<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nâng cao nhận thức về cuộc đấu t</title>
</head>
<body>
<span class="text" id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblTeaser" style="font-weight: bold">
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Nâng cao nhận thức
về cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><strong>TS. Trần Doãn Tiến</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân
dân cần nhận thức rõ bản chất, mục tiêu của các thế lực phản động - điều này có
ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là cách tốt nhất để nâng cao tính tự giác, tính
chủ động, phản ứng, đấu tranh kịp thời với các quan điểm sai trái phát tán trên
mạng internet.</font></span></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Một trong những phương thức hoạt
động “diễn biến hòa bình” (DBHB) được các thế lực thù địch tiến hành đối với
Việt Nam hiện nay là tận dụng công cụ thông tin hiện đại - mạng internet, tiến
hành chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trong đó, phương thức truyền bá
các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng internet nhằm chống phá
chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam được các thế lực thù địch triệt để sử
dụng. </font></p>
<p align="center"><img border="0" src="test4.jpg" width="481" height="380"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ sau khi Đảng ta chủ trương lấy
ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XI, đặc biệt là trước và
trong thời gian diễn ra Đại hội XI, các tổ chức phản động người Việt hải ngoại
và các phần tử cơ hội chính trị chống đối ở trong nước tăng cường truyền bá các
quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên các báo điện
tử, trang tin điện tử, blog hải ngoại.<br>
<br>
Có thể nói rằng chưa bao giờ các thế lực phản động lại ráo riết, điên cuồng
chống phá ta như thời điểm này. Thể hiện rõ nhất là chúng tung lên mạng với số
lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch. Tính chất phản động, mục tiêu chống
phá Đại hội XI thể hiện rõ ở một số nội dung trọng điểm như: xuyên tạc, phủ định
nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên
tạc, bài bác Cương lĩnh, đường lối Đại hội XI; bôi nhọ nhân sự cấp cao và chia
rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng,
với Đại hội XI....Do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, diện
tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ
thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng... nên những quan điểm sai trái
trên mạng internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Thực
tế cho thấy thời gian qua không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang
mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối
tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ
quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin, làm suy
giảm vai trò lãnh đạo của Đảng... Có thể nhận diện rõ tác động của các quan điểm
sai trái trên mạng đối với cộng đồng cư dân mạng trong khoảng thời gian trước,
trong và sau Đại hội XI.<br>
<br>
Trong thời gian từ nay đến khi chúng ta tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XIII, các thế lực phản động sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động
truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối Đại
hội XI, kích động làn sóng dân chủ, yêu sách đòi đa nguyên, đa đảng, hòng khuyến
khích khuynh hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. <br>
<br>
Mục tiêu của các thế lực phản động là nhằm tan rã niềm tin của nhân dân đối với
Cương lĩnh, đường lối Đại hội XI, chống phá sự lãnh đạo của Đảng ta về bầu cử
các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XIII sắp tới.<br>
<br>
Như đã đặt vấn đề ở trên, rõ ràng là tác động xấu từ các quan điểm sai trái trên
mạng đối với xã hội hiện nay và trong thời gian tới sẽ là không nhỏ. Vậy làm thế
nào đề nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng
internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân với
nền tảng tư tưởng, với Cương lĩnh, đường lối mà Đại hội XI của Đảng đã thông
qua? Thiết nghĩ, về cả trước mắt và lâu dài, để làm thất bại âm mưu “diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân, của
cộng đồng cư dân mạng trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng
internet. <br>
<br>
Do cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này tự nó đã bao hàm nhiều vấn đề hết sức mới
mẻ, vì vậy phạm vi bài viết này chỉ bước đầu đề cập một số nội dung cơ bản nhất
như sau:<br>
<br>
1. Nhận diện rõ bản chất cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng
internet Thuật ngữ “quan điểm sai trái’ chỉ là cách nói chung nhất, nhưng thực
chất nó bao hàm nhiều cấp độ: “lệch lạc”, “sai lầm”, “sai trái”, “thù địch”. Tuy
nhiên chúng ta có thể nhận thức, nhận diện nó chủ yếu dưới hai cấp độ cơ bản:
Quan điểm sai trái và quan điểm thù địch. Quan điểm sai trái trước hết là bản
thân nó đã chứa đựng những quan điểm sai lầm về thực tiễn và khoa học... Tính
chất của sai trái có thể do nguyên nhân hạn chế về trình độ nhận thức quy định,
do đó có nơi, có lúc, chủ thể của nó không hoàn toàn là những kẻ thù địch. Còn
quan điểm thù địch thì trước hết là bản thân nó đã chứa đựng những quan điểm sai
trái, đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp và chủ thể của nó thường là
những kẻ đối lập về lập trường tư tưởng và đối lập về lợi ích giai cấp, quốc gia,
dân tộc. Do tính chất phức tạp và quyết liệt của đấu tranh giai cấp hiện đại,
trên thực tiễn chính trị - xã hội Việt Nam, chúng ta thường sử dụng định ngữ kép
là “sai trái, thù địch” để chỉ các quan điểm đối lập với lập trường, lợi ích của
giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Trong trường hợp này,
thuật ngữ sai trái được sử dụng để nhấn mạnh tới phương diện phản khoa học, phi
thực tiễn của loại quan điểm trên. Còn khi dùng thuật ngữ thù địch là để nhấn
mạnh tới sự đối lập với lợi ích, lập trường giai cấp công nhân – dân tộc Việt
Nam.Từ cách tiếp cận đó, có thể quan niệm cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai
trái trên mạng internet là một phương thức đấu tranh tư tưởng, đấu tranh ý thức
hệ trong điều kiện mới- các thế lực thù địch lợi dụng mạng công nghệ thông tin
hiện đại mạng internet để truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá
chế độ XHCN ở nước ta. Chính vì vậy cần đặt hoạt động chống phá bằng phương thức
truyền bá các quan điểm sai trái trên mạng internet trong tổng thể các hoạt động
“DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch. Mạng internet được các
thế lực thù địch triệt để sử dụng - là phương tiện hữu hiệu, thuận tiện cho việc
truyền bá thông tin quan điểm sai trái. Đó cũng là một hình thức mới của cuộc
đấu tranh giai cấp trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại.Mục tiêu của các
thế lực thù địch là thông qua phương tiện hữu hiệu internet để truyền bá, phát
tán và reo rắc rộng rãi thông tin sai trái, thù địch, nhằm phá hoại Đảng Cộng
sản Việt Nam về tư tưởng chính trị; tác động phá hoại nội bộ, vào việc hoạch
định chủ trương, chính sách nhằm làm cho cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng
cộng sản, mơ hồ lập trường giai cấp. Đồng thời tạo khuynh hướng dân chủ tư sản
để phân hoá trong Đảng, phi chính trị hoá dần dần Nhà nước, quân đội, công an,
các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước “tự diễn biến”, “tự đổi màu”, “tự
chuyển hóa”, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… tự sụp đổ theo
phương thức “dùng cộng sản lật đổ cộng sản”.Đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân
dân cần nhận thức rõ bản chất, mục tiêu của các thế lực phản động - điều này có
ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là cách tốt nhất để nâng cao tính tự giác, tính
chủ động, phản ứng, đấu tranh kịp thời với các quan điểm sai trái phát tán trên
mạng internet.<br>
<br>
2. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này cần kết hợp giữa “xây” và “chống”,
trong đó lấy “xây” là chínhTrong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, với
tư cách là thông tin - thông tin quan điểm sai trái cũng là một dạng tài nguyên
thông tin trên mạng internet. Độc giả đọc báo mạng với tư cách là công dân mạng
trong một chính phủ điện tử hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin ấy. Cấm đoán công
dân khai thác thông tin là một phạm trù thật khó có thể thực hiện trong một xã
hội thông tin hiện đại. Vấn đề tất yếu là chúng ta phải có những giải pháp tối
ưu giảm thiểu sự truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái và tác động của nó đối
với nhận thức của những chủ thể với tư cách đối tượng tiếp cận thông tin.Tất
nhiên có nhiều giải pháp, nhưng tính khả thi của nó hiệu quả đến đâu thì điều đó
thật không đơn giản. Với tính đặc thù của phương thức đấu tranh tư tưởng nói
chung và đấu tranh tư tưởng trên mạng internet nói riêng, vũ khí tối ưu nhất vẫn
là tạo sức đề kháng cho mỗi cư dân mạng có thể chống đỡ tác động từ thông tin,
quan điểm sai trái, thù địch.Vũ khí tối ưu đó chính là cung cấp kịp thời, đầy đủ
những thông tin chính thống trên mạng. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì
nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế
đi rất nhiều, ngoại trừ những cá nhân do tò mò hay các lý do khác.<br>
<br>
Đồng thời với “xây” phải tăng cường “chống”, thường xuyên đấu tranh, bác bỏ quan
điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù
địch; nêu cao ý thức chủ động tiến công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các
thế lực thù địch. Trong “chống”, chúng ta phải chống triệt để, không thể thỏa
hiệp, hữu khuynh với những quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch liên quan đến
những vấn đề cốt tử của chế độ ta đã được Đảng quy định trong Nghị quyết Trung
ương 6 (lần 2) (khóa VIII) - đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn “chống” có hiệu
quả, giành thế chủ động trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên mạng internet, phải
đảm bảo tính kịp thời, nhanh nhạy, phải đổi mới phương thức, phương tiện phê
phán, đấu tranh.Để thực hiện phương châm “xây” tốt và “chống” tốt thì phải đảm
bảo sự ổn định chế độ chính trị. Và ngược lại, chính sự ổn định chế độ chính trị
mới đảm bảo cho việc thực hiện tốt phương châm này. Đó là tiền đề, là điều kiện
cơ bản cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống nhân dân, tạo cơ sở,
niềm tin trên thực tiễn của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với CNXH, với con
đường cách mạng Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.<br>
<br>
Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng nêu rõ: phải tăng cường xây dựng Đảng về
chính trị, tư tưởng; nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng.
Đảng phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu
dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết
đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động "DBHB" của các thế lực thù địch; phê
phán, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến”.<br>
<br>
3. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống quan
điểm sai trái trên mạng internet<br>
<br>
Như đã phân tích ở trên, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng
internet với đối thủ nhiều khi không lộ diện, do vậy cuộc đấu tranh này rất khó
khăn và phức tạp. Chính vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành,
đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực
lượng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động “DBHB”,
chống quan điểm sai trái.<br>
<br>
Nếu chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách (vốn đã mỏng) thì không thể giành thắng
lợi trong cuộc đấu tranh này. Do đó phải huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia
cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý
thức tự giác, thành hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm
sai trái.Để thắng địch trong cuộc đấu tranh phức tạp này, đòi hỏi chúng ta phải
tổ chức lực lượng một cách khoa học và hợp ly.: Đó là nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong hệ thống các cơ quan thông tin đại
chúng, nhất là các tòa soạn báo, trang tin điện tử. Đảm bảo để đội ngũ những
người làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, vừa có đạo đức
trong sáng, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu bảo
vệ lý tưởng XHCN. Xây dựng hệ thống tổ chức đấu tranh chống quan điểm sai trái
trên mạng internet từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, bao gồm đội ngũ cán bộ
làm công tác Tuyên giáo, am hiểu về thực tiễn. Đặc biệt cần xây dựng tổ chức
chuyên trách với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia, các nhà lý luận về tư
tưởng chính trị chuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về tư tưởng
chính trị trên mạng internet, bao gồm những chuyên gia giỏi về lý luận, những
cây bút sắc bén, am hiểu và ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Tổ chức lực lượng
trong các cơ quan chính quyền, cơ quan quân đội, công an các cấp và trong các tổ
chức chính trị, xã hội… thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan
điểm sai trái trên mạng internet. Tổ chức các lực lượng kịp thời ngăn chặn không
để các quan điểm sai trái phát tán trên mạng internet có điều kiện tác động vào
các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội,
lệch lạc về chính trị ngay từ cơ sở. Chú trọng việc tổ chức để các đoàn thể quần
chúng như đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp...
tham gia đấu tranh trên mạng internet đối với các quan điểm và hành động sai
trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch. Phối hợp có hiệu
quả giữa các lực lượng, binh chủng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh tư tưởng chính
trị, đặc biệt là về tư tưởng chính trị trên mạng internet. Có biện pháp xử lý
nhanh các tình huống, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn phá hoại tư
tưởng chính trị, văn hóa của các lực lượng thù địch và cơ hội chính trị. Đi liền
với công tác đấu tranh chống địch phá hoại về tư tưởng chính trị, cần tăng cường
công tác quản lý nội bộ, không để địch lợi dụng, cài cắm lực lượng trong các cơ
quan thông tin đại chúng.<br>
<br>
4. Thường xuyên đổi mới phương thức, phương tiện đấu tranhĐể đối phó với các
phương tiện hiện đại - thông qua mạng internet, cần đổi mới phương thức, xây
dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức mạnh, đủ khả năng tham gia vào hoạt
động giao lưu thông tin quốc tế trong xu thế “thế giới phẳng”. Hệ thống đó vừa
phải đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin chính thống của nhân dân nói chung, của
cư dân mạng nói riêng, vừa phải đủ sức bảo vệ lợi ích kinh tế, định hướng chính
trị, những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời đủ sức chiến đấu, phê phán
phản bác các thông tin sai trái, độc hại trên mạng internet, góp phần giữ vững
trận địa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ XHCN.<br>
<br>
Để đẩy lùi, giảm thiểu tối đa tác động từ các thông tin sai trái, thù địch,
chúng ta cũng rất cần đổi mới, mở rộng các phương tiện đấu tranh. Có thể thành
lập một website với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý
kiến, quan điểm khác biệt. Đây là diễn đàn mở, chúng ta có điều kiện trực tuyến
trao đổi, tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt,
hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn
để một mặt chúng ta tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng
mặt khác, nhân dân có thể tham gia trao đổi - tranh luận hoặc phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch. Mở các website của các cơ quan đại diện của ta ở ngoài
nước. Đây là cơ hội để một mặt ta tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối
chính sách của Đảng, một mặt tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với
các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với
hệ thống báo điện tử, website, blog trong nước phát trên internet. Sớm khắc phục
tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị,
tạo “mảnh đất” để địch dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ ta
như đã xảy ra đối với một số báo điện tử, website. Các báo điện tử, trang tin
điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện riêng cho điện thoại di động, tạo
điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập
internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm
thông tin chính thống. Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí thích đáng cho các cơ
quan chức năng thực hiện các dự án sản xuất các phần mềm, đầu tư cơ sở vật chất
kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn các website, báo điện tử , blog, thư điện tử độc
hại trên mạng internet và trên mạng điện thoại di động./.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tạp chí Tuyên giáo</i></b></font></p>
</body>
</html>