<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giới thiệu ứng cử viên danh hiệu</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"><b>
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Giới thiệu ứng cử viên danh
hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2008:</span></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: center; margin-bottom: 0">
<b><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial"> </span></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: center; margin-bottom: 0">
<font color="#0000FF"><b><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Lê
Thanh Sang: Luyện võ, rèn người</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: center; margin-bottom: 0"> </p>
<div style="float: right; width: 151px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="le%20thanh%20sang.jpg" width="220" height="297"></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font color="#808080">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; font-style: italic">
Lê Thanh Sang đang hướng dẫn võ sinh tập luyện</span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Sáng cuối tuần, tôi đã lẳng
lặng đến xem một buổi tập của võ sư, Huấn luyện viên (HLV) võ cổ truyền Lê Thanh
Sang (sinh năm 1980) để tận mắt kiểm chứng những lời đồn thổi về chàng “Tiến sĩ
võ” trẻ. Sự khỏe khoắn, rắn rỏi của một thanh niên con nhà võ đã đánh tan những
hồ nghi ban đầu của tôi. Chỉ nhìn vào trang phục, khó có thể phân biệt đâu là
HLV, đâu là học viên. Sang đã cất bỏ bộ đồ võ sư để đến với buổi tập của các học
viên một cách thân thiện, gần gũi. Sang chăm chút từng động tác nhỏ của võ sinh.
Từ chuyển động của chân, tay, hướng mắt nhìn hay thần khí của một võ sinh. Chỉ
một động tác tập sai, Sang kiên quyết bắt học trò phải tập lại đến khi nhuần
nhuyễn mới thôi. Trước mắt tôi giờ đây Sang không chỉ là một Võ sư, một Tiến sĩ
võ mà hơn hết còn là một người thầy tận tâm với học trò của mình. Chú tâm đến
từng chi tiết rất nhỏ để tạo cho học trò sự tự tin, gần gũi trong tập luyện cũng
đủ nói lên tinh thần người học võ “thắng không kiêu, bại không nản” ở Sang.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Hiện nay, ngoài công việc là
HLV cho Đội tuyển võ cổ truyền quốc gia để tham gia các giải đấu quốc gia và
quốc tế, Thanh Sang còn đảm nhận dạy võ cho hơn 100 môn sinh tại Võ đường Quận
9. Gia đình Sang có 6 anh chị em thì đã có tới 4 người theo nghiệp võ. Bản thân
Sang cũng bén duyên với môn võ cổ truyền từ khi còn rất nhỏ.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Sinh ra tại Trà Vinh trong gia
đình nông dân nghèo. Lên 10 tuổi, Lê Thanh Sang khăn gói theo gia đình lên
TP.HCM lập nghiệp. Là anh cả, Sang phải vừa học, vừa tranh thủ đi bán vé số, phụ
lò gạch, kiếm tiền phụ ba má nuôi các em. Để có thể hoàn thành tốt vai trò của
người con, người anh cả trong gia đình, Sang đã tìm đến võ thuật như một cách
để rèn luyện sức khỏe hữu hiệu nhất. Sang đến với võ thuật với một mục đích hết
sức đơn giản như vậy.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Mối duyên đưa Sang đến với võ
thuật chính thức từ năm 1995 khi Sang đã lọt vào “mắt xanh” của Cố lão Võ sư
Phạm Cô Gia. Vị võ sư già đã nhìn thấy những tố chất đáng quý của cậu học trò
nghèo Lê Thanh Sang. Đó là nghị lực vươn lên cũng như năng khiếu võ bẩm sinh.
Với tư chất thông minh, lại sẵn có năng khiếu và lòng đam mê võ thuật, Sang đã
tiếp thu nhanh chóng những lời dạy của ân sư và trở thành đệ tử tâm đắc nhất của
lão sư Phạm Cô Gia. Năm 2003, Lê Thanh Sang đáp đền công ơn dưỡng dục của ân sư
bằng chiếc huy chương vàng giải vô địch toàn quốc môn võ cổ truyền và trở thành
nhà vô địch quốc gia. Năm 2005, tại Đại hội Thể dục thể thao TP.HCM, Sang tiếp
tục giành huy chương vàng môn võ cổ truyền. Năm 2006, Sang tiếp tục lập được
thành tích đáng khâm phục với chiếc huy chương vàng tại Đại hội Thể dục thể thao
toàn quốc và vượt qua cuộc sát hạch cấp bằng võ sư khi chỉ mới 26 tuổi đời. Và
đặc biệt hơn hết là trong năm 2008, vị võ sư trẻ này vinh dự đón nhận danh hiệu
Tiến sĩ môn võ cổ truyền do Ban tổ chức Festival Huế trao tặng.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Được biết, năm 2006, trước khi
qua đời, Lão sư Phạm Cô Gia đã tín nhiệm chọn Lê Thanh Sang làm người thừa kế
nghiệp võ của mình. Kể từ đây, Sang chính thức đảm trách cương vị Trưởng ban
huấn luyện của võ phái Phạm Gia.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Nỗi trăn trở lớn nhất của Sang
bây giờ chính là các bạn trẻ yêu thích võ thuật. Sang tâm sự: “Hầu hết các học
viên của mình đều nghèo. Có nhiều em ham học võ mà không có cái xe đạp để đi.
Vậy là mình lại bỏ tiền mua cho học viên chiếc xe đạp cũ để ngày ngày cậu bé có
phương tiện đến với lớp học võ. Và miễn phí học phí luôn”. Không phải một, hai…
mà ngày càng có nhiều học viên được miễn tiền học phí. Chính vì vậy mà võ sư
Sang phải thủ sẵn cho mình một “nghề tay trái”: đó chính là đội lân sư rồng của
phái Phạm Gia Quận 9. Tuy mang tiếng nghề tay trái nhưng thực sự đã có những
lúc, đoàn lân sư rồng trở thành vị cứu tinh cho hoạt động của đội tuyển võ tiếp
tục được duy trì đều đặn. Vào mùa diễn, đội lân sư rồng đầu tư cho đội võ mua võ
phục, binh khí tập luyện, hỗ trợ học viên nghèo. Rồi khi đoàn lân sư không có
show diễn, thì đội võ lại quay sang bảo bọc đội lân. Có lẽ vì nặng gánh cả hai
vai nghiệp võ và lân, lại thêm vai trò là anh cả trong gia đình mà tới nay, Sang
vẫn chưa hề lo tới hạnh phúc riêng của bản thân. Hỏi chuyện gia đình, Sang chỉ
cười “ Mình còn ấp ủ nhiều dự định lắm!”</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Chàng trai trẻ Lê Thanh Sang
đang ấp ủ ước mơ mở một xưởng may võ phục và đầu lân. Sang muốn đời sống của anh
em đội lân được ổn định cả những lúc không phải mùa đi diễn. Nhưng cái khó nhất
với Sang bây giờ vẫn là nguồn vốn đầu tư. Nhìn vào đôi mắt sáng rắn rỏi, ấp ủ
những hoài bão lớn, tôi tin Sang sẽ thực hiện được ước mơ của mình.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Có được thành công như ngày
hôm nay, đối với Sang chính là nhờ nghiệp võ. Nhưng đối với Sang, cái được lớn
nhất của một người học võ là sự trưởng thành và chín chắn về mặt tinh thần.
Người học võ sẽ biết kiềm chế cảm xúc và hành động của bản thân hơn. Và trên
hết, người học võ có được sức khỏe, sự dẻo dai trong công việc. Sang và hầu hết
các bạn trẻ cũng đến với võ thuật để đạt được những điều này. Nhưng với Sang, võ
thuật còn cho Sang một nghề nghiệp ổn định và một tương lai tươi sáng.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial"> Nhìn lại chặng đường đã qua,
Lê Thanh Sang không khỏi bùi ngùi. Để từ một cậu bé bán vé số trở thành một võ
sư thừa kế môn phái, Sang đã phải phấn đấu và nỗ lực không ngừng. Có được ngày
hôm nay ngẩng cao đầu là nhờ ngày hôm qua đã biết cúi đầu học hỏi và nhẫn nhục.
Lấy võ thuật cổ truyền là nghiệp của mình, Lê Thanh Sang đang làm tiếp công việc
của một người kế nghiệp võ, đưa võ cổ truyền Việt Nam và môn phái Phạm gia ngày
càng phát triển và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial"> </span></p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="margin-bottom: 0"><font size="2"><b>
<span style="font-family: Arial">THÙY DUNG</span></b></font></p>
</body>
</html>