Bởi làm vậy cũng chỉ có lác đác vài học sinh yêu Sử. Nhưng chí ít
đã giúp các em thích thú khi được học cùng người nổi tiếng và không cảm thấy học
Sử là vô ích. Vì 9x nào cũng muốn gặp người “nổi tiếng” một lần, và trong một
lần đó biết đâu lại có “hiệu nghiệm”. Trước đây phương pháp dạy Sử thường là đọc
chép nên chỉ học sinh nào là “fan cuồng nhiệt” lắm mới theo nổi. Còn bây giờ,
giới trẻ có thể học Sử tốt hơn khi kết hợp với phương tiện vật chất hiện đại làm
giờ học thêm sinh động. Đó là những hình ảnh trình bày trên power point, những
chuyến tham quan thực tế cộng với việc thầy chịu khó tìm ra những câu hỏi hay,
hóc búa để kích thích “tự ái” của học sinh. Tùy theo mỗi người, sẽ có cách riêng
kéo “fan” của mình và Tâm đã sẵn sàng “vũ khí” để chống lại "bệnh chán" của học
sinh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài những việc đã làm, thầy
giáo Tâm cùng trò tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Hoa phượng đỏ", các hoạt
động đền ơn đáp nghĩa, thăm mẹ Việt Nam anh hùng… Tâm kể: Nhiều lúc buồn lắm khi
nghe trò nói “Bố mẹ bảo chú trọng mấy môn tự nhiên đi, môn Sử chỉ cần học trong
sách đủ điểm đậu là được rồi, tương lai cái gì không cần dùng đến thì bỏ”, nghe
chỉ biết cười “méo miệng””. Nhiều người nghĩ dạy Sử “lương ba cọc ba đồng” sao
giúp các em chạy kịp thời đại. Nhưng theo Tâm, phải biết kết hợp cả lĩnh vực đã
chọn với lịch sử để con người của thời đại mới có được cái tâm và cái tầm trọn
vẹn hơn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ý nghĩ thầy nổi tiếng, trò sẽ
chịu học Sử nghe có vẻ lạ, nhưng cuộc sống luôn có những điều lạ như thế. Bằng
tâm huyết, đam mê, lòng yêu thương học trò, “nhà sử học trẻ” Phạm Minh
Tâm đang góp sức mình làm cho học trò ngày càng yêu thích môn Sử...</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TNO</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>