<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đường Trường Sơn - Ký ức thời ho</title>
</head>
<body>
<p align="left"><span id="PageContent_News_NewsDetail">
<font face="Arial" size="2"><b>Đường Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa</b></font></span></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bài 9: Người mở
đường máu trên sông Bến Hải</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày ấy, bom đạn của Mỹ trút
xuống dòng Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) như vãi trấu, nhằm ngăn chặn đường vận
chuyển bộ đội vào chiến trường. Bom từ trường, mìn hẹn giờ nằm dưới đáy sông đã
gây tổn thất không ít cho lực lượng vận chuyển qua khu vực này. Không thể ngồi
nhìn đồng đội thương vong qua mỗi lần vận chuyển bộ đội vượt sông, những dân
quân du kích trực chiến ở đây đã có “sáng kiến” lấy thân mình làm mồi dẫn dụ,
kích nổ bom từ trường, để mở thông đường vận chuyển an toàn cho bộ đội. Biết họ
đang làm nhiệm vụ cảm tử, trước mỗi khi lên đường, đồng đội đều làm lễ truy điệu
sống cho họ...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hai chiến sĩ dân quân được truy
điệu sống ấy là Nguyễn Văn Đồng (67 tuổi), hiện ở tại thôn Cát Sơn, xã Trung
Giang vàø Lê Văn Trọng (73 tuổi) ở tại thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (cùng ở Gio
Linh, Quảng Trị). Họ đã sống cho đến tận hôm nay. Câu chuyện về huyền thoại mở
đường máu trên dòng Bến Hải bây giờ mới được kể…</font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Lấy thân mình... mở
đường!</strong></font></p>
</blockquote>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table2">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images287732_3a.jpg" width="180" border="0">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Hai
“anh hùng” mở đường máu trên sông Bến Hải vui mừng mỗi khi gặp nhau.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1968, sau chiến dịch Mậu
Thân, trên toàn chiến trường, quân ta đang giành thế áp đảo. Hàng ngàn chiến sĩ
bộ đội ta từ miền Bắc hành quân vào Nam đã tập kết đầy đủ ở bờ Bắc sông Bến Hải.
Cấp trên chỉ đạo: Phải nhanh chóng đánh sập hàng rào Macnamara ở căn cứ Cồn Tiên
Dốc Miếu để mở đường vào giải phóng Quảng Trị... Nhưng lúc đó, nhiều ngả đường
đã bị địch phong tỏa. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Duy chỉ bến đò B (Tùng Luật,Vĩnh
Giang, Vĩnh Linh) là “cửa” duy nhất có thể mở đường đưa bộ đội vượt sông. Tuy
nhiên, quãng sông Bến Hải, từ Cửa Tùng đến cầu Hiền Lương đã bị quân Mỹ - ngụy
rải dày đặc bom từ trường và mìn hẹn giờ. Và năm 1968 đã có không ít chuyến đò
chở bộ đội vượt sông bị tổn thất vì dính bom từ trường trên sông!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn
Đồng và Lê Văn Trọng đều là hai chàng trai trẻ nằm trong lực lượng dân quân du
kích trực chiến tại bến đò B. Chứng kiến những người bạn là đồng chí, đồng đội
của mình ra đi không trở về, lòng hai ông như quặn thắt. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Mình chết thì chết, nhất định
không được để bộ đội thương vong khi qua sông. Bằng mọi giá, phải đưa bộ đội
vượt sông an toàn, có đủ lực lượng chi viện cho chiến trường thì mới mong đánh
thắng địch; nhân dân hai bờ Nam - Bắc mới mong có ngày được đoàn tụ” - ông Đồng
nhủ thầm. Đến tối, khi cuộc họp khẩn của toàn bộ lực lượng dân quân du kích tham
gia trực chiến tại bến đò được triệu tập, xã đội trưởng Nguyễn Văn Bân phân tích
tình thế… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hai chiến sĩ trẻ cùng lúc đứng
vụt dậy... xung phong mang thân đi “mở đường máu” - phá bom của địch rải trên
sông. Ngay đêm đó, tại bến đò B, đồng đội, đồng chí đã tổ chức luôn một lễ truy
điệu sống cho hai anh. Nghi thức trong lễ truy điệu này không khác lễ truy điệu
những đồng đội đã hy sinh trước đó. Chỉ khác, đằng sau bát nhang nghi ngút khói
là nhịp đập của hai trái tim trẻ tuổi đang sôi sục ý chí “cảm tử cho Tổ quốc
quyết sinh”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Món quà động viên cuối cùng của
đơn vị dành cho hai chiến sĩ trẻ là hai… điếu thuốc lá Điện Biên ướt nhèm. Đêm
ấy, trong một căn hầm tại bến đò B, người ta thấy hai đốm lửa lập lòe lóe lên
cùng với nụ cười rạng ngời đầy kiêu hãnh của hai người con Bến Hải Cửa Tùng sắp
đi vào cửa tử để mở đường vận chuyển an toàn cho con đường giải phóng!</font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>“Cảm tử” cho ngày
thống nhất</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Điếu thuốc tàn… “Lúc ấy, tui đã
vắt lên mình 15 quả mìn chống tăng được bọc trong vỏ sắt nhảy phắt lên chiếc đò.
Phía trước, ông Trọng cũng đã sẵn sàng lướt mái chèo. Chúng tôi từ từ chèo
thuyền từ bên Bắc sông Bến Hải (bến đò B) lướt sang bờ Nam…”. Sau lưng, hàng
trăm đồng chí của họ thấp thỏm dõi theo cúi đầu mặc niệm tiễn đồng đội “đi” -
ông Đồng nhớ lại. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Bọn tui đi chuyến này là coi như
mang thân đi… rà bom. Vì như đặc tính của bom từ trường thì chỉ cần “ngửi” thấy
hơi kim loại ở gần là nổ ngay. Không có quả bom nào nổ cũng tốt. Mà bom nổ thì
càng… tốt hơn vì bộ đội ta sang sông sẽ an toàn” - ông Trọng vô tư kể. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">– Lúc đó, hai ông không nghĩ đến
vợ con hay người thân của mình sao? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">– Có chứ? Đã có lúc, trong tâm
trí tui hiện lên cảnh người vợ cùng bốn đứa con nheo nhóc đang đi sơ tán ở tận
Hà Tĩnh, nhưng tui gạt ngay đi: “Nếu phải lựa chọn giữa gia đình và Tổ quốc thì
mình phải chọn Tổ quốc trước tiên. Tổ quốc trên hết. Tổ quốc còn thì gia đình
còn, mà Tổ quốc mất thì gia đình cũng mất” – ông Trọng lại khẳng định. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hai người lính cảm tử ôm mìn lướt
qua lướt lại trên dòng Bến Hải đúng hơn một tiếng đồng hồ. “Cứ mỗi vòng thấy anh
em tui quay thuyền lui là ai cũng thở hắt ra nhẹ nhõm. Rồi lại hít vào một hơi
thật dài để… nín thở tiếp. Đến chuyến cuối cùng, một trục trặc nhỏ làm tất cả
đều thót tim. Quả mìn đeo trên người bỗng nhiên bung dây lăn cả ra sàn thuyền.
Mọi người trên bờ đã nhắm mắt lại... Nhưng may thay, quả mìn đã được tui kịp
thời khóa chốt trước đó” - ông Đồng kể. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ
bộ đội ta cùng nhiều lương thực vũ khí, đạn dược được chuyển an toàn vào trận
địa chuẩn bị cho trận đánh căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu. Cũng từ việc mở thông
được “cửa tử” ở bến đò B này, mà chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn địa giới
tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đôi bờ Bắc Nam giới tuyến đã quy về một mối. Còn
hai ông, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lại lặng lẽ tiếp tục tham gia chiến đấu…!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong những năm gần đây, Nhà nước
ta đã có chủ trương làm chế độ chính sách cho các trường hợp có thành tích trong
kháng chiến nhưng chưa được công nhận. Hai ông cũng nằm trong số này. Tuy nhiên
hơn 11 năm qua, hồ sơ của họ vẫn… đợi ngày giải quyết(?)</font></p>
<table id="table3" bordercolordark="#00aa00" bordercolorlight="#00aa00" width="90%" bgcolor="#f7fff7" border="1" cellpadding="2" cellspacing="1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Bến đò Tùng Luật, điểm
vượt tuyến quan trọng trên sông Hiền Lương. Trong giai đoạn 1968 – 1972,
dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, lực lượng TNXP 771, dân quân thôn Tùng
Luật, dân quân xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang – Vĩnh Linh đã hy sinh không
biết bao xương máu để đảm bảo cho sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp
thời chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ
anh hùng; đưa hơn 78.000 lượt thuyền qua về, đã vận chuyển hơn 2 triệu
lượt người và hàng vạn tấn vũ khí hàng hóa. Chiến công oanh liệt của bến
đò Tùng Luật cũng như của quân và dân huyện Vĩnh Linh trong kháng chiến
chống Mỹ cứu nước đã được cả nước ghi nhận. Di tích bến đò B đã được Bộ
VH-TT xếp hạng Quốc gia vào ngày 27-9-1996.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>