<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lớp tình thương</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#FF0000" size="2" face="Arial"><b>Giới thiệu gương mặt được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2005:
</b></font></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" size="2" face="Arial"><b>Võ Đình Thịnh - Bí thư chi đoàn khu phố 3,
P Tân Hưng,
Q7</b></font></p>
<p align="center"><font color="#FF0000" size="2" face="Arial"><b>Lớp tình thương “3 trong 1”</b></font></p>
<font size="2" face="Arial">Cái xóm nằm lọt thỏm trong khu phố 3 và 4, phường Tân Hưng, Q.7, TP.HCM nghèo
lắm, nhưng đám trẻ nhỏ không vì thế mà mặc cảm. Ở nơi đó có một người anh -
người thầy đã đứng ra lo cho các em lớp học “3 trong 1”...</font><table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table3">
<tr>
<td>
<font size="2" face="Arial">
<img border="0" src="vo%20dinh%20thinh.JPG" width="200" height="149"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#0000FF" size="2" face="Arial">Võ Đình Thịnh (giữa) cùng các em thiếu nhi khu phố nghèo</font></td>
</tr>
</table>
</P>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Quần áo xộc xệch, mướt mồ hôi, đầu tóc khét nắng, trên tay vẫn
còn xấp vé số, Lê Tấn Hiệp hớt hải chạy vào lớp học tình thương.
</font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Đó là hình ảnh khá quen thuộc của đám học trò nghèo sớm phải
lao vào mưu sinh của lớp học do Võ Đình Thịnh - bí thư chi đoàn khu phố - đứng
lớp.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Hơn nửa số dân của khu phố là dân vùng giải tỏa hoặc ở các tỉnh
đến thuê nhà. Công việc của người lớn là thợ hồ, chạy xe ôm, làm thuê. Còn đám
trẻ cũng lam lũ theo chân cha mẹ đi phụ bán cơm, hủ tiếu hay giặt đồ mướn...
</font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Những ngày vào từng ngóc ngách các con hẻm của khu phố, Thịnh
thấy trẻ em ở đây không mấy em được đến trường, chủ yếu làm thuê. Rồi câu chuyện
của Hậu đã 17 tuổi, làm thợ hồ lo cho cả gia đình gồm mẹ nay yếu mai đau và em
nhỏ nhưng Hậu không thể đánh vần được lấy một chữ.
</font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Hậu từng thổ lộ với Thịnh: “Ước gì mình biết đọc. Đi chơi với
đám bạn, vào quán uống nước khi tính tiền không đọc được chữ, đưa tiền đại người
ta thấy kỳ lắm”. Tất cả trăn trở ấy đã giúp Thịnh quyết định lập ra lớp học tình
thương khi vừa nhận nhiệm vụ bí thư chi đoàn khu phố.
</font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Trụ sở ban điều hành khu phố có diện tích khiêm tốn trở thành
lớp học “3 trong 1”, nghĩa là cả ba lớp 1, 2, 3 chen nhau chung một phòng chỉ có
vài cái bàn. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Thịnh (đang học trung cấp xây dựng) dạy khối lớp 3, còn Lê Diệp
Thanh Nhàn (thợ sửa xe) và Nguyễn Văn Châu (đang học lớp 11) chia nhau dạy lớp 1
và 2. Nhưng thường thì Thịnh vẫn phải kiêm luôn dạy thêm lớp 2 khi Châu bận đi
học, tổng cộng cả ba lớp lên đến gần 70 em.
</font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Lớp học “phình” to, Thịnh xin phường sửa sang lại cái kho sát
rạch Ông Đội, xin thêm mấy cái bàn chuyển lớp học về đây. Vẫn “3 trong 1” nhưng
lớp học đã tươm tất hơn, các em cũng được ngồi rộng rãi hơn...
</font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Tính xa, Thịnh đang đề xuất bộ phận phụ trách giáo dục của
phường hợp thức hóa để các em được tham gia chương trình phổ cập giáo dục. “Như
thế các em mới bước qua được chương trình cấp II, còn lớp tình thương chỉ dạy
đến lớp 5 thôi” - Thịnh cho biết. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Đã có cái chữ rồi, chơi cũng là chuyện cần lắm của đám trẻ
nghèo, Thịnh lại rủ thêm mấy bạn trong chi đoàn phát quang, đi xin xà bần về đổ
bằng phẳng bãi đất trũng trong xóm. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Vận động mạnh thường quân được ít kinh phí, các đoàn viên của
chi đoàn vào vai thợ xây, trộn hồ cán phẳng mặt sân thành một khuôn viên rộng
rãi. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Có sân, các em lại tíu tít bu lấy Thịnh tham gia trò chơi. “Các
em đa số ít được cha mẹ quan tâm lại thiếu nơi vui chơi, do vậy chi đoàn không
chỉ dạy chữ mà tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể để đừng bị kẻ xấu lôi kéo” -
Thịnh chia sẻ. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Chiều nào sân chơi cũng diễn ra những trận bóng rôm rả của các
bạn trẻ không chỉ trong khu phố mà của cả các khu phố khác sang chơi ké. Tối
đến, lớp dạy võ miễn phí cho các em nhỏ cũng được diễn ra ngay trên khuôn viên
này. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Từ ngày có cái sân, hàng loạt câu lạc bộ có “đất dụng võ”. CLB
dưỡng sinh, CLB “Ông bà cháu” và CLB “Đờn ca tài tử” lần lượt chào đời mang lại
tiếng cười, niềm vui cho nhiều người dân khu phố nghèo.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Như một thủ lĩnh thật sự, quanh Thịnh lúc nào cũng có các em
nhỏ hoặc thanh niên đến cùng chơi, thậm chí đôi khi gặp khó khăn các bạn cũng
tìm Thịnh. Mới rồi Thịnh đã móc tiền túi cho Hậu mượn trả tiền thuê nhà vì “chưa
kịp lĩnh lương”. </font> </p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">“Nhiệt tình lắm, có duyên nói chuyện nên thu hút được nhiều
thanh thiếu niên đến với các hoạt động của khu phố” - chú Phạm Xuân Trường, bí
thư chi bộ khu phố, nói về Thịnh giọng trìu mến.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Khi biết mình được Thành đoàn đề cử giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm
2006, Thịnh chỉ nói: “Có gì đâu, lo cho các em là nhiệm vụ của Đoàn mà”.</font></p>
<p align="right"><b><font size="2" face="Arial">Theo Tuổi Trẻ</font></b></p>
</body>
</html>