<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">“Hậu phương
thép” giữa lòng thành phố</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Đó là những ngôi nhà hết sức
bình thường, những tiệm phở, tiệm cơ khí… ở nội đô Sài Gòn năm xưa song cũng từ
những ngôi nhà bình thường ấy, lửa căm thù đã dội xuống đầu kẻ thù. Nhiều người
gọi những hầm chứa vũ khí chuẩn bị cho các trận đánh của lực lượng biệt động Sài
Gòn vào các cứ điểm của Mỹ - ngụy Xuân 1968 là “hậu phương thép” giữa lòng thành
phố. </em></font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Sẵn sàng cho chiến
dịch </strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1965, dưới sự chỉ đạo của
Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định đã thành lập đơn
vị Bảo đảm chiến đấu với mục đích chiến lược là phục vụ cho những trận đánh
quyết định, đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một trong những việc cần phải làm
ngay là xây dựng các cơ sở chứa vũ khí chuẩn bị cho những trận đánh. Nhưng làm
cách nào để những ngôi nhà, căn xưởng trong lòng nội thành trở thành hầm bí mật
khi quân địch kiểm soát gắt gao suốt ngày đêm? </font></p>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,183,250)" href="http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images269208_4a.jpg">
<img src="http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images269208_4a.jpg" width="200" border="0"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">
Tiệm phở Bình - một cơ sở cách mạng nằm giữa lòng địch trong những
năm kháng chiến chống Mỹ. </font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Nguyễn Văn Trí, phụ trách
công tác Đảng của đơn vị Bảo đảm chiến đấu nội thành, người chịu trách nhiệm vận
động, thiết lập hệ thống vận chuyển và cất giấu vũ khí bí mật tại Sài Gòn phục
vụ cho các trận đánh quan trọng Tết Mậu Thân, nhớ lại: “Việc đi tìm một căn nhà
thích hợp ở địa điểm thuận lợi để chứa vũ khí không phải là khó nhưng thuyết
phục được gia đình ở đó chấp nhận lại khó khăn vô cùng. Những người chấp nhận để
hầm vũ khí bí mật trong ngôi nhà gia đình mình đang ở phải có tinh thần thép,
sẵn sàng hy sinh không chỉ tính mạng bản thân mà cả tính mạng của tất cả người
thân trong gia đình”. Nhiều gia đình vì nhiệm vụ chung đã phải bán nhà, đi mua
nhà mới để làm hầm bí mật chứa vũ khí gần các mục tiêu tác chiến.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc xây dựng cơ sở cất giấu vũ
khí trong nội thành được nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng gọi là khâu “hắc xì
dầu, tuyệt khó”. Vậy mà trong suốt 3 năm, từ tháng 5-1965 đến 30-1-1968, đơn vị
Bảo đảm chiến đấu đã hoàn thành các hầm vũ khí trong nội thành, tất cả đều được
giữ bí mật an toàn tuyệt đối trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.</font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Điều kỳ diệu trong
lòng đất</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cơ sở đầu tiên ém vũ khí trong
nội thành là nhà ông Ba Căn (Đỗ Văn Căn) ở địa chỉ 183/4 Trần Quốc Toản (nay là
đường 3 Tháng 2), gần Cơ quan viện trợ Mỹ và Biệt khu thủ đô ngụy. Để xây dựng
được cơ sở này, ông Ba Căn đã phải bán nhà trong hẻm để về đây mua nhà mới.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau đó ông vận động vợ con tạm về
Vũng Tàu, một mình ông ở lại làm hầm bí mật. Hầm chứa vũ khí nằm phía dưới phòng
khách, chứa 7 khẩu AK với 2.100 viên đạn, một khẩu colt 45 với 50 viên đạn, 50kg
thuốc nổ cùng kíp nổ, 50 quả lựu đạn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà Hai Phê (Nguyễn Thị Huệ) ở số
59 Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), tuy không phải là người của lực
lượng biệt động nhưng khi anh em tới trình bày cần nơi tập kết để đánh Tòa Đại
sứ Mỹ thì bà ủng hộ ngay. Bà Hai Phê nói: “Thấy Mỹ trước cửa cũng sợ nhưng nghĩ
đến chuyện giải phóng đất nước thì không còn thấy sợ nữa!”.</font></p>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,175,250)" href="http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images269210_4b.jpg">
<img src="http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images269210_4b.jpg" width="200" border="0"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Hầm
chứa vũ khí tại nhà ông Ba Căn, nay là di tích lịch sử văn hóa.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hầm vũ khí do ông Phan Văn Bảy
xây dựng trên đường Trương Minh Giảng ( nay là đường Lê Văn Sỹ) giao lại cho con
gái là Phan Thị Thúy giữ. Để giữ hầm bí mật, cô Thúy phải đưa cả gia đình về quê
sinh sống, còn mình cô ở lại để canh giữ hầm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cùng với hầm bí mật tại nhà cô
Thúy là hai hầm khác, một của mẹ con bà Bùi Thị Mỹ- Nguyễn Thị Liên Hoa ở 38 Bàn
Cờ (quận 3) và một của nhà bà Võ Thị Trang. 3 hầm bí mật do những người phụ nữ
này đảm trách đã cung cấp vũ khí cho trận đánh vào Tổng tham mưu ngụy. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chiều 29 Tết, tất cả vũ khí trong
các hầm được gia đình và cán bộ chiến sĩ kiểm tra, lau chùi cẩn thận, chuẩn bị
tấn công. Dọc theo các ngã đường về thành phố, chiến sĩ cách mạng của các đơn vị
trong những bộ quần áo đẹp, đi công khai bằng nhiều phương tiện, như thể về Sài
Gòn ăn tết với gia đình. Các đồng chí nữ giao liên thành thạo đường phố hối hả
dẫn các chiến sĩ đến vị trí ém vũ khí. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">23 giờ 30 đêm mùng 1 Tết tại tiệm
phở Bình số 7 Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng), một cơ sở cách mạng trung
kiên, là gia đình của ông Ngô Toại - bản hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi tổng tiến công và tổng khởi nghĩa cướp chính
quyền Sài Gòn đã được đồng chí Chính ủy phân khu 6 Ba Thắng (Võ Văn Thạnh) đọc
cho mọi người nghe, đồng thời phát lệnh tấn công. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đúng 3 giờ sáng mùng 2 Tết, từ
các hầm vũ khí và cơ sở bí mật, lực lượng vũ trang biệt động đồng loạt tấn công
vào các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong chiến dịch Mậu Thân 1968,
ngoài những tấm gương chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ Biệt động thành,
không thể không nhắc tới đơn vị Bảo đảm chiến đấu với những người dân, những gia
đình đã thầm lặng cống hiến, mưu trí, dũng cảm tập hợp và cất giấu vũ khí ngay
trong lòng địch để phục vụ chiến đấu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chẳng thế mà, khi sang thăm Việt
Nam và được tận mắt tìm hiểu các cơ sở chứa vũ khí bí mật của nhân dân Sài Gòn -
Gia Định, nữ anh hùng Meba Fernandes, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Cuba, đã phát
biểu: “Chỉ có Việt Nam mới làm được điều kỳ diệu này!”.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>