<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ứng cử viên Công dân trẻ tiêu bi</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman","serif";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal"><font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt">Ứng cử
viên Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008: </span></b></font></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt">Lê Thanh Tùng - Ông chủ của những con dế gáy…
ra tiền</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial"><i>
<span style="font-size: 10pt"> </span></i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial"><i>
<span style="font-size: 10pt">Từ vài ba chục con dế bắt ngoài đồng về nuôi thử,
qua bao nhiêu thất bại, thăng trầm, giờ đây anh đã là một “tỉ phú dế” với trang
trại nuôi dế lên tới hàng chục ngàn con. Anh là Lê Thanh Tùng, ở tổ 3, ấp
Bến Đò, xã Tân Phú Trung, huỵên Củ Chi, TPHCM.</span></i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial"><i>
<span style="font-size: 10pt"> </span></i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<font color="#008000" face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt">“Đừng làm hư
nồi của mẹ!”</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<div style="float: right; width: 73px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nguyen%20thanh%20tung.jpg" width="220" height="173"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Cách đây 8 năm, khi đó Tùng còn là một anh phụ hồ,
một ngày lao động vất vả kiếm mấy chục ngàn nuôi gia đình. Rồi trong quá trình
đi làm, xem ti vi, anh có nghe nhiều thông tin về các món ăn chế biến từ côn
trùng, trong đó có dế. Vốn có niềm đam mê chăn nuôi từ nhỏ nên Tùng bắt đầu mày
mò học cách “chơi” với dế. Không một đồng vốn trong tay, đi khắp nơi tìm hiểu
nhưng không thấy ai nuôi dế cả. Đem ý định về hỏi một số người trong làng thì
nhận được câu trả lời: “Từ xưa tới giờ, dế chỉ dùng để đá thôi chứ chưa ai nuôi
cả”. Ngay từ những ý định đầu tiên, Tùng đã không nhận được sự đồng tình, góp ý
của ai, thậm chí, một số người còn cho rằng Tùng hết việc để làm nên mới bắt dế
về nuôi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì anh được biết dế là một loài côn trùng được
các nhà hàng đặc sản ưa chuộng vì rất ngon và bổ dưỡng. Từ suy nghĩ đó, Tùng
không từ bỏ ý định lập nghiệp từ những con dế ngoài đồng. Anh bắt đầu tìm các
tài liệu, tự học cách nuôi. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Từ đó, ngày đi phụ hồ, rảnh lúc nào, Tùng chạy ra
ngoài đồng bắt dế lúc đó. Anh cho biết: “Nghe ai nói ở đâu có dế con, tôi cũng
chạy tới tìm hiểu và bắt về nuôi bằng được”. Từ nhỏ, Tùng đã là một cậu bé thích
chơi dế nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh có đủ “bộ sưu tập” các loại dế. Tuy
nhiên, dế thì có rồi nhưng dụng cụ nuôi thì lại không có vì nhà nghèo không đủ
tiền để mua thùng “làm nhà” cho dế. Suy nghĩ mãi, Tùng quyết định “mượn” mẹ hai
cái nồi và một cái lu. Sợ con làm hỏng nên trao dụng cụ cho con mẹ anh cứ dặn đi
dặn lại “Mày làm gì thì làm, đừng làm hư cái nồi của mẹ!”. Tùng chăm sóc những
“đứa con” của mình rất cẩn thận, nâng niu từng con một, mong cho chúng lớn thật
nhanh. Cuối cùng, lũ dế cũng lớn thật nhưng lại không biết chúng sinh sản như
thế nào suốt mấy tháng trời Tùng lại ra đồng “rình” dế …đẻ. Những con dế đầu
tiên bắt đầu sinh sôi nảy nở khiến Tùng mừng lắm!</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<font color="#008000" face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt">“Ông chủ”
của dế</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Muốn phát triển thêm đàn dế, Tùng ngày đêm lao
động cật lực để có tiền mua… nhà cho dế. Từ 30 con dế đồng, chỉ sau một năm, đàn
dế của anh đã lên tới 30.000 con. Tưởng như thành công đã nằm trong tay khi đàn
dế đã lớn và có thể nhập cho các đơn đặt hàng nhưng chỉ trong một tuần đàn đế
của anh chết chỉ còn lại mấy chục con. Buồn bã vì sản nghiệp đã đổ sông đổ biển,
Tùng trở về vạch xuất phát như lúc đầu mới lập nghiệp. Nhìn mấy chục con dế còn
lại anh ứa nước mắt. Cuối cùng anh biết được nguyên nhân làm dế chết là do bị
ngộp khói. Không nản chí, anh quyết định vay ngân hàng 30 triệu đồng để gầy dựng
lại đàn dế của mình. Nhiều người trong gia đình lo lắng khi anh cầm cố tài sản
để “phiêu lưu” cùng đàn dế. Và cuối cùng, đàn dế lại “sống” dưới bàn tay cần mẫn
và quyết tâm của Tùng. Tuy nhiên, hi vọng chưa kịp nhen nhóm trong anh thì cuối
2003 dế lại chết vì ăn phải thức ăn nhiễm thuốc trừ sâu. Tùng rơi vào thảm kịch
khi toàn bộ số vốn có được cộng với số tiền vay ngân hàng đã đầu tư vào trại dế.
Nợ nần chồng chất, dế liên tục… bỏ chủ ra đi. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center">
<img border="0" src="nguyen%20thanh%20tung1.jpg" width="400" height="300"></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">“Trong lúc rơi vào tình cảnh đó, tôi càng rút thêm
cho mình được nhiều bài học xương máu và chưa bao giờ tôi có ý định bỏ đàn dế
của mình cả” – Tùng tâm sự. Anh lại ngày đêm chăm sóc những đàn dế ít ỏi còn
lại. Thành công rồi cũng mỉm cười với anh khi sau bao thất bại, đến nay, đàn dế
đã phát triển rất nhanh và ổn định. Hiện tại, trại dế rộng hơn 700 m<sup>2
</sup>của có tới 2.000 xô dế các loại. Trong trang trại có nhiều loại dế mà anh
đã kỳ công sưu tầm và nhân giống. Trong dự định, Tùng cho biết: “Sắp tới, có
thêm vốn tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm trang trại, nhân nhiều giống dế để mở rộng
thêm thị trường”. Trang trại dế của Tùng cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều
người thân trong gia đình và thanh niên trong ấp. Hiện tại, với số lượng dế lớn,
trại dế của anh là nguồn cung cấp hàng cho nhiều nhà hàng đặc sản trong thành
phố.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Tới thăm trại dế của anh
Lê Thanh Tùng, du
khách cũng có dịp được thưởng thức 6 món đặc sản được chế biến từ dế. Thăm khu
trưng bày nuôi dế của anh từ những ngày đầu khó khăn, vất vả. Đó là sản nghiệp
lớn của một anh thợ hồ tay không, nhưng với ý chí vươn lên làm giàu với tất cả ý
chí và nghị lực của mình</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="text-align: right"><font face="Arial">
<b><span style="font-size: 10pt">XUÂN PHÚ</span></b></font></p>
</body>
</html>