<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đường Kách mệnh - ngọn đuốc soi đường của cách mạng Việt Nam</span></span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng, nhưng có thể khẳng định rằng Đường Kách mệnh là một trong số các tác phẩm, mà những ý tưởng hàm chứa trong đó, không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo mà còn có sức sống mãnh liệt, có sức lay động sâu xa trái tim hàng triệu triệu người.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
1. Sinh ra và lớn lên khi phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu thời đó, dường như vẫn “đang ở trong đêm tối mà không có đường ra”, người thanh niên Nguyễn Tất Thành dù khâm phục ý chí và tấm gương cứu nước của các vị tiền bối cách mạng, song khác họ, Người đã chọn hành trình “tìm đường đi cho dân tộc” bằng một cuộc khảo nghiệm đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của nhiều quốc gia, qua nhiều châu lục. Sau gần 10 năm (1911-1920) bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản. Khi đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản, với một khát khao cháy bỏng về độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, Hồ Chí Minh đã tin tưởng chắc chắn rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An nam”[1]. Chọn Quảng Châu, Trung Quốc là điểm dừng chân để hoạt động cách mạng, tại đây, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên 6/ 1925, mở lớp Huấn luyện chính trị, ra báo Thanh niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán, đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Mác- Lênin, để chuẩn bị cho sự ra đời một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img height="424" width="336" src="Duong%20cach%20menh.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;">Tác phẩm Đường Kách mệnh xuất bản năm 1927</span></em></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đường Kách mệnh tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925-1927, do Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành và bí mật được chuyển về trong nước theo nhiều ngả đường khác nhau (1927-1930). Trong bối cảnh Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng về đường lối cách mạng, về phương pháp cách mạng và đặc biệt hơn là sự khủng hoảng về tổ chức cách mạng, hơn nữa, trong khi phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa phát triển, hướng theo khẩu hiệu của Lênin vĩ đại: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”, và ở Việt Nam với chính sách đàn áp hà khắc của thực dân Pháp: dư luận bị bưng bít thông tin, nhân dân bị đầu độc bởi văn hoá thực dân, thì những nội dung quan trọng của Đường Kách mệnh góp phần trang bị cho nhân dân tư tưởng mới của thời đại, đưa thế giới hội nhập với Việt Nam và đưa cách mạng Việt Nam hoà nhập cùng dòng chảy chung của cách mạng thế giới, càng trở nên có ý nghĩa lớn lao. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cuốn Đường Kách mệnh do lão đồng chí Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện công tố phúc thẩm Hà Nội sưu tầm được và tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngày 26/7/1959 (ông Đặng Xuân Thiều Vụ trưởng Vụ bảo tồn-Bảo tàng đã ký nhận trong hồ sơ). Cũng theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.182, cuốn sách này do chính Ông đem về Việt Nam vào khoảng mùa thu năm 1927, và phát cho nhiều đồng chí của ta đang hoạt động ở khắp nơi, trong đó có mấy đồng chí tỉnh Hải Dương- quê hương của đồng chí.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
2. Đường Kách mệnh hàm chứa những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, trong đó học thuyết Mác-Lênin được Người đưa vào Việt Nam theo cách của riêng mình thật giản dị, dễ hiểu, làm cho lý luận Mác-Lênin đến với Việt Nam như hạt giống tốt gặp mảnh đất mầu mỡ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đúng như Người đã viết: “Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh? Cách mệnh?! Cách mệnh !!!”[2].</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đường Kách mệnh đề cập trước tiên vấn đề Tư cách người cách mạng: Trong mục này, thông qua 23 điều răn, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Người cách mạng phải rèn luyện đạo đức cách mạng. Đảng Cộng sản - Bộ tham mưu tối cao của dân tộc chỉ kiên cường và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi được trang bị lý luận cách mạng tiên tiến, và bao gồm những con người có trí tuệ, có đạo đức cách mạng và trung kiên nhất. Đánh giá cao vai trò, vị trí của đạo đức, coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, liên quan đến sự thành bại của cách mạng, với một quan niệm mới, Hồ Chí Minh đã đưa vào nội dung đạo đức cách mạng bao hàm những vấn đề cơ bản về nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, về ý thức và phương pháp tư tưởng của giai cấp công nhân. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hồ Chí Minh đã coi việc giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản, nhằm xây dựng những con người cách mạng chân chính, tiến tới xây dựng một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng là một bài học quan trọng hàng đầu đối với tổ chức tiền thân của Đảng - Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, vì số đông lớp cán bộ khi đó, thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức. Có đạo đức cách mạng, những thanh niên tiểu tư sản trí thức đó, mới tiếp thu được tinh thần và bản chất của chủ nghĩa Mác Lênin, mới tự nguyện phấn đấu, quyết tâm hy sinh suốt đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Có thể nói, việc lấy tiêu chuẩn đạo đức làm một trong hai tiêu chuẩn (đức và tài) của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản, ngay từ khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sáng tạo độc đáo, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đường Kách mệnh xác định rõ mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, khẳng định con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Đó là quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường cách mạng Việt Nam, con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Tác phẩm nêu rõ cách mạng Việt Nam phải làm thành hai giai đoạn trên một nền tảng chung: Cách mạng dân tộc (quốc gia) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (quốc tế). Mục đích của cuộc cách mạng thứ nhất là giải phóng dân tộc. Mục đích, đối tượng, tên gọi, lực lượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam được chỉ ra rất cụ thể, đó là: “Bọn cường quyền này bắt dân tộc kia làm nô lệ như Pháp với An Nam. Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh”[3]. Cùng với việc chỉ ra tên gọi của các cuộc cách mệnh (Tư bản cách mệnh, Dân tộc cách mệnh, Giai cấp cách mệnh), Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước hết chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh” để “giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình” và khẳng định: Cuộc cách mạng thứ nhất (dân tộc cách mệnh) chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hoá. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đối tượng của “dân tộc cách mệnh” là đánh đổ chính quyền thuộc địa của Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng, vì công nông là những người bị tư bản áp bức “cho nên công nông là người chủ cách mệnh”, còn “học trò, nhà buôn nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”[4]. Làm rõ vấn đề lực lượng cách mạng và mối liên minh chiến lược giữa công nhân - nông dân và bầu bạn của họ trong khi thực hiện nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh”, Đường Kách mệnh đã tập hợp được tất cả những người Việt Nam yêu nước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Điều này đã được lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 82 năm qua chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đường Kách mệnh nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và việc lựa chọn mô hình nhà nước trong tương lai: Trên cơ sở nhận thức sâu sắc bản chất của thời đại mới, về nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, về vai trò của những nhân tố đảm bảo cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản đi đến thắng lợi cuối cùng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[5] . Cùng với những định hướng cụ thể về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, lực lượng và tổ chức tiền phong lãnh đạo cuộc cách mạng, Đường Kách mệnh cũng đồng thời nêu rõ vấn đề mô hình nhà nước trong tương lai khi cách mạng thành công, theo tinh thần: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[6].</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đường Kách mệnh khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc phải đi theo con đường của cách mạng tháng Mười Nga với một phương pháp cách mạng mới: Đó là, để tiến hành một cuộc cách mạng mà khi chính quyền được thành lập là của dân chúng số nhiều, Hồ Chí Minh đã hướng về một cuộc cách mệnh “đến nơi”, đó là, cách mạng Nga cũng dạy chúng ta rằng: “Muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”[7]. Như vậy, cùng với việc nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của thời đại và nắm bắt được tinh thần của học thuyết Mác - Lênin để giải quyết một cách triệt để nhu cầu ấy, Hồ Chí Minh đã đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, để giải phóng dân tộc và giải phóng con người bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng CNXH. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhận thức chính trị này đã đưa Hồ Chí Minh đến với định hướng cơ bản về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản và thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân theo mô hình nhà nước Xô - Viết. Đó chính là con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa. Như vậy, khác với cuộc cách mạng vô sản ở các nước chính quốc: giai cấp công nhân giải phóng mình, đi tới (giúp đỡ) giải phóng các dân tộc bị áp bức và sau đó là giải phóng nhân loại, theo Hồ Chí Minh, khi tiến hành Dân tộc cách mệnh để giành lại độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa đã giải quyết được một phần của nhiệm vụ giải phóng giai cấp, tạo cơ sở để đi tới giải phóng giai cấp hoàn toàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Không dừng lại ở đó, Đường Kách mệnh còn đồng thời chỉ ra phương pháp cách mạng: vận động quần chúng, tổ chức đấu tranh cách mạng, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng, v.v.. và thông qua đó tuyên truyền, giảng giải lý luận chủ nghĩa cho dân hiểu, để mọi người đồng chí, đồng đích, đồng lòng. Thông qua việc nêu rõ vai trò và cách thức tổ chức Công hội, Dân cày và Hợp tác xã, Đường Kách mệnh nhấn mạnh rằng: muốn tập hợp lực lượng của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên CNXH, nhất định và không thể không tổ chức, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng đó. Quần chúng tạo nên nguồn sức mạnh của Đảng và nếu không tập hợp, huy động được nguồn sức mạnh vô địch đó, Đảng sẽ không thể lãnh đạo cách mạng đi đến thành công được và điều này đã được tiến trình cách mạng Việt Nam chứng minh một cách sinh động.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đường Kách mệnh xác định cách mạng Việt Nam nằm trong dòng chảy của cách mạng thế giới: Theo đó, thông qua việc trình bày lịch sử Đệ nhất quốc tế, Đệ nhị quốc tế, Đệ tam quốc tế (Quốc tế cộng sản), phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa Đệ nhất quốc tế, Đệ nhị quốc tế với Đệ tam quốc tế thực hiện khẩu hiệu của Đệ tam quốc tế: “Vô sản giai cấp và các dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại!”, yêu cầu các Đảng cộng sản “phải hết sức giúp dân thuộc địa làm cách mạng” và đặt riêng một Ban chuyên nghiên cứu và giúp đỡ cho cách mạng bên Á Đông (Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản), Đường kách mệnh giáo dục cho các chiến sĩ cách mạng Việt Nam về chủ nghĩa quốc tế vô sản, và kết luận: “Xem những việc ấy thì đủ biết rằng An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”[8]. Chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, vấn đề đoàn kết dân tộc, giai cấp và quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, Hồ Chí Minh mở rộng tầm tư tưởng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam bằng quan điểm chủ nghĩa yêu nước chân chính không thể tách rời chủ nghĩa quốc tế vô sản và khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả”[9]. Ngoài ra, Đường Kách mệnh cũng giới thiệu về lịch sử, tổ chức của: Phụ nữ quốc tế, Công nhân quốc tế, Cộng sản thanh niên quốc tế, Quốc tế giúp đỡ (tổ chức Giúp đỡ của công nhân quốc tế), Quốc tế cứu tế đỏ, đồng thời khẳng định đó là nơi quy tụ, tập hợp và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng của Quốc tế cộng sản.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
3. Với một số trang không nhiều được trình bày trong 15 đầu mục lớn (cuốn sách hiện lưu tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam, dày 100trang, số trang được đánh theo từng phần, không đánh số liên tục và sau đó được Nxb. Sự Thật nay là Nxb. Chính trị Quốc gia in trong Tuyển tập Hồ Chí Minh 5/1980, tái bản 4/1982, dày 146 trang, khổ nhỏ và sau đó in trong Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản năm 1995- tập 2, bộ 12 tập; tập 2- bộ 15 tập, xuất bản năm 2010-2011), Đường Kách mệnh thực sự là văn kiện nền tảng lý luận đầu tiên, là cơ sở cho sự ra đời của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
85 năm đã trôi qua, những nội dung cơ bản mà Đường Kách mệnh đề cập đến như: cách mạng, con đường cách mạng, lực lượng cách mạng, Đảng Cộng sản, và các tổ chức quần chúng của Quốc tế cộng sản, của Đảng Cộng sản, về phương pháp cách mạng, về đoàn kết, v.v.. đóng vai trò quan trọng như cuốn Làm gì của V.I. Lênin, vẫn luôn là chiếc cẩm nang, là bó đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi qua những năm đấu tranh giành chính quyền, qua hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong những năm cả nước cùng đi lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt là trong 25 năm chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, vì một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Được viết rất ngắn gọn, nhưng cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, sau 85 năm, Đường Kách mệnh vẫn còn nguyên giá trị thời sự lớn lao. Không thể phủ nhận rằng, để có một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh đang ngày một phát triển, hội nhập cùng bạn bè quốc tế như hôm nay, cách mạng Việt Nam đã phải trải qua nhiều khúc ngoặt, nhưng vẫn giành được thắng lợi, vẫn kiên định con đường đã lựa chọn: Độc lập dân tộc và CNXH, ấy là vì, chúng ta có Đường Kách mệnh của Hồ Chí Minh soi đường, chỉ lối. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng, nhưng có thể khẳng định rằng Đường Kách mệnh là một trong số các tác phẩm, mà những ý tưởng hàm chứa trong đó, không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo mà còn có sức sống mãnh liệt, có sức lay động sâu xa trái tim hàng triệu triệu người. Không chỉ đem đến cho những người cách mạng Việt Nam trong những năm 20-30 của thế kỷ XX những vấn đề cốt lõi của học thuyết Mác – Lênin- ánh sáng tư tưởng của thời đại, 85 năm sau, dù thế giới đã nhiều đổi thay, thì những nội dung Đường Kách mệnh nêu ra, vẫn mang hơi thở của dân tộc và thời đại. Đó là con đường phát triển của nhân loại; là độc lập dân tộc và CNXH; là xây dựng một chính Đảng trong sạch vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho hệ thống lý luận của học thuyết Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta... </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: Dù thế giới có đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh thì sống mãi, vì vậy, hiểu đúng, nắm vững và vận dụng sáng tạo những gì Hồ Chí Minh đã từng viết cách đây 85 năm, cũng chính là nhận thức đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin trên mọi phương diện và không đi chệch mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Tuy nhiên, do đặc điểm và xu thế của thời đại ngày nay, từ những gì Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Đường Kách mệnh, thì mỗi nước đều phải có con đường riêng để hướng tới một mục đích chung, làm đúng thì thắng lợi, làm sai thì thất bại. Nhưng để kiên định mục tiêu và “làm cho đến nơi” trong bối cảnh vừa có thuận lợi vừa có thách thức khôn lường, trong khi quán triệt nguyên tắc phải giữ vững độc lập về lãnh thổ, độc lập về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng, thì càng phải nhận thức một cách sâu sắc hơn tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” - xứng đáng với vai trò tiền phong và đưa sự nghiệp đổi mới của chúng ta đi đến thắng lợi hoàn toàn thì một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải thực hiện thắng lợi Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" được thông qua ở Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua ./. </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>TS. VĂN THỊ THANH MAI</strong><br />
<br />
________________________________________<br />
<em>[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t. 2, tr 280<br />
[2]Hồ Chí Minh, Sđ d, t.2, tr. 262<br />
[3] Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr 265<br />
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr 266<br />
[5] Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr 267, 268<br />
[6] Hồ Chí Minh, Sđd , t.2, tr. 270<br />
[7]Hồ Chí Minh, Sđd , t.2, tr. 280 <br />
[8] Hồ Chí Minh, Sđd , t.2, tr. 287<br />
[9] Hồ Chí Minh, Sđd , t.2, tr.301 <br />
<br />
Theo Tạp chí Tuyên giáo</em><br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>