<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>“Lọ Lem” Xuân Hòa với ước mơ làm nhà báo</b></font></p>
<div style="float: left; width: 207px; height: 156px">
<table border="0" width="104%" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="xuan%20hoa.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#CC0000"><i>“Em từng có những lúc viết nhật ký với con chữ đẫm đầy
nước mắt và tuyệt vọng vì nghèo đói, tủi thân”- Xuân Hòa rất tự tin khi kể về
quá khứ. </i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt tươi, đôi mắt sáng rực như hằn
in sự trải nghiệm, dày dặn mà ở tuổi 22 những cô gái trẻ bình thường khó có
được. </font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Xuân Hòa sinh ra trong một gia đình nghèo khó,
bất hạnh ở thị xã Rạch Giá (Kiên Giang). Cha của em bị bệnh tâm thần, gia đình
em trở thành “gánh xiếc rong” trôi dạt lên thành phố kiếm sống.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm tháng trôi qua, cô bé hạt tiêu Xuân Hòa
vừa đi học, vừa phụ giúp việc bưng bê hủ tiếu; lựa tấm, lúa lép cho mấy dì bán
sạp gạo ở Chợ Lớn, mỗi ngày kiếm từ 8.000 - 10.000 đồng để mua gạo ăn và dành
dụm trả tiền nhà, tiền học cho bản thân và cô em Ngọc Tuyết.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Xuân Hòa kể chuyện: Những lúc nghèo khó tưởng
chừng như không vượt qua nổi, em nhớ lời ngoại dạy: “Phải biết cảm ơn những
người giúp đỡ mình, nhưng không phải là lời cảm ơn suông”.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có lần bị sốt, nằm co ro trong căn phòng trọ,
cô viết nhật ký bằng nước mắt và tuyệt vọng định tìm đến cái chết như là một sự
giải thoát. Thế nhưng, lúc đó một cô bạn thân đi chiếc xe cà tàng “không còn gì
để cũ hơn” đến đưa cô 200 ngàn đồng và nói: “Tiền đi dạy kèm, cho mày mượn thuốc
thang sau này có thì trả…” -Hòa đỏ hoe mắt. </font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vì những điều tốt đẹp này, mà bất kể khi nào
còn thời gian rảnh, Xuân Hòa hăm hở lao vào các hoạt động xã hội, từ thiện hướng
đến cộng đồng. Cô kể về chuyến đi Mũi Né do Hội đồng Anh tổ chức.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Gặp những đứa bé tóc vàng hoe nài nỉ khách cho
thuê phao bơi, ván trượt, cô hỏi thăm : “Ước mơ của em mai này lớn lên sẽ làm
gì?”. Đứa thích nói tiếng Anh giỏi như cô, đưa thích được đi học, đứa thích làm
lái tàu… Xuân Hòa ứa nước mắt vì bắt gặp lại tuổi thơ của chính mình.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cô đã cùng các bạn sinh viên Anh phác họa một
dự án nhà mở dành cho các em lang thang, nghèo khó ven biển Phan Thiết. Hòa cho
biết cô cùng các bạn SV Anh đang xúc tiến thành lập Trung tâm dạy ngoại ngữ, văn
hóa cho trẻ em nghèo, sau đó bàn giao cho Đoàn thanh niên địa phương quản lý,
duy trì hoạt động. </font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 7/2006 này, Xuân Hòa cùng các thành viên
Cộng đồng Anh tổ chức 4 trại hè cho thiếu nhi tại Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ và Mái
ấm Thiên Phước, Củ Chi thuộc TP. HCM. </font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Xuân Hòa cho biết một ngày của cô: Sáng lên
giảng đường (SV năm 4 Khoa Báo chí – Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM). Trước 12 giờ
30, đến một Cty của Nhật Bản làm nhân viên văn phòng bán thời gian và kết thúc
công việc vào lúc 18 giờ.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hòa còn làm thêm lễ tân cho một khách sạn có du
khách nước ngoài vì cô khá thạo ngoại ngữ. Cô nài nỉ xin quản lý cho trực cả đêm
để “tăng giờ làm thêm” và kết quả là sáng lên giảng đường, giấc ngủ ào ào đến
khiến mặt mũi cô bơ phờ, hốc hác nhưng cô vẫn vượt qua.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Nhưng vẫn tiếc, còn bao nhiêu việc chưa làm
hết” - Xuân Hòa cười. Hiện nay cô em Ngọc Tuyết đã vào học Trường Nghiệp vụ Du
lịch, tự kiếm sống được rồi.
</font> </p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn Xuân Hòa, vẫn ở tạm nhà một cô bạn thân,
ước mơ về một ngôi nhà nhỏ đang thôi thúc. Hướng đến cộng đồng, với Xuân Hòa còn
là trả ơn cho quá khứ rất nghèo khổ, cơ cực của hai chị em khi được mọi người
chìa bàn tay giúp đỡ. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo Tiền Phong</b></i></font></P>
</body>
</html>