<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đường Trường Sơn - Ký ức thời ho</title>
</head>
<body>
<p><font face="Arial" size="2"><b>Đường Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa</b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Bài 1: Đoàn
công tác quân sự đặc biệt</b></font></p>
<strong><font face="Arial">
<table id="table9" bordercolordark="#00aa00" bordercolorlight="#00aa00" width="90%" bgcolor="#f7fff7" border="1" cellpadding="2" cellspacing="1">
<tr>
<td bgcolor="#D5F1FF">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font size="2"><strong>LTS:</strong><em> 50 năm đã trôi qua kể từ ngày
đơn vị bộ đội đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ mở đường mòn xuyên Trường
Sơn để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đã có
nhiều sách báo, tư liệu, phim ảnh nói về con đường huyền thoại này với
sự ngưỡng mộ, kính phục. Con đường của lòng tự hào dân tộc, con đường
tất thắng ngót 20.000 km gần suốt chiều dài biên giới Việt Nam –
Campuchia và Lào… nay đã tròn 50 tuổi.</em></font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font size="2"><em>Kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 - Binh đoàn Trường
Sơn và con đường mòn huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ số
báo hôm nay, Báo SGGP sẽ khởi đăng loạt bài “Đường Trường Sơn - Ký ức
thời hoa lửa” – ghi lại của những con người đã sống và chiến đấu ở
Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất…</em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
</font></strong>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table10">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,236,178)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286813_3a.jpg">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286813_3a.jpg" border="0" height="170"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><em>Người đầu tiên được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ
mở đường Trường Sơn là Thượng tá Võ Bẩm (<strong>ảnh</strong>) (về sau ông được
phong thiếu tướng). Mặc dù sau này, đã có nhiều vị tướng tài ba chỉ huy Binh
đoàn Trường Sơn, tuy nhiên, khi nhắc đến đường Trường Sơn, không ai có thể quên
tên ông - vị chỉ huy trưởng đầu tiên (1959-1965) của Đoàn 559. </em></font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><em>Được sự đồng ý của gia đình cố Thiếu tướng Võ
Bẩm, Báo SGGP xin trích đăng hồi ký của ông để mở đầu cho loạt bài hồi ức của
một số cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu trên đường Trường Sơn trong những năm
tháng ác liệt nhất xây dựng và bảo vệ con đường huyền thoại…</em></font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Việc rất lớn và tuyệt
mật </strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">… Ngày 5-5-1959, theo điện triệu
tập, tôi vào cơ quan gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh. Nhìn cách thủ
trưởng ân cần pha trà, từ tốn mời nước, tôi hiểu sẽ có chuyện rất hệ trọng. Quả
nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh nói: “Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở
một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật
chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng. Lực lượng
này có thể gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt.” </font></p>
<font face="Arial">
<div align="center">
<table width="1" align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table11">
<tr>
<td><font size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286815_3b.jpg" name="imagePhoto" width="399" border="0">
</font></td>
</tr>
</font><font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><font size="2" color="#0000ff" face="Arial">
<strong>Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gồm:</strong></font></p>
<p align="justify"><font size="2" color="#0000ff" face="Arial">- 5
trục đường dọc, 21 trục đường ngang<br>
- 20.000 km đường ô tô<br>
- 3.000 km đường gùi thồ hàng bằng xe đạp, voi, ngựa và người<br>
- 500 km đường sông<br>
- 1.445 km đường ống xăng dầu</font></td>
</tr>
</table>
</div>
</font>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường Sơn là một dãy núi trùng
điệp, chênh chếch từ Tây Bắc xuống Đông Nam dọc biên giới 3 nước Việt, Lào,
Campuchia. Các nhà khoa học phân dãy Trường Sơn làm hai phần. Trường Sơn Bắc từ
sông Xê Băng Hiên ngược lên đến vĩ độ 22, Trường Sơn Nam tính từ Lao Bảo ở vĩ
tuyến 17 trở xuống cao nguyên Lâm Viên. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường Sơn còn được coi là “nóc
nhà bán đảo Đông Dương” bởi hệ thống núi kéo dài cao trên 1.000 mét, nhiều đỉnh
còn cao trên 2.000 mét nên về mặt quân sự, đó là thế hiểm mà nếu ai ở trên đó,
có thể giữ vai trò chiến lược khống chế cả Đông Dương. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu tính theo chiều dọc, dãy
Trường Sơn chia làm hai bên Tây và Đông với hai phần khí hậu khác biệt rõ nét.
Vì vậy Bộ Chính trị quyết định mở đường dọc theo dãy Trường Sơn là hoàn toàn
sáng suốt và hợp lý. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Và dường như sợ tôi không ý thức
hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, Thứ trưởng Vịnh nhắc lại: “Đây không phải là
lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị, là việc lớn rất khó
khăn và tuyệt mật. Bộ Chính trị chỉ cho phép chuyển vũ khí, bộ đội từ miền Bắc
đến bờ sông Bến Hải nơi vĩ tuyến 17 cắt ngang (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng
Trị). Còn sang đến bờ bên kia sông (Gio Linh, Quảng Trị), các anh tập trung mở
đường và tổ chức vận chuyển”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Vịnh yêu cầu tôi dự kiến lực
lượng. Nhẩm tính một lúc, tôi đề xuất: “Chiến sĩ nên lấy từ miền Nam tập kết ra
Bắc, tiền bạc nên lấy từ Quỹ Bí mật của Tổng Quân ủy TƯ, vũ khí phải là chiến
lợi phẩm của địch… như thế mới bí mật”. Thứ trưởng Vịnh cười vỗ vai tôi: “Thôi,
giao anh một mình làm sao cho nên sự nghiệp thì làm. Đừng quên sau lưng các anh
là cả hậu phương miền Bắc”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau chừng nửa tháng chuẩn bị,
ngày 19-5-1959, Bộ Quốc Phòng đã chính thức phổ biến nhiệm vụ ban đầu cho tôi:
Mở đường Trường Sơn, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển
gấp 7.000 súng bộ binh và 500 bộ đội vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một sự trùng lặp ngẫu nhiên là
ngày hôm ấy cũng là sinh nhật Bác Hồ nên Bộ Quốc Phòng thống nhất đặt tên cho
đoàn công tác quân sự đặc biệt là Đoàn 559. Và con đường Trường Sơn được Đoàn
559 khai phá, sau này được gọi là đường Hồ Chí Minh, theo cách gọi của một ký
giả người Pháp tên Van Geirt, cũng vì lẽ đó!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau 3 ngày bàn bạc với Bí thư đặc
khu Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản, tôi quyết định chọn Khe Hó làm điểm “mốc” đầu tiên
xuất phát vượt Trường Sơn. Đây là địa điểm nằm ở thượng nguồn sông Rào Thanh
phía Tây Nam của Vĩnh Linh, dân cư thưa thớt và đa số là người Pa Kô, Vân Kiều
rất nặng lòng với cách mạng. </font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Nhiệm vụ đầu tiên</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một buổi trưa trước khi lên đường
mấy ngày, tôi vào Văn phòng Quân ủy TƯ thì sững người khi thấy Bác Hồ đang nói
chuyện với Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Thấy tôi, Bác Hồ bảo: “Chú Bẩm đấy à,
nghe nói chú vào Nam ra Bắc như thoi, vậy anh em chiến sĩ miền Nam thế nào, đồng
bào dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn hay không, quan hệ giữa ta và nước bạn
Lào ra sao?”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi mở cặp ra dùng bản đồ báo cáo
chi tiết tuyến Đông và Tây Trường Sơn, từng trục dùng cho xe đạp thồ, các cung
đường giao liên… cho Bác Hồ nghe, Người bảo: “Các chú phải tận dụng “thiên thời
địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn. Sắp tới phải đưa cả ôtô
đi vào Nam. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn phòng khi
tình hình ở Lào (Tây Trường Sơn) không thuận lợi”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiếp đó, khi tôi kể về cuộc sống
cơ cực của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tuy thiếu cơm, lạt muối, không áo quần nhưng
từ cụ già đến cháu bé đều tham gia cảnh giới, khuân vác, bảo vệ bộ đội… Bác xúc
động ứa nước mắt. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi thuật lại với Bác câu nói của
một già làng, rằng “Tao đói còn đi đào củ mài về ăn, tụi mày làm cách mạng còn
phải đi làm mãi. Củ mài, lúa tao dành cho chúng mày ăn”. Nghe đến đấy, Bác ra
lệnh: “Chú chuyển ngay cho đồng bào 30 tấn muối, 10 tấn vải”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đúng 8 giờ sáng 11-6-1959, tôi
thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh truyền đạt lời dặn dò của Bác Hồ đến các chiến sĩ đầu
tiên chuẩn bị vượt Trường Sơn: “Bí mật, bí mật và bí mật. Sống để dạ, chết mang
theo. Khi nào thống nhất nước nhà, nếu ai còn sống sót thì làm thơ, viết sách
nói lại, kể lại cho mọi người biết, cho con cháu đời sau thấy rõ, để chúng tự
hào về cha ông”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường Sơn đã vào mùa mưa. Trừ
các lực lượng chốt trạm, phần đông anh em đều lùi lại tuyến sau tại Quảng Bình.
Khi nghe tôi phổ biến mệnh lệnh của Bác, ai nấy đều xúc động trước tình cảm Bác
dành cho đồng bào các dân tộc sống dọc Trường Sơn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay sau đó, muối và vải đã được
phân phát cho đồng bào. Đây cũng là một nhiệm vụ đầu tiên nhằm đánh Mỹ lâu dài:
chăm lo đồng bào các dân tộc anh em…</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><em>Trích hồi ký của <br>
Thiếu tướng </em><strong>Võ Bẩm</strong></font></p>
<table id="table12" bordercolordark="#00aa00" bordercolorlight="#00aa00" width="90%" bgcolor="#f7fff7" border="1" cellpadding="2" cellspacing="1">
<tr>
<td bgcolor="#D5F1FF">
<div align="left">
<table width="1" align="left" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table13">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,167,250)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286811_3c.jpg">
<img style="width: 221px" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286811_3c.jpg" width="200" border="0" height="141"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i>
<font color="#808080" face="Arial" size="2">Nhóm PV Báo SGGP
trao đổi với đồng chí Võ Viết Thanh (thứ 2 bên phải), nguyên
Bí thư Huyện ủy huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An tại km số 0 đường
Hồ Chí Minh</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Thực hiện đợt tuyên
truyền kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559- Binh đoàn Trường Sơn và con
đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhóm PV Báo SGGP đã đi dọc theo tuyến
đường Hồ Chí Minh từ phía Đông sang nhánh phía Tây trên đất bạn Lào; từ
km số 0 tại thị trấn Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đến điểm cuối tại Đăk Buk So,
huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông) để thực hiện loại bài ký sự “Theo dấu chân
đường mòn Trường Sơn – Hồ Chí Minh”. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Trên suốt cuộc hành
trình, loạt bài ký sự sẽ ghi nhận một cách sống động nhất những di tích
còn lại của những binh trạm, trạm giao liên, kho hàng, trạm quân y, cung
đường, trọng điểm ác liệt và những nhân chứng đã từng tham gia chiến
đấu, phục vụ chiến đấu thời kỳ những năm chống Mỹ ác liệt trên con đường
Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>