<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 1</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
“Sợ”... vào đời?</b></font></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cứ nấn ná để học
lên thêm thay vì vào đời của đa số SVHS (khảo sát 80% HS THPT và 70% SV) là phát
hiện khá thú vị từ công trình nghiên cứu khoa học “Nhận thức và thái độ của HSSV
về định hướng tương lai” (do Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM
thực hiện). Tại sao? </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thái độ này có lẽ
bắt nguồn từ: </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Quan niệm cho
rằng nhà trường có thể cung cấp mọi hành trang cần thiết để vào đời. Trong khi
đó trên thế giới người ta thừa nhận quy luật học 25/75, theo đó nhà trường chỉ
có thể cung cấp khoảng 25% tri thức mà người lao động cần để mưu sinh, còn 75%
chỉ có thể học trong đời. Né tránh vào đời là vuột cơ hội để chiếm lĩnh 75% tri
thức cần thiết đó. Một nhà trường chỉ chăm bẳm nhồi kiến thức mà coi thường việc
bồi dưỡng kỹ năng sống để tự tin vào đời chỉ khiến người học rơi vào tình trạng
“lợi bất cập hại”.</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=308639" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Sinh
viên nhiều trường phục vụ tiệc cưới ngoài giờ học tại một nhà hàng ở
TP.HCM </font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Quan niệm cho
rằng người có bằng cấp càng cao và càng nhiều bằng cấp càng dễ kiếm việc làm
tốt. Nhà trường, gia đình và dư luận xã hội quen hướng HS đi theo “nghiệp học”,
và xem đó là con đường duy nhất thênh thang dẫn đến tương lai tốt đẹp. Trong khi
thực tế cho thấy đây là con đường khá hẹp (ĐH chỉ mở cửa cho khoảng 30% số thí
sinh THPT dự tuyển). Hơn nữa, thị trường lao động không chỉ nhìn vào bằng cấp mà
yêu cầu người lao động phải có các kỹ năng mềm rất cần cho công việc: làm việc
nhóm, giao tiếp, xác định mục tiêu... Không ít người có bằng cấp không cao nhưng
trình độ kỹ năng cao lại được nhà tuyển dụng chuộng hơn.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Do thương con
thái quá, nhiều bậc cha mẹ muốn bao bọc nuôi dưỡng con càng lâu càng tốt khiến
đứa con ỷ lại, mong kéo dài thời kỳ sống bám cha mẹ càng lâu càng tốt chứ chưa
muốn tự lực mưu sinh. Xã hội Âu-Mỹ ít có tâm lý này, thanh niên 18 tuổi đã tìm
cách sống càng ít phụ thuộc cha mẹ càng tốt, dù khi đó đang còn đi học.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thay đổi những quan
niệm sai lầm trên lúc này là hết sức cần thiết. Ngành giáo dục đã có kế hoạch từ
nay đến năm 2013 đưa giáo dục kỹ năng sống thành mục tiêu giáo dục hẳn hoi.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Gia đình cần sớm
đoạn tuyệt với quan niệm “bao cấp” kéo dài cho con. Bản thân HSSV, nhà trường,
gia đình cùng xã hội cần thừa nhận quy luật học 25/75 để người trẻ mạnh dạn vào
đời mà học...</font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><b>TS HỒ THIỆU HÙNG</b></font></p>
</body>
</html>