Trở lại Trường Sơn huyền thoại
Bài 1: Ở cột mốc Km số 0
Cho đến bây giờ, khi nhắc đến điểm khởi đầu
của con đường Trường Sơn huyền thoại, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Có người
cho rằng, phải bắt đầu từ Kim Bôi, Hòa Bình – nơi xuất phát những chiến binh đầu
tiên của Đoàn 559. Lại có ý kiến cho rằng phải lấy khe Hó, tỉnh Quảng Trị – căn
cứ đầu tiên của Tiểu đoàn 301 và là điểm xuất phát của những chiến sĩ gùi hàng
và “xoi đường lập tuyến”…
Tuy nhiên, ở TP Vinh, thủ phủ của tỉnh Nghệ An, người ta nói thị trấn Lạt thuộc
huyện Tân Kỳ mới là điểm khởi đầu – cột mốc số 0 – của tuyến đường 559. “Ở đó
còn có cả một bia kỷ niệm rành rành, không tin, các chú đến thử coi” - một cựu
chiến binh già vốn là lính vận tải 559 nói với chúng tôi như vậy…
Nơi bắt đầu đường vận tải Trường Sơn
Từ TP Vinh đến Tân Kỳ khoảng trên dưới 100km, có thể đi theo 2 đường. Theo quốc lộ 1 ra Diễn Châu rồi rẽ trái sang đường 7, đến thị trấn Đô Lương, gặp và đi theo đường 15A khoảng 18km nữa thì đến Lạt – huyện lỵ huyện Tân Kỳ.
Đường thứ 2 thì đi lên Nam Đàn quê Bác, bắt gặp và đi theo đường 15A qua Truông Bồn – nơi có nhà, bia tưởng niệm 13 cô gái TNXP đã hóa thành bất tử – rồi đến thị trấn Đô Lương… Từ Đô Lương, đường 18 vào Tân Kỳ vẫn đang giai đoạn sửa chữa nâng cấp nên nhiều ổ gà, ổ voi mấp mô…
![]() |
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Võ Viết Thanh (bìa trái) đang trao đổi với PV Báo SGGP về cột mốc Km số 0 |
Chúng tôi đi Tân Kỳ là vì để “thử coi cho biết” chứ không hy vọng lấy được thông tin chính thức bởi hôm đó là chủ nhật – các cơ quan hành chính ở những TP lớn còn nghỉ nữa là huyện miền núi Tân Kỳ.
Thế nhưng, ngẫu nhiên mà như có sắp đặt, khi chúng tôi đã lúi húi chụp hình, ghi chép những dòng chữ khắc trên mặt đá hoa cương của đài bia “Mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh-Đông Trường Sơn”, thì có người đến hỏi thăm. Trò chuyện qua lại, mới hay ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng tỉnh Nghệ An, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ, tranh thủ chủ nhật về thăm nhà.
Biết mục đích chuyến đi của chúng tôi, ông điện thoại mời phó chủ tịch phụ trách văn xã, rồi PCT mời trưởng ban quản lý di tích, trưởng ban quản lý di tích mời phụ trách phòng truyền thống… Cứ thế, chưa kịp uống hết một ly rượu mời tại nhà ông Thanh, chúng tôi đã có đủ ban bệ làm việc.
Câu chuyện với nguyên Bí thư
Huyện ủy Võ Viết Thanh đưa chúng tôi trở về Tân Kỳ của 40-50 năm trước. Hồi đó,
xung quanh Lạt vẫn còn rậm rạp rừng nguyên sinh, là nơi lý tưởng cho bộ đội đóng
quân, tập kết hậu cần, từ phân đội đến cấp sư đoàn. Đã có nhiều đơn vị như sư
đoàn 316, 324, 304, 321… trú quân ở đây, trước khi vào chiến trường.
Ông Thanh cho biết: “Ngày 9-9-1964, quân dân Tân Kỳ và TNXP, công binh Đoàn 559
bắt tay xây dựng tuyến đường vận tải này…”. Có phải vì vậy mà Tân Kỳ và Nghệ An
cho rằng đây là điểm bắt đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh? – chúng tôi đặt câu
hỏi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Đinh Quốc Khánh trả lời ngay: “Việc quyết định vị
trí cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh không thể là việc làm tùy tiện, của
riêng địa phương hay cá nhân nào. Đây là nhìn nhận lịch sử. Bộ Tư lệnh Trường
Sơn mà trực tiếp là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã về đây, khẳng định và góp phần
chọn vị trí xây dựng đài bia kỷ niệm này”.
Trong gian trưng bày di tích thuộc Phòng truyền thống huyện nằm gần đài bia kỷ niệm, huyện Tân Kỳ còn lưu giữ một cột hình dáng cột cây số nhưng không có tiêu đề, được đúc bằng sỏi trộn vôi, không cốt thép.
Theo giám đốc phòng truyền thống
huyện, đó là “Cột mốc không số” do Đoàn 559 làm và định vị vào năm 1972 – thời
điểm nâng cấp tuyến đường này thành đường vận tải cơ giới Trường Sơn. Thì ra
những người xây dựng đường Trường Sơn hồi ấy đã ý thức được việc định dấu mốc
tuyến đường cho hậu thế.
Bên cạnh, cũng trong phòng trưng bày, còn có một cột mốc hình dáng tương tự
nhưng bằng gỗ, đề rõ “Đường Trường Sơn, Km 0”, được làm vào năm 1990, để thay
thế cột mốc vôi sỏi đã bị bong tróc…
Năm 2003, cùng với việc thi công tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, Bộ GTVT đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng đài bia kỷ niệm “Mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh-Đông Trường Sơn; Tân Kỳ - Lộc Ninh…” tại thị trấn này. Công trình do Binh đoàn Trường Sơn thi công.
Sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 và tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, nơi đây sẽ là một trong những điểm được chọn để tổ chức mít tinh trọng thể, sẽ có truyền hình trực tiếp cho cả nước cùng chứng kiến… Đó cũng là nhìn nhận lịch sử.
Và như vậy, cho dù tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh công nghiệp hóa được thi công từ Lạng Sơn đến Cà Mau, thì vị trí cột mốc số 0 – điểm xuất phát của tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mỹ – vẫn nằm ở… Tân Kỳ.
Vùng đất anh hùng
![]() |
Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn trước giờ ra trận. |
Bây giờ thì có cột mốc số 0 của tuyến đường Trường Sơn lịch sử trên quê mình, là một vinh dự lớn. Nhưng thời ấy, giả dụ, nếu đổi bằng số lượng bom đạn trút xuống và sự hy sinh, mất mát về sức người, sức của như Tân Kỳ đã gánh chịu, thì chẳng ai muốn. Những cánh rừng quanh thị trấn Lạt đã bị bom đạn cày xới trơ trụi.
Trung tá Đoàn Quang Trung, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, Trưởng ban Liên lạc CCB Trường Sơn huyện Tân Kỳ, kể rằng, hồi đó (những năm từ 1965 đến cuối 1972), trừ những ngày ngừng bắn, còn lại thì không ngày nào là Tân Kỳ không có bom rơi, đạn (rốc-két) nổ.
Thị trấn Lạt tan hoang như chốn không người. Nhiều xã nằm trên tuyến đường 15 và những nơi bị chúng nghi có bộ đội, kho tàng tập kết cũng bị đánh phá ác liệt. Đã có 1.081 con em ưu tú của Tân Kỳ hy sinh, 1.486 người mang thương tật… Tuy nhiên, Tân Kỳ vẫn vững vàng với vai trò “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, Tân Kỳ còn huy động hơn 20.000 lượt người tham gia bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến. Thanh niên ở các xã trong huyện cùng với dân công, TNXP ngày đêm đào hầm, chặt lá rừng ngụy trang, bảo vệ cho các đoàn xe vận tải Trường Sơn, kể cả xe kéo tên lửa Zin 131 có bề ngang 2,8m, chiều dài tới 20m… Đó là “sức của”, còn “sức người”, CCB Đoàn Quang Trung đưa cho chúng tôi xem danh sách, có tới gần 1.000 CCB vừa được nhận kỷ niệm chương chiến sĩ Trường Sơn. So với khoảng 1.100 CCB Trường Sơn của TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, mới thấy sự cống hiến cho tuyến đường Trường Sơn của huyện nghèo này…
Cũng trong những năm tháng đánh Mỹ, nhân dân Tân Kỳ còn đón tiếp, đùm bọc, giúp đỡ hàng ngàn hộ gia đình (hơn 31.000 người) sơ tán từ Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) ra. Chúng tôi nghe kể lại nhiều câu chuyện cảm động “lá lành đùm lá rách” của đồng bào địa phương với bà con sơ tán đến. Trên trời máy bay quần đảo, ném bom, dưới đất bà con vẫn vừa chiến đấu vừa sản xuất, “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” - nhường đất, nhường ruộng, giúp cây con giống… cho đồng bào sơ tán sớm hòa nhập, ổn định chỗ ở, ổn định sản xuất.
Chính nhờ vậy, chỉ sau 5 năm (1968-1973), ở những “làng tản cư” Tân Kỳ đã có hơn 2.600 trẻ em ra đời, hơn 350 đảng viên mới được kết nạp; gần 1.800 ha ruộng đất được khai hoang phục hóa, trở thành đất sản xuất ổn định… Ghi nhận thành tích của vùng đất khởi đầu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại này, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ, 7/21 xã của huyện cũng được phong tặng danh hiệu cao quý ấy.
Thành phố tương lai
Chúng tôi đã có lý khi chọn Tân Kỳ, nơi có cột mốc số 0 của tuyến đường Trường Sơn lịch sử, làm điểm xuất phát của hành trình “trở lại Trường Sơn”. Ngồi nghe lãnh đạo huyện kể chuyện và chúng tôi nghĩ tới một viễn cảnh - Tân Kỳ - TP tương lai trên đường Trường Sơn.
Tân Kỳ không chỉ có điểm khởi đầu của một tuyến đường huyền thoại. Tân Kỳ còn là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi. Sử sách còn ghi rõ, vào năm 1423, chủ soái Lê Lợi cùng quân sư Nguyễn Trãi kéo quân từ Thanh Hóa theo đường thượng đạo qua Thọ Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa) vào Bãi Chành, Thái Hòa (Nghệ An) và đến đóng quân ở Tân Kỳ.
Do vậy, trên đất Tân Kỳ vẫn còn những địa danh di tích như Bãi Tập (nơi Lê Lợi luyện kỵ binh), Bãi Quyền (nơi luyện võ), Đồng Voi (nơi tập kết tượng binh), Núi Đồn, bãi Lơi Lơi (có lẽ từ Lê Lợi đọc chệch)… Tân Kỳ còn có “làng sơ tán Gio-Cam”, còn có những căn cứ tập kết và huấn luyện của các sư đoàn chính quy Quân đội Nhân dân VN…
Tân Kỳ xứng đáng được đầu tư nâng cấp nhiều hơn, không những trong quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An, trong quy hoạch phục hồi di tích lịch sử trên toàn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà còn cả trong quy hoạch đầu tư xây dựng điểm tuyến du lịch “về nguồn” của ngành du lịch VN.
Chỉ cách TP Vinh 100km, du khách đến quê Bác hoàn toàn có thể đặt chân lên tuyến đường Trường Sơn đánh Mỹ, bắt đầu từ Tân Kỳ. Và đến lúc ấy, làm sao để Tân Kỳ giữ chân du khách không chỉ bằng một đài bia kỷ niệm cột mốc Km số 0?
Theo SGGPO