<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center"><span style="color: #0000ff"><strong><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small">Thanh niên học lịch sử để tiếp tục làm nên lịch sử</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Đầu công nguyên, người Việt chưa có thói quen dùng lịch tính tuổi, cho nên không ai biết chính xác tuổi của Trưng Trắc và Trưng Nhị lúc “phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân” năm 40 là bao nhiêu. Chỉ biết rằng Hai Bà còn rất trẻ (người chị là Trưng Trắc mới lấy chồng là Thi Sách), “hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay” . Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, giới quần thoa yếm đào đã dựng được nghiệp bá vương, làm nên trang sử mới cho đất nước thời Việt Cổ, mở ra một tiền lệ cho tuổi trẻ biết phương cách làm chủ giang sơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"> </div>
<div style="text-align: center"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><img alt="" src="1.JPG" /></span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Vài trăm năm sau, nữ tướng Triệu Thị Trinh (226-248) ở tuổi 19 đã cùng anh trai “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ”. Sử sách ghi “Triệu Ẩu (tức Bà Triệu) là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay” . Xem cách thức hành động và phong cách ứng xử ấy đủ biết là những lớp thanh niên thời chống ách đô hộ phương Bắc đã dũng mãnh lắm; dù là phận gái nếu “Gặp cơn thảo muội cơ trời, Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang. Đầu voi phất ngọn cờ vàng, Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha” . Nghĩa là thanh niên có thể làm được tất cả những gì mà lịch sử cần đến.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Suốt nghìn năm chống ách đô hộ bạo tàn ấy, còn nhiều dũng tướng nữa, phần lớn đều ở tuổi thanh niên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Sau hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư gia công chỉ bảo nên Lý Bí ở tuổi 18 đã trở thành người học rộng, hiểu sâu, ít người sánh kịp, văn võ kiêm toàn, được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Năm 544, lên ngôi đặt niên hiệu là Thiên Đức (đức trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Phùng Hưng lúc trai trẻ là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt, có tài đánh trâu, giỏi mưu kế quật hổ ở đất Đường Lâm, đem lại bình yên cho làng xóm. Về sau trở thành người anh hùng đầu tiên đánh chiếm lại thành Tống Bình (năm 791) trị sở của chính quyền đô hộ lúc đó.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, quốc gia phong kiến Đại Việt có hơn 10 vương triều kế tục, có những vương triều (Lý, Trần, Lê Sơ) kéo dài hàng trăm năm; đa số những người thiết lập các vương triều là ở thời tuổi trẻ hoặc còn rất trẻ (tuổi 20-40). </span></span></div>
<div style="text-align: justify"> </div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small">Lê Hoàn năm 27 tuổi (968) đã trở thành Thập đạo tướng quân (tướng chỉ huy mười đạo quân), Điện tiền đô chỉ huy sứ tổng chỉ huy quân đội cả nước Đại Cồ Việt. Sau lập vương triều, đích thân cầm quân phá Tống bình Chiêm, đánh dẹp sự nổi dậy của các thế lực cát cứ và xâm lấn, trực tiếp chuẩn bị cho quá trình Nam tiến, mở rộng thêm cương giới lãnh thổ của quốc gia Đại Việt.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Lý Thường Kiệt tuổi trẻ ngày luyện cung kiếm bày trận đồ, đêm chong đèn đọc binh pháp, năm 20 tuổi đã trở thành người thanh niên khôi ngô tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn, có chí khí, thích nghề võ, được đưa vào cung vua. Sau trở thành danh tướng có công đánh tan quân Tống, là tiền nhân của binh pháp “Tiên phát chế nhân” và đánh đâu thắng đấy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam bên ngoài Hội nghị Bình Than thế kỷ XIII chỉ là một ví dụ về tuổi trẻ thời đất nước có biến; khi giương lên cờ “Phá cường địch, báo Hoàng ân” cũng là lúc Trần Quốc Toản mới chuẩn bị bước vào tuổi thanh niên mà thôi.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"> </div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small">Nguyễn Huệ ở tuổi thanh niên là một trong những đầu lĩnh, khai sáng và phát triển Võ phái Tây Sơn Bình Định. Năm 1771 vào tuổi 18 đã cùng anh phất cờ Tây Sơn khởi nghĩa, mở đường diệt Trịnh - Nguyễn, thu phục giang Sơn, phục diệt Xiêm, đại phá Thanh, dựng cơ đồ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Thế mới biết thanh niên trai tráng đất Đại Việt đã làm rạng danh quốc gia dân tộc hùng cứ ở phương Nam. Không chỉ đánh giặc, chống lại nền cai trị tàn bạo, mà còn từng bước tiếp thu những thành tựu văn minh Trung Hoa để làm giàu thêm vốn liếng văn minh dựng nước (Văn minh sông Hồng) của dân tộc, làm cơ sở cho việc sau đó dựng nền độc lập dài lâu cho quốc gia phong kiến Đại Việt. Các vua Trần sau tuổi “Tam thập nhi lập” đều lui về sau làm Thái thượng hoàng và tạo điều kiện cho hoàng tử trẻ tuổi chấp chính, sớm làm quen việc trị nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Thời cận đại bi thương trong họa mất nước, nhưng trong đó lại lớn khôn những thế hệ thanh niên biết chớp cơ hội canh tân đất nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Chàng thanh niên Bạch Thái Bưởi, mới 21 tuổi (1895) đã có mặt ở chợ đấu xảo Bordeux (Pháp), tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây. Về nước, dốc hết vốn liếng hùn với người Pháp để được lãnh thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình làm cầu Long Biên… Bạch Thái Bưởi lao vào những lĩnh vực kinh doanh mới mẻ mà chính ông và nhiều người Việt Nam trước đó chưa hề nghĩ tới, thể hiện “gan làm giàu” từ hai bàn tay trắng; được xếp vào tốp tứ (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi) những người giàu có nhất Việt Nam đầu của thế kỷ 20.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, một tổ chức của thanh niên được Nguyễn Ái Quốc thành lập lĩnh hội sứ mạng trọng đại bậc nhất của dân tộc: truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam. Một trong số 8 thanh niên nòng cốt cùng mang bí danh họ Lý của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lúc bấy giờ là Lý Tự Trọng. Tuổi 16 có khi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng câu trả lời của Lý Tự Trọng năm 1931 thì hơn tám thập niên qua cả dân tộc phải giật mình về độ chín của người thanh niên 16 tuổi này. Anh nói “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Võ Thị Sáu bước vào tuổi thanh niên đã là chiến sĩ trinh sát của Đội Công an Xung phong Đất Đỏ, tham gia nhiều trận đánh. Nhỏ tuổi nhất đội nhưng là người đưa ra ý kiến táo bạo nhất: đánh địch ngay hang ổ chúng, đánh ngay tại nơi chúng gây tội ác. Bị tử hình lúc 19 tuổi (1952) Võ Thị Sáu không cần “rửa tội”, không cho bịt mắt để được nhìn non sông, đất nước lần cuối và hiên ngang hô to những khấu hiệu, nói những lời khẳng khái, bất khuất khiến quân giặc khiếp sợ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Người thanh niên Nguyễn Thái Bình làm một chuyện chưa từng có trong lịch sử Đại học Washington, tại lễ tốt nghiệp, thay vì bài phát biểu cảm ơn Chính phủ Mỹ đã cấp học bổng, anh đọc bài diễn văn “Nợ máu” với lời tuyên bố: “Tôi tin rằng lương tâm nhân loại vẫn còn ở mỗi con người. Tôi kêu gọi tất cả các bạn hãy lên tiếng vì hòa bình, đứng về phía công lý và giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm kết thúc cuộc chiến phi nghĩa, phi nhân và tàn bạo này”. <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify"> </div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small">Tại Sài Gòn giữa năm 1972, người thanh niên 24 tuổi Nguyễn Thái Bình trước khi ngã xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đã kịp viết bức thư gửi cho Tổng thống Nixon, loan báo “Trái bom duy nhất của tôi chỉ là trái tim con người của tôi, một trái tim có thể nổ tung vì tôi chấp nhận hi sinh cho đại nghĩa để kêu gọi yêu thương, để khôi phục niềm tin của con người nơi công lý, để thức tỉnh lương tâm của kẻ thù. Nếu tôi có bị giết thì cả triệu người Việt Nam sẽ thay thế tôi chiến đấu cho tới ngày nào chúng tôi chấm dứt cuộc chiến tranh”.</span></span></div>
<div style="text-align: center"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
*<br />
* *</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Lịch sử như một suối nguồn không phải tự nhiên mà có, nó do nhiều thế hệ đi trước – trong đó chủ yếu là thanh niên, tuổi trẻ, khơi dòng để chảy mãi hàng ngàn năm. Bài học lịch sử không phải do thiên cơ nào viết ra, những trang vàng hay đỏ của lịch sử chỉ có thể do những con người có tri thức viết nên, trong lúc thực hiện những nhiệm vụ yêu cầu mà lịch sử đặt ra.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Cách mạng là xóa bỏ cái cũ, thay thế cái mới tiến bộ hơn. Tương tự thế, con đường cách mạng ở Việt Nam thời chiến tranh là quá trình vận động và đấu tranh để đi tới lật đổ chế độ thực dân áp bức bất công, xây dựng một xã hội mới tiến bộ, dân chủ và bình đẳng. Dân tộc Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đến nay đặt ra nhiệm vụ lịch sử cho những thế hệ thanh niên: đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa dân tộc đi lên thịnh vượng với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Câu nói bất hủ của “Trọng con” ngày ấy - “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác”, trở thành kim chỉ nam cho thế hệ thanh niên phấn đấu và rèn luyện.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Đi theo con đường ấy, các thế hệ thanh niên trong nền dân chủ cộng hòa của Việt Nam đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Ngày nay, đất nước không còn chiến tranh, cuộc sống hối hả với nền nền kinh tế thị trường, khái niệm “cách mạng” trở nên mơ hồ. Ai cũng có thể viết và nói thông thạo cụm từ “xây dựng đất nước phồn vinh, đưa lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, nhưng hầu như ít người hiểu đó chính là sự nghiệp cách mạng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Vẫn còn đó sự khao khát của người thanh niên ngày nay cũng như trong lịch sử: lòng yêu nước nồng nàn, biết chịu đựng gian khổ, yêu lao động sáng tạo, xông pha vào những trận tuyến mới như sáng tạo khoa học kỹ thuật, phát triển kinh doanh… Họ xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm, khát khao được cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc, nỗ lực cống hiến cho xã hội, góp phần cho đất nước giàu mạnh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Lý tưởng của thanh niên và con đường cách mạng không phải là cái gì xa lạ hay quá sức của tuổi trẻ, nó gần gũi cụ thể với mỗi người tuổi trẻ như là đến trường, đi làm, vào phòng thí nghiệm, mua một cuốn sách… hay khi nghĩ về sự cống hiến cho cộng đồng nơi mình đang sống, giúp đỡ những người xung quanh sống tốt đẹp hơn…</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Lý tưởng của thanh niên ngày nay cũng vẫn như trong lịch sử: không chỉ là nhận thức mà còn là hành động. Đã có người nói đến “Cách mạng bản thân” để xây dựng lý tưởng và giác ngộ con đường cách mạng. Có thể cần như thế cho những người muốn thoát hẳn ra khỏi đám nhỏ nhoi u mê bệ rạc; nhưng với thế hệ thanh niên đích thực của đất nước được lịch sử chọn “Đứng đầu sóng ngọn gió”, thì nghĩ và làm theo mấy điều đơn giản này thôi: có đạo đức, có tri thức, dám ước mơ và cố gắng thực hiện nó, thế cũng đủ làm hành trang trên con đường cách mạng của thế hệ và của dân tộc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Lại nhớ những ngày đất nước vừa hòa bình thống nhất, hòa vào dòng người hăm hở bước vào giảng đường đại học ở khắp hai miền Nam - Bắc, có hàng nghìn sinh viên còn giữ nguyên trang phục bộ đồ xanh anh bộ đội cụ Hồ, đi dép cao su, đội mũ tai bèo. Có phải họ muốn mang vào học đường của thế hệ mới cái “dáng đứng Việt Nam” đã “tạc vào thế kỷ” (?) Không đâu. Đó chỉ là tư thế thứ nhất trong chiến tranh cách mạng, còn thời bình phải tạo tiếp tư thế thứ hai; và họ nhắc nhau “Mình lại đến trường trong bộ quân phục màu xanh - Như dạo hành quân chúng mình thường nói”. Thì ra họ đã chuẩn bị như thế từ ngày còn cầm súng đánh giặc trong đội hình thế hệ trước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Mỗi thế hệ đều có phần được chuẩn bị tiền đề, điều kiện, cả con người nữa, từ thế hệ trước, và phần tự làm lấy toàn bộ của mình. Do hoàn cảnh lịch sử mới, có chủ thể là những lớp người mới, các thế hệ cách mạng nối tiếp nhau có quá trình phát triển không giống nhau, nhưng không có khoảng cách nào về vai trò vị trí lớp tuổi trẻ trong đội hình lực lượng mỗi thế hệ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small"><br />
Học lịch sử không chỉ để ôn lại quá khứ, mà mục đích chính là để tiếp tục làm nên lịch sử. Và người thanh niên nên biết rằng: trang sử hay trang sách chỉ thực sự được viết tiếp bởi những người được giác ngộ bài học lịch sử từ thế hệ đi trước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify"> </div>
<div style="text-align: right"><strong><span style="font-family: Arial"><span style="font-size: small">PGS-TS Hà Minh Hồng<br />
Khoa Lịch Sử trường Đại học KHXH-NV<br />
- Đại học Quốc gia TP.HCM</span></span></strong></div>
<div style="text-align: right"><strong> </strong></div>
<div style="text-align: justify"> </div> </html>