<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><strong><font size="2" face="Arial" color="#0000FF">Bài 3:
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN</font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Văn kiện của hai kỳ Đại hội
Đảng toàn quốc gần đây nhất (Đại hội X và XI) đều dành hẳn một phần để bàn về
“Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đảng ta cũng đã có một
nghị quyết chuyên đề “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng XHCN” (Nghị quyết số 21-NQ/TW, tháng 5-2008). Đại hội XI còn xác định khâu
đột phá hàng đầu là “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN,
trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” và
nhiệm vụ chủ yếu của 5 năm tới (2011-2015) cũng là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế
kinh tế thị trường định hướng XHCN”... Rõ ràng, đây là một trọng điểm về lý luận
và thực tiễn rất cần được quan tâm khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XI.</em></font></p>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2"><strong>Những vấn đề đang đặt ra từ thực
tiễn</strong></font></div>
</li>
</ul>
<font face="Arial">
<div align="center">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="center" border="0" id="table1">
<tr>
<td><font size="2">
<img src="images373476_L2b.jpg" width="399" border="0" name="imagePhoto">
</font></td>
</tr>
</font><font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">Sản
xuất thịt hộp phục vụ chương trình bình ổn giá tại Công ty Vissan</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
</font><font face="Arial" size="2">
<p align="justify">Nhận thức về kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN và thể
chế cho nó hiện nay còn khá nhiều bất cập. Có khá nhiều ý kiến khác nhau - chủ
yếu là về mối quan hệ giữa KTTT và CNXH. Có người cho rằng, CNXH và KTTT không
thể dung hợp với nhau và không thể có KTTT định hướng XHCN. Quan niệm này đã lặp
lại sai lầm trước đây là không thừa nhận những mặt tích cực của KTTT trong phát
triển sức sản xuất cho CNXH. Nó cũng chưa thoát ra được khỏi tư duy cũ, đồng
nhất KTTT với CNTB, từ đó kỳ thị với KTTT. Họ chưa thấy hết những xu hướng mới
của KTTT; rằng nhiều nước hiện nay đã từng bước kiềm chế được những khuyết tật
của KTTT thuần túy bằng mô hình thị trường xã hội, mà điển hình là sử dụng hệ
thống thể chế để điều chỉnh thị trường cho những mục tiêu công bằng xã hội.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lại có quan niệm rằng, trong KTTT
không thể thực hiện được công bằng xã hội, không thể khắc phục được những tiêu
cực, mặt trái của cơ chế thị trường; rằng, việc lựa chọn KTTT định hướng XHCN có
khi lại là trở về với CNTB... Ý kiến này có giá trị cảnh báo trong việc giữ vững
định hướng XHCN vì quả thật, KTTT có khá nhiều yếu tố tiêu cực và khó kiểm soát
nếu thiếu thể chế khoa học và linh hoạt. Song thực tế còn cho thấy nhiều nước
hiện nay đã từng bước xác lập được công bằng xã hội, tránh được phân hóa tiêu
cực nhờ có được thể chế phù hợp với mục tiêu chính trị và đặc thù nền KTTT của
mình. Kinh nghiệm đó xác định vai trò rất quan trọng của thể chế. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự lẫn lộn giữa thể chế và thiết
chế hiện nay vẫn còn xuất hiện ở đôi lúc, đôi nơi. Trong nhận thức chung, thể
chế được hiểu là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người
phải tuân theo”. Thể chế kinh tế là hệ thống quy định pháp luật để quản lý, điều
tiết, hỗ trợ hoặc kiềm chế các hoạt động và các chủ thể tham gia hoạt động kinh
tế. Thể chế kinh tế phân biệt với thiết chế kinh tế, ở chỗ, thiết chế là những
chủ thể, lĩnh vực, yếu tố… tham gia vào hệ thống kinh tế; ví dụ: các thành phần
kinh tế, các loại thị trường, các pháp nhân... Trong một hệ thống sống động,
thiết chế đại diện cho các nhân tố thực thể, vật thể, còn thể chế đại diện cho
các nhân tố quy ước, luật lệ... Thể chế có vai trò như phần mềm - hệ điều hành
trong máy tính điện tử, nó giúp cho phần cứng, tức là thiết chế, làm trọn chức
năng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhận thức về vai trò của thể chế
với nền KTTT định hướng XHCN của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Trước
đây và hiện nay vẫn còn rơi rớt lối tư duy rằng, thiết chế quan trọng hơn thể
chế; miễn là có tổ chức, tự khắc nó sẽ hoạt động tốt, còn những quy định về hoạt
động và mối quan hệ của các tổ chức ấy thì chưa được chú ý. Đó chính là căn bệnh
coi nhẹ thể chế, pháp luật. Trên thực tế, kinh nghiệm cho biết, đôi khi do thiếu
thể chế hóa mà nhiều chủ trương không được hiện thực hóa, còn các phân hệ của hệ
thống thì vừa chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của nhau lại vừa bỏ
trống, buông lỏng chức trách lẽ ra là của mình. Ví dụ, sự hình thành các loại
thị trường hàng hóa và dịch vụ; sức lao động; khoa học và công nghệ; bất động
sản và thị trường tài chính... mới chỉ là phần cứng của KTTT, còn các quy định
pháp luật cho chúng là phần mềm - tức thể chế. Thể chế chưa phù hợp hoặc thiếu
sót sẽ làm cho các thị trường thường xuyên nảy sinh các hành vi lách luật, trục
lợi và gây nên những xáo trộn, các “cơn sốt” hoặc “đóng băng”... Theo đó, nền
kinh tế quốc gia đã phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực vì thể chế chưa phù hợp
hoặc bất cập với nhu cầu hoạt động của các thiết chế. <br>
<br>
Khá nhiều hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực thể chế của KTTT định hướng XHCN
thời gian qua. Văn kiện Đại hội XI cũng nhận định rằng: “Năng lực xây dựng thể
chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu”; “Thể chế kinh tế
thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản
trở sự phát triển”; và nhất là: “Những yếu tố bảo đảm định hướng XHCN của nền
KTTT chưa được chú ý đúng mức”... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Quá trình hoàn thiện thể chế KTTT
định hướng XHCN thời gian qua chưa đồng bộ. Thể chế cho một nền KTTT là một tổ
hợp bao gồm 3 hệ thống cấu thành là: Các quy tắc pháp luật quy định hoạt động
kinh tế; Các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; Cơ chế, tổ chức thực thi hoạt
động kinh tế. Ở nước ta hiện nay, cả 3 hệ thống đó đều ở trạng thái đang xây
dựng và chưa hoàn thiện. Trong đó, nổi cộm là hiện trạng chưa hoàn thiện của cơ
chế tổ chức thực thi hoạt động kinh tế, mà thể chế cho nó chính là yếu tố quy
định. </font></p>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2"><strong>Hoàn thiện thể chế như thế nào?</strong></font></div>
</li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mục tiêu của việc hoàn thiện thể
chế KTTT định hướng XHCN là “để cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ,
linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh
và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp
pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Văn kiện Đại hội XI của Đảng nêu
4 nội dung và biện pháp lớn để hoàn thiện thể chế là:<br>
<br>
<em>Thứ nhất</em>, giữ vững định hướng XHCN của nền KTTT nước ta. Có hai nhân tố
tham gia định tính cho thể chế này là cơ chế thị trường và định hướng cho nó.
Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của
KTTT, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, bảo đảm
định hướng XHCN của nền kinh tế là nội dung cần quán triệt khi hoàn thiện thể
chế.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Thứ hai</em>, phát triển các
hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp thông qua
các biện pháp: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các
hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Đổi mới,
hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên,
vốn và các loại tài sản công khác. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu
quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt
động của các đơn vị dịch vụ công phù hợp với KTTT định hướng XHCN. Đẩy mạnh phát
triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một
trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển các loại hình
doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp như: công ty cổ phần, công ty trách
nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp danh, hợp tác xã cổ phần. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Thứ ba</em>, phát triển đồng
bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. <br>
<br>
Các yếu tố thị trường cần được sự hỗ trợ của thể chế nhằm tạo ra môi trường cạnh
tranh bình đẳng - cũng là một trọng điểm của hoàn thiện thể chế hiện nay, gồm:
Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh; đổi mới, hoàn thiện
thể chế về giá, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền và giải quyết tranh chấp; thực
hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Xây dựng và
thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nâng cao
trình độ hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường, pháp luật; xây dựng các tổ
chức tư vấn có trình độ cao; hình thành đồng bộ một số quỹ hỗ trợ cho kinh doanh.
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng
của cả người kinh doanh và người tiêu dùng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phát triển đa dạng, đồng bộ, ngày
càng văn minh, hiện đại các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục hoàn
thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn
thiện hệ thống pháp luật, chính sách đất đai. Phát triển mạnh thị trường khoa
học và công nghệ gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Và, đẩy mạnh phát
triển thị trường lao động. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Thứ tư</em>, nâng cao vai trò
lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền KTTT định
hướng XHCN.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hướng và biện pháp cơ bản là: Xác
định rõ và đầy đủ hơn đường lối, nhất là những nội dung định hướng XHCN của nền
KTTT. Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của
các tổ chức đảng; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một nội dung trọng điểm của hoàn
thiện thể chế là cải cách hành chính. Nội dung này đặt trọng tâm vào đổi mới,
nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước nhằm tạo ra những tiền
đề để nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN. Tập trung duy trì ổn định
kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển
nhanh, bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế; đổi
mới công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội. Phân định rõ hơn chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước và chức
năng của các tổ chức kinh doanh vốn và tài sản Nhà nước. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nâng cao vai trò của các cơ quan
dân cử, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của nhân
dân trong phát triển KTTT định hướng XHCN.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2">PGS-TS <strong>NGUYỄN AN NINH</strong></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>