<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đường Trường Sơn - Ký ức thời ho</title>
</head>
<body>
<p align="left"><span id="PageContent_News_NewsDetail">
<font face="Arial" size="2"><b>Đường Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa</b></font></span></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bài 6: Có một
người mù tải đạn</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Trong kháng chiến chống Mỹ
cứu nước, đã có hàng chục vạn con em đồng bào các dân tộc sống trên Trường Sơn
tự nguyện tham gia vào đội quân gùi hàng vận chuyển đạn dược, lương thực trên
tuyến đường Trường Sơn vào chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước. Trong số đó, có một người con K’tu anh hùng, mặc
dù đôi mắt bị mù, vẫn tham gia gùi vận chuyển hàng trăm tấn đạn dược và lương
thực. Đó chính là Alăng Bhuốch (sinh năm 1931, ở thôn Aruung, xã Bhalêê, huyện
Tây Giang, Quảng Nam).</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Chúng tôi tìm về thôn Aruung
để “mục sở thị” một người mù mà có thể vượt Trường Sơn gùi thành công hàng ngàn
chuyến hàng, như ông Bí thư Huyện ủy Tây Giang Nguyễn Hữu Sáng nói: “Nếu không
gặp Alăng Bhuốch thì không thể tin những việc ông làm là việc một người mù có
thể làm được!”…</em></font></p>
<blockquote style="margin-right: 0px" dir="ltr">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Đứa con của bóng đêm</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ra trong một gia đình K’tu
nghèo giữa đại ngàn Trường Sơn khắc nghiệt. Từ thuở lên ba, Alăng Bhuốch đã phải
sống trong sự ác liệt chiến tranh và sự khốn cùng của cuộc sống giữa đại ngàn.
Cha mất sớm, từ nhỏ, Alăng Bhuốch đã phải tự lăn lộn để kiếm cái ăn từ rừng
thẳm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 10 tuổi, Alăng Bhuốch bị mù
đôi mắt sau một cơn đau mắt. Bắt đầu từ đó, Alăng Bhuốch không thể vào rẫy,
không thể đi bẫy con thú, trở thành “đứa con của bóng đêm”.</font></p>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images287348_3a.jpg" width="180" border="0">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">
Alăng Bhuốch đang chơi đàn Tbre - nhạc cụ cổ truyền của người K’tu.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi mới bị mù, mọi sinh hoạt hằng
ngày Alăng Bhuốch đều phải nhờ bàn tay mẹ. Cảm thấy được sự khổ cực trên đôi vai
của mẹ, Alăng Bhuốch tập tành làm một số việc trong nhà. Bắt đầu từ chiếc gậy
tầm vông, Alăng Bhuốch tập dò đường đi lại quanh xóm rồi tiếp đến là theo mẹ lên
nương rẫy. Đi mãi thành quen, Alăng Bhuốch đã tự đi lên nương rẫy, rồi tự đi bẫy
con thú rừng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chính đại ngàn Trường Sơn đã tạo
nên một Alăng Bhuốch với đôi chân như sóc, đôi tay như khỉ và vóc dáng như một
con gấu khỏe mạnh. Cho đến một ngày, Alăng Bhuốch bẫy được một con thú mang về
trước sự ngỡ ngàng của mọi người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thế rồi, tiếng súng của giặc nổ
khắp làng. Củ khoai, củ sắn bị giặc cướp. Nhà bị giặc đốt. Không nhìn thấy mặt
giặc ác nhưng Alăng Bhuốch mường tượng được sự tàn bạo của giặc và trong lòng
dâng lên lòng thù hận. Giận lắm, muốn dùng cung nỏ để bắn chết những tên giặc
nhưng đành bất lực. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến khi nghe bộ đội Cụ Hồ kêu gọi
đồng bào K’tu tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh
giặc, Alăng Bhuốch xung phong đăng ký làm dân công. “Cả bộ đội và người làng bảo
Trường Sơn dốc cao, vực sâu người sáng mắt còn chưa làm được huống gì người mù
như tôi nhưng tôi kiên quyết bảo tôi làm được và họ đồng ý” - Alăng Bhuốch tâm
sự. </font></p>
<blockquote style="margin-right: 0px" dir="ltr">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Làm được như người
sáng mắt</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1958, từ xã A Vương, huyện
Hiên (nay là huyện Tây Giang, Quảng Nam - PV), ông bắt đầu tham gia vận chuyển
hàng hóa, lương thực và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Gùi trên
lưng, gậy trên tay, Alăng Bhuốch cùng hàng ngàn dân công các xã A Vương, A Nông,
Bađun, C’ghiêr, Ca Nung và xã Ba, xã Tư... vượt những con dốc cao như Apác, đèo
Coong Zờng, qua sông Lăng, dốc Ch’zách, Ch’rếch rồi lên tới dốc núi Tr’hy trên
dãy Trường Sơn để vận chuyển lương thực, đạn dược từ kho A Zứt (xã A Vương) lên
các xã vùng cao, thuộc các điểm như Aroch, A Bí (xã A Tiêng), Voòng, P’dâm (xã
Tr’hy)... Mỗi gùi hàng nặng 50 đến 60 kg, nặng hơn trọng lượng cơ thể mình,
nhưng Alăng Bhuốch đã miệt mài gùi từ ngày này qua năm khác để chi viện cho bộ
đội. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ năm 1963 đến 1966, Alăng
Bhuốch bắt đầu gùi vũ khí, súng đạn về các điểm tập kết. Xuất phát từ điểm trực
Arót, xã A Nông đi điểm trực Crơvch, xã Tiêng (nay là xã Lăng, huyện Tây Giang)
trong vòng 12-13 tháng liên tục. Từ điểm trực Trung Mang, xã Ba (huyện Đông
Giang ngày nay-PV) vận chuyển hàng đến Tơ Mơh, trạm Aréec thuộc các xã Canung, A
Vương, Cghiên trong khoảng 12 tháng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1967, Alăng Bhuốch được điều
động về kho 13 gần Rbượp, đây là kho vũ khí được gùi chuyển về trạm trực Kađắp,
A Xanh. Tham gia gùi lương thực từ Rbượp qua Kala, Katiếc tới Apăng trong vòng 7
tháng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến năm 1967, Alăng Bhuốch được
bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh Đội Quảng Đà, điểm trực là kho 31 tại
hang Khỉ, chân dốc Alơơl - ranh giới giữa Hiên và A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Từ
hang Khỉ chia thành nhiều hướng đường vận chuyển: kho 31 đi đến trạm trực Arớt,
từ Azớt đến Z’rượt và tiếp theo đến Crơreh; từ kho 31 (A Lưới) đến trạm Tarêêl,
đến trạm trực Tacoo rồi đến Azơơl; từ kho 31 đến trạm trực Panonh vận chuyển đến
trạm trực Tr’lêê và từ Tr’lêê đến trạm trực Crơreh... Ngần ấy thời gian, chưa
một lần Alăng Bhuốch làm mất hoặc ướt lương thực, đạn dược.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có thời điểm như năm Mậu Thân
1968, năm giặc Mỹ dùng B52 và bom Napan để đốt dãy Trường Sơn, Alăng Bhuốch gùi
vũ khí liên tục cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng. Có lúc, Alăng Bhuốch gùi đến 2
đầu đạn A12 với trọng lượng hơn 100kg. Năm ấy, Alăng Bhuốch được tặng danh hiệu
Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và được đi báo cáo điển hình tại các đơn vị quân đội.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Ông trời đã lấy của tôi đôi mắt,
nhưng bù lại cho thêm tôi đôi tai tinh như con thú rừng. Tôi có thể làm bất cứ
gì mà người sáng mắt làm được. Thậm chí, khi tôi được phong tặng danh hiệu chiến
sĩ thi đua và được đi báo cáo điển hình, già làng đã nêu tên mình trong những
câu chuyện kể cùng con cháu như một tấm gương làm cái bụng mình vui lắm”- Alăng
Bhuốch lơ lớ tiếng Kinh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu tính bình quân mỗi ngày đêm
gùi khoảng 50kg thì trong vòng 14 năm (1958-1972), Alăng Bhuốch gùi khoảng
182.000kg hàng các loại, trong đó vũ khí, súng đạn là 120.000kg, lương thực
62.000kg. Alăng Bhuốch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng
ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và Bằng khen của UBND
tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.</font></p>
<blockquote style="margin-right: 0px" dir="ltr">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Một tấm gương sáng</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không những “anh hùng” trong việc
vượt Trường Sơn tải đạn, Alăng Bhuốch còn là người anh hùng của dân làng K’tu
trong thời bình. Sau giải phóng, Alăng Bhuốch trở về lại với bản. Alăng Bhuốch
lại làm việc như mọi người bình thường trong làng, thậm chí làm cả những việc mà
không phải ai cũng làm được như cất dựng nhà sàn, chơi đàn Abel, Tbre... </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nói về bố mình, Alăng Núi, con
trai Alăng Bhuốch, tâm sự: “Từ nhỏ mình được bố dẫn đi rẫy, dạy cách bẫy thú
rừng, chọn cây gỗ tốt… Bố còn dạy mình cách dựng nhà, chơi đàn, đan lát. Thậm
chí, bố chỉ cần nghe là biết ở gần có con thú gì, con rắn gì”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Nguyễn Hữu Sáng – Bí thư
Huyện ủy Tây Giang, cho biết: “Alăng Bhuốch là một người K’tu có tấm lòng kiên
trung với Đảng, với cách mạng, có cái đầu thông minh, đôi tai cái mũi thính như
thú rừng. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu không chỉ trong kháng chiến
mà cả trong thời bình. Ông là người khuyết tật (mắt mù) nhưng đã làm được những
việc phi thường. Nhận thấy những cống hiến to lớn của ông với cách mạng, chúng
tôi đã làm đơn gửi lên Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị phong tặng danh hiệu
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông”.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>