<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ngày 6 tháng 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ngày 6 tháng 3:
“Tự hào vì miền Nam Thành đồng Tổ quốc”</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Cách đây 63 năm,</em></strong>
ngày 6-3-1946 là một thời điểm nghiêm trọng. Buổi sáng, đụng độ đã nổ ra giữa
quân Pháp và quân Tưởng Giới Thạch tại cảng biển Hải Phòng. Ngoại giao con thoi
giữa tất cả các bên đều diễn ra khẩn trương để tháo ngòi nổ. Tại Bộ Nội vụ, Chủ
tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp để hoàn chỉnh dự thảo một văn
bản để ký kết với Pháp. Toàn thể hội đồng đã nhất trí và ký vào biên bản tán
thành.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Vào 16 giờ 30 ngày
6-3-1946,</em></strong> Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết tại số nhà 38 Lý Thái Tổ,
Hà Nội, với những điều khoản khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một
quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính của mình; việc hợp
nhất 3 kỳ do nhân dân Việt Nam tự giải quyết và Việt Nam nằm trong Liên bang
Đông Dương cũng như trong Khối Liên hiệp Pháp. Phát biểu sau lễ ký kết, Chủ tịch
Hồ Chí Minh nói: “<em>Chúng tôi không thỏa mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc
lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn</em>”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một năm sau, <strong><em>ngày
6-3-1947,</em></strong> khi cuộc kháng chiến toàn quốc đã bước qua tháng thứ 3,
gặp gỡ những người làm việc gần mình, Bác giải thích: “<em>Sức ta bây giờ như
chàng trai mười sáu mà sức giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu
ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi sức mình cho
khỏe lên... Khi sức ta đã khỏe, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó,
như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi”.</em>
Và những người giúp việc gần Bác nhất từ đó mang các tên: Kháng, Chiến, Trường,
Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Ngày 6-3-1948, </em>
</strong>Bác gửi thư tới Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ 2, nêu tầm
quan trọng của công tác chính trị và phẩm chất của chính trị viên: “<em>Đối với
bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một
người anh, hiểu biết như một người bạn... Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu
trong mọi việc”.</em> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng trong tháng 3-1948, Bác viết
thư (không đề ngày) gửi Giám đốc Sở Công an khu 12 và ngày nay nội dung lá thư
đã trở thành “6 điều Bác Hồ dạy” Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam: “<em>Tư
cách người công an cách mệnh là: Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính;
Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ; Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung
thành; Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc, phải tận
tụy; Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách đây nửa thế kỷ,<strong><em>
ngày 6-3-1959,</em></strong> Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Indonesia
Sukarno đến thăm làng Ubut, một căn cứ kháng chiến chống Nhật của Indonesia và
thăm thủ phủ Bali. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Ngày 6-3-1967,</em></strong>
Bác Hồ gửi thư khen quân dân Thanh Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701
của Hoa Kỳ. Cùng ngày, Bác viết thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ hoan nghênh
Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhấn mạnh: <em>
“Tổ quốc và nhân dân Việt Nam rất tự hào vì miền Nam Thành đồng Tổ quốc”.</em></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>