<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><strong>"Biển đảo luôn là một phần máu thịt rất thiêng liêng"</strong></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát<br />
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời<br />
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất<br />
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi</span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em><strong><br />
(Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)</strong></em></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="336" height="375" alt="" src="Them%20yeu%20bien%20dao%20que%20huong.jpg" /></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những ngày tháng này, khi cả thế giới đang vang lên bức thông điệp chung về ước nguyện hòa bình, độc lập, thì những câu thơ trên mang đến cho người đọc nhiều rung cảm, khẳng định hùng hồn về chủ quyền lãnh thổ và lòng yêu nước của nhân dân ta. Đó là khúc tráng ca nói lên tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền thềm lục địa và vùng biển của Tổ quốc. Tinh thần đó của dân tộc ta đã có từ ngàn đời, qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử.<br />
<br />
Hòa vào dòng chảy đó, những hoạt động hướng về biển đảo quê hương ngày càng thêm sục sôi, và những trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ cả nước như được chắp thêm cánh và vững tin hơn khi hướng về cuộc thi “Biển đảo quê hương”. Có thể khẳng định rằng, chưa có một cuộc thi hay hoạt động nào mà những người dân Việt lại có cơ hội tìm hiểu một cách sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa về biển đảo thân yêu như cuộc thi này.<br />
<br />
Trải qua bốn tuần thi với các chủ đề “Thiêng liêng biển đảo quê hương”, “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, “Mạnh về biển, giàu lên từ biển” và “Vì biển đảo thân yêu”, các thí sinh ở khắp mọi vùng miền của Tổ quốc được dịp tìm hiểu, được dịp trải nghiệm kiến thức của mình về biển đảo quê hương. Vượt lên ý nghĩa tri thức đơn thuần, đó chính là tình yêu, niềm tin và sự khẳng định vững chắc về sự trường tồn thiêng liêng của biển đảo Việt Nam thân yêu. Niềm tin ấy và sự khẳng định ấy được xây đắp bằng một bầu nhiệt huyết dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tuổi trẻ, bằng nền tảng kiến thức vững chắc, chính thống, và cao hơn hết là bằng những căn cứ, giá trị pháp lý và thực tế xác lập chủ quyền “không ai có thể chối cãi được” (Tuyên Ngôn độc lập - Hồ Chí Minh). Đó chính là niềm tin về sự trường tồn của những gia tài quý giá mà cha ông ta từ ngàn năm trước đã xuống biển để khai phá, và đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay. "Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. <br />
Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình" – lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội như một lời tuyên bố hùng hồn về việc xác lập, thực thi chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam; đồng thời là sự nhắc nhở về thái độ cương quyết nhưng bình tĩnh của chúng ta. Và cao hơn hết, đó là một “bức tâm thư” gửi tới lòng dân cả nước về ý thức và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của quê hương.<br />
<br />
Đôi lúc trong cuộc sống, tôi nghĩ rằng có những điều ta đã biết và không cần biết nữa, và có những điều ta muốn biết nhưng không có cơ hội. Nhưng chính cuộc thi này đã mang lại cho tôi những suy nghĩ hoàn toàn khác bởi chính những kiến thức thật bổ ích về biển đảo thân yêu. Với những kiến thức mà cuộc thi mang lại, sự cảm nhận và suy nghĩ trong tôi đã thực tế hơn, chắc chắn hơn, tự tin hơn… Đó chính là lẽ sống, là niềm tin vững chắc giúp tôi có đủ bản lĩnh khi đứng trên bục giảng, khi tranh luận với đồng nghiệp, học trò, bè bạn… về chủ quyền thiêng liêng đó.<br />
<br />
Tôi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”, được học tập, rồi tham gia giảng dạy tại mái trường Đại học An ninh nhân dân. Ba mươi tuổi, được học hành, giáo dục đến nơi đến chốn, đôi lúc bản thân cảm thấy một chút tự hào về những gì mình đạt được, nhưng trong cuộc sống, không ít lần tôi phải đối diện với những thất bại, khó khăn; và thú thật, đôi lúc tôi đã nản chí. Rồi hôm nay, khi có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu để tham gia cuộc thi này, qua những câu chuyện bi tráng, qua những lời ca, tiếng hát… về biển đảo, và qua những thông tin chính xác, khoa học, phù hợp với lịch sử và luật pháp quốc tế khẳng định tính pháp lý của chủ quyền biển đảo Việt Nam, tôi nhận ra rằng, mỗi nghịch cảnh luôn chứa đựng những món quà vô giá... Hôm nay và ngày mai, được sống trong hòa bình, ta lại càng thấm thía, chia sẻ những nỗi đau, mất mát của hàng vạn, hàng triệu con người đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ yêu thương. Chính điều đó đã giúp tôi cũng cố thêm tình yêu Tổ quốc và sự tự hào là người con đất Việt. Và cũng chính từ đó, tôi nhận thức một cách sâu sắc rằng, tình yêu Tổ quốc luôn đồng nghĩa với trách nhiệm công dân của mỗi một con người trước số phận của dân tộc, của đất nước mình. Xã hội, đất nước đang cần lắm những “người gieo hạt” có trí, có tâm và có đức. Phải làm sao để những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục ngày càng ít đi, làm sao để hình ảnh người thầy luôn tỏa sáng, truyền cho học sinh những ước mơ, khát vọng và động lực trở thành những con người chân chính, có ích cho xã hội.<br />
<br />
Lan tỏa từ cuộc thi này, bắt đầu từ hôm nay, trong những bài giảng trên lớp của mình, tôi lại có thêm những câu chuyện về biển đảo thân yêu, về Trường Sa, Hoàng Sa…, về những người lính đang đứng trên “đầu sóng, ngọn gió” để “canh giữ đất trời” cho bình yên Tổ quốc. Và tôi tin, điều đó sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành những thế hệ sỹ quan an ninh có tinh thần yêu nước, am hiểu lịch sử dân tộc, giỏi về pháp luật, có trình độ nghiệp vụ tinh thông đồng thời là những cán bộ tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần bảo vệ An ninh quốc gia và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tôi tự dặn với lòng mình, chuẩn bị và tham gia tốt cuộc thi “Biển đảo quê hương” là cơ hội quý báu để tri ân những hy sinh lặng lẽ của những người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và cũng là sự thể hiện thiết thực ước nguyện “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bất tử.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
* * *<br />
Đêm trăm ngàn móng vuốt<br />
Gió cào mặt sóng phủ đầu<br />
Không tắt ngôi sao trong mắt<br />
Đảo vẫn đứng bên nhau<em><strong><br />
(Tình ca sau đêm bão - Thơ: Trúc Chi, Nhạc: Quỳnh Hợp)<br />
</strong></em></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Một bức tranh biển đêm trong mùa giông bão và nơi đó những người lính đảo vẫn bình thản, điềm nhiên giữa bão giông, sóng gió ở khơi xa. Bởi lẽ, ở họ luôn hiện hữu một niềm tin: “Tổ quốc nhìn từ biển”, và biển đảo luôn là một phần máu thịt rất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu!</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em><strong><br />
Lê Hoàng Việt Lâm (Trường ĐH An ninh nhân dân)<br />
<br />
Bài viết đạt giải nhì chung cuộc hội thi trực tuyến Biển đảo quê hương</strong></em><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>