<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lê Nguyễn Tuấn Hải- Huy chương v</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>Lê Nguyễn Tuấn Hải- Huy chương vàng Olympic Cánh én TP.HCM
lần 6 </b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>“Vừa là thầy, là bạn của học trò”</b></font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="le%20nguyen%20tan%20hai.JPG" width="200" height="150"></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Vượt qua 291 đối thủ, Lê Nguyễn Tuấn Hải - 26 tuổi, tổng phụ
trách Đội (PTĐ) Trường THCS bán công Lam Sơn (Q.6) - đã xuất sắc giành huy
chương vàng hội thi Phụ trách đội giỏi - Olympic Cánh én TP.HCM lần 6.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><b><i><font color="#00CC00">“Đây là cuộc rèn tài hết sức khắc nghiệt cho thấy làm PTĐ
không chỉ có cái tâm là đủ mà còn phải thật sự có tài”</font> - </i></b>Hải mở đầu cuộc
trò chuyện với NST bằng những tố chất cốt lõi nhất của nghề.</font></p>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2" color="#9900CC"><i>* Bạn có thể tiết lộ thêm một chút về sự “khắc nghiệt”
ấy?</i></font></p>
<p class="pAnswer"><font face="Arial" size="2">- Có đến 18 môn phải vượt qua. Từ kiến thức tổng quát đến
nghiệp vụ chuyên môn như làm giáo án, tiểu luận, huấn cụ, kỹ năng, khéo tay...,
có cả sự hiểu biết về cây thuốc nam và một số bài thuốc nam buộc người thi phải
đầu tư rất nhiều. </font> </p>
<p class="pAnswer"><font face="Arial" size="2">Ấn tượng nhất là bài thi thám du núi Chí Linh (Vũng Tàu).
Trên con đường làng dài 2km dẫn vào đất trại, bạn phải có đầy đủ thông tin về
địa chí, kinh tế xã hội, tôn giáo, mức thu nhập của người dân, hướng phát triển
của vùng này... tối về trại thức nguyên đêm để viết.
</font> </p>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2" color="#9900CC"><i>* Bí quyết nào giúp Hải làm tốt được công việc của người
PTĐ? </i></font></p>
<font face="Arial" size="2">- Làm PTĐ thì phải biết đủ thứ và không ngừng sáng tạo. PTĐ là người trực tiếp
hướng dẫn HS kỹ năng sống. Có rất nhiều chuyện HS không hỏi cha mẹ, giáo viên
chủ nhiệm mà tìm đến PTĐ, thậm chí cả chuyện tình cảm. Tôi vừa là thầy, vừa là
anh và cũng là người bạn gần gũi của các em, lắng nghe các em thì mới thật sự
nhập cuộc tốt được.
</font>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2" color="#9900CC"><i>* Giáo viên trẻ hiện nay có thật sự yêu nghề PTĐ? </i>
</font>
</p>
<p class="pAnswer"><font face="Arial" size="2">- Theo tôi, một số giáo viên trẻ sau thời gian làm PTĐ thích
nghi đâm ra yêu nghề, nhưng nhiều bạn khác thì thấy đó là một gánh nặng. Từ quá
trình làm PTĐ trên địa bàn dân cư rồi đến trường học, tôi rút tỉa: xuất phát từ
cái tâm thì không thể làm việc gì qua loa được. Có tài thì mới thuyết phục được
học trò, nhà trường và gia đình. </font> </p>
<p class="pAnswer"><font face="Arial" size="2">Có một chị ở An Giang yêu nghề đến mức đã từ chối chức vụ phó
hiệu trưởng nhà trường để được tiếp tục làm PTĐ. Điều chúng tôi tâm tư nhất là
PTĐ chưa được nhìn nhận là một nghề thật sự. Thậm chí nhiều PTĐ đang làm việc
theo hợp đồng công nhật, chín tháng trong năm học được lĩnh lương, ba tháng hè
tự kiếm sống.</font></p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2"><b>Theo Tuổi Trẻ</b></font></i></p>
</body>
</html>