<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>TP</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">TP.HCM: Có một
Đồng Lộc mà nhiều người chưa biết</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một đêm giữa tháng sáu cách đây
40 năm, 55 dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc A (Huyện Bình Chánh) chuyển bốn thương
binh từ Thành phố về Long An, vừa đi được khoảng một cây số, ra giữa cánh đồng
bưng Láng Sấu thuộc xã Vĩnh Lộc A thì gặp hai máy bay trực thăng của địch. Sau
ba đợt vây bắn, 32 dân công đã ra đi (26 nữ, 6 nam). Họ là những nam, nữ liệt sĩ
áo vải có tuổi đời mười sáu, đôi mươi. Câu chuyện bi hùng này xảy ra vào đêm
15/6/1968...</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Những nhân
chứng sống</font></b></p>
<div style="float: right; width: 111px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>
<img border="0" src="dong%20loc.jpg" width="220" height="186"></i></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Đoàn viên thanh niên
đến viếng tại miếu thờ dân công hỏa tuyến</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Men theo con đường nhỏ mang tên
Nữ Dân Công ở ấp 4, chúng tôi tìm đến Khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân
1968. Đó là một khu đất rộng khoảng 10.000 m2, nằm thanh bình giữa cánh đồng có
nhiều loại hoa, cỏ. Chính giữa là đài tưởng niệm với hình ảnh ba cô gái trẻ đang
hùng dũng tiến về phía trước, trên vai mang theo nhiều đạn pháo… Đây chính là
cánh đồng bưng Láng Sấu khi xưa, nơi đã từng vùi thây 32 dân công trẻ…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà Nguyễn Thị Khỏi - một nữ dân
công thoát nạn năm ấy chậm rãi kể: Chiều hôm ấy, nhận được chỉ đạo của cấp trên,
7 giờ chiều, mấy chục dân công tập trung. Hơn 9 giờ, mọi người tiếp nhận bốn
thương binh để chuyển xuống Bình Thủy (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Vừa ra đến
cánh đồng bưng, tốp đi trước phát hiện có tiếng máy bay nên dừng lại. Vài giây
sau, những nhóm đi sau cũng vừa kịp đến. Đúng lúc ấy, hai chiếc trực thăng của
địch xuất hiện và rọi đèn. Anh du kích dẫn đường kêu mọi người núp vào lùm dứa
giữa đìa nước gần đó. Thấy nước bùn sủi bọt, lập tức một chiếc rọi đèn vào lùm
dứa, còn một chiếc bắn rocket và đại liên. “Chúng bắn như người ta vãi sỏi xuống
mặt nước!” - bà Khỏi nhớ lại. Vài phút sau, người cháu gái nằm cạnh bà la lên:
“Cháu trúng đạn rồi, cô ơi!”. Sờ vào đầu người cháu thấy máu ướt cả tay. Chẳng
mấy chốc, người cháu lịm dần. Cô Khỏi cùng nhiều người tiếp tục lặn sâu xuống
nước để tránh bị địch phát hiện. Lặn một hồi lâu, ai cũng uống nước no cả bụng.
Nhiều lần hết chịu nổi, họ phải ngoi lên mặt nước để lấy hơi. Trong một lần ngoi
lên, thấy đèn máy bay đang rọi về hướng khác, bà Khỏi kêu mọi người chạy đi. Bà
trườn lên bờ rồi lăn qua đám ruộng, chạy xa lùm dứa nên thoát chết. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cô Phạm Thị Nê đêm ấy nằm trong
lùm cây cứ nghe đạn bay xối xả. Cô Nê bị trúng đến ba phát đạn của địch ở đùi,
bả vai và tay nhưng may mắn thoát chết. Dù bị thương nặng và nằm bên cạnh mấy
chục xác của đồng đội nhưng cô Nê cũng đủ tỉnh táo để nhắc nhở những người khác
là nếu máy bay quần đảo ở trên thì hãy nhắm mắt lại để địch không phát hiện.
“Sau ba đợt vãi đạn, máy bay địch bỏ đi. Lúc này, tôi cùng hai người khác cũng
bị thương, chỉ biết nằm chờ người nhà đến cứu chứ không thể bò đi nổi. Nằm đến
gần 4 giờ sáng, tui nghe có tiếng người hỏi là có ai còn sống không thì lên
tiếng. Khi được mọi người kéo ra ngoài, tui mới biết đó là mấy anh du kích” - cô
Nê cho hay. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cô Hà Thị Chiều cũng rùng mình
khi nhắc lại câu chuyện này. “Đầu tiên chúng nhắm vào các võng thương binh để
bắn. Chúng bắn làm mấy chiếc võng tanh bành. Sau đó, hai chiếc máy bay cứ bay
vòng quanh lùm dứa. Một chiếc rọi đèn, còn một chiếc bắn. Trước đây những lần
chuyển thương hoặc trên đường tải đạn về Sài Gòn cũng thấy cảnh chúng bắn. Nhưng
riêng đêm ấy thì lần đầu tiên thấy chúng bắn kinh hoàng như vậy!”. Cô Chiều và
cô Nê là hai trong ba người bị thương nằm trong lùm dứa đêm hôm ấy. Người thứ ba
là cô Nguyễn Thị Tư vừa mất đầu năm nay do bệnh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài ba người trên, còn bốn nữ
dân công khác cũng bị thương rất nặng do trúng đạn khi bỏ chạy. Trong đó có một
người qua đời cách mấy ngày sau do vết thương nặng ở bụng. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Những chuyến
xe bò tang thương </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến xế trưa hôm sau, qua nhiều
đợt lùng sục các nhà dân, quân địch kêu người dân nào có con bị chết trong đêm
hôm trước thì đến nhận xác về chôn ngay trong ngày chứ không được để qua ngày
sau. Ông Phan Văn Đo - cha của nữ dân công Phan Thị Tạo hy sinh đêm đó kể lại:
“Chiều hôm trước, nó đi làm ruộng với tui. Mới về đến đầu ngõ, mấy đứa bạn nó
bảo “Tối nay đi nghen!”. Chỉ nghe có vậy là tui biết tối đó tụi nó sẽ chuyển
thương xuống Long An để tải đạn về lại thành phố rồi. Những câu nói như vậy nghe
hoài nên thành quen. Trước khi nó đi, tui chỉ dặn ráng cẩn thận kẻo bị địch phát
hiện mà thôi. Đến đêm, nghe tiếng đạn bắn như bắp rang là biết có chuyện rồi.
Suốt đêm đó, cả nhà thức trắng. Sáng hôm sau vừa ra đến cánh đồng bưng thì đập
ngay vào mắt mọi người là cả cái đầm toàn máu. Hầu hết các xác nằm chết trong tư
thế cầm chặt tay nhau. Hễ kéo người này ra là có sáu, bảy người khác dính chùm.
Cứ thế, mọi người khiêng thi thể các nữ dân công lên xe bò chở về để người thân
đến nhận diện. “Lúc đó đâu kiếm ra áo quan. Hầu hết mọi người đều dùng ván, phản
đóng lại làm áo quan để chôn cất những người xấu số. Nhà nào không có thì hàng
xóm mang đến giúp. Cả ngày hôm ấy, bước chân ra khỏi nhà là thấy đám tang”. Chị
Phan Thị Để - con của bác Phan Văn Hương - hy sinh trong đêm đó trong tình cảnh
hết sức bi thảm. Theo bà Khỏi, trong lúc bỏ chạy, chị Để bị địch phát hiện, bắn
rocket vùi trong đất nên suốt ngày hôm sau, bác Hương không tìm thấy xác con.
Qua ngày thứ hai, bác Hương cùng nhiều người hàng xóm tiếp tục ra cánh đồng bưng
để tìm xác chị. “Trong cơn tuyệt vọng, tui chỉ còn biết cứ khấn thầm trong bụng
con sống khôn thác thiêng hãy chỉ nơi con đang nằm cho ba tìm để đưa con về an
táng cho ấm người, con ạ!” - bác Hương cho hay. Đến gần 5 giờ chiều, khi mọi
người tính ra về thì bác Hương thấy có hai cái chân nằm trên mặt đất, còn nguyên
phần thân vùi trong đất. Khi đào được xác chị Để lên, bác Hương vẫn không thể
nhận diện được vì khắp người toàn là bùn đất. Sau khi nhận ra chiếc áo con mình
mặc hàng ngày, bác Hương lục vội trong túi áo thì thấy tờ giấy khai sinh mang
tên Phan Thị Để nên mới biết đó chính là con gái của mình. Trong ánh nắng hiu
hắt cuối ngày, bác Hương cùng mọi người đưa xác con gái lên xe bò đi về nhà để
an táng. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Hễ cấp trên
cần là có mặt </font></b></p>
<div style="float: left; width: 119px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" id="table2" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="dong%20loc1.jpg" width="220" height="165"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">
Tưởng niệm các liệt sĩ dân công đã hy sinh</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những người tham gia đoàn nữ dân
công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc A bồi hồi nhớ lại: Hồi ấy là thời chiến nên tuy là
nữ, tụi tui cũng rất sẵn sàng, nhận được lệnh điều động là lập tức truyền tai
nhau tập họp. Thường khoảng 6 -7 giờ chiều mọi người tập trung về ngã tư ấp Tân
Hòa 1 (nay là khu phố 4, xã Vĩnh Lộc A). Nếu cần ít thì vài chục người đi. Đêm
nào cần nhiều, có đến cả trăm người cùng nhau chuyển thương binh xuống Long An
rồi tải đạn, lương thực về lại thành phố giao cho các đơn vị bộ đội chủ lực. Bà
Khỏi nhớ lại, hồi đó đa số nữ dân công tụi tui mới mười sáu, đôi mươi nên tham
gia rất hăng hái. Trong đoàn chỉ có vài ba chị em có chồng, có con. Sau khi tập
trung đủ người, không ai nhắc ai, mọi người cứ xắn quần lên đến bắp vế rồi lội
bộ về Bình Thủy. Cứ thế, mọi người chia thành tốp đi theo mấy anh du kích dẫn
đường. Nhiều bữa đang đi thì nghe đạn bay vèo vèo trên đầu nhưng chẳng ai có
chút sợ hãi. Nhiệm vụ chính của dân công hỏa tuyến là phục vụ chiến đấu. Ngoài
việc chuyển thương và tải đạn, dân công hỏa tuyến còn kiêm luôn nhiệm vụ nấu
cơm, đào hố, đắp mô để ngăn xe địch chạy qua... Còn bà Nê kể rằng mỗi khi chuyển
thương, với những dân công cao ráo thì còn đỡ, những người thấp thường phải đội
cán võng lên đầu để lội qua các con rạch giúp thương binh không bị ướt vết
thương. Trong những năm 1967, 1968, cứ đêm đêm, các nữ dân công cùng nhau làm
công việc của mình và đã góp rất nhiều công sức cho công cuộc giải phóng dân
tộc. Sau đêm đoàn dân công bị máy bay địch bắn, lãnh đạo quyết không để đoàn dân
công chuyển thương và tải đạn nữa mà chuyển hẳn sang công việc khác như thu gom
lương thực, nấu ăn, đào hầm để bộ đội trú ẩn... </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Tưởng niệm và
tri ân dân công hỏa tuyến Mậu Thân Vĩnh Lộc </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1969, bà con xã Vĩnh Lộc
(huyện Bình Chánh – TP. HCM) cùng nhau tự nguyện lập một miếu nhỏ tại đồng bưng
Láng Sấu để tưởng niệm, nhang khói về những người đã hi sinh trong thời kỳ kháng
chiến. Năm 1980, sau 5 năm giải phóng, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc đã
tổ chức xây dựng một bia tưởng niệm các liệt sỹ dân công tại ngã tư đường Dân
Công. Trên bia có ghi những dòng chữ “Đời đời nhớ ơn liệt sĩ”. Phía dưới có ghi
nội dung sự kiện: “Đêm 20/5/1968 (âm lịch), trong chiến dịch Mậu Thân, máy bay
Mỹ - ngụy đã bắn chết 32 dân công trong khi đang làm nhiệm vụ” kèm theo danh
sách 32 liệt sĩ. Đến năm 1996 - 1997, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc cùng
một số ban, ngành của Thành phố đã ủng hộ xây dựng thêm một số công trình, như
cổng ra vào, tường rào, nhà khách, nhà bia tưởng niệm cạnh ngôi miếu nhỏ ban
đầu. Để ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ dân công hy sinh tại xã Vĩnh Lộc A,
ngày 24/12/2004, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 6436/QĐ-UB về việc
duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 (thuộc
UBND huyện Bình Chánh) trên diện tích xây dựng là 10.000m2 với tổng kinh phí
7.782.000.000đ. Ngày 30 tháng 5 năm 2005, Ban quản lý dự án huyện Bình Chánh đã
ra Thông báo số 1130/TBBQLDA về việc khởi công công trình Khu di tích dân công
hỏa tuyến. Qua hơn 01 năm khởi công xây dựng, ngày 15 tháng 6 năm 2006, công
trình Khu di tích Dân công hỏa tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào ngày
giỗ lần thứ 36 của 32 Dân công Hỏa Tuyến. Với những chứng tích lịch sử của xã
Vĩnh Lộc A anh hùng và giá trị công trình Khu di tích, ngày 12 tháng 7 năm 2005,
UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 119/2005/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử –
Văn hóa, danh lam thắng cảnh Thành phố đối với Khu di tích dân công hỏa tuyến.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ 15 năm trở lại đây, mỗi năm cứ
đến ngày 20 tháng 5 âm lịch, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B
đều tổ chức ngày giỗ tưởng niệm các liệt sĩ dân công đã hy sinh. Các cán bộ lão
thành cách mạng, các cơ quan chính Đảng ở thành phố, các thanh thiếu niên, người
dân ở các vùng lân cận đã cùng nhau tụ họp về đây. Mọi người đều thắp nén hương
tưởng niệm cho những người vì đất nước hy sinh, cùng ôn lại những ngày tháng sôi
động của dân công hỏa tuyến, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện tại,
cùng hướng về tương lai. Ngôi miếu cũ nay đã được xây dựng lại khang trang,
thoáng mát là chứng tích anh hùng của một tuyến đường tải đạn, chuyển thương mà
những người nông dân và con em Vĩnh Lộc đã phục vụ hy sinh cho sự nghiệp giải
phóng đất nước mà tên 32 liệt sĩ hy sinh trong đợt II Mậu Thân mãi mãi khắc ghi
trong trái tim các thế hệ người Vĩnh Lộc. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">VĂN THUẬT – TRỌNG NGHĨA </font>
</b></p>
</body>
</html>