<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trở lại Trường Sơn huyền thoại</title>
</head>
<body>
<p align="left"><b><font face="Arial" size="2">Trở lại Trường Sơn huyền thoại</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bài 2: Binh
trạm trong lòng dân</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Làng Cự Nẫm thuộc huyện Bố
Trạch tỉnh Quảng Bình, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT với
thành tích rào làng chiến đấu, biến quê hương thành pháo đài trong kháng chiến
chống Pháp. Tại phòng truyền thống của làng, sau này đã lên xã, có nhiều hiện
vật, hình ảnh của thời hào hùng ấy… Tuy nhiên, chúng tôi đến Cự Nẫm trong hành
trình “trở lại Trường Sơn” bởi đó là một hệ thống trạm giao liên của đường dây
559 - Trường Sơn. Theo tài liệu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, từ năm 1969 đến năm
1973 – trước khi hiệp định Paris có hiệu lực – Cự Nẫm vừa là căn cứ của Binh
trạm 26, vừa là khu kho hậu cần của binh trạm lại vừa là trạm dừng chân một đêm
của những đoàn quân vào chiến trường. Trong đoàn cán bộ phóng viên Báo SGGP “trở
lại Trường Sơn”, có một CCB đã từng có một đêm dừng chân ở Cự Nẫm…</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Hồi ức...</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 3-5-1971, chúng tôi lên
đường đi B trong phiên hiệu Đoàn 2289. Sau 3 ngày, ngày nghỉ đêm đi, qua các
trạm Hưng Lộc (Nghệ An), Đức Lạc (Hà Tĩnh), Quảng Liên (Quảng Trạch, Quảng
Bình), chúng tôi vào đến Cự Nẫm. Đó là tuyến đường mà bất kỳ người lính nào vào
chiến trường trong những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 đều trải qua.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lúc đó, chúng tôi còn rất trẻ,
chưa hiểu được ý nghĩa của hành trình cũng như lịch sử của mỗi vùng đất, bởi
hành quân vào chạng vạng, đến vào đêm và sáng hôm sau quanh quẩn trong căn nhà
tiểu đội đóng quân chờ đến chiều lại hành quân tiếp. Cự Nẫm cũng vậy. Tuy nhiên,
Cự Nẫm là trạm cuối cùng mà chúng tôi được ở trong nhà dân, được tiếp xúc với
dân. Để rồi sau đó là một chuỗi gần 3 tháng trời đi bộ vượt Trường Sơn, chỉ có
rừng núi, đèo dốc, sên vắt và những cơn mưa rừng tầm tã. Chặng đến </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cự Nẫm cũng rất ấn tượng bởi được
đi thuyền trên sông Gianh rồi vào sông Son. Hôm ấy, trời vừa mưa xong, ráng
chiều đỏ rực hắt bóng xuống dòng sông, từng đàn sứa lội như những bông hoa trắng
thả trôi trong làn nước xanh ngắt… </font></p>
<div align="center">
<table width="1" align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table4">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images288318_X6b.jpg" name="imagePhoto" width="399" border="0">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Vận
chuyển khí tài ra mặt trận</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở Cự Nẫm, chúng tôi được cấp phát
bổ sung thịt hộp, ruốc bông mặn, sữa hộp, muối, hai gói lương khô 701 (loại dùng
cho lính ít chất bổ dưỡng hơn lương khô 702 cấp cho sĩ quan), một túi thuốc cá
nhân trong đó có gói thuốc lọc nước mà nghe nói, lấy nước suối vào bình toong,
bỏ vào 1 viên là uống được như nước đun sôi (nhưng sau mấy ngày leo trường Sơn,
do cái mùi hóa chất hôi hôi nên chúng tôi lén… vất sạch). Ngoài ra, những ai còn
thiếu quân trang như khăn mặt, mũ, bình toong, giày dép… cũng đều được trang bị.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cho đến buổi chiều, trước khi lên
xe tải hành quân theo đường 20 đến trạm 5 biên giới Việt Lào, hành trang của
chúng tôi giàu hẳn lên, nặng hẳn ra. Đó cũng là đợt bổ sung trang thiết bị, nhu
yếu phẩm cuối cùng… Tôi muốn nhắc lại khái niệm “cuối cùng” ấy bởi sau đó là
rừng núi, là chiến trường bom đạn, là sốt rét rừng, là những trận đánh và những
đồng đội của chúng tôi “ra đi, đi mãi không về…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Bình yên trong lòng dân</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ TP Quảng Bình đến Cự Nẫm
khoảng 30 km. Nếu từ khu di tích Phong Nha-Kẻ Bàng đến thì còn gần hơn, chỉ
khoảng 9 km. Chúng tôi vào nhà truyền thống xã, chỉ thấy hiện vật, hình ảnh của
làng Cự Nẫm anh hùng thời chống Pháp. Không có một dấu tích nào của thời chống
Mỹ. Ngay cả ông phụ trách nhà truyền thống, khi chúng tôi hỏi về trạm giao liên
của đường dây 559 nằm ở thôn nào, hiện còn lưu giữ được gì, cũng chỉ biết láng
máng. Những năm tháng ấy, ông cũng thoát ly, nên sau ngày hòa bình về thì “…có
nghe nói vậy”. Tuy nhiên, ông cũng đã chỉ cho chúng tôi tìm đến ông Hoàng Tiến
Dũng, nguyên là xã đội trưởng Cự Nẫm hồi đó.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gặp nhóm PV Báo SGGP muốn tìm
hiểu về trạm giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, cựu xã đội trưởng Cự Nẫm
Hoàng Tiến Dũng mừng ra mặt, nói: “Báo cáo các đồng chí, rứa là các đồng chí đã
tìm đúng địa chỉ rồi. Hồi nớ, Binh trạm 26 đóng ngay trong thôn ni, cả Ban chỉ
huy Binh trạm, các kho chứa vũ khí, quân trang, quân nhu, bệnh xá 52 và trạm
giao liên…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông kể, từ năm 1969 đến đầu năm
1973 (sau Hiệp định Paris, bộ đội hành quân hoàn toàn bằng cơ giới nên bỏ qua
trạm Cự Nẫm - PV) mỗi ngày có 1-2 đoàn bộ đội hành quân vào chiến trường, và từ
chiến trường ra. Họ đến vào ban đêm và ra đi vào chiều hôm sau… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những điều ông kể như là sự bổ
sung cho hồi ức của người cựu binh trong đoàn. “Hồi đó, thanh niên nam cũng như
nữ ở đây, ngày thì đi làm, đêm về thì hướng dẫn bộ đội vô từng nhà; rồi còn tham
gia bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa của bộ đội vào kho… đến 1-2 giờ sáng. Chao ôi,
đêm mô cũng như đêm mô…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Nhà tranh nhỏ chật như vậy, gia
đình ở rồi thì bộ đội ngủ ở đâu? – chúng tôi hỏi.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Nhà lớn nhường cho bộ đội. Vợ
chồng con cái đưa nhau xuống quây ổ rơm ngủ dưới nhà bếp. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Một hai bữa còn được, triền
miên thế chịu sao nổi?</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Răng không. Đánh Mỹ mà. Nhà lớn
dỡ ra lót đường cho xe đi còn được nữa là để cho bộ đội ngủ… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rồi ông kể, hồi đó, mùa màng mất
do thiên tai và máy bay địch đánh phá, cả làng đói, bà con phải ăn độn, có nhà
đứt bữa nhưng tuyệt nhiên kho lương thực, thực phẩm của bộ đội không mất một
hột. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đưa chúng tôi ra khu vườn nhà,
ông Dũng chỉ xuống một góc vườn đang trồng thuốc lào, nói: “Đây là kho gạo của
binh Trạm…”. Cứ thế, qua một số nhà trong xóm, ông cũng chỉ những nơi đã từng là
nhà kho chứa thịt hộp, ruốc bông, mũ cối, dép râu… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà Trịnh Thị Tất, một người hàng
xóm, hồi đó là “gái một con”, xác nhận: “Ở làng ni, nhà ai không chứa bộ đội thì
cũng làm kho hậu cần. Nhà tui là kho chứa đồ hộp. Thấy tui có con nhỏ, phải ăn
khoai, có bữa bộ đội còn cho gạo nấu cơm…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo ông Hoàng Tiến Dũng, cả làng
có khoảng gần 30 nhà kho, một bệnh xá, một ban chỉ huy binh trạm và một trạm
giao liên. Chỉ như vậy, làng nhỏ Cự Nẫm đã là một doanh trại quy mô lớn, một mục
tiêu hủy diệt nếu bị kẻ thù phát hiện. Thật kỳ diệu, suốt 3-4 năm trời, trước
một kẻ thù có đủ phương tiện trinh sát, thám báo, tình báo… hiện đại, mà cả Binh
trạm 26 của Binh đoàn Trường Sơn vẫn tồn tại bình yên trong lòng Cự Nẫm…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Làm gì cho Cự Nẫm?</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng may, nếu không có một CCB
trong đoàn, có lẽ chúng tôi cũng chỉ biết Cự Nẫm là… làng anh hùng thời chống
Pháp! Cũng may, dù đã qua 40 năm, những người đương thời vẫn còn sống và minh
mẫn để kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ngày làm ruộng, tối giao liên;
để chỉ cho chúng tôi những mảnh đất vườn đã từng được nhường làm kho, những căn
nhà nhà lớn đã nhường cho bộ đội ở… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Làng Cự Nẫm thực sự là một bộ
phận không thể tách rời của tuyến đường Trường Sơn, của đường dây 559, của Binh
đoàn Trường Sơn thời ấy. Cự Nẫm xứng đáng được chọn là một trong những điểm di
tích cần được đầu tư tôn tạo, phục dựng trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đánh
Mỹ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm điều đó, không chỉ là đánh
giá, ghi nhận đúng đắn công lao “thà hy sinh tất cả” của quân và dân Cự Nẫm
trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ mà còn có thể tạo ra một sản phẩm du lịch
“một đêm dừng chân” theo bước hành quân của bộ đội Trường Sơn, cho thế hệ hôm
nay và mai sau. Chỉ có như vậy, tiềm năng phát triển kinh tế của vùng quê nghèo
Cự Nẫm mới được đánh thức, đời sống của người dân Cự Nẫm anh hùng mới có cơ hội
được cải thiện. Đó cũng cách thiết thực để “trả ơn” đồng bào Cự Nẫm… “rằng có
đắng cay, bây chừ mới có ngọt bùi”.</font></p>
<p align="center"> </p>
<table id="table5" bordercolordark="#c0c0c0" bordercolorlight="#008080" width="90%" border="1" cellpadding="2" cellspacing="1">
<tr>
<td align="justify" bgcolor="#f4f4f4">
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Cự Nẫm là 1 trong hơn 90
trạm giao liên - tính cho đến trạm cuối cùng mang ký hiệu T94 – của
đường dây 559 đi B2-470 thời kỳ 1969-1972.</font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Trong “binh chủng hợp
thành” bộ đội Trường Sơn thì trạm giao liên hành quân bộ là một mảng
không thể thiếu. Hơn 2 triệu lượt bộ đội vào ra chiến trường an toàn đều
nhờ vào sự dẫn đường, bảo vệ và bảo đảm hậu cần của hệ thống trạm giao
liên này. Do vậy, trong việc xem xét và phục dựng di tích lịch sử đường
Trường Sơn, cần có 1 trạm giao liên, và theo chúng tôi, Cự Nẫm xứng đáng
là một “địa chỉ đỏ”… </font></td>
</tr>
</table>
</p>
<p align="center"><font color="#0000ff" face="Arial" size="2">Một số hình ảnh
của đoàn cán bộ phóng viên Báo SGGP đến Cự Nẫm.</font></p>
<div align="center">
<table width="1" align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table6">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images288310_CuNam3.jpg" name="imagePhoto" width="399" border="0">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image"><font size="1" color="#0000ff" face="Arial">
<div align="center">
<table width="1" align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table7">
<tr>
<td><font size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images288312_CuNam1.jpg" name="imagePhoto" width="399" border="0">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image"> </td>
</tr>
</table>
</div>
</font>
<div align="center">
<table width="1" align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table8">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images288314_CuNam2.jpg" name="imagePhoto" width="399" border="0">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image"> </td>
</tr>
</table>
</div>
<div align="center">
<table width="1" align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table9">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img style="width: 317px; height: 431px" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/04/images288316_CuNam4.jpg" name="imagePhoto" width="399" border="0" height="459">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image"> </td>
</tr>
</table>
</div>
</td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></div>
</body>
</html>