<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
“Dân ta phải biết sử ta...”</font></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: left"><font face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt; color: blue">
<font color="#800080">* </font>
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=767&news_id=7130#content">
<font color="#800080">Đề thi chặng 2 cuộc thi Nhà sử học
trẻ tuổi năm 2008</font></a></span></b></font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=284143" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" border="1" width="200" height="150" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Phó bí
thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường (phải) trao giải nhất chung cuộc “Nhà
sử học trẻ tuổi” 2007 cho thí sinh Phạm Minh Tâm</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lời dạy ấy của Bác hôm nay đã đi
vào tâm trí nhiều người. Nhưng vẫn đầy bất ngờ khi cuộc thi “Nhà sử học trẻ
tuổi” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức nhận được gần 30.000 bài. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bất ngờ hơn khi
cuộc thi này có số thí sinh tham gia không chỉ dừng lại tại TP.HCM mà đã lan
rộng cả nước…</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Ký ức người lính già</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có một thí sinh đặc
biệt, thí sinh lớn tuổi nhất, người thương binh bậc 2/4 Đặng Văn Quảng (Vĩnh
Long) luôn là người gửi bài dự thi sớm nhất. Gửi cùng bài thi của mình, ông thật
thà: “Đọc thông tin về cuộc thi, tôi tham gia với mong muốn động viên các cháu
trẻ tuổi ham học lịch sử dân tộc. Bài làm chỉ lục lại những kiến thức nhớ trong
đầu, hoàn toàn không tham khảo một tài liệu nào”. Và ông đã hai lần đoạt giải.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thú vị hơn, hình
ảnh mà người thương binh năm nay đã 82 tuổi ấy vẫn còn nhớ như in dù xảy ra cách
đây hơn 40 năm, đó là lần được gặp Bác. Là chiến sĩ tập kết ra Bắc, trước khi
lên đường vào Nam năm 1960, ông và hơn 30 anh em trong đoàn đã được gặp Bác.
Trong tâm khảm của ông, buổi gặp gỡ ấy không phải với một lãnh tụ mà như với một
người cha già. Chia nhãn cho từng chiến sĩ, Bác ân cần căn dặn những điều phải
lưu ý, phải làm như đang chỉ dạy từng đứa con trong gia đình trước khi đi xa.
Ông trăn trở: “Không phải tất cả nhưng lớp trẻ bây giờ bị cơ chế thị trường cuốn
đi, quen với lối sống thực dụng, bỏ quên truyền thống. Mà đã là người VN, không
biết lịch sử dân tộc thì làm sao biết cha ông mình đã gian khó dựng nước thế
nào, đấu tranh anh dũng ra sao... để có thể tiếp bước dựng xây đất nước hôm
nay”.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Bạn trẻ hôm nay với lịch sử dân tộc</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="200" height="100">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Tiếp nối thành công năm
2007, Thành đoàn TP.HCM tiếp tục phát động cuộc thi “Nhà sử học trẻ
tuổi” 2008 với chủ đề “Tự hào công dân trẻ TP.HCM anh hùng”. Đợt 1
“TP.HCM - TP anh hùng” vừa kết thúc ngày 31-8 với khoảng 6.000 bài thi.
Sẽ còn hai đợt thi: “Tuổi trẻ TP.HCM anh hùng” (1-9 đến 31-10) và “Bác
Hồ với thanh niên - Thanh niên làm theo lời Bác” (1-11 đến 31-12). Mỗi
đợt gồm mười câu hỏi trắc nghiệm và một bài viết cảm nhận theo chủ đề.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Công dân VN không phân biệt
tuổi tác, đang học tập, sinh sống trong và ngoài nước đều có thể tham dự
cuộc thi. Thí sinh tải câu hỏi từ website Thành đoàn:
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/">
www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn</a> và gửi bài thi về ban biên tập
website Thành đoàn TP.HCM (số 1 Phạm Ngọc Thạch, Q.1) hoặc email:
<a href="mailto:dtncs@tp.hcm.gov.vn">dtncs@tp.hcm.gov.vn</a>.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tín hiệu vui khi số lượng người
trẻ tham dự cuộc thi chiếm đa số: không theo phong trào với kiến thức hời hợt mà
thể hiện một tấm lòng thật sự với lịch sử nước nhà. Phạm Minh Tâm - giáo viên
trẻ của Trường THCS Colette (Q.3), đã thuyết phục ban giám khảo trao giải nhất
chung cuộc vì những bài thi không chỉ am hiểu lịch sử mà lồng vào đó là cả tấm
lòng. Anh nói: “Tôi đọc sách sử từ nhỏ và bây giờ là một giáo viên dạy sử. Tôi
luôn cố gắng để học trò của mình tiếp cận với những sự kiện, vấn đề lịch sử một
cách nhẹ nhàng nhưng nhớ lâu”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Để giờ lịch sử
thành tiết học thú vị, người thầy trẻ ấy chia lớp ra nhiều nhóm, cho học trò tự
tìm tòi, sưu tập tất cả những gì liên quan đến bài học. Sau khi học trò thuyết
trình, anh hệ thống lại vấn đề. Những tiết học lịch sử đã trở nên nhẹ nhàng, bớt
khô khan hơn. Dù thế, thầy Tâm vẫn “tự cảm thấy có lỗi” vì có những lúc chưa
thật sự truyền hết được những gì mình có về một tình yêu lịch sử cho học sinh.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có lẽ bài thi gây
được sự xúc động mạnh mẽ với những người tổ chức là lá thư viết tay của một vị
phụ huynh. Lá thư viết: “Bài dự thi đính kèm là của cháu Trần Thanh Lộc, sinh
năm 1991. Cháu bị di chứng của vàng da nhân nên nói năng, đi đứng và viết lách
khó khăn nhưng cháu lại rất mê lịch sử VN. Cháu đọc nhiều, nhớ nhiều, khi thấy
thông báo cuộc thi “Nhà sử học trẻ tuổi” cháu tham gia trả lời ngay…”. Và người
mẹ đã viết giúp bài thi cho con mình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ban tổ chức cho
rằng chính sự trân trọng, nghiêm túc của người dự thi với những kiến thức sâu
sắc trong bài làm, những tình cảm thiêng liêng với Bác Hồ, với lịch sử đất nước
được thể hiện qua mỗi bài thi đã tạo nên thành công của cuộc thi. Để vững tin
một điều rằng không chỉ các bậc cao niên mà nhiều người trẻ hôm nay vẫn thiết
tha, yêu mến và tìm hiểu lịch sử nước nhà như tâm nguyện mà Bác mong muốn…</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>