<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center; "> </div>
<span style="font-size: small; ">
<div style="text-align: center; "><span style="font-family: Arial; "><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255); "> Học tập - con đường để phát triển và hoàn thiện con người </span></strong></span></div>
</span>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Khát vọng làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc đã trở thành mục tiêu cụ thể, đích thực của con người. Con đường để đi đến đích đó không gì khác hơn là phải lao động, học tập. </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><font face="Arial"><br />
</font></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Thời đại ngày nay, tri thức của loài người đã có những bước tiến lớn, được coi là thời kỳ “bùng nổ tri thức”. Tri thức mới tạo ra cơ hội cải thiện đời sống vật chất loài người, nếu quan hệ xã hội phù hợp sẽ thúc đẩy tri thức phát triển vượt bậc, trực tiếp tạo ra của cải nhiều hơn, không những có thể xóa đói, giảm nghèo mà còn nâng cao đáng kể cả về số lượng và chất lượng các hàng hóa, dịch vụ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><img width="400" height="300" alt="" src="081211-092905(1).jpg" /></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng coi trọng tri thức và cách mạng khoa học - kỹ thuật, song kết quả ứng dụng vào thực tế chưa được như mong muốn. Những năm gần đây, khoa học kỹ thuật hiện đại không chỉ phát triển về mặt lý luận, các ngành khoa học - kỹ thuật cũng có sự thay đổi sâu sắc. Nhận thức được điều đó, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học - kỹ thuật vì sự phát triển đột phá mấu chốt là ở con người, tức là công tác giáo dục và đào tạo.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Sự nghiệp phát triển giáo dục, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho việc học tập của mọi người dân được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi đó là “quốc sách”, là nhiệm vụ hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, hàm lượng tri thức đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra mỗi sản phẩm xã hội, bởi cách làm hiện đại là bằng công nghệ được thiết kế trên cơ sở khoa học. Ai không đi theo con đường đó sẽ dậm chân tại chỗ, tụt hậu.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Kinh nghiệm của những nước phát triển cho thấy, coi trọng công tác giáo dục thì mới có thể nhanh chóng chuyển từ nghèo thành giàu, nếu không đầu tư cho phát triển giáo dục thì rất khó xóa bỏ nghèo đói, cho dù nhất thời kinh tế có thể phát triển đi lên, nhưng sẽ không bền vững.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Học tập theo nghĩa rộng, không chỉ bó hẹp trong các nhà trường đang thực sự trở thành một yêu cầu cấp bách. Ngay cả trong công tác tư tưởng, lý luận cũng vậy. Chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách là một học thuyết khoa học phải được nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, đồng thời phải không ngừng được bổ sung, phát triển trong sự vận động không ngừng của thế giới. Nắm chắc chủ nghĩa Mác - Lênin là phải thường xuyên tính đến hiện thực đời sống xã hội, giải thích đúng đắn sự vận động của nó và vận dụng những nguyên lý cơ bản trong việc đề ra đường lối, chủ trương thích ứng với điều kiện đổi mới, phù hợp với xu thế thời đại. Sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ cách mạng đã chứng minh điều đó. Ngày nay, nhận thức đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin là phải nắm chắc điều kiện khách quan, chủ quan để phát triển những tư tưởng khoa học đó trong từng lĩnh vực cụ thể. Cả cuộc đời Bác Hồ là một tấm gương học tập vĩ đại. Bác học tập với tư duy nghiên cứu khoa học, biện chứng không sao chép. Suốt đời Bác học, dạy mọi người học, khuyến khích mở mang việc học.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Nghiên cứu cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Bác, chúng ta thấy đó là cả một quá trình học tập không ngừng. Lúc còn nhỏ, Bác được cha là một thầy giáo dạy học. Năm 1911, Bác quyết chí đi ra nước ngoài cũng là để học, để tìm đường cứu nước. Khi làm phụ bếp trên tàu biển, ngoài giờ làm việc, Bác đọc sách, luyện tiếng Pháp. Trong hơn 6 năm ở Paris, Bác trở thành nhà báo, nhà văn và là một diễn giả có tiếng. Thời gian ở Anh làm phụ bếp cho một khách sạn lớn, Bác bắt đầu học tiếng Anh. Hằng ngày, trước giờ làm việc Bác viết lên các cánh tay mấy từ để vừa làm, vừa tập đọc và mạnh dạn trong giao tiếp. Bác đã kết hợp những công việc mà chỉ người có ý chí cao, tâm huyết và khả năng tiếp thu tri thức giỏi mới có thể làm được. Nhờ những kiến thức sâu rộng, Bác đã tạo cho mình một phong cách suy nghĩ độc đáo, sáng tạo và tìm ra được con đường đi của cách mạng Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Ngày nay, để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một trong những giải pháp cơ bản là phải thúc đẩy xã hội học tập. Học tập để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu để nâng cao tri thức của mỗi người, làm tiền đề cho việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn thúc đẩy công tác giáo dục, tạo mọi cơ hội để phát triển khả năng học tập của mỗi con người. Mặc dù vậy, so với các nước trong khu vực, sự nghiệp phát triển giáo dục nước ta vẫn ở mức lạc hậu. Chúng ta đang vươn tới phổ cập tiểu học thì Hàn Quốc đã phổ cập đại học.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Mô hình của chủ nghĩa xã hội chưa có tiền lệ trong thực tiễn đang đòi hỏi phải có nhiều tài năng lý luận và thực hành sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tư duy xơ cứng giáo điều tồn tại trong một thời gian quá dài là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nước ta tụt hậu và có nguy cơ tiếp tục tụt hậu.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Điều đáng suy ngẫm là tư duy xơ cứng lại bắt nguồn từ nhà trường khoa cử khép kín; phát sinh từ chỗ nhà trường chưa thực hiện đúng nguyên lý học gắn với hành, lý luận với thực tiễn. Tại sao nước ta không duy trì và phát triển loại hình trường vừa học, vừa làm? Tại sao nước ta chưa có mô hình nhà trường gắn kết đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, mô hình trường - viện - doanh nghiệp, là những mô hình vốn đang khá phổ biến trên thế giới? </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Đẩy mạnh đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(1).</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Để phát huy cao độ nguồn lực trí tuệ, cần tăng cường dân chủ hóa nhà trường đại học, thực hiện quy chế dân chủ trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học công nghệ, phát huy mọi năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và sinh viên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Nước ta là một nước nông nghiệp trong lúc một bộ phận thế giới đã trải qua văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và tiến vào nền văn minh trí tuệ. Nước ta phải chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp và văn minh trí tuệ, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Làm thế nào để xây dựng một xã hội như vậy từ một xã hội nông nghiệp trong vòng hai mươi năm? Rõ ràng nước ta đang đứng trước "một thời kỳ đặc biệt, cần tìm ra cái mắt xích đặc biệt, phải dốc toàn lực nắm lấy và giải quyết" (Lênin). Cái mắt xích đặc biệt này chính là giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Mô hình tổ chức giáo dục của xã hội học tập là một nền giáo dục mở: mở ra toàn dân, làm cho mọi người đều được học, học cái đang cần, học suốt đời; mở ra thực tiễn kinh tế - xã hội, gắn với lao động sản xuất và hoạt động xã hội, gắn kết đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, trường - viện - doanh nghiệp; mở ra thế giới hiện đại: gắn kết đào tạo trong nước và ngoài nước, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài, nắm bắt công nghệ cao của thế giới, tăng sức cạnh tranh trên sân chơi trí tuệ toàn cầu; mở ra từ cái gốc người học và việc học suốt đời: giáo dục mở lấy người học và học suốt đời làm gốc, coi phát huy năng lực tư duy, năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề của người học vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp vừa là động lực phát triển giáo dục, giáo dục mở “vì người học, của người học, do người học”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Phổ cập giáo dục hiện nay tiến hành tuần tự từ bậc tiểu học, cần sớm được đổi mới theo chiến lược phổ cập giáo dục từ hai đầu: giáo dục cơ sở - đại học đại chúng trên hai chân: văn hóa - nghề nghiệp và bằng “ba mũi giáp công”: công lập - ngoài công lập - từ xa, vừa có những bước tuần tự vừa có bước nhảy vọt. Bước nhảy vọt tất yếu đáp ứng yêu cầu phát huy nội lực trí tuệ của Đảng chính là chất lượng đại học đi đôi với phổ cập sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Nhận thức sâu sắc việc học tập, nhất là đối với cán bộ, đảng viên là phải gắn học với hành, lý luận với thực tiễn. Đòi hỏi của cuộc sống là phải không ngừng nâng cao trình độ kiến thức, học cái mình đang cần, cái phải hướng tới. Học là để đáp ứng thực tiễn kinh tế - xã hội, gắn với lao động sản xuất và đáp ứng yêu cầu phát triển của thế giới.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Cán bộ, đảng viên hiện nay đều có trình độ, nhưng nếu dừng lại, không đọc, không học sẽ tụt hậu. Sự lạc hậu về kiến thức chuyên môn, tư duy lý luận xã hội, nhất là đối với đội ngũ những nhà lãnh đạo quản lý thì sẽ dẫn đến hậu quả là cản trở sự phát triển của xã hội. Có một thực tế là một số cán bộ, đảng viên có trong tay “bằng cấp thật” nhưng quá trình học tập chưa tương xứng với bằng cấp. Một số ít thì không chịu học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Họ thỏa mãn với những gì đã có, trong khi kiến thức của họ ngày càng bị rơi rụng không đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Bởi vậy, phải vận động người học tự giác, từ bỏ lối học nhồi cho cả đời hoặc thụ động tiếp thu một chiều. Xã hội không đủ trường lớp và điều kiện để cho mỗi cán bộ, đảng viên có thể học suốt đời trong nhà trường. Vì vậy, mỗi người phải chủ động tự học, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Chúng ta đã chứng kiến không ít người có kiến thức sâu rộng, học giả uyên bác là nhờ sự tự rèn luyện, tự học tập. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nói, muốn viết được "trong đầu phải có ba vạn cuốn sách, trong mắt phải thấy được hết núi non, hiểm trở". Tự học tập là tự đọc, tự nghiên cứu, lao vào cuộc sống để tiến tới sáng tạo. Tự học là quá trình cần mẫn, dày công suy nghĩ những điều mình đọc được trong sách vở, trong cuộc sống, phân tích lý giải những vấn đề của thời cuộc. Quá trình đó phải được thực hiện nghiêm túc, hằng ngày. Mặt khác, cũng phải thấy rằng giờ đây điều kiện để tự học nâng cao trình độ đã khác trước. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin đã làm thay đổi bản chất của việc tự học nhất là đối với những người có trình độ đại học. Nhờ có máy tính, đặc biệt là mạng Internet, kho tàng tri thức của nhân loại đã được lưu trữ, xử lý và trao đổi dễ dàng trên phạm vi toàn cầu, theo nhu cầu và không phụ thuộc vào vị trí địa lý cũng như địa vị xã hội của người sử dụng. Từ đó, xuất hiện phương thức đào tạo từ xa. Quá trình tự học qua mạng Internet đã khắc phục được tình trạng thiếu thông tin, thiếu tư liệu. Giờ đây người học lại bị quá tải thông tin, dư thừa tài liệu. Vấn đề là ở chỗ phải xác định rõ mục tiêu tự học, học cái gì, nhằm mục đích gì và khả năng xử lý thông tin của mỗi người. Đó là phương pháp nghiên cứu.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Cùng với quá trình đổi mới, phải xây dựng xã hội học tập, tức là tạo môi trường mới để mọi người có thể học tập qua nhiều kênh, bằng nhiều phương thức. Mỗi cấp ủy đảng cần hướng mục tiêu học tập vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương mình, trong tổ chức của mình, góp phần khuấy động tính tích cực trong hành động thực tế.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "> </span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Học tập rõ ràng đã trở thành một yêu cầu bức thiết của toàn xã hội, trước hết là với đội ngũ cán bộ, đảng viên, vì Đảng ta là đội tiên phong, tiêu biểu cho đổi mới và trí tuệ. Học tập để không ngừng nâng cao tri thức là tiền đề hết sức quan trọng để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đấu tranh chống lại những tư duy thiển cận và vụ lợi./.</span></span></div>
<div style="text-align: right; "> </div>
<span style="font-size: small; ">
<div style="text-align: right; "><span style="font-family: Arial; "><strong>TS. Đậu Ngọc Đản</strong></span></div>
</span>
<div style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">(Nguồn: Tạp chí Cộng Sản)</span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H 2011, tr 41</span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "> </span></div>
</meta>
</div> </html>