<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;">Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 2: Chuyện lạ ở R </span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-size: small;">Tại Trung ương Cục miền Nam (phiên hiệu B2, mật danh R), có rất nhiều những sáng tạo từ anh em chiến sĩ. Câu chuyện ấy, với những người chưa nghe, chưa thấy, chưa biết thì đó là những câu chuyện lạ. Còn với những người từng sống hàng ngày với những chuyện đó trở thành quen. Lạ mà quen là vậy. </span></em></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><img height="314" width="448" alt="" src="2.jpg" /></span></em></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;">Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp nhà báo Wilfred Burchett (Australia, phải) tại căn cứ </span></em></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;">Trung ương Cục.</span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><br />
Sáng tạo có một không hai</span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Câu chuyện về việc làm sao để gà mất tiếng gáy ở R là một câu chuyện thú vị. Ở R, gà trống phải mất tiếng gáy để giữ bí mật cho căn cứ. Sáng kiến bắt con gà trống không gáy được coi là độc đáo mà cho đến nay, chưa ai biết tác giả là ai. Thông thường, trước khi gáy, còn gà phải rướn cổ lên lấy hơi để tiếng gáy được thánh thót dài hơn. Muốn hạn chế được động tác rướn cổ lấy hơi trước khí gáy của con gà là phải “ghìm” nó lại. Có người tìm cách khâu cúp một đoạn cổ gà lại bằng dây dù. Nhưng làm vậy, mỗi khi chú gà trống “vui vẻ” với các cô gà mái tơ thì quá trở ngại. Hợp lý nhất là cho chú gà trống đeo vòng “kim cô” ở cổ để hạn chế mức rướn cổ trước khi gáy. Khi chú gà rướn cổ lên gáy, chiếc vòng sẽ kéo lại, gây đau nên tiếng gáy phát ra chỉ rè rè, còn mọi chức năng khác vẫn hoạt động bình thường.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Đại tá - bác sĩ Lê Hồng Quang, bác sĩ riêng của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam bộ) nhớ lại: “Nói đến R là phải nói đến loại đèn không khói sử dụng ở căn cứ. Ngày ấy, ai vào đến R, sớm muộn gì, bằng mọi cách, gần như ai cũng có một chiếc đèn dầu làm từ chai Alcool de Menthe đeo lủng lẳng bên thắt lưng. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Thuở ấy, coi như mốt thời thượng chứ chẳng chơi”. Năm 1964, nhà báo Wilfred Burchett, người Australia là người nước ngoài đầu tiên thăm R. Ông thấy thắt lưng của bộ đội giải phóng, ngoài các trang bị phục vụ chiến đấu mà ông từng thấy như bang đạn, bi dông nước, lựu đạn, còn có thêm chai Alcool de Menthe. “Sau khi tìm hiểu kỹ, nhà báo Wilfred Burchett khoái chí, ông tự tay thao tác, mở nắp chai, ấn chỉnh sửa ngọn đèn và bật lửa đốt. Rồi ông cầm đèn đi trong rừng như một chiến sĩ giải phóng quân thực thụ” - bác sĩ Lê Hồng Quang nhớ lại. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Theo bác sĩ Quang, viên đạn carbine được bỏ ruột, đục thủng vỏ đạn và đầu đạn rồi đặt vào lọ Alcool de Menthe. Thật ngẫu nhiên khi lỗ được đục thủng của vỏ đạn lại vừa vặn để luồn chiếc ruột bút bi bằng đồng, trong ruột bút bi là tim đèn. Lò xo của bút bi cũng được sử dụng cho vào vỏ đạn để điều chỉnh bật tim đèn lên xuống. Từ kiểu dáng ban đầu, phong trào làm đèn vận hành theo cơ chế ấy, phát triển rất đa dạng, bằng nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau của các loại vỏ đạn thích hợp. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết thêm: “Ngoài loại đèn Alcool de Menthe, còn có phong trào làm đèn có ống khói bằng ống nghiệm y tế cắt bỏ phần đáy ống. Loại đèn này bình chứa dầu làm bằng bình mực parker hoặc chai lọ bất kỳ, miệng rộng 3-4cm, có nắp vặn kín. Nắp được khoét tròn ở giữa, có khi dùng đinh to đóng cho thủng nắp rồi mài giũa cho nhẵn. Một chiếc van xe đạp được lắp vào lỗ thủng của nắp, vặn chặt. Đầu van xe đạp được cắt bỏ để cho ngọn đèn được ló lên. Ưu điểm đặc biệt của loại đèn này là có ống khói tròn thẳng mà chất liệu thủy tinh của ống khói rất tốt, chịu được nhiệt độ cao nên đèn rất sáng”. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Đặc điểm độc đáo khác hẳn những loại đèn ống khói thông thường, kể cả đèn bão là cơ chế điều chỉnh ánh sáng to, nhỏ không phải vặn tim đèn lên xuống bằng bánh xe răng cưa áp sát tim đèn. Ở chiếc đèn này, tim đèn đứng nguyên giữ ở độ sáng cần thiết đáp ứng yêu cầu làm việc ban đêm giữa rừng. Để điều chỉnh, người sử dụng xoay phần ống bao bên ngoài van chứa tim đèn. Đặc biệt hơn, khi có máy bay ban đêm, chỉ cần vặn đèn nhỏ xuống chứ không phải tắt đèn như loại đèn Alcool de Menthe. Từ khi có loại đèn này, các lãnh đạo Trung ương Cục rất chuộng vì có thể sử dụng làm việc vào ban đêm rất an toàn. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
“Nói đến chuyện đánh nhau, đào công sự thời chiến, mọi người đã nói nhiều nên nói chuyện uống trà thời chiến có vẻ thảnh thơi quá. Đúng là trong kháng chiến, ai cũng nếm mùi gian truân, chịu đựng đủ mọi khó khăn, thiếu thốn nhưng không chỉ có thế, người làm cách mạng cũng có những lúc thảnh thơi” - bác sĩ Lê Hồng Quang tâm sự. Tiếp nối phong cách uống trà thời 9 năm chống Pháp theo kiểu “uống trà quạu”, nghĩa là pha trà đậm đặc bằng chung nhỏ, thời ở R, bộ đội ta dùng chiến lợi phẩm thu được sau mỗi lần giáp lá cà với lính Mỹ là bộ bình toong và ca uống nước để pha trà. Anh em ở R cho trà vào ca, dùng bình toong nước sôi úp vào ca để uống dần. Đó là bộ dụng cụ uống trà mà bộ đội giải phóng sử dụng thường xuyên ở R. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><br />
Đám cưới ở R</span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1972 cũng là lúc tại R, nhiều đám cưới được tổ chức khá tưng bừng. Đám cưới của ông Phạm Thanh Dân (C15 – Khối trực tiếp phục vụ) và bà Đặng Thị Xới (y sĩ tại C18 – Trạm xá Trung ương Cục miền Nam) là một kỷ niệm khó quên với hai ông bà. Bà Đặng Thị Xới nhớ lại: “Lúc đó, khi báo cáo đơn vị xin được tổ chức đám cưới, anh em trong đơn vị thường chọn những ngày lễ để tổ chức, vừa là để kỷ niệm, vừa để anh em bạn bè có điều kiện chung vui. Đám cưới của chúng tôi tổ chức ngày 19-5-1973, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ”.</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><img height="302" width="448" alt="" src="3.jpg" /></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;">Một buổi liên hoan văn nghệ tại Trung ương Cục.</span></em></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;">“Hồi đó, tôi làm y sĩ nên mới nghĩ ra cách lấy hồ sơ của bệnh nhân không dùng nữa làm cái phong bì be bé. Thiệp mời là mảnh giấy poluy mỏng dính, nhỏ tí xíu vốn để ghi đơn thuốc. Có vậy thôi mà đồng đội hay tin đến rất đông. Anh em trong đơn vị hái bông mắc lẹo ở rừng để trang trí bàn thờ Bác Hồ. Ông xã tôi từ mấy hôm trước đã chặt ít gỗ rừng đóng tạm chiếc giường tân hôn, bởi ở rừng, anh em chủ yếu dùng võng, chẳng mấy ai dùng giường” - bà Đặng Thị Xới kể. Trước đó mấy hôm, khi nghe tin bà cưới, có một đồng đội hỏi bà: “Đám cưới, em muốn đãi mọi người món gì?”. “Chắc em làm kẹo đậu phộng nhưng tới giờ, đậu chưa có mà đường cũng không” - bà Đặng Thị Xới trả lời. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Biết chuyện, hai hôm sau, khi đi ngang đơn vị, người bạn đó xách theo bao đậu phộng và một ít đường đỏ gọi là quà cưới. Vậy là chị em trong đơn vị xúm nhau làm kẹo đậu phộng. Bà Đặng Thị Xới còn nhờ người quen đi công tác, mua hộ bên Nam Vang (Campuchia) 10 trái dừa khô để làm mứt dừa. Đãi khách còn có món chuối ngào làm từ chuối xanh xắt miếng ngào qua đường đỏ. “Có vậy mà đám cưới rất đông vui, anh em đến chúc mừng cả trăm người. Cô dâu mặc bà ba đen, chú rể mặc quân phục rất tề chỉnh. Anh em còn vui đến tận đêm sau chầu cháo con dọc do chính tôi săn được trước đám cưới. Đêm tân hôn của chúng tôi ngay tại nhà nghỉ của đơn vị bà ấy. Mấy chị em ở chung nhường phòng cho đôi vợ chồng mới cưới” - ông Phạm Thanh Dân nhớ lại.<br />
</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<table cellspacing="1" cellpadding="1" border="1" style="width: 521px; height: 272px;">
<tbody>
<tr>
<td><strong><span style="font-size: small;"><br />
• Ông Đỗ Doãn Bình, Phó phòng Văn thư - Lưu trữ Trung ương Cục miền Nam:</span></strong>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
"Năm 1967, Mỹ mở trận càn Junction City, có ý định vây kín quần thể cơ quan đầu não của Trung ương Cục với 45.000 quân, hàng trăm máy bay, xe tăng, xe bọc thép. Tại căn cứ Văn phòng Trung ương Cục, các vùng trống, chúng đều đổ quân bao vây như đồi Chàng Riệc, trảng Dầu, trảng Ba Mặt, bào Cây Me... Thường vụ Trung ương Cục được hộ tống đến căn cứ dự bị bên kia biên giới an toàn, còn lại là những nhân viên Trung ương Cục, còn gọi là “lính kiểng” trở thành du kích. Chúng tôi đánh kiểu du kích, linh hoạt theo từng bước chân hành quân của địch, chỉ nổ súng tự vệ khi chúng phát hiện. Ban ngày chúng lùng sục sâu vào căn cứ bỏ hoang. Tiếng binh khí khua vào nhau, tiếng xì xồ làm chúng tôi dễ phát hiện phương hướng, lặng lẽ bám theo chúng. Chúng tôi cứ bám sát bìa rừng, nơi chúng đóng quân, vừa tránh pháo, vừa dưỡng sức an toàn. Sau hai tuần quần thảo với Mỹ, qua cách đánh sáng tạo trên, chúng tôi được rút về hậu cứ an toàn, không ai thương vong"</span></div>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;">A CHÂN - L NGỌC - M HƯƠNG</span></strong><span style="font-size: small;"><br />
</span><em><span style="font-size: small;">(Theo báo Sài Gòn giải phóng)</span></em><span style="font-size: small;"><br />
<br />
</span></div>
</meta>
</div> </html>