<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán</title>
</head>
<body>
<b><font face="Arial" size="2">Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM:</font></b><p align="center">
<b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Một chủ trương mang tính đột phá</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Công tác quy hoạch cán bộ dài
hạn của TPHCM (từ năm 1999) - một “đặc sản” của TPHCM và Chương trình đào tạo
tiến sĩ - thạc sĩ (từ năm 2001) được coi là những bước đột phá trong công tác
cán bộ ở TPHCM. Nhờ đó, TPHCM hiện đưa vào diện quy hoạch hơn 1.000 cán bộ trẻ,
trong đó hơn 340 người được bổ nhiệm. Đây là lực lượng trẻ, được đào tạo bài bản
(cả ở nước ngoài), được rèn luyện thực tiễn công tác và nhiều người dự kiến tham
gia cấp ủy nhiệm kỳ tới” - đồng chí Nguyễn Thị Lan (ảnh), Phó trưởng ban Tổ chức
Thành ủy TPHCM đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn Báo SGGP xung quanh
công tác cán bộ trẻ ở TPHCM.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>- <strong>PV</strong>: Đã có
những cán bộ trẻ đưa về cơ sở, nhưng chỉ thời gian sau lại phải thay người khác.
Vậy bài học kinh nghiệm ở đây là gì?</em></font></p>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,277,250)" href="http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2009/03/images283831_3a.jpg">
<img src="http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2009/03/images283831_3a.jpg" border="0" height="170"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image"> </td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">-<strong> Đồng chí NGUYỄN THỊ
LAN:</strong> Những trường hợp này không phải phổ biến và có nhiều nguyên nhân.
Song có thể rút ra bài học là do một số cán bộ trẻ mới ra trường, chưa được
chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở làm việc nên nhiều em không hình dung hết mức độ phức
tạp của công việc, từ đó sinh ra chán nản, hiệu quả công việc thấp. Những trường
hợp thành công, hầu hết là do trước khi đưa về cơ sở, cấp ủy bố trí các em về
phòng, ban chuyên môn ở quận ủy, UBND để “thử việc”, vì ở những nơi này, các em
có điều kiện tiếp cận những chủ trương, chính sách bao quát, học hỏi kinh nghiệm
lớp đàn anh. Ngoài ra, cán bộ trẻ được trang bị về kiến thức quản lý nhà nước,
các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản khác ở trường lớp. Đây là quy trình tương đối hiệu
quả. Tất nhiên không thể cứng nhắc phải qua các bước như thế, vì mỗi nơi, mỗi
loại công việc lại có yêu cầu riêng khác nhau. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>- Xu hướng hiện nay là tạo sự
cạnh tranh trong công tác tuyển chọn, bố trí nhân sự. Theo đồng chí, điều này có
cần thiết không, hay chỉ cần bổ nhiệm, đề bạt là đủ?</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tạo sự cạnh tranh trong tuyển
chọn là cách làm tiến bộ, giúp cho cán bộ bộc lộ khả năng, trình độ, sự nhiệt
tình, thái độ trách nhiệm với công việc sắp được giao. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh
vực, chức danh cán bộ mà áp dụng phù hợp. Trước đây, chúng tôi đề xuất đổi mới
quy trình đào tạo cán bộ trẻ, trong đó có đề cập đến thi tuyển cạnh tranh nhưng
đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc này. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>- Theo đồng chí, bài học rút
ra từ Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ là gì?</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Thành công nhất của chương
trình là cung cấp cho TP một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (đã
bố trí 195 người) nhưng quan trọng hơn là TP đã đưa được một chủ trương mang
tính đột phá đi vào cuộc sống. Chúng tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm. Một là
phải gắn với nhu cầu thực tế, không nên đào tạo kiểu “áng chừng”. Nghĩa là đào
tạo dựa trên yêu cầu từ của cơ sở, sau khi đào tạo xong, cán bộ trẻ sẽ được nơi
cử đi học, tiếp nhận và bố trí công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
Hai là không phải do một cơ quan chuyên môn làm mà phải là cả một bộ máy cùng
làm việc. Trong đó cấp ủy, lãnh đạo các cấp, ngành phải cùng tham gia từ khâu
tuyển chọn, cử người đi học đến việc bố trí, bổ nhiệm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong quy chế kỳ này, các cơ sở
sẽ giữ vai trò chủ yếu trong việc quyết định cử cán bộ đi học, Tiểu ban Quy
hoạch Thành ủy chỉ đóng vai trò thẩm định. Đối tượng tuyển chọn kỳ này chủ yếu
là cán bộ công chức đang công tác tại các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã
và sinh viên. Ba là, chương trình lần này nhắm tới là đào tạo thêm những kỹ năng
về lĩnh vực chuyên môn và công tác quản lý nhà nước cho đội ngũ CBCC, đồng thời
đào tạo đội ngũ sinh viên khá giỏi làm nguồn bổ sung cán bộ trẻ cho cơ sở sau
khi đào tạo về. Bốn là, cần liên tục cải tiến, học tập và bổ sung thêm những yêu
cầu cần thiết từ công việc, thực tiễn công tác cho công tác này.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>- Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ
trẻ, nhất là ở độ tuổi trên dưới 30 được đào tạo lý luận chính trị cao cấp (hệ
tập trung) còn thấp?</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Một trong những khó khăn hiện
nay là Trung ương chỉ phân bổ chỉ tiêu đào tạo mỗi năm cho TP khoảng 150 em,
trong khi nhu cầu đào tạo chính trị cho cán bộ trẻ lại gấp nhiều lần như thế.
Bên cạnh đó, còn không ít cấp ủy chưa quan tâm cử cán bộ trẻ học chính trị hệ
tập trung vì ngại không có người làm thay. Khắc phục tình trạng này, hàng năm,
chúng tôi cùng các cấp ủy đơn vị rà soát, đánh giá từng trường hợp để đưa đi bồi
dưỡng, đào tạo chính trị, từ đó có hướng bố trí các em vào các chức danh kế cận
nhân sự nhiệm kỳ tới. Hiện nay, TPHCM có 171 em đã học xong cử nhân, cao cấp
chính trị. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>- Từ thực tế của “Chương
trình 300”, Chương trình đào tạo 500 tiến sĩ – thạc sĩ sẽ hướng tới những vấn đề
cụ thể gì, thưa đồng chí?</em> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đến nay, chương trình đã chọn
được 417 người, hầu hết là của cơ sở gửi cán bộ của mình đi đào tạo và một ít
sinh viên. Chúng tôi tuyển chọn sinh viên qua 2 kênh là cấp ủy, Đoàn TNCS một số
trường đại học và qua cơ quan báo chí truyền thông. Mặc dù thông tin về chương
trình khá rộng rãi trên các báo đài hoặc về từng trường đại học để tiếp cận với
sinh viên, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Còn về việc bố trí, sử dụng các em
sau khi đưa đi đào tạo thì đã có chủ trương và kế hoạch cụ thể. Chúng tôi sẽ
thông báo cho các em được chọn ngành nào về khu vực sở ngành, ngành nào về quận
huyện để từ đó định hướng cho các em trong quá trình học tập. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay khi các em đang học chúng
tôi cũng cung cấp thông tin thường xuyên cho các em. Nếu các học viên được cơ sở
đào tạo nước bạn xếp loại xuất sắc thì chương trình tiếp tục cử các em học tiến
sĩ nhưng như thế sẽ có sự ràng buộc nhiều hơn với TPHCM. Ngoài ra, những em có
điều kiện gia đình muốn được tiếp tục học thì vẫn để các em tiếp tục học nhưng
phải là lĩnh vực mà TP đang cần và bản thân các em sau khi học xong phải về phục
vụ cho TP trong thời gian nhất định.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>- Tại sao TP chỉ tiếp nhận
sinh viên có hộ khẩu TPHCM, trong khi rất nhiều sinh viên giỏi (ở ngoài tỉnh)
cũng muốn làm việc trong các cơ quan Nhà nước ở TPHCM?</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Vấn đề này, chúng tôi đã bàn
nhiều lần và thấy còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước mắt, chúng tôi chọn các em
có hộ khẩu TP, sau đó sẽ tính đến sinh viên các tỉnh theo học đại học ở TPHCM.
Tuy nhiên, vừa qua, đã có sinh viên khá giỏi, là cán bộ Đoàn (trường, khoa), có
hộ khẩu ngoài tỉnh được đánh giá cao thì chúng tôi vẫn đề xuất đưa các em vào
chương trình đào tạo hoặc chương trình quy hoạch dài hạn… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Xin cảm ơn bà! </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>