<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ứng cử viên Công dân trẻ tiêu bi</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman","serif";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt">Ứng cử viên Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm
2008:</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Cô giáo dạy văn Trần Thị Thơm - Học
ở Bác một niềm tin, một lý tưởng vững chắc và một nhiệt huyết khó phai nhạt</font></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt"> </span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial"><i>
<span style="font-size: 10pt">Trong Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh” cấp thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức vừa qua, vượt qua 121
thí sinh xuất sắc từ 62 đơn vị trong thành phố, cô giáo Trần Thị Thơm (sinh năm
1979, đơn vị dự thi: Quận ủy Quận 1) đã đạt giải nhất với tác phẩm “Bác có phải
là vua đâu”. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí
Minh rồi trở thành giáo viên dạy văn khối 12 trường THPT Ten-lơ-man (Quận 1), cô
giáo Trần Thị Thơm luôn tâm niệm một điều: “Muốn cho học sinh thích học môn Văn
thì trước hết phải biết làm cho học sinh thích cô giáo của mình. Nghĩa là trong
mỗi bài giảng, phải luôn hòa mình vào nhân vật để trình bày bài giảng bằng tình
cảm thật”…</span></i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<font face="Arial" color="#008000"><b><span style="font-size: 10pt">Đến với nghề
bằng tình yêu </span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
</p>
<div style="float: left; width: 133px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="Tran%20Thi%20Thom1.jpg" width="220" height="165"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Xuất thân là học sinh chuyên văn của trường THPT
Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), Trần Thị Thơm rời quê hương vào Nam theo học
ngành sư phạm, với mong muốn sẽ truyền lại cho thế hệ đàn em một tình yêu văn
học đã có ở trong mình. Chính mong muốn ấy đã thôi thúc cô sinh viên Trần Thị
Thơm luôn không ngừng cố gắng trong học tập, nghiên cứu.., tham gia các kỳ thi
“sinh viên giỏi môn văn năm 1999”, “sinh viên nghiên cứu khoa học các tỉnh phía
Nam” và tham gia câu lạc bộ Khoa học trẻ… Ở mỗi kỳ thi, Trần Thị Thơm luôn dốc
hết sức lực để ôn luyện và đạt được những kết quả đáng khích lệ.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Ngoài việc học tập và tham gia các hoạt động
nghiên cứu, Trần Thị Thơm còn là một cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết. Hết năm thứ
nhất đại học, Thơm được Đại hội Chi đoàn tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư. Với
quyết tâm, không có một sinh viên nào đứng ngoài tổ chức Đoàn, cô Bí thư Chi
đoàn này đã không ngừng sáng tạo, thiết kế nhiều hoạt động nhằm thu hút sinh
viên. Qua 3 năm làm Bí thư Chi đoàn, điều để lại ấn tượng cho Thơm nhiều nhất là
Chi đoàn được Thành Đoàn tặng bằng khen với thành tích có nhiều đóng góp cho
công tác Đoàn và phong trào sinh viên. Đối với Thơm, tham gia công tác Đoàn là
để phục vụ tốt hơn cho việc học tập và có môi trường để rèn luyện kỹ năng cần
thiết cho nghề giáo sau này.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Rời mái trường đại học, Trần Thị Thơm sớm khẳng
định mình trong vai trò là một giáo viên dạy văn tại trường THPT Huỳnh Thúc
Kháng (Quận 3). Ở đây, ngoài công tác giảng dạy, cô giáo Thơm còn được giữ các
trọng trách là Trợ lý thanh niên rồi Chủ tịch Công đoàn cơ quan nhà trường. Mới
bước vào nghề, lại nhận thêm công tác quan trọng, điều phải làm đối với cô là
không ngừng cố gắng và học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Năm học 2005 - 2006, do có con nhỏ, gia đình đơn
chiếc nên không thể đi dạy xa nhà, cô Trần Thị Thơm xin chuyển công tác về
trường THPT Ten-lơ-man (Quận 1). Tại đây, mọi việc đối với cô là một sự khởi đầu
mới mẻ. Hết học kỳ một, cô được phân công giảng dạy môn văn khối lớp 12, làm chủ
nhiệm Câu lạc bộ giáo viên trẻ và Trợ lý thanh niên của trường. Chức vụ nhiều,
làm sao để tránh được tình trạng hữu danh vô thực, làm nhiều mà hiệu quả chẳng
được bao nhiêu? Đó là trăn trở lớn nhất của cô giáo Thơm khi mới nhận nhiệm vụ.
Đặc biệt là làm sao để việc dạy học của mình không bị ảnh hưởng. Thế nhưng,
không có hoàn cảnh khó khăn nào có thể làm cản trở được sự đam mê và tình yêu
nghề của cô. Ngồi nghe cô kể về những buổi dạy học của mình mà tôi cứ ngỡ như
mình đang chính là học sinh của cô trong các buổi học đó vậy. Rất lôi cuốn,
thuyết phục, rất thực tế và sâu sắc. Những câu chuyện được minh họa là những câu
chuyện có thật từ chính cuộc sống hàng ngày, qua lời kể của người thân hoặc từ
những tình cảm có thật mà cô nhận được từ gia đình, bè bạn... Đồng thời, cũng
phải đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến tác phẩm để có thêm nhiều tư
liệu sinh động cho bài giảng. Và như cô nói, “khi bước vào lớp học thì mọi vấn
đề không liên quan đến bài giảng phải bỏ lại bên ngoài”.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Nhờ có những phương pháp, định hướng rõ ràng trong
công việc, cho nên, dù phụ trách nhiều công việc khác nhau ngoài chuyên môn,
chất lượng dạy học của cô cũng không bị ảnh hưởng. Hai năm liền cô là giáo viên
có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp môn Văn cao nhất tổ Văn của trường THPT
Ten-lơ-man và vượt chỉ tiêu của thành phố từ 6-7%. Một năm là giáo viên chủ
nhiệm có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 100%. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<font face="Arial" color="#008000"><b><span style="font-size: 10pt">Sống và hành
động bằng cả nhiệt huyết</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Trở về với cuộc sống thường ngày, cô còn là một
người mẹ, một người vợ trẻ đảm đang, luôn biết vun xới cho hạnh phúc gia đình.
Tình yêu với chồng cô bây giờ chính là mối tình xuất phát từ những trang văn
học. Hồi còn là sinh viên, cô tham gia cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học
các tỉnh phía Nam với tác phẩm “Chí Phèo - con quỹ dữ đáng giận hay đáng
thương?”. Do không có điều kiện mua máy tính nên cô phải viết bản thảo trên
giấy. Cứ viết được đoạn nào là anh lại sang lấy về đánh máy giúp để kịp nộp bài
vào sáng hôm sau. Vì anh là sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên nên trang
bị máy tính là việc cần thiết. Và đó cũng là điều kiện để tình yêu giữa hai
người được “ươm mầm”. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<div style="float: right; width: 133px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="Tran%20Thi%20Thom.jpg" width="220" height="165"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Cưới nhau được 5 năm, có một em bé đầu được 4
tuổi. Chồng là Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty nên thời gian dành cho
công ty là rất nhiều. Vai trò người vợ, cô luôn biết cách để cho cuộc sống gia
đình luôn đầm ấm, hạnh phúc. Mỗi sáng thức dậy sớm hơn một chút, chuẩn bị bữa
sáng cho cả gia đình, rồi chuẩn bị để đến lớp. Mỗi cuối giờ, cô luôn tranh thủ
về nhà để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình được tươm tất. Cô nói: “Một người phụ nữ
cần phải vừa hoàn thành tốt công việc xã hội phân công, đồng thời phải thực hiện
đúng bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình. Ý thức luôn phải hoàn thành
những nhiệm vụ đó sẽ giúp mình ngày một trưởng thành và hoàn thiện hơn”.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Nói về giải nhất Hội thi kể chuyện về tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh do Thành ủy TP.HCM tổ chức, cô giáo Thơm chia sẻ: “Tôi rất
hạnh phúc và bất ngờ khi hay mình đạt giải thưởng cao quý. Cuộc thi rất có ý
nghĩa và bổ ích, mỗi một câu chuyện là một tình yêu của chúng ta đối với Bác.
<span style="color: black">Tôi chọn câu chuyện “Bác có phải là vua đâu” nhằm
nhắc nhở mình và mọi người phải đem lương tâm trong sáng ra để làm tròn trách
nhiệm của một người công dân tốt. Câu chuyện đó cũng là bài học làm người theo
tôi nhiều năm qua”. Với cô giáo Thơm, bài học làm người chính là rút tỉa từ câu
chuyện về Bác, về tình yêu thương bao la của Bác dành cho mọi người, từ người
nông dân chân lấm tay bùn, từ cụ già cho đến em thơ, vì “Bác có phải là vua đâu”
mà được đối xử hơn nhân dân của mình. Cô Thơm tâm sự: “Cũng đã có lúc, tôi từng
có suy nghĩ “ta đây” khi đảm nhận nhiều vai trò ở trường và cả lúc cho rằng mình
trẻ tuổi, có khả năng làm được nhiều thứ. </span></span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Nhưng ba năm nay, từ lúc trở thành
một cô giáo dạy văn học tại Trường </span><span style="font-size: 10pt">THPT
Ten-lơ-man<span style="color: black">, thì những suy nghĩ ấy đã hoàn toàn biến
mất”. Đó là khi cô giảng dạy về văn học của Người, về Nhật ký trong tù đầy cảm
xúc. Dạy cho học sinh, cô giáo Trần Thị Thơm cũng “cảm” cho mình nhiều bài học
từ nhân cách lớn của Bác. Nhất là khi cô sưu tầm những câu chuyện về Bác để kể
cho học sinh nghe nhằm giúp học sinh dễ tiếp thu văn học của Người. Bài học “Bác
có phải là vua đâu” cũng là một bài giảng sinh động mà cô truyền đến học sinh
bằng cảm xúc thật của mình. “Tôi đã sống bớt ích kỷ hơn, bớt thờ ơ và tính toán
thiệt hơn. Bài học lớn nhất của tôi qua những câu chuyện về Bác là phải sống có
trách nhiệm và yêu thương mọi người”. </span></span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Là trợ lý thanh niên của trường, cô
giáo Trần Thị Thơm có cơ hội gần gũi hơn với học sinh. Cô biết trong đám học trò
đáng yêu của mình, có em vì hoàn cảnh gia đình phải đi làm bồi bàn, bán chuối
chiên ngoài giờ học để mưu sinh. Từ thực tế đó, cô đã đề xuất lên Ban giám hiệu
thực hiện phong trào “nuôi heo đất giúp học sinh nghèo được tiếp tục đến
trường”. Trong hơn một tháng, mỗi học sinh, mỗi thầy cô tiết kiệm tiền ăn sáng
của mình để bỏ heo được hơn 10 triệu đồng làm học bổng giúp các em có hoàn cảnh
khó khăn được đến trường. Sau đó, “táo bạo” hơn, cô giáo trẻ này còn có ý tưởng
tổ chức 1 đêm hội văn hóa có bán vé thu tiền hẳn hoi để gom quỹ. Nhiều người sợ
cô thất bại vì đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ ở trường. Nhưng cô đã
thuyết phục Ban giám hiệu cho mình được đứng ra cáng đáng công việc. Và con số
30 triệu đồng từ những tấm vé đã nói lên tất cả. Số tiền ấy được chuyển thành
học bổng cho học sinh nghèo và 1 căn nhà tình thương ở tỉnh Vĩnh Long… </span>
</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"> </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt">Học tập Bác để xây dựng cho mình một lương tâm
trong sáng, một cách sống biết vì mọi người, có trách nhiệm và yêu thương mọi
người, lấy đó để giáo dục, dạy dỗ học sinh, để vun đắp cho sự nghiệp giáo dục
của mình - quan điểm đó của cô giáo trẻ Trần Thị Thơm thật đáng quý và thật đáng
trân trọng.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt"><b>VIỆT TOÀN</b></span></font></p>
</body>
</html>