<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài 2</title>
</head>
<body>
<font face="arial"><em>
<p align="center"></em></font><font face="Arial" color="#0000FF" size="2">
<strong>Bài 2: Cương lĩnh – Sự khẳng định nhất quán của Đảng</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Cương lĩnh đầu tiên của
Đảng năm 1930 đã đề ra mục tiêu giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam hoàn
toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và giải phóng dân tộc là thống nhất, nhất quán trong Cương
lĩnh và mục tiêu đấu tranh của Đảng.</strong> </font></p>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2"><strong>Sự nhất quán trong Cương lĩnh</strong></font></div>
</li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ khi ra đời và lãnh đạo cách
mạng đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, thật sự là Đảng cách
mạng vì nước vì dân. Ngoài lợi ích của giai cấp, nhân dân và dân tộc, Đảng không
có lợi ích nào khác. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã xác định đó là “Đảng dân tộc Việt Nam”(1). Tuyên bố trước Quốc hội ngày
31-10-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội,
trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”(2). Trong
Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội II của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh
khẳng định: “Quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân
tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và
nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(3). Năm 1961,
khi miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và cách mạng miền Nam phát triển
mạnh mẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc lại: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng
thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”(4).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiến trình cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã không ngừng củng cố mối quan hệ
mật thiết giữa Đảng với nhân dân và dân tộc, trở thành một nguyên tắc tổ chức và
hoạt động của Đảng. Trong thực tiễn cách mạng, nhân dân và dân tộc Việt Nam tin
tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của
chính mình. Vì vậy, Đại hội X của Đảng, trong văn kiện và Điều lệ Đảng đã khẳng
định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời
là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung
thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung,
phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua đã•khẳng định lại quan
điểm đó. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức
cơ bản.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo
cách mạng, lãnh đạo giai cấp, nhân dân và dân tộc trước hết bằng Cương lĩnh,
đường lối, đồng thời bằng năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa, đưa Cương
lĩnh, đường lối vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, vào cuộc sống. Cương lĩnh đầu
tiên của Đảng (2-1930), Luận cương chính trị (10-1930), Chính cương Đảng Lao
động Việt Nam (2-1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (6-1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các đại hội Đảng còn đề ra đường
lối trên những lĩnh vực trọng yếu để cụ thể hóa Cương lĩnh. Đảng cũng đề ra
nhiều chủ trương, quyết sách lớn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm,
kế hoạch 5 năm và hàng năm... Dựa trên Cương lĩnh, đường lối và quan điểm chỉ
đạo của Đảng mà Nhà nước cụ thể hóa thành chính sách, thể chế hóa bằng hệ thống
pháp luật và tổ chức thực hiện; toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương tới cấp
cơ sở coi trọng tổ chức thực hiện, đưa Cương lĩnh, đường lối vào cuộc sống.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cần nhấn mạnh rằng, Cương lĩnh,
đường lối của Đảng là phản ánh lợi ích của giai cấp, nhân dân và dân tộc, kết
tinh ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Đảng coi trọng việc tuyên truyền, vận động,
tổ chức và hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh,
đường lối, chính sách và không ngừng bổ sung, phát triển; nội dung nào không phù
hợp nhân dân có thể đề nghị sửa chữa, bổ sung.</font></p>
<div align="center">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="center" border="0" id="table10">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="images373376_L2a.jpg" width="399" border="0" name="imagePhoto">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font size="2" face="Arial" color="#808080">
Xuất khẩu gạo, một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2"><strong>Nhận thức đúng mới hành động đúng</strong></font></div>
</li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện nay toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân trong cả nước đang triển khai thực hiện Cương lĩnh, chiến lược, mục
tiêu mà Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam (1-2011) đã đề ra.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các tổ chức Đảng, chính quyền,
Mặt trận, đoàn thể nhân dân, các cơ quan tuyên giáo, dân vận, các phương tiện
thông tin đại chúng ra sức tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức
đúng đắn nội dung đường lối, quan điểm của Đảng để ra sức thực hiện một cách tự
giác. Phải nhận thức đúng mới hành động đúng và có được sự đồng thuận trong xã
hội. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề cập toàn diện, có hệ thống
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cương lĩnh đã nêu ra mục tiêu và
8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:
Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền
kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất
tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có
cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân
tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng
phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân
dân các nước trên thế giới. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cương lĩnh nêu rõ: Mục tiêu tổng
quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng
kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng,
văn hóa phù hợp, tạo cơ sở cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày
càng phồn vinh. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức
phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định
hướng xã hội chủ nghĩa.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để hoàn thành những mục tiêu nêu
trên, Cương lĩnh đề ra 8 phương hướng cơ bản: Một, đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Hai, phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba, xây dựng nền văn hóa tiên
tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bốn, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc
gia. Năm, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và
phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sáu, xây dựng nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận
dân tộc thống nhất. Bảy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tám, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chiến lược phát triển kinh tế -
xã hội 2011-2020 đã nêu rõ những quan điểm phát triển: Phát triển nhanh gắn liền
với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến
lược. Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước
Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể,
nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển mạnh mẽ lực lượng
sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện
quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải
xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc
tế ngày càng sâu rộng. Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm
2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính
trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn
vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục
được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2010 Việt Nam đã ra khỏi tình
trạng một nước kém phát triển, đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình
(1.168 USD/người). Phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 2.100 USD/người với tăng
trưởng bình quân GDP (2011-2015): 7,5-8%/năm. Đến năm 2020 đạt 3.000-3.200 USD/người
và mức tăng trưởng GDP bình quân 10 năm (2011-2020) là 7-8%/năm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2011 nền kinh tế đang đứng
trước nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo: ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với 6 nhóm giải pháp. Chính phủ có chính
sách và giải pháp đúng đắn, nhân dân đồng thuận ủng hộ, phát huy tinh thần yêu
nước và với khí thế, động lực mới ra sức đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm
trong chi phí sản xuất và tiêu dùng, kiên quyết chống lãng phí, tham nhũng, làm
việc có hiệu quả, nhất định sẽ đưa đất nước vượt qua khó khăn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hơn lúc nào hết, việc của Đảng,
Nhà nước, Chính phủ cũng chính là việc của nhân dân, vì nhân dân. Cuộc sống của
nhân dân cũng là nỗi lo toan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.</font></p>
<font face="Arial" size="2">
<p align="right"><em>PGS.TS</em> <strong>NGUYỄN TRỌNG PHÚC<br>
</strong><em>Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng</em></p>
<p align="right"><b><em>Theo SGGPO</em></b></p>
</font>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">(1) (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.161, 427.<br>
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.175.<br>
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.467.</font></p>
</body>
</html>