<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: left;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Trận đánh cầu Rạch Chiếc trước ngưỡng cửa Sài Gòn: </span></span></strong></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<span style="color: rgb(0, 0, 255);">
<div style="text-align: center;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam:</span></span></strong></div>
</span>
<div style="text-align: justify;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong> </strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">38 năm về trước, cầu Rạch Chiếc là một trong ba cây cầu huyết mạch ở hướng Đông dẫn vào Sài Gòn. Cho nên, việc đánh, chiếm và giữ các cây cầu có ý nghĩa quyết định trong việc mở đường tạo bàn đạp cho các đại quân của ta tiến vào Sài Gòn. Chính vì vậy, tại đây lúc 3h sáng ngày 27/4 đã diễn ra trận đánh quyết liệt giữa đặc công của ta chỉ gần 200 người (Z22, Z23, D81 thuộc Lữ đoàn 316- Lữ đoàn đặc công biệt động) với hơn 2.000 lực lượng địch được trang bị vũ khí mạnh. </span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></div>
<div><strong>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Thà hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ</span></span></div>
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Việc đánh chiếm và giữ vững cầu Rạch Chiếc, ngay sát "Thủ đô" của quân Mỹ- Ngụy trong điều kiện địa hình trống trải, giữa vòng vây của địch, là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề đối với cán bộ và chiến sĩ đặc công. Và dẫu biết rằng đây sẽ là trận đánh gay go quyết liệt có thể hy sinh, đổ máu NHƯNG các chiến sĩ đặc công của ta đều phấn khởi chuẩn bị cho trận đánh.<br />
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Chính ủy cánh Bắc Lữ đoàn 316 cho biết, trong trận đánh quyết tử này đã có 52 anh em chiến sỹ phải thương vong. Trong đó, có những chiến sỹ đã hy sinh một cách cao cả để anh em trong đơn vị tham gia trận đánh được bảo toàn lực lượng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đại tá Nguyễn Văn Tàu kể lại: Dưới sức ép nặng nề của đông đảo lực lượng quân địch, đến trưa 12 h ngày 27/4 anh em chiến sỹ phải băng qua sông rộng lui về ém quân. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh ngay dưới dòng sông cầu rạch Chiếc. Chiến sĩ liên lạc Võ Văn Tần dù bị gãy chân nhưng vẫn dùng lưu đạn quyết tử với giặc, diệt được 5 tên nhưng anh bị bắt, tra tấn dã man suốt mấy giờ liền vẫn không khai một lời. Một tên ác ôn đã dọa dồng chí Tần nếu không khai sẽ mổ bụng, nhưng đồng chí đã đáp trả lại rất đanh thép: Tao chết chỉ chết một mình, còn chúng bay ngay sau đây sẽ bị tiêu diệt sạch.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đến 3h chiều, lúc bấy giờ súng đạn cũng hết và nhận thấy ở đây cũng không làm được gì nên anh em quyết định rút ra ngoài bìa rừng để bảo toàn lực lượng. Trong khi mình rút, lính địch tràn lên truy kích. Thấy vậy đồng chí Nguyễn Văn Thất không chần chừ nói anh em cứ rút đi để anh ở lại chặn địch. Anh đã ở lại đầu cầu chặn đường truy đuổi của địch, một mình đánh đến khi hết đạn, địch bắt được và chặt anh làm đôi ném xuống bãi cỏ. “Sự hy sinh của các anh đã gây sự xúc động lớn cho toàn đơn vị. Ai nấy cũng đều quyết tâm sẽ chiến đấu để giữ được cầu xứng đáng với sự hy sinh của các anh.” – Đại tá Nguyễn Tư Cang bồi hồi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Kiên quyết chiếm giữ được cầu</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
23h ngày 26/4, các đơn vị bắt đầu vào vị trí để chuẩn bị đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Đến 3h sáng ngày 27/4 quân ta bắt đầu tấn công địch. Do bị bất ngờ tấn công dồn dập, địch không kịp phản ứng, chúng bỏ công sự ra ngoài. Trận đánh diễn ra thuận lợi, quân ta làm chủ trận địa, lực lượng không bị thương vong. Tuy nhiên, việc giữ cầu lại không hề được thuận lợi như mong muốn của các chiến sỹ. Vì vậy, phải đến lần thứ hai tấn công, quân ta mới giữ được cầu. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trung úy Nguyễn Đức Thọ (chiến sỹ thuộc Z23), người được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên diệt chòi canh của địch để mở màn cho trận đánh tâm sự: Khi tôi bắn xong, cùng lúc anh em dùng thủ pháo lựu đạn, hỏa lực B40, 41 bắn liên tục các mục tiêu…Một số tên địch còn sống bỏ chạy. Đến 3 giờ 15 phút ngày 27/4, quân ta đã nhanh chóng làm chủ trận địa và chiếm giữ lô cốt, doanh trại bên cầu Rạch Chiếc và làm nhiệm vụ giữ cầu chờ quân tiếp quản. Nhưng đến sáng ngày 27/4 quân địch kết hợp bộ binh, xe tăng, tàu chiến và máy bay trực thăng phản kích để chiếm lại cầu. Cứ mỗi lần tấn công không thành chúng lại lùi ra dùng pháo binh và trực thăng bắn phá dữ dội vào các vị trí chốt giữ của ta. Sau nhiều lần như vậy chúng thấy dùng đạn pháo thường không hiệu qủa nên chuyển sang dùng đạn pháo chụp, đạn nổ từ trên không 5 đến 7 mét mảnh đạn chụp xuống, cuộc chiến trở nên rất khốc liệt. Lúc này, đạn dược trang bị cá nhân cạn kiệt, một số đã hy sinh, có đồng chí bị bắt, đơn vị được lệnh rút về rừng dừa nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tuy nhiên, đến tối ngày 29/4/1975, đơn vị lại được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc không để địch phá theo đúng kế hoạch của chiến dịch cũng như để đón các đại quân từ hướng Đông vào Sài Gòn. Vì vậy, anh em chiến sỹ còn lại của Z22, Z23 đã nhanh chóng sắp xếp đội hình để chuẩn bị đánh cầu lần thứ 2. Đúng 5 giờ sáng ngày 30/4, đơn vị của ta nổ súng chiếm cầu. Lúc này quân địch thất trận từ Xuân Lộc và Long Thành dồn về đây rất đông nhưng tinh thần của chúng vô cùng hoang mang, nên khi ta nổ súng chúng chỉ chống trả yếu ớt rồi vứt bỏ vũ khí súng đạn tháo chạy tán loạn. Ta lại nhanh chóng chiếm giữ cầu. Từ lúc này đây Cầu Rạch Chiếc được giữ vững. Đến 9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng của lữ đoàn 203 Quân giải phóng thọc sâu vào thành phố, lao qua cầu, tiến về Giải phóng Sài Gòn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày nay, cây cầu Rạch Chiếc vẫn đang có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nối các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung… với TP. Hồ Chí Minh. Hiện, cầu Rạch Chiếc đã được xây mới có chiều dài 295m, rộng 38,5m đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố, góp phần nâng cao vị thế của TP.Hồ Chí Minh năng động. Có thể thấy, dù trong thời chiến hay thời bình, cây cầu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Đồng thời, trong lòng thế hệ con cháu Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ chiến công anh dũng của những chiến sỹ đặc công trong trận đấu quyết tử trước ngưỡng cửa Sài Gòn năm xưa.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>Theo TTXVN<br />
</strong><br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>