<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 84 năm tác phẩm Đường Ká</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 84 năm tác phẩm Đường Kách mệnh:</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Độc lập dân tộc
và CNXH từ Đường Kách mệnh đến Cương lĩnh chính trị của Đảng (bổ sung, phát
triển năm 2011)</font></b></p>
<span class="text" id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblTeaser" style="font-weight: bold">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Độc lập dân tộc và CNXH được lựa
chọn từ trong tác phẩm <i>Đường Kách mệnh</i>, được khẳng định trong các Văn
kiện của Đảng từ mùa xuân năm 1930 đến <i>Cương lĩnh chính trị của Đảng</i> (bổ
sung, phát triển năm 2011), thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI (1/2011), vẫn
sẽ là nguồn sức mạnh nội lực, là ánh sáng soi đường, để đưa nhân dân ta đi trên
một lộ trình đúng, phù hợp tâm nguyện của toàn dân tộc, hướng đến tương lai ấm
no, hạnh phúc, đất nước đến giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững vàng
hội nhập cùng bạn bè quốc tế.</font></span></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thấm nhuần lời dặn của Lênin
trong cuốn sách <i>Làm gì?</i>: “Không có lý luận Kách mệnh, thì không có cách
mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận kách mệnh tiền phong, Đảng kách mệnh mới
làm nổi trách nhiệm kách mệnh tiền phong” (1), trong những năm 1924-1927, tại
Quảng Châu (Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã tiến hành những hoạt động lý luận và
thực tiễn: mở lớp Huấn luyện chính trị, thành lập <i>Hội Việt Nam cách mạng
thanh niên</i>, ra báo <i>Thanh Niên</i>, nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
cốt cán đầu tiên và tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin cho phong trào cách mạng
Việt Nam. Những bài giảng của Hồ Chí Minh tại lớp Huấn luyện chính trị thời kỳ
này đã được <i>Bị áp bức dân tộc liên hợp hội tuyên truyền bộ </i>ấn hành (với
tên gọi <i>Đường Kách mệnh, đầu năm 1927</i>). </font></p>
<p align="center"><img border="0" src="test4.jpg" width="336" height="441"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i>Đường Kách mệnh</i> là một tác
phẩm được viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ đối với đông đảo quần chúng nhân dân,
không ngoài một hy vọng: Đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, rồi tỉnh dậy, đoàn kết
lại để làm cách mệnh, nhằm giành lại độc lập và tự do. Thông qua việc luận giải
một cách cụ thể những khái niệm về: Tư cách một người cách mệnh; Cách mệnh, về
dân tộc cách mệnh, thế giới cách mệnh, cách mệnh trước hết phải có cái gì? Về
các cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, Nga; Về vai trò của Quốc tế I, II, III; về vai trò
của các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, v, v.., <i>Đường Kách mệnh</i>
đã giúp cho những người dân Việt Nam yêu nước hiểu rõ hơn về đối tượng, mục tiêu,
con đường và bổn phận của mình trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng trong <i>Đường Kách mệnh</i>,
sau khi phân tích lịch sử những cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới
như Mỹ, Pháp, và dù đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ và cách
mạng Pháp đã tuyên bố trong <i>Tuyên ngôn độc lập </i>năm 1776 của Mỹ và <i>
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền </i>của Pháp năm 1791, nhưng Nguyễn Ái Quốc -
Hồ Chí Minh vẫn không tán thành đường lối mà các chính quyền tư sản đã tiến hành
sau thắng lợi của hai cuộc cách mạng nói trên. Theo Người “Cách mệnh Pháp cũng
như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là
cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp
bức thuộc địa”, nên: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động thoát
khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể
đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng
hoà tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản, Người viết:
“Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao
cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít
người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” (2).</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Để tiến hành một cuộc cách mạng mà khi chính quyền
được thành lập là của dân chúng số nhiều, Hồ Chí Minh đã hướng về một cuộc cách
mệnh “đến nơi”, nghĩa là một cuộc cách mệnh, mà sau đó sẽ lập ra một chính quyền
thực sự của dân, không áp bức dân, không bóc lột dân. Người đã tìm thấy cuộc
cách mệnh đó khi đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là Cách mạng Tháng Mười
Nga, một cuộc cách mạng triệt để, đem lại bình đẳng, tự do thực sự cho đông đảo
quần chúng nhân dân và kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là
đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh
phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc
chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An nam” (3); đồng thời cách mạng Nga dạy chúng ta
rằng: “Muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng
vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo
chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (4). </font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Như vậy, cùng với việc nhận thức được mối quan hệ
chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của
thời đại, trên tinh thần của học thuyết Mác - Lênin và giải quyết một cách triệt
để nhu cầu ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai
cấp vô sản, để giải phóng dân tộc và giải phóng con người bằng một cuộc cách
mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng CNXH. Từ đó, Người nêu rõ
việc phải tiến hành cả 2 cuộc cách mệnh: <i>Dân tộc cách mệnh</i> và <i>Thế giới
cách mệnh</i>, phải nhờ vào Đệ tam quốc tế và phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc. <i>Dân tộc cách
mệnh</i> là tập trung đánh đổ bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai,
đánh đổ cường quyền, giành lại độc lập cho xứ sở và <i>Thế giới cách mệnh</i> là
giống như công nông Nga đánh đổ tư bản áp bức, “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức
ra Chính phủ công, nông, binh..., ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ
nghĩa thế giới đại đồng (<i>thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới- tác
giả nhấn mạnh</i>)”. Và luận cứ để mục tiêu: Độc lập dân tộc và CNXH có thể trở
thành hiện thực sinh động, chính là khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế thứ III:
“Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại” và sự khẳng
định: “Cách mệnh Nga đã thành công để làm nền cho cách mệnh thế giới” (5).
</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Nhận thức chính trị này đã đưa Hồ Chí Minh đến với
định hướng cơ bản về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách
mạng vô sản và thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân theo mô hình
nhà nước Xô Viết. Đó chính là con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, để
đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà mục tiêu trước hết là “độc lập cho Tổ quốc,
tự do cho đồng bào”. </font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH – đích
tất yếu của cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh trình bày trong tác phẩm <i>Đường
Kách mệnh</i> đã được khẳng định trong Văn kiện <i>Chánh cương vắn tắt, Sách
lược vắn tắt</i> (Cương lĩnh chính trị đầu tiên) của Đảng Cộng sản Việt Nam, do
Người soạn thảo và được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930, tại
Cửu Long - Hương Cảng), đó là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách
mạng để đi tới xã hội cộng sản” (6). Đây là kết quả của một tư duy sáng tạo, phù
hợp với xu thế phát triển của nhân loại, và đây chính là “cái cần thiết cho
chúng ta” trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. </font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Độc lập, tự do và CNXH (giai đoạn đầu của xã hội
cộng sản chủ nghĩa) - mục tiêu định hướng tương lai của dân tộc Việt Nam, là sự
lựa chọn chính xác, đúng đắn của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ
những năm 30 của thế kỷ XX. Khẳng định và phấn đấu cho mục tiêu này, trong suốt
81 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt
Nam giành được những thắng lợi rất đỗi tự hào.</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Ngọn cờ độc lập, tự do và CNXH nêu trong <i>Cương
lĩnh chính trị đầu tiên</i> của Đảng, thực sự là viên ngọc quý và sức hấp dẫn
của nó đã góp phần khơi nguồn sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp giải
phóng. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh là người đã chỉ rõ phải
đánh đổ cả đế quốc, phong kiến và tay sai giành lại độc lập, tự do cho nhân dân,
đồng thời phải xây dựng CNXH, thì nền độc lập, tự do của dân tộc mới được đảm
bảo và người dân mới được giải phóng thực sự. Lịch sử luôn có những thăng trầm,
luôn có khúc ngoặt, song sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn con đường
giải phóng dân tộc Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đã được thực hiện
sinh động trong thực tiễn, đó chính là thành công của cuộc cách mạng giải phóng
dân tộc mùa thu năm 1945. </font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Tiếp tục thực hiện tư tưởng cách mạng không ngừng,
và kiên định con đường đã lựa chọn, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ II
của Đảng (2/1951), cuộc trường chinh chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm
(1946-1954), đã giành được thắng lợi. Song với Hiệp định Giơnevơ, miền Bắc Việt
Nam đã được giải phóng, từng bước khôi phục, cải tạo kinh tế, xã hội, văn hóa,
v.v.. và đi lên CNXH, còn ở miền Nam, đồng bào ta tiếp tục thực hiện cuộc đấu
tranh giải phóng, thực hiện thống nhất nước nhà.</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Đại hội Đảng lần thứ III (9/1960) - Đại hội xây dựng
CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà đã khẳng
định: “Đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” và sau đó
nhiều Hội nghị Trung ương và Bộ Chính trị đã có sự bổ sung, phát triển. Hướng
đến tương lai tươi sáng đó, cuộc đấu tranh đầy gian khổ sau 21 năm gian nan, thử
thách, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa đấu tranh cách mạng ở miền Nam đã kết
thúc bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Miền Nam đã được giải
phóng, hai miền Nam - Bắc đã sum họp một nhà và cả nước cùng đi lên CNXH. </font>
</p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Lịch sử thế giới hiện đại đã chứng minh rằng, Việt
Nam là nước đầu tiên tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời cũng là nước đầu tiên đi lên CNXH trong
điều kiện có chiến tranh. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến
hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng ở cả 2 miền Nam, Bắc, tạo điều kiện thuận
lợi cho đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, để cả nước cùng tiến lên CNXH. Điều đó cho thấy, mục
tiêu Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là quy luật phát triển tất yếu và thắng
lợi của cách mạng Việt Nam, và đó cũng là sự nhất quán của Hồ Chí Minh, của Đảng
ta trong việc lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Và sự lựa
chọn từ mùa xuân năm 1930 đó, đã được Đảng ta do Người sáng lập và rèn luyện
kiên định thực hiện, với những bước đi thích hợp, nhằm đạt được mục tiêu đã lựa
chọn.</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Khi thống nhất nước nhà đã trở thành hiện thực, khát
vọng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng CNXH và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN không chỉ là tiếp tục hành trình đã lựa chọn, mà
còn là khẳng định con đường tất yếu đi lên CNXH của cách mạng Việt Nam - con
đường hợp xu thế phát triển thời đại. </font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Kể từ mùa xuân năm 1975 đến nay, Đảng ta đã tiến
hành 8 kỳ Đại hội (IV- năm 1976, V- năm 1882, VI- năm 1986, VII- năm 1991, VIII-
năm 1996, IX- năm 2001, X- năm 2006, XI- năm 2011), và trong suốt chặng đường đó,
độc lập dân tộc và CNXH vẫn tiếp tục được thực hiện, bất chấp sự chống phá điên
cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN
ở Đông Âu. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị về một số định
hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay cũng khẳng định rõ: “Độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng dắn”. Kiên định và
linh hoạt, tự chỉnh đốn và đổi mới, nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam XHCN luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ,
đảng viên và toàn thể nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã nhấn
mạnh: “Con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Xét trên
tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản
là đúng đắn, đúng định hướng XHCN” (7). Và Đại hội Đảng lần thứ IX cũng tiếp tục
khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con
đường XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” (8)…</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Với sự ổn định về chính trị, và những thành tựu về
mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, v,v.. của đất nước, và vị thế ngày
càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, có thể khẳng định rằng: Sau hơn 35
năm cả nước cùng đi lên CNXH (1975-2010), và đặc biệt là sau 25 năm thực hiện
công cuộc đổi mới đất nước (1986-2010), mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH được
thực hiện theo <i>Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH</i>
(Đại hội Đảng lần thứ VII, 2/1991), là sự lựa chọn kiên quyết và đúng đắn, là sự
kiên định và sáng tạo của Đảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục
hành trình đó, độc lập dân tộc và CNXH được lựa chọn từ trong tác phẩm <em>Đường
Kách mệnh, </em>được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng từ mùa xuân năm 1930
đến <em>Cương lĩnh chính trị của Đảng</em> (bổ sung, phát triển năm 2011), thông
qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI (1/2011), vẫn sẽ là nguồn sức mạnh nội lực, là
ánh sáng soi đường, để đưa nhân dân ta đi trên một lộ trình đúng, phù hợp tâm
nguyện của toàn dân tộc, hướng đến tương lai ấm no, hạnh phúc, đất nước đến giàu
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững vàng hội nhập cùng bạn bè quốc tế.
</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Được lựa chọn và thực hiện, sự kiên định phấn đấu và
những thành tựu đạt được của Việt Nam trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam XHCN, đúng như nhận định của đồng chí Giôdê Cađanôva - Trưởng đoàn
đại biểu Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần
thứ IX: “Những thành tựu trong việc cụ thể hoá một con đường thích hợp quá độ
lên CNXH - không chỉ là tài sản vô giá của những người cộng sản Việt Nam, mà còn
là nguồn cảm hứng và tin tưởng đối với những người cộng sản và cách mạng trên
toàn thế giới”./. </font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: right" align="justify">
<font face="Arial" size="2"><b>TS. Văn Thị Thanh Mai<br>
__________________</b></font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Chú thích:</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">1, 2, 3, 4, 5 - <em>Hồ Chí Minh; Toàn tập</em>, Nhà
xuất bản CTQG, H, 1995, t.2, tr.259, 270, 270, 286</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">6 - <em>Hồ Chí Minh; Toàn tập</em>, Nhà xuất bản
CTQG, H, 1995, t.3, tr.1</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">7 - <em>Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII</em>, Nhà
xuất bản CTQG, H, 1996, tr.68</font></p>
<p style="line-height: 130%; text-align: justify" align="justify">
<font face="Arial" size="2">8 - <em>Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX</em>, Nhà
xuất bản CTQG, H, 2001, tr.83</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tạp chí Tuyên giáo</i></b></font></p>
</body>
</html>