<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Hãy để biển là tấm khiên vững chắc</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dân tộc ta từng tự hào với sự thông thạo thủy chiến vào bậc nhất Đông Nam Á, từng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược bằng đường biển như Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Nguyên Mông, Nguyễn Huệ vẻ vang với trận Rạch Gầm - Xoài Mút đánh đuổi quân Xiêm… Trong thế kỷ 20, có một con đường trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam với hàng trăm lượt tàu ra khơi, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc men và hàng chục ngàn lượt người từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam; trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển - con đường đã góp thêm hơn nữa niềm tự hào của dân tộc, thế hệ hôm nay đã và đang phát huy truyền thống ấy. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><img width="448" height="336" src="Gian%20khoan%20DK1.jpg" alt="" /></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nguồn ảnh: Internet</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tôi nhận thấy rằng, việc làm tiên phong và thiết yếu nhất chính là phải làm sao làm tốt được việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi người về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong tình hình diễn biến trên biển khá phức tạp như hiện nay. Có được kiến thức vững chãi về biển, về đảo, về những thành quả mà đường Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên, mọi người sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cha ông - những thế hệ đã hi sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc - đổi lấy hòa bình cho các thế hệ mai sau.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Có hiểu rõ, hiểu đúng sẽ tạo ra sự đồng thuận mạnh mẽ trong toàn dân. Từ đó, mọi người sẽ cùng chung tay góp sức xây dựng một khối đoàn kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biển đảo thân yêu của tổ quốc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Có sự tin tưởng, những ngư dân sẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để bám vững, trụ vững với ngư trường trên biển Đông, vượt qua những thiên tai của mùa mưa bão, của sự đe dọa của tàu cá nước ngoài… để bám biển để cùng phát triển kinh tế và làm giàu lên từ biển. Biển sẽ là nhà, tạo thành một “tấm khiên” vững chắc bảo vệ trước mọi âm mưu, toan tính trên biển Đông.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thế nhưng hiện nay, những kiến thức cơ bản về lãnh thổ trên biển được trang bị ở chương trình bậc phổ thông thực tế là chưa được đầy đủ, để hiểu rõ về biển đảo Việt Nam cũng như vấn đề có liên quan đến luật pháp, chế độ pháp lý của các vùng biển… thì sách giáo khoa chưa có điều kiện đề cập nhiều. Sách tham khảo cũng có rất ít đầu sách nói về những vấn đề này. Nơi giới trẻ thường tìm đến mỗi khi muốn tìm kiếm, tìm hiểu…đó là Internet. Tuy nhiên, trong hàng ngàn “kết quả tìm kiếm” ấy, nhiều thông tin có thể gây rối rắm, kiến thức thì dàn trải, mênh mông và có khi trong số ấy là những thông tin “độc hại” sẽ gây tác dụng ngược!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong những hoạt động của đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển vừa qua, tôi đặc biệt quan tâm đến triển lãm ảnh và kỷ vật lưu động. Triển lãm đã cung cấp những tư liệu, hình ảnh hiện vật về hải quân nhân dân, truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đến nhân dân cả nước. Đây là phương pháp tiếp cận trực quan nhất để mọi người có thể tìm hiểu và tự hào. Tiếc thay, điều này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và chỉ có ở một số địa phương từng là nơi tiếp nhận vũ khí từ những con tàu không số. Nhiều người muốn “được thấy, được biết” thì lại chẳng có điều kiện. Vậy nên, tôi đề xuất là cần phải có một website “chuyên trách” để cung cấp thông tin về đường Hồ Chí Minh trên biển, về lịch sử ra đời, về hình ảnh tư liệu và các bài viết có liên quan… </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi cũng từng có ý tưởng là xây dựng một triển lãm trực tuyến trên Internet. Website này sẽ là một gallery thu nhỏ với đầy đủ các hình ảnh tư liệu ấy. Những ai quan tâm và muốn tìm hiểu thì chỉ việc ngồi click chuột ở bất cứ ở đâu và bất cứ nơi nào, miễn là có Internet. Trang web sẽ là cầu nối, nguồn thông tin chính thống cho mọi người con của đất Việt ở khắp mọi miền đất nước đến tham quan, thưởng lãm hay nói xa hơn là cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu. Nhờ đó mà mọi người ở các địa phương khác nhau trên mọi miền tổ quốc đều có điều kiện để tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Vì vậy, nhân bài viết hôm nay, tôi cũng muốn Hội thi gửi đến những người có tâm huyết để cùng phát triển ý tưởng trên, vì bởi, tôi đã xây dựng một website “trống” và cần hỗ trợ nguồn thông tin chính thống, đặc biệt là hình ảnh có chất lượng. Hy vọng tôi sẽ nhận được sự đồng thuận ủng hộ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngoài ra, để ra sức quảng bá hình ảnh đến được với nhiều người, tôi nghĩ, chúng ta nên lập kế hoạch kết hợp mở tour du lịch đặc biệt với các điểm đến là bến bãi đã từng là điểm dừng chân của đoàn tàu không số. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đây là dịp để du khách hiểu sâu sắc hơn về truyền thống, chiến công của những người anh hùng thầm lặng trên con đường huyền thoại mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, thưởng lãm và tìm hiểu lịch sử đang được nhiều du khách trong nước tìm đến, đây cũng là dịp giới thiệu lịch sử của chúng ta đến những du khách nước ngoài. Các tour này không chỉ giúp cho nhiều người yêu thích lịch sử thỏa mãn trí tò mò mà còn giúp cho những phụ huynh muốn giáo dục cho con em mình với những bài học thực tế vô cùng sống động.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi cũng thấy rằng, chúng ta cần phải đa dạng hóa các loại hình thức hoạt động tuyên truyền, ví như xây dựng các buổi nói chuyện thời sự, trao đổi tọa đàm, hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề, kể chuyện chiến đấu, đi biển... gắn liền với việc sử dụng các phương tiện trực quan như: tranh ảnh, hiện vật, video clip hoặc các nhân chứng sống... Điều này sẽ tác động trực tiếp, có sức ảnh hưởng sâu sắc, tạo cho giới trẻ có điều kiện trao đổi tọa đàm, tự do tranh luận; khắc phục lối tuyên truyền áp đặt, buồn tẻ, một chiều. Với những cách làm sáng tạo ấy sẽ giúp giới trẻ nâng cao nhận thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo. Điều này cũng có tác dụng là kích thích và phát triển lòng yêu nước của tuổi trẻ, tăng cường tự tôn và niềm tự hào dân tộc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chúng ta sẽ tạo những hoạt động thiết thực, rộng khắp tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng. Những việc làm ấy sẽ xóa đi khoảng cách giữa đảo và đất liền, giúp những người lính nơi biên cương - hải đảo yên tâm và vững tin canh giữ biển trời của Tổ quốc. “Góp đá xây Trường Sa” do Tuổi Trẻ phát động là một trong những cách làm đang tạo nên sự lan tỏa mãnh liệt. Mà trên hết, phải để tuổi trẻ được nhận thức được rằng, đoàn kết trong tuổi trẻ sẽ kết nối thành khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuổi trẻ sẽ là một hạt nhân tuyên truyền đến người thân, bạn bè khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Và con đường Hồ Chí Minh trên biển lịch sử nhất định là một bài học giáo dục lòng yêu nước trong thế hệ trẻ mãi mãi đến sau này…</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><span style="font-family: Arial;">“Đoàn tàu không số vượt trùng dương<br />
Dệt nên lịch sử một con đường<br />
Mai sau con cháu phát huy mãi<br />
Nghìn năm đất nước ấy kiên cường”</span></em></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">Nguyễn Trường Vũ (Đài phát thanh truyền hình Đồng Tháp)</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: right;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bài đạt giải khuyến khích chung cuộc hội thi Biển đảo quê hương</span></span></strong></em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>