<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bay trong cõi tĩnh lặng</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>Bay trong cõi tĩnh lặng...</b></font></p>
<font face="Arial" size="2">Johan Hammarstrom, người Thụy Điển, 28 tuổi, là một tấm gương của nghị lực vươn
lên bất chấp khó khăn. Bị khiếm thính khi lên bốn tuổi, từ nhỏ Johan đã có một
ước mơ cháy bỏng là được trở thành phi công.
</font>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table3">
<tr>
<td>
<img border="0" src="Johan.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2">Johan
Hammarstrom (áo sậm) và Henrik Ejderholm tại quán cà phê Lặng (Trần Huy
Liệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - quán do người khiếm thính phục vụ </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thế nhưng thật không dễ cho một người khiếm thính để có thể trở
thành phi công, một nghề nghiệp không phải một người bình thường nào cũng đủ khả
năng làm được. Trong suốt hai năm ròng rã kể từ năm 1997, Johan đã viết không
biết bao nhiêu bức thư xin học tại các trường hàng không, nhưng câu trả lời thật
khắc nghiệt: “Người khiếm thính không thể lái máy bay”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Đã có lúc tôi vô cùng thất vọng và muốn bỏ cuộc, nhưng cha tôi
đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi bởi ông hiểu rất rõ tôi có thể làm được những gì”,
Johan tâm sự. Cuối cùng, anh vượt qua rào cản khó khăn đó nhờ sự giúp đỡ tận
tình của một chuyên gia hàng không. Sau hai năm đào tạo, Johan trở thành một phi
công cừ khôi và giờ anh đã có bằng lái hầu hết các loại máy bay khác nhau.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng mặc cảm vì khuyết tật vẫn luôn đeo bám anh. “Có một thời
tôi không dám nói cho ai biết mình bị khiếm thính, tôi giấu thiết bị trợ thính
đi và xa lánh mọi người”. Cho đến một ngày, Johan nhận ra mình đang lãng phí
cuộc đời. “Cuối cùng tôi hiểu rằng không có gì đáng để xấu hổ khi mình là người
khiếm thính. Đó chỉ là một sự không may và trên thế giới này có hàng chục triệu
người không may mắn như vậy. Tôi muốn nói với họ điều đó”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Và thế là ý tưởng về “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người
khiếm thính” (WFH) được hình thành từ năm 2004. Cho đến trước khi dự án bắt đầu
(tháng 3-2006), Johan đã tham dự nhiều diễn đàn cho người khiếm thính thế giới
để quảng bá WFH và kêu gọi tài trợ từ các công ty. Và mới đây, WFH, mang theo
Johan và người bạn đồng hành Henrik Ejderholm, đã dừng lại tại TP.HCM sau khi
vượt qua 11 trong tổng số 30 quốc gia trên khắp năm châu. Họ ở lại TP bốn ngày
để đi thăm các trung tâm dành cho trẻ bị khiếm thính.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Johan cho biết sau chuyến đi, anh sẽ kêu gọi các tổ chức khiếm
thính quốc tế hỗ trợ trẻ em khiếm thính VN. Johan nói cho dù còn nghèo nhưng VN
đã đi những bước đầu tiên hỗ trợ người khiếm thính: xây dựng các trung tâm cho
trẻ khiếm thính. Do đó việc kêu gọi hỗ trợ quốc tế sẽ dễ dàng hơn.
</font> </p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2"><b>Theo Tuổi Trẻ</b></font></i></p>
</body>
</html>