<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đường Trường Sơn - Ký ức thời ho</title>
</head>
<body>
<p><span id="PageContent_News_NewsDetail"><font face="Arial" size="2"><b>Đường
Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa</b></font></span></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bài 2: Chuyến
hàng đầu tiên</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Sau khi được Bộ Chính trị
giao nhiệm vụ thành lập đơn vị vận chuyển và mở đường xuyên Trường Sơn để chi
viện cho chiến trường miền Nam, Thượng tá Võ Bẩm đã trực tiếp bí mật tuyển dụng
500 chiến sĩ bộ đội gốc miền Nam đang tập kết ra Bắc để thành lập Tiểu đoàn 301,
tiểu đoàn đầu tiên trực thuộc Đoàn 559. Sứ mạng đầu tiên của Tiểu đoàn 301 là
câu chuyện được Đại tá Nguyễn Danh, nguyên Chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn
301, sau này là Chính ủy E70 rồi Chính ủy Cục Hậu cần Đoàn 559, kể lại với PV
Báo SGGP.</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Cải trang gùi “hàng”</strong></font></p>
<div align="left">
<table width="1" align="left" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table8">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,188,250)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286943_M3c.jpg">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286943_M3c.jpg" width="200" border="0"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Đại
tá Nguyễn Danh kể cho con gái những kỷ niệm về Trường Sơn.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khi hình thành bộ khung lãnh
đạo, tổ chức các ban tham mưu, chính trị, hậu cần và 12 trạm (đại đội), Ban chỉ
huy Tiểu đoàn 301 họp phiên đầu tiên quán triệt toàn bộ mệnh lệnh hành quân. Đến
ngày 9-6-1959, đơn vị thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trừ những người
có việc phải ra ngoài, còn lại tất cả ở trong doanh trại, không được giao tiếp
với bất kỳ người nào, kể cả vợ con.<br>
<br>
Chiều 10-6-1959, chiếc xe Jeep chở đồng chí Võ Bẩm đến doanh trại. 8 giờ sáng
11-6, đồng chí Võ Bẩm đứng trước toàn đơn vị, tuyên bố: “Hôm nay, tôi thay mặt
Đoàn 559 và Bộ Tổng Tư lệnh truyền đạt mệnh lệnh hành quân...”. Đồng chí nhấn
mạnh lời dặn dò của Bác: “Bí mật, bí mật, bí mật. Sống để dạ, chết mang theo…
Khi nước nhà thống nhất, nếu ai còn sống sót thì làm thơ, viết sách nói lại, kể
lại cho mọi người biết, cho con cháu đời sau thấy rõ, để tự hào về đất nước, cha
ông…”.<br>
<br>
Đúng 9 giờ ngày 12-6, cả đơn vị lên đường hành quân. Ngày 18-6 đến Thuận Lý,
Quảng Bình. Sau một đêm nghỉ lại, tối hôm sau, đoàn tiếp tục hành quân nhưng Đại
đội 12 tách đoàn đi ngược lêên miền núi Quảng Bình để lập kho tàng, bệnh xá, tạo
hậu cứ cho đoàn. Số còn lại hành quân lên khe Hó thuộc huyện Vĩnh Linh – là nơi
dừng chân, điểm đóng quân đầu tiên của đoàn để “soi đường vượt tuyến” (vượt sông
Bến Hải).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để xóa mọi dấu vết, cán bộ chiến
sĩ Tiểu đoàn 301 đã chia nhau lên rừng tìm mây rồi tự đan mỗi người một chiếc
gùi đi rừng. Khi đi đường, đoàn chỉ được mang quần áo lót, khăn mặt, tăng, võng,
ni lông. Tất cả trang phục còn lại đều được giặt sạch, ghi tên, đơn vị rồi… giao
nộp vào kho.<br>
<br>
Tôi có nhiệm vụ đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhờ may gấp 1.000 bộ áo quần bà ba đen
và 600 đôi dép cao su có quai làm bằng ruột, đế làm bằng vỏ ô tô phế thải… Đến
Vĩnh Linh, nhờ “giấy giới thiệu đặc biệt” và sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Hồ Sĩ
Thản, Bí thư Đặc khu ủy Vĩnh Linh, công việc tiến hành thuận lợi. Sau 3 ngày,
anh em chúng tôi đã có đủ trang phục dân chính, hoàn toàn xóa dấu vết bộ đội
chính quy.<br>
<br>
Đã vào mùa mưa, lũ từ đất Lào đổ xuống không cho phép bộ đội băng qua đất bạn.
Lượng mưa ở rừng đạt mức 300 - 400mm/ngày, đã tạo lưu tốc lũ tăng 4m - 6m/giây.
Các dòng suối đột ngột phình rộng thành lũ dữ, chia cắt núi rừng Trường Sơn vốn
đã bị quá nhiều chia cắt. Vì thế có những lúc chúng tôi phải vượt Đường 9 vì nơi
đây khá khô ráo, bằng phẳng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu như vượt Đường 9 vào ban đêm,
những người lính của Tiểu đoàn 301 im lặng đi sát chân đồn Rào Quán của địch từ
phía Đông Khe Sanh. Có nhóm lợi dụng cống thoát nước Rào Quán có đường kính 1,2m
để bò ngang qua đường. Nếu đi số lượng đông, phải dùng ni lông nối thành tấm
rộng 4m, dài 10m trải ngang qua đường. Mỗi khi qua xong, trinh sát đi sau cùng
sẽ cuốn ni lông lại và mặt đường sẽ không còn dấu chân người.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ngày đầu tiên, Tiểu đoàn
301 tổ chức vận chuyển hàng cho các trạm theo kiểu “sâu đo”, tức là hàng từ trạm
gần nhận rồi chuyển dần vào các trạm xa hơn ở phía trong. Được cấp trên bổ sung
cho 3 trung đội trinh sát bảo vệ của Đoàn 341, chúng tôi thành lập Đại đội 10 có
nhiệm vụ trinh sát và bảo vệ các trạm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Số anh em này thông thuộc địa
hình Tây Quảng Trị nên đã làm rất tốt nhiệm vụ trinh sát mở đường. Cùng với một
số cán bộ nằm vùng trong dân xây dựng lực lượng, đã tạo thành mạng lưới bảo vệ
đường vận chuyển từ xa…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường Sơn lúc ấy, nơi nào cũng
hoang vu, khó khăn, hiểm trở, đầy thú dữ. Chúng tôi phổ biến kinh nghiệm cho anh
em khi ngủ, bên trên võng buộc phải có tấm tăng ni lông trải lên, cọp sẽ sợ mà
không dám vồ ẩu. Anh em kể lại, có lần đi qua bãi đất trống, đụng một bầy heo
rừng 7, 8 con chạy nháo nhào, có con đâm sầm vào chân một chiến sĩ. Anh em nhanh
tay túm được chân rồi dùng dao găm hạ gục... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, ngay lúc đó, một con
cọp xộc đến và ngỡ ngàng khi biết con mồi đã bị giật. Trên đường anh em khiêng
heo về trạm, con cọp cứ lẽo đẽo theo sau. Đến khi có người có “sáng kiến” chặt
cho nó một cái đùi quăng lại bên vệ đường mòn, nó mới thôi không quấy rầy.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>“Hàng” gồm những gì?</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáu ngày đầu gùi hàng, Tiểu đoàn
301 có nhiệm vụ vận chuyển đến các trạm gồm gạo, muối và mỡ heo. Con đường đi
hàng ngày rất dài, có ngày anh em phải đi 30 km và cứ 120 phút thì được nghỉ 15
- 20 phút. Trên suốt dọc đường đi, bữa ăn thường là cơm nắm với mắm ruốc. Mỗi
khi đến nơi, anh em tự nấu cơm bằng lon gô với tiêu chuẩn mỗi ngày 2 chén gạo.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để cho có chất rau xanh, chúng
tôi thường phân công anh em đi hái lá rừng nấu canh chua, luộc để ăn kèm với
cơm. Còn ban đêm, mỗi khi trời lạnh, phải gom lá rừng lại làm đệm rồi trải bạt
lên ngủ cho ấm. Thế nhưng đáng sợ hơn là muỗi, vắt, bò cạp, rắn…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong quãng thời gian này, chúng
tôi khi đi ngang đoạn Chăng Hin - Voi Mẹp, có người đã bị kiệt sức. Một người
thuộc Tiểu đoàn 301 đã có sáng kiến chặt cây le đực làm gậy chống cho đỡ mỏi
chân khi leo dốc và khỏi trượt chân khi xuống dốc. Riêng lúc tạm nghỉ, cây gậy
là vật chống đỡ chiếc gùi phía sau lưng. Và lúc lội qua suối, cây gậy còn có tác
dụng dò nước chỗ nông - sâu, dùng để đuổi rắn rết khi xuyên rừng rậm. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thấy có lợi ích, Trung úy Nguyễn
Cửu (trạm 4) cho đơn vị chặt le làm gậy leo núi và phát đại trà, gọi là “cây gậy
hành quân” (sau này khi trai làng Hòa Xá, Hà Tây xung phong vào Nam đánh giặc,
dân làng đã tặng cho mỗi “bộ đội làng” một cây gậy để hành quân, đấy chính là
xuất xứ của bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác vào
năm 1967)…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lương thực vận chuyển xong, bộ
đội ta bắt đầu vận chuyển vũ khí từ trạm đầu tiên vào trạm cuối. Mỗi ngày, Tiểu
đoàn 301 phải đưa 18 gùi hàng từ trạm 1 vào trạm 2, trong đó có 15 gùi được gói
kín, bên ngoài chỉ ghi mật hiệu “Chị Thể”, “Anh Tụ”, “Bác Hòa”, “Chú Loan”…
Những ký hiệu này, chỉ có lãnh đạo Đoàn 559 biết, còn ở Tiểu đoàn 301 thì tuyệt
đối bí mật. Mãi cho đến khi vào đến A Lưới (Huế), chúng tôi mới biết đã chuyển
giao lô vũ khí đầu tiên…<br>
<br>
Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển thắng lợi đã tạo không khí phấn khởi thi
đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, chấp nhận hy sinh” trong toàn đơn vị. Anh em
thi đua mang vác, có nhiều người luôn mang trên vai 50 - 60 kg như Phan Mùi, Thi
Huỳnh ở trạm 4, Nguyễn Sơn ở trạm 6… Riêng Trần Mẹo ở trạm 4, tuy chỉ cao 1,45m,
nặng 39 kg, nhưng quyết gùi 50kg hàng… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tổng kết sau 17 tháng vận chuyển
bằng “chân đồng vai sắt”, Tiểu đoàn 301 đã chuyển 355,5 tấn vũ khí và 71,10 tấn
quân dụng vào chiến trường. Tính trung bình mỗi ngày, họ đã mang vác 900 kg vũ
khí… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ 500 cán bộ chiến sĩ buổi sơ
khai, sau đó Tiểu đoàn 301 đã được xóa phiên hiệu để làm nòng cốt thành lập
Trung đoàn 70, Trung đoàn 71. Đến năm 1961, các trung đoàn trên lại giải thể để
thành lập lữ đoàn. Sau này, dù các phiên hiệu trong thời kỳ sơ khai con đường
Trường Sơn không còn nữa song đó là những đơn vị đầu tiên của Đoàn 559 - Binh
đoàn Trường Sơn huyền thoại </font></p>
<font face="Arial">
<table id="table9" bordercolordark="#ff0000" bordercolorlight="#ff0000" width="90%" align="center" bgcolor="#fffff4" border="1" cellpadding="2" cellspacing="1">
<tr>
<td>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table10">
<tr>
<td>
<a onclick="return openImageNews(this,250,161)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286941_M3a.jpg">
<font size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images286941_M3a.jpg" border="0" height="170"></font></a><font size="2">
</font></td>
</tr>
</font><font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i>
<font color="#808080" face="Arial" size="2">Những con đường
gùi hàng xuyên Trường Sơn.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<font face="Arial">
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Đoàn 559 ngay trong mùa
vận chuyển đầu tiên (từ 13-8 đến 31-12-1959), đã vận chuyển trót lọt
1.667 súng trường, 712 tiểu liên, 72 trung liên, 21 súng giảm thanh, 850
súng ngắn, 250.000 viên đạn, 180 kg TNT, 750 dao găm, 340 kìm cắt dây
thép, 40 ống nhòm, 65 địa bàn và 83.368 kg vũ khí khác, 10.000kg lương
khô. Đồng thời chi viện cho bộ đội Pathet Lào 115 súng, 15.000 viên đạn,
5 tấn muối, 4,5 tấn thuốc. </font></td>
</tr>
</table>
</font></font>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo SGGPO</font></b></i></p>
</body>
</html>