<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>50 năm ngày mở đường Trường Sơn</title>
</head>
<body>
<div class="title">
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">50 năm ngày mở đường Trường Sơn
- Bài 1: Mở đường tiếp viện giữa đại ngàn</font></b></div>
<div>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </div>
<div class="space5">
<div style="float: left; width: 179px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" id="table4" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="50%20nam.jpg" width="250" height="163"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Ngã tư Trạ Ang nối
hai nhánh Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn và đường 20 quyết
thắng, nơi bố trí nhiều kho hàng tiếp vận cho Đoàn 559</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
</div>
<div class="subcontent">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Con đường gắn liền với cuộc kháng chiến của dân
tộc, con đường của xương máu hy sinh... Đường Trường Sơn 559 chính là con
đường đi đến ngày thống nhất.</font></div>
<div class="content">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Ở không nhà, đi không dấu,
nấu không khói, nói không tiếng” là phương châm được quán triệt trong giai
đoạn đầu mở đường Trường Sơn, nhằm bảo đảm bí mật. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Tránh địch, lánh dân
</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đại tá Nguyễn Linh Anh - thế
hệ đầu tiên tham gia mở đường Trường Sơn - nguyên Chính ủy Trung đoàn 71 kể
lại: Từ 1959 đến 1964 chủ yếu là đi bộ luồn lách giữa rừng mày mò “xoi”
đường. Địch phát hiện chặn đường này thì ta “xoi” đường khác. Về sau do yêu
cầu chi viện cao mới dùng các phương tiện cơ giới để vận chuyển hàng hóa, vũ
khí vào các chiến trường”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Giai đoạn đầu chủ yếu là gùi,
thồ và chui luồn trong rừng. Để tránh bị lộ ta phải “tránh địch, lánh dân”.
Trang phục của cán bộ, chiến sĩ thì được cải trang theo người dân địa phương
nơi hành quân qua. Tư trang, giấy tờ cá nhân liên quan đến miền Bắc hoặc phe
XHCN đều phải bỏ lại miền Bắc. Nếu lỡ bị địch bắt thì khai là người địa
phương đi rừng bị lạc. Khi gặp địch, buộc phải tự vệ chỉ được dùng súng
trường, tình thế nguy hiểm lắm mới dùng súng tiểu liên, không được dùng súng
trung liên. “Anh em ức chế lắm nhưng vì nhiệm vụ còn dài ở phía trước nên ai
cũng động viên nhau kiềm chế hết mức” - đại tá Linh Anh nói. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Mở đường trên đất bạn
</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Điểm xuất phát đầu tiên của
Đoàn 559 là ở Khe Hó (Vĩnh Linh). Cuối năm 1959 mới dời ra làng Ho (Quảng
Bình) để tiện cơ động trên cả hành lang Đông-Tây. Từ năm 1960, “ngửi” thấy
mùi quân ta mở đường, địch rải quân càn quét, đổ biệt kích ngăn chặn. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1961, ta cùng quân giải
phóng Lào giải phóng cánh đồng Chum, rồi Khăm Muộn và Savannakhet. Giữa năm
1963, địch phong tỏa nhánh Đông Trường Sơn, Trung đoàn 71 mở ngay hành lang
mới từ bắc sông Bến Hải lên thượng nguồn đến điểm giao hàng tại Mường Noòng
(Lào). Đại tá Linh Anh bồi hồi: “Trong thời kỳ này Lào giúp ta rất nhiều.
Người dân Lào luôn che chở, bảo vệ cán bộ trong các trận càn quét, lùng sục.
Họ biết cán bộ ẩn náu ở trong rừng nên thường để mít, rau ở bìa rừng tiếp tế
chứ không vào trong căn cứ”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đầu năm 1964, Bộ Quốc phòng
chỉ thị bàn giao lại hành lang trong nước cho Trị Thiên, chuyển Đoàn 559
sang Tây Trường Sơn. Quân số toàn Đoàn lúc đó lên đến gần sáu ngàn người với
các điểm giao hàng cho khu Năm, Nam bộ và Tây Nguyên. </font></p>
<div align="center">
<table style="border-collapse: collapse" width="360" align="center" border="1" bordercolor="#ffffff" cellspacing="1" id="table1">
<tr>
<td width="360">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.phapluattp.vn/img/30-03-2009/12-box.jpg" vspace="2" width="360" align="center" border="1" height="338" hspace="2"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg" width="360">
<p align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Đaị tá Nguyễn Linh
Anh - Nguyên Chính ủy Trung đoàn 71, thế hệ cán bộ đầu tiên trực
tiếp tham gia mở đường Trường Sơn.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Những kho hàng giữa
đại ngàn </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đại tá Hoàng Trá - nguyên
Binh trạm trưởng Binh trạm 14 nói rằng: “Việc bố trí hệ thống kho bãi tập
kết hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường 20 quyết thắng (dài 125 km nối liền
Quảng Bình với tỉnh Savannakhet, Lào) có ý nghĩa rất lớn trong việc phân
phối tiếp tế cho Đoàn 559. Có ba cụm tổng kho lớn và hàng trăm kho nhỏ, tất
cả bố trí cẩn mật trong rừng sâu nhưng tiện đường ra vào, được ngụy trang,
bảo quản rất kỹ lưỡng. Việc chọn địa thế làm kho cũng phải căn cứ theo địa
hình để vừa dễ tác chiến vừa dễ bốc xếp hàng hóa. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Binh trạm 14 đã tổ chức thành
lập hai tiểu đoàn xe với 250 chiếc, lúc cao điểm có thể lên đến 300 chiếc.
Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn TNXP bốc vác để tập kết hàng. Một tổng kho đủ
sức chứa cho khoảng 125-145 chiếc xe vào nhập hàng, lấy hàng cùng một lúc.
“Để đảm bảo bí mật, các đoàn xe khi vào bằng một đường, khi đi ra thì vòng
đường khác. Hàng hóa nhập vào, xuất ra liên tục nên rất ít khi tồn đọng để
đỡ thiệt hại khi bị hỏa hoạn hoặc bị ném bom” - đại tá Hoàng Trá phân tích.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để bảo vệ các kho hàng, các
binh trạm còn thành lập một trung đoàn bộ binh thường xuyên đi tiễu trừ thổ
phỉ, gián điệp. Cạnh đó còn bố trí một trung đoàn pháo cao xạ, một trung
đoàn tên lửa để đánh máy bay địch oanh kích từ xa nhằm hạn chế máy bay ném
bom trực diện vào kho. Lực lượng phòng không chỉ được nổ súng khi địch phát
hiện kho hàng và tập trung đánh phá. “Nói tóm lại, khâu tổ chức tiếp vận
hàng hóa cho chiến trường và tổ chức các kho bãi tập kết hàng là phải tổ
chức hợp đồng nhiều binh chủng. Binh trạm 14 có lúc quân số đông tương đương
một sư đoàn” - đại tá Hoàng Trá bộc bạch. </font></p>
<div align="center">
<table style="border-collapse: collapse" width="360" align="center" border="1" bordercolor="#ffffff" cellspacing="1" id="table2">
<tr>
<td width="360">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.phapluattp.vn/img/30-03-2009/12-bando.jpg" vspace="2" width="360" align="center" border="1" height="605" hspace="2"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg" width="360">
<p align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Mạng đường chiến
lược Trường Sơn (đường bí mật gùi, thồ) năm 1959-1965. Bản đồ do
đại tá Dương Đình Hà - nguyên Tham mưu phó Cục Công binh Bộ đội
Truờng Sơn, nguyên Tham mưu phó Binh đoàn 12 vẽ. </font></i>
</td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rất nhiều lần các kho hàng bị
đánh bom nhưng thường thì không bị thiệt hại lớn vì công tác canh phòng, bố
trí đánh chặn khá chặt chẽ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thời gian đầu các binh trạm
bố trí cách nhau khoảng 125 km, về sau cự ly tăng lên 300-400 km; giai đoạn
cuối do tốc độ phát triển nhanh của chiến trường nên hàng hóa từ hậu phương
được chuyển thẳng ra tận chiến trường với quãng đường dài hơn 1.000 km. Giai
đoạn cuối cuộc chiến, cụm kho hàng lớn nhất được đặt tại Quảng Trị để vừa dễ
tiếp nhận hàng qua cảng Cửa Việt, vừa thuận tiện chuyển tiếp qua hai nhánh
Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn tiếp cận chiến trường Tây Nguyên và tổng
kho B2 (Bù Gia Mập, Bình Phước). </font></p>
<table class="boxcenter" style="border-collapse: collapse" align="center" border="1" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#DDF4FF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>16 năm, một
con đường </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cả tuyến đường Trường
Sơn được thực hiện trong suốt 16 năm (1959-1975). Tháng 5-1959, Tổng
quân ủy trung ương thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy
phiên hiệu là Đoàn 559. Đồng chí Võ Bẩm được cử làm trưởng đoàn kiêm
ban cán sự Đảng. Ngày 19-5-1959, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, thường
trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở đường, tổ
chức vận chuyển quân sự vào miền Nam. Đồng thời, tổ chức đón cán bộ,
bộ đội chuyển công văn tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 13-8-1959,
chuyến hàng chi viện đầu tiên vượt Trường Sơn, sau tám ngày đêm liên
tục đã chi viện cho Khu năm Trị Thiên an toàn. Giao 20 khẩu tiểu
liên, 20 súng trường, 10 thùng đạn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đường Trường Sơn nằm
trên hơn 1.000 km chiều dài và 100 km chiều ngang, trên diện tích
132.000 km<sup>2</sup>, xuyên qua 28 tỉnh, thành và lãnh thổ ba
nước. Đào đắp 28 triệu m<sup>3</sup> đất đá, vận tải bằng ôtô gồm
năm trục dọc và 21 đường ngang dài 20.000 km, 500 km vận tải đường
sông, 3.000 km đường giao liên. Thông qua tuyến đường này đã đưa
1.000 tấn hàng, hơn một 1.349.000 tấn vũ khí vào miền Nam. Đường
Trường Sơn được kẻ địch ví như “Trận đồ bát quái xuyên rừng”. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lực lượng cán bộ,
chiến sĩ Đoàn 559 lúc đầu có 500 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ
các sư đoàn miền Nam tập kết, chủ yếu là của Liên khu năm. Năm 1963,
Đoàn 559 bổ sung thêm quân, tuy nhiên chỉ tuyển chọn những người ở
các tỉnh là người Quảng Bình, Quảng Trị với mục đích để dễ trà trộn
với dân địa phương. “Thế hệ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559
từ miền Nam ra đi mở đường cứ đi biền biệt, chẳng ai có tin tức gì
về gia đình, người thân” - đại tá Linh Anh nói.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo PLO</i></b></font></p>
</body>
</html>