<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ứng cử viên</title>
</head>
<body>
<div class="newsTitle">
<p align="justify"><span id="PageContent_News_NewsDetail">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt; font-weight: 700">Ứng cử
viên “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2009:</span></font></span></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Nguyễn Thị
Hải - Cô gái vàng của thể thao Việt Nam </font></b></div>
<div class="pageImgCont">
<div class="imgCap">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<strong style="font-weight: 400">Đoạt 2 HCV ngay trong lần đầu tiên xuất
quân, năm 2005, chỉ trong vòng ba năm sau đó, Nguyễn Thị Hải đã trở
thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thể thao Việt Nam. Cô đang
là chủ sở hữu hai bộ HCV Asean Paragames 3, 4 và là người giữ kỷ lục
Asean Paragames từ năm 2005 ở các nội dung ném lao, đẩy tạ, ném đĩa. Gặp
Nguyễn Thị Hải với nụ cười rạng rỡ và đầy tự tin của ngày hôm nay, có
lẽ, chẳng ai ngờ, chỉ cách đây bốn năm, cô gái ấy luôn sống trong mặc
cảm vì chân phải teo tóp của mình. Hải nhút nhát đến mức, chỉ cần thấy
bóng dáng người quen đến chơi, cô đã vội chạy biến vào nhà sau.</strong>
</font></div>
<div class="pageContent">
<div class="ChangeOldFont">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span class="pBody">
Quê Nghệ An, nhà rất nghèo, Hải là người duy nhất trong các anh chị
em được đến trường. Năm 2004, tốt nghiệp cấp III, gia đình gửi Hải
vào mái ấm An Bình (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng lời nhắn nhủ: "Cố học
con nhé. Tật nguyền như con thì chẳng thể đảm đương nổi chuyện đồng
áng ở quê mình". </span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="<span class=">"Những ngày sống ở mái ấm An Bình và
đi học Anh văn-Tin học ở CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ - TP.HCM,
đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. So với những người bạn khuyết tật
cùng chung sống, cùng học tập, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều. Các
bạn ấy còn khiếm khuyết nhiều hơn tôi nhưng vẫn sống lạc quan, vui
vẻ và phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội. Tại sao tôi
không làm được như vậy?".</span></font></p>
<p style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="<span class=">Ngày có người rủ Hải chơi thể thao,
Hải ngơ ngác: "Trời, đừng có đùa ác vậy chớ!". Nói vậy nhưng Hải vẫn
tò mò, vẫn đến để xem người khuyết tật chơi thể thao ra sao. Và Hải
như không thể tin vào mắt mình khi thấy những người mất chân, mất
tay, bại não... đang say sưa luyện tập ở sân vận động Thống Nhất.
Cũng chính hôm đó, huấn luyện viên Đặng Văn Phúc đã phát hiện khả
năng đặc biệt của cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải.</span> </font></p>
<span class="<span class=">
<table align="center" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table2">
<tr>
<td style="width: 64px; height: 20px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img alt="" id="imgId" src="http://www.phunuonline.com.vn/Uploads/Image/d/4f6/58cf1863e80888e59b761e56ee74.bmp" width="400" height="290"></font></td>
</tr>
</table>
<p style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">Chỉ sau
ba tháng luyện tập, lần đầu tham dự giải tiền Paragames 3/2005 tại
Hà Nội, Hải đã mang về cho đoàn VĐV khuyết tật TP.HCM 2 HCV (môn đẩy
tạ, ném đĩa) - 1 HCB (ném lao). Bất ngờ hơn, tại Asean Paragames 3
được tổ chức tại Philippines tháng 12/2005, Hải đã xuất sắc phá ba
kỷ lục khu vực ở cả ba nội dung.</font></p>
</span>
<p style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="<span class=">Sẽ càng khâm phục nghị lực của cô gái
trẻ ấy nếu biết thành công của cô không chỉ nhờ vào sự may mắn. Thời
gian mới bắt đầu tập luyện, một chặng đi từ mái ấm ở đường Bạch Đằng
(P.15, Q.Bình Thạnh) đến sân vận động Thống Nhất, Hải phải mất hàng
giờ. Xe đạp thì bé xíu, cũ kỹ, Hải lại chỉ đạp được bằng một chân.
Tập xong mệt nhoài, bụng đói meo, lại lọc cọc đạp xe về nhà. "Lúc
đó, em không có cả tiền để uống nước sau giờ tập. Đi lau nhà thuê
mỗi tháng được hơn 300.000đ, với em đó là khoản tiền rất lớn. Em cố
gắng dành dụm để theo học lớp sơ cấp dược nên không bao giờ dám tiêu
vào số tiền ấy. Suy nghĩ chơi thể thao là cơ hội tốt nhất để mình
được hòa nhập với xã hội, được sống, sinh hoạt như tất cả những
người bình thường khác là động lực lớn nhất giúp em vượt qua khó
khăn", Hải bộc bạch. </span></font></p>
<p style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="<span class=">Năm 2008 là một năm khá thành công của
Nguyễn Thị Hải: cô hai lần phá kỷ lục của chính mình tại Asean
Paragames 4 và Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới
(Paralympic Bắc Kinh 2008). Một chút tiếc nuối khi chiếc HCĐ
Paralympic vuột khỏi tay, nhưng hạng 4 với mức thành tích 25m60, phá
kỷ lục châu Á đã đưa Hải lọt vào danh sách VĐV khuyết tật xuất sắc
năm 2008 và cho Hải thêm nhiều hy vọng ở những giải thi đấu tiếp
theo. Nhà vô địch Paragames giờ đang theo học trung cấp dược tá, vi
tính, Anh văn để chuẩn bị hành trang cho tương lai của mình. Hải
quan niệm: "Cơ hội việc làm với những người khuyết tật không nhiều,
nên dù có thành tích thể thao đi nữa thì tôi cũng không được phép
xao lãng chuyện học hành". Thời gian học tập kín mít từ sáng đến
chiều mỗi ngày, nhưng đều đặn, sau 17 giờ mỗi ngày, cô lại có mặt ở
sân vận động Thống Nhất để luyện tập và nuôi ước mơ đạt được thành
tích cao hơn.</span></font></p>
<p style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="<span class=">Khuôn mặt Hải sáng lên với nụ cười
rạng rỡ: "Thể thao đã cho tôi nhiều điều mà trước đây có nằm mơ tôi
cũng chưa bao giờ dám nghĩ. Tôi đã trở thành một người hoàn toàn
khác, sống tự tin hơn, vui vẻ hơn và không còn mặc cảm với khuyết
tật của mình. Nhưng vui nhất là chân phải giờ đây đã khỏe hơn, tôi
có thể đi lại nhanh hơn và chạy xe máy hai bánh như tất cả những
người bình thường khác". Vừa bước sang tuổi 24, tương lai vẫn đang
rộng mở với nhà vô địch. </span></font></div>
</div>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo PNO</i></b></font></p>
</body>
</html>